CO3 điều tra Nhà máy nước sông Đuống và câu chuyện pháp lý

Thứ năm - 08/10/2020 06:23
(TVLMP) – Xung quanh việc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm (C03) Bộ Công an vừa đề nghị cơ quan chức năng TP Hà Nội cung cấp tài liệu liên quan đến dấu hiệu sai phạm xảy ra tại Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nước mặt sông Đuống, thuộc Cty CP Nước mặt sông Đuống (Tập đoàn Aqua One) đã và đang đặt ra nhiều dấu hỏi lớn về trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan, trong đó có chủ đầu tư và UBND TP. Hà Nội. Bài viết sau đây của Luât gia Vũ Lê Minh và nhóm PV sẽ phân tích và soi chiếu Dự án dưới góc độ thực thi các qui định pháp luật về Xây dựng và pháp luật về Giá có liên quan.
Toàn cảnh nhà máy sông Đuống
Toàn cảnh nhà máy sông Đuống

Dự án quan trọng giao tư nhân làm chủ đầu tư

 

Nhà máy nước mặt sông Đuống do Công ty CP Nước mặt sông Đuống (Tập đoàn AquaOne ) do bà Đỗ Thị Kim Liên làm Chủ tịch HĐQT làm chủ đầu tư, khởi công hồi tháng 3/2017 là nhà máy nước sạch sinh hoạt quy mô cấp I, với tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng (tương đương 224,4 triệu USD). Trong đó, vốn góp để thực hiện dự án là hơn 999,6 tỷ đồng (44,88 triệu USD), chiếm 20% tổng vốn đầu tư. Vốn vay là gần 4.000 tỷ đồng. Công trình được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Dự án được triển khai trên diện tích 65 ha, thuộc địa bàn hai xã Phù Đổng và Trung Màu, huyện Gia Lâm. Nhà máy đặt kế hoạch cấp nguồn nước sạch cho khoảng 3 triệu hộ dân tại 8 quận, huyện của thành phố Hà Nội. Trong đó mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ đồng, công suất 300.000 m3/ngày đêm. Tiếp nối giai đoạn này, dự án sẽ phát triển và mở rộng liên tục đến năm 2023 đạt 600.000 m3/ ngày đêm, đến năm 2030 đạt 900.000 m3/ ngày đêm, và sau năm 2030 đạt 1,2 triệu m3/ngày đêm.

Tháng 9/2019, hệ thống cấp nước bắt đầu vận hành, cung cấp khoảng 150.000 m3 nước sạch mỗi ngày đêm cho người dân Hà Nội. Đến 13/10/2019, lãnh đạo UBND TP Hà Nội nhấn nút phát nước giai đoạn 1 của dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống và phát động khởi công xây dựng giai đoạn 2 của nhà máy. Tuy nhiên, đến cuối tháng 10 năm đó, cơ quan giám định của Bộ Xây dựng vẫn chưa nghiệm thu.

Tại cuộc giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội ngày 12/11/2019, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Việt Hà cho biết tổng mức đầu tư của Nhà máy nước mặt sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng nhưng công ty này đi vay tới 80%, tương ứng khoảng 3.998 tỷ đồng. Khi nhà máy đi vào sử dụng, phí lãi vay tính vào giá nước 20%, tức khoảng 2.003 đồng mỗi m3 nước.

Cũng trong 12/11/2019, trong lần đăng ký thay đổi lần thứ tư (trong vòng 3 năm kể từ ngày thành lập), CTCP nước mặt sông Đuống chính thức trở thành công ty có vốn nước ngoài với vốn điều lệ 999,611 tỷ đồng, gồm 4 cổ đông. Trong đó cơ cấu tỷ lệ vốn góp, gồm: 51% vốn tư nhân (là Công ty Nước Aqua One do “shark” Liên là Chủ tịch HĐQT và người đại diện theo pháp luật), 34% vốn nước ngoài (là doanh nghiệp Thái Lan WHAUP); và 15% nguồn vốn ngân sách nhà nước (của 2 cổ đông tổ chức với 100% vốn nhà nước là Công ty TNHH Một thành viên Nước sạch Hà Nội (Hawaco) nắm giữ 10%; Công ty TNHH Một thành viên Ứng dụng công nghệ mới và Du lịch (Newtatco) sở hữu 5%.

                                       
NM
Nhà máy nước mặt sông Đuống đến nay vẫn chưa có văn bản cuối cùng chấp thuận kết quả nghiệm thu của Cục Giám định Bộ Xây dựng.


Tuy nhiên trong Hội đồng quản trị của Công ty nước mặt sông Đuống, tỉ lệ người Thái đang áp đảo 4/7, gồm các thành viên: ông Natthapatt Tanboon-Ek, bà Jareeporn Jarukornsakul, ông Vivat Jiratikarnsakil; ông Wisate Chungwatana.


Dự án có tuân thủ đúng các qui định Luật Xây dựng và pháp luật về Giá ?

Như vậy Dự án Nhà máy nước sông Đuống được đầu tư 100% từ nguồn vốn tư nhân, trong đó có tới 80% sử dụng nguồn vay của ngân hàng. Tuy nhiên đến tháng 11/2019, việc đăng ký thay đổi lần thứ 4, chủ đầu tư DA là Công ty CP nước mặt sông Đuống đã được điều chỉnh bổ sung 4 thành viên HĐQT là người Thái và 2 tổ chức là 2 Công ty TNHH có 100% vốn nhà nước, nắm giữ 15% vốn điều lệ.

Việc bổ sung thành viên HĐQT là người nước ngoài và 2 công ty có vốn nhà nước 100% là nằm trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Nếu chủ đầu tư sử dụng đúng mục đích nguồn vốn vay và việc điều chỉnh bổ sung thành viên HĐQT là người nước ngoài tuân thủ đúng quy định pháp luật thì không có vấn đề gì “cộm” lên.

Đến thời điểm này, những sai phạm được công khai và rò rỉ thông tin có liên quan đến DA Nhà máy nước sông Đuống, đó là: Chủ đầu tư tổ chức khánh thành Nhà máy và đưa vào khai thác trong khi chưa được cơ quan có thẩm quyền Bộ Xây dựng nghiệm thu; và giá bán nước đến người dân Thủ đô sử dụng cao hơn mức giá bán của các Nhà máy khác cùng khai thác trên địa bàn. Hành vi vi phạm của Cty CP Nước mặt sông Đuống đã từng bị Sở Xây dựng Hà Nội từng kiểm tra, xử phạt với mức 25 triệu đồng và 45 triệu đồng không có liên quan đến DA này.

1. Tháng 10/2019, trả lời với báo chí, đại diện Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) khẳng định, đến nay Cục vẫn chưa có văn bản cuối cùng chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư công trình Nhà máy nước mặt sông Đuống – giai đoạn I. Trong khi đó, chủ đầu tư dự án cho biết, nhà máy đã phát nước phục vụ người dân Thủ đô từ tháng 10/2018 đến nay.

Mặc dù tại thời điểm vi phạm, chủ đầu tư sử dụng hoàn toàn nguồn vốn tự có, nhưng đây là công trình có ảnh hưởng lớn đến an toàn cộng đồng và sử dụng tới 80% vốn vay tín dụng nên phải chịu sự điều chỉnh của Luật Xây dựng 2014 (khoản 4 Điều 132) và Nghị định số 46/2015/NĐ-CP về việc kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng (điểm c, khoản 1 Điều 32) và Điều 13 Thông tư số 26/2016/TT-BXD hướng dẫn về kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng.

Theo đó tại điểm b, d, khoản 2 và điểm c, khoản 4 Điều 32 Nghị định 46, công trình Nhà máy nước sông Đuống chỉ được phép khánh thành và đưa vào khai thác khi được Cục Giám định (Bộ Xây dựng) thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu và “ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư trong thời hạn 15 ngày đối với công trình cấp đặc biệt, cấp I hoặc 10 ngày đối với các công trình còn lại kể từ khi kết thúc kiểm tra”. Trước đó, tối thiểu 15 ngày dự kiến tổ chức nghiệm thu, chủ đầu tư Nhà máy phải gửi văn bản tới Cục Giám định đề nghị kiểm tra công tác nghiệm thu hạng mục công trình, công trình xây dựng đưa vào sử dụng.

Ngoài ra, tại Điều 13 Thông tư số 26/2016/TT-BXD hướng dẫn về kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng (đối với công trình được quy định tại Điều 32 Nghị định 46) còn quy định: Sau khi khởi công công trình, trong thời gian 15 ngày, chủ đầu tư phải báo cáo thông tin công trình bằng văn bản đến cơ quan chuyên môn về xây dựng. Cơ quan chuyên môn về xây dựng thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu không quá 03 lần, trừ trường hợp công trình có sự cố về chất lượng trong quá trình thi công xây dựng vào thời điểm kết thúc các giai đoạn thi công quan trọng như: móng và phần ngầm – kết cấu phần thân – cơ điện (thiết bị) và hoàn thiện. Kết thúc mỗi đợt kiểm tra, cơ quan chuyên môn về xây dựng thông báo kết quả kiểm tra bằng văn bản gửi chủ đầu tư.

Điều bất thường là trước khi khánh thành 4 ngày, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã có văn bản gửi đến chủ đầu tư và UBND TP Hà Nội đề nghị cân nhắc việc tổ chức khánh thành công trình, do chưa đủ điều kiện nghiệm thu để đưa vào khai thác, sử dụng. Tuy nhiên sau đó, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội vẫn tham gia khánh thành nhấn nút phát nước giai đoạn 1 của dự án và sau đó tiếp tục tham gia phát động khởi công xây dựng giai đoạn 2.

Hành vi sai phạm trên của chủ đầu tư phải chịu sự chế tài của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong hoạt động đầu tư xây dựng. Cụ thể tại Điều 17, quy định: “Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi đưa từng phần công trình, hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu theo quy định”.

Trường hợp, nếu chủ đầu tư “không gửi văn bản đến cơ quan có thẩm quyền đề nghị kiểm tra công tác nghiệm thu theo quy định” thì còn phải chịu thêm mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: “Trong thời hạn 01 tháng phải tổ chức nghiệm thu đối với hành vi quy định tại khoản 4 Điều này và buộc bồi thường thiệt hại cho bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (nếu có)”.

Ngoài ra, nếu cơ quan chức năng chứng minh được có dấu hiệu tội phạm thì có khả năng sẽ bị xem xét trách nhiệm hình sự theo Điều 298 BLHS 2015 trong trường hợp gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác.                

GS Trần Chủng

Theo PGS.TS Trần Chủng – nguyên Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, việc chủ đầu tư biết chưa nghiệm thu vẫn tổ chức khánh thành mời thành phố đến thì chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm. “Luật đã quy định rất rõ trách nhiệm đầu tiên không thể thoái thác được là trách nhiệm của chủ đầu tư. Chủ đầu tư làm ra sản phẩm thì phải biết được quy định, trách nhiệm phải tuân thủ pháp luật…Công trình phải đủ điều kiện mới tổ chức khánh thành. Đó là vấn đề chính nhưng nếu những cơ quan chức năng biết rồi mà vẫn lơ đi thì lại là vấn đề cần được xem xét”.


2. Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống từng gây xôn xao dư luận bởi giá nước được bán ra cao hơn bình thường. Trong khi mức giá của Nhà máy nước sạch Sông Đà là 5.000 đồng/m3, Nhà máy nước Lương Yên gần 7.000 đồng/m3, thì Nhà máy nước mặt sông Đuống đang áp dụng mức giá bán tạm tính là 7.700 đồng/m3. Trong khi đó, UBND TP. Hà Nội phê duyệt cho Nhà máy nước mặt sông Đuống được hưởng tới giá 10.246 đồng/m3.

Vào thời điểm đó để trấn an dư luận, cựu Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định, Hà Nội chưa mất một đồng nào bù giá cho nước sạch sông Đuống và chắc chắn là không bao giờ bù giá cho đơn vị này. Trong khi đó, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Việt Hà thừa nhận phí lãi vay tính vào giá nước khoảng 20%, tức là hơn 2.000 đồng/m3 nước. Có sự chênh nhau cao hơn, theo ông Hà là do chủ đầu tư phải đi vay tới 80%; suất đầu tư cũng cao hơn (Nhà máy sông Đuống đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, trong khi Nhà máy nước sông Đà đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng); nguồn nước đầu vào của sông Đuống phải xử lý bùn thải nhiều hơn, chi phí lớn hơn…

Giải thích trên của ông Hà không thuyết phục vì chưa đưa ra được sự khác biệt nào của Nhà máy nước mặt sông Đuống để dẫn tới sự khác biệt về giá. Câu hỏi đặt ra, quyết định của UBND TP. Hà Nội có đúng pháp luật ?

Trước hết về thẩm quyền ban hành biểu giá nước sạch sinh hoạt. Điều 54 Nghị định 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án giá nước và ban hành biểu giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn do mình quản lý, phù hợp với khung giá do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành”; “đơn vị cấp nước tự quyết định giá nước sạch cho các mục đích sử dụng khác bảo đảm phù hợp với phương án giá nước đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt”.

Được hiểu là, việc quyết định giá nước sinh hoạt của UBND TP. Hà Nội phải phù hợp với khung giá do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành. Còn đơn vị cấp nước (Nhà máy nước mặt sông Đuống) được quyền quyết định giá nước sạch cho các mục đích sử dụng khác nhưng phải bảo đảm phù hợp với phương án giá nước đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt. Trong khi đó, khung giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt do Bộ Tài chính ban hành tại Thông tư số 88/2012/TT-BTC ngày 28/5/2012: Đối với đô thị đặc biệt, đô thị loại 1 có giá tối thiểu 3.500 đồng/m3 và tối đa 18.000 đồng/m3.

Đối chiếu với khung giá do Bộ Tài chính ban hành cho thấy, việc UBND TP. Hà Nội phê duyệt cho Nhà máy nước mặt Sông Đuống được bán nước sinh hoạt với mức giá 10.246 đồng/m3 và chủ đầu tư áp dụng mức giá bán tạm tính là 7.700 đồng/m3 (mặc dù rất cao so với các Nhà máy khác trên cùng địa bàn) là không trái với quy định của pháp luật vì nằm trong ngưỡng khung giá của Bộ Tài chính ban hành.

Điều 51 Nghị định 117/CP quy định nguyên tắc tính giá nước sạch: Phải được tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí sản xuất hợp lý trong quá trình sản xuất, phân phối nước sạch bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị cấp nước và khách hàng sử dụng nước; bảo đảm quyền tự quyết định giá mua, bán nước trong khung giá, biểu giá nước do Nhà nước quy định; phải bảo đảm để các đơn vị cấp nước duy trì, phát triển, khuyến khích nâng cao chất lượng dịch vụ, góp phần tiết kiệm sử dụng nước có xét đến hỗ trợ người nghèo; và phù hợp với đặc điểm nguồn nước, điều kiện sản xuất nước của từng vùng, từng địa phương, từng khu vực…

Tuy nhiên, sai phạm của UBND TP. Hà Nội (nếu có), đó là nguyên tắc tính giá nước sạch để cấu thành mức giá nước cung cấp cho người dân Thủ đô không đảm bảo theo quy định tại Điều 51 Nghị định 117/CP và các văn bản có liên quan.

Kết quả đúng sai còn phải chờ kết luận của Cơ quan điều tra, nhưng rõ ràng là với mức giá mà UBND TP. Hà Nội phê duyệt tới 10.246 đồng/m3 (trong khi mức giá của Nhà máy nước sạch trên cùng một địa bàn cung cấp có giá chỉ từ 5.000 đồng/m3 – 7.000 đồng/m3, đặc biệt là chính đơn vị (Nhà máy nước mặt Sông Đuống) trực tiếp cung cấp cũng chỉ có mức giá 7.700 đồng/m3) khiến dư luận và người trực tiếp hưởng lợi không thể không hoài nghi có khuất tất. Thậm chí, một số chi phí khác Nhà máy nước Sông Đuống được xác định thấp hơn so với các Nhà máy khác trên cùng một địa bàn (Ví dụ như chi phí quản lý doanh nghiệp được tạm tính chỉ có 5%, trong khi Công ty sông Đà đang ở mức 8,7%).

Tuy nhiên ngay cả hành vi nói trên nếu có xảy ra thì các cán bộ có chức năng của UBND TP. Hà Nội sẽ bị xem xét xử lý theo quy định tại Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 khi có căn cứ xác định được hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ để vụ lợi (đối với giá nước do UBND TP đưa ra); hoặc nếu xác định được sự can thiệp không đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật vào quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực Giá (đối với giá của Nhà máy sông Đuống công bố) – theo quy định tại Điều 10 Luật Giá 2012.


Kiến nghị

1. Đầu tư sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch sinh hoạt tập trung cho cộng đồng, đặc biệt tại khu vực đô thị là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đã được cụ thể hóa tại Nghị định 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch. Theo đó, Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế, cộng đồng xã hội tham gia đầu tư phát triển và quản lý hoạt động cấp nước. Chủ thể đầu tư sẽ được Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương ưu tiên quỹ đất cho việc xây dựng các công trình cấp nước; được ưu tiên khai thác nguồn nước; và được khai thác, sản xuất và cung cấp nước sạch không phụ thuộc vào địa giới hành chính…

Sự ưu ái trên không có nghĩa Nhà nước “bỏ trắng trận địa” mà ngược lại. Tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 117/CP quy định, “đây là loại hình hoạt động sản xuất kinh doanh chịu sự kiểm soát của Nhà nước nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị cấp nước và khách hàng sử dụng nước”. Hay nói cách khác từ việc tổ chức thi công công trình đến khâu nghiệm thu đưa vào khai thác và ban hành mức giá nước bán ra, chủ đầu tư NM nước sông Đuống cũng phải chịu sự điều chỉnh của các văn bản luật có liên quan. Trong đó chịu sự điều chỉnh trực tiếp là Luật Xây dựng 2014, Luật Giá 2012 và các văn bản dưới luật…

Việc chủ đầu tư (mặc dù được Cục Giám định (Bộ Xây dựng) cảnh báo công trình chưa được nghiệm thu) vẫn tổ chức khánh thành và đưa công trình vào khai thác giai đoạn 1 và sau đó tiếp tục tổ chức nhấn nút phát lệnh tiếp tục thi công giai đoạn 2, chỉ có thể lý giải từ thái độ xem thường pháp luật và sự “quan tâm trên mức bình thường” của một số cán bộ lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, đã công khai tham dự các sự kiện diễn ra tại NM nước mặt sông Đuống.

Vì vậy để khắc phục tình trạng vi phạm thủ tục xây dựng, cần phải tăng cường biện pháp chế tài mạnh hơn, đủ để răn đe các chủ thể vi phạm phải chùn bước. Truy cứu trách nhiệm hình sự là cần thiết, nhưng biện pháp hành chính để phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại mới là giải pháp căn cơ, bền vững. Điều đó có nghĩa, không phải đợi đến khi xảy ra hậu quả (gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác), hay nói cách khác biện pháp hình sự là cuối cùng.


2. Nguyên tắc quản lý giá theo quy định tại Điều 5 Luật Giá 2012: “Nhà nước thực hiện quản lý giá theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật”. Được hiểu là chủ đầu tư của Nhà máy sông Đuống tự mình quyết định giá để cạnh tranh và tồn tại, Nhà nước chỉ can thiệp khi giá nước của Nhà máy bán ra có mức chênh nhau quá lớn so với mức giá của các Nhà máy khác trên cùng một địa bàn.

Tuy nhiên khoảng trống pháp lý nằm ở chỗ, tại Điều 54 Nghị định 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, Nhà nước đã trao quyền quyết định phương án giá nước và ban hành biểu giá nước sạch sinh hoạt cho UBND cấp tỉnh mà không chịu sự phản biện, giám sát của bất cứ tổ chức hay cơ quan thứ ba nào độc lập, thậm chí cũng không có vai trò của tổ chức thẩm định giá tham gia như một số hàng hóa khác.

Pháp luật quy định việc phê duyệt giá nước của UBND cấp tỉnh phải phù hợp với khung giá do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành; và đơn vị cấp nước tự quyết định giá nước sạch cho các mục đích sử dụng khác bảo đảm phù hợp với phương án giá nước đã được UBND cấp tỉnh phê duyệt. Thế nhưng khung giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt do Bộ Tài chính ban hành tại Thông tư số 88/2012/TT-BTC ngày 28/5/2012 có biên độ quá rộng: Đối với đô thị đặc biệt, đô thị loại 1 có giá tối thiểu 3.500 đồng/m3 và tối đa 18.000 đồng/m3.

Trong khi đó tại khoản 2 Điều 27 Luật Giá 2012 quy định thẩm quyền và trách nhiệm kiểm tra yếu tố hình thành giá: “Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh kiểm tra yếu tố hình thành giá đối với: Hàng hoá, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh; và hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn”. Được hiểu là thẩm quyền và trách nhiệm kiểm tra việc công bố giá nước của chủ đầu tư Nhà máy nước sông Đuống, thậm chí kể cả việc UBND TP phê duyệt phương án giá lên tới hơn 10.000 đ/m3 cũng là do UBND TP. Hà Nội đảm nhiệm.

Rõ ràng là các quy định trên của pháp luật, rất khó để có một đơn giá nước khách quan và sát với thị trường có lợi cho người tiêu dùng, nếu như những cán bộ có chức năng giám sát và xây dựng phương án giá có động cơ vụ lợi, không trong sáng. Vì vậy không loại trừ kẽ hở trên của pháp luật là “động cơ” để dẫn tới việc một số cán bộ của UBND TP. Hà Nội mạnh tay phê duyệt mức giá nước cho DN được “hưởng” lên 10.246 đồng/m3; còn chủ đầu tư thì không băn khoăn khi đưa ra mức tạm tính 7.700 đồng/m3, cao hơn so với mức giá mà các Nhà máy trên địa bàn đang áp dụng.

Điều 56 Nghị định 117/CP quy định khách hàng sử dụng nước có các quyền sau: “Được cung cấp đầy đủ, kịp thời về số lượng, bảo đảm về chất lượng dịch vụ đã nêu trong hợp đồng; Yêu cầu đơn vị cấp nước kịp thời khôi phục việc cấp nước khi có sự cố; Được cung cấp hoặc giới thiệu thông tin về hoạt động cấp nước; Được bồi thường thiệt hại do đơn vị cấp nước gây ra theo quy định của pháp luật; Yêu cầu đơn vị cấp nước kiểm tra chất lượng dịch vụ, tính chính xác của thiết bị đo đếm, số tiền nước phải thanh toán; Khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật về cấp nước của đơn vị cấp nước hoặc các bên có liên quan”

Từ sự phân tích trên chúng tôi kiến nghị, muốn đưa giá nước sạch do các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất và tiêu thụ về tiệm cận với giá thành cấu thành, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa nhà đầu tư với khách hàng tiêu thụ, Bộ Tài chính cần phải điều chỉnh lại khung giá tiêu thụ nước có biên độ phù hợp. Đồng thời điều chỉnh lại thẩm quyền của UBND cấp tỉnh theo hướng hạn chế vai trò “độc diễn”, trước khi quyết định phê duyệt giá nước và doanh nghiệp công bố giá nước cần có vai trò phản biện của người trực tiếp thụ hưởng bằng hình thức lấy ý kiến rộng rãi…

Nguồn: https://phaply.net.vn/du-an-dau-tu-xay-dung-nha-may-nuoc-mat-song-duong-va-van-de-thuc-thi-luat-xay-dung-va-phap-luat-ve-gia/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây