Vì sao khó xử lý hình sự tội dâm ô trẻ em (?)

Thứ tư - 14/10/2020 05:06
(TVLMP) - Hậu quả của hành vi hành vi dâm ô để lại không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm mà còn tác động lâu dài đến tâm lý của các em. Tuy nhiên, với tội phạm xâm hại trẻ em, từ việc bắt chúng nhận tội, đến đền tội là một hành trình đầy khó khăn. Thực tế đã có nhiều vụ việc bị chìm xuồng, thậm chí có những đứa trẻ vì quá uất ức đã chọn lựa cái chết. Vì sao ?
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Cạn): Công tác quản lý nhà nước đối với vấn đề trẻ em nói chung và trẻ em bị xâm hại nói riêng trong thời gian vừa qua vẫn còn những hạn chế.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Cạn): Công tác quản lý nhà nước đối với vấn đề trẻ em nói chung và trẻ em bị xâm hại nói riêng trong thời gian vừa qua vẫn còn những hạn chế.
Bài viết thể hiện quan điểm của Luật gia Vũ Lê Minh


Vướng từ tình tiết định tội

So với BLHS gốc ban hành năm 1999, có thể nói tội dâm ô đối với trẻ em được quy định tại BLHS 2015 có sự đột phá về chất. Thay vì quy định về tình tiết định tội còn chung chung (khoản 1 Điều 116 BLHS 1999): “Người nào đã thành niên mà có hành vi dâm ô đối với trẻ em, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”; đến BLHS 2015 (khoản 1 Điều 146), tình tiết để định tội dâm ô được hiểu là hành vi đó “không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác”. Về tình tiết định khung hình phạt trong điều luật này BLHS 2015 cũng được điều chỉnh tăng nặng hơn so với BLHS gốc để tăng tính răn đe.

Đặc biệt không còn những cụm từ không rõ ràng, như: “gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc “gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng”; mà được thay vào đó là những cụm từ rất cụ thể như “phạm tội có tổ chức (điểm a khoản 2), “gây rối loạn hoạt động tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%” (điểm đ khoản 2) và “gây rối loạn hoạt động tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45% (điểm a khoản 3); “làm nạn nhân tự sát” (điểm b khoản 3).

 

 Báo cáo của Chính phủ cho thấy, từ đầu năm 2018 đến nay, có 1.189 vụ, trong đó, có 457 vụ hiếp dâm trẻ em, tăng 2,47% so với cùng kỳ, 184 vụ dâm ô trẻ em, 548 vụ giao cấu với trẻ em. Hằng năm, các cơ quan y tế giám định khoảng 2.000 trẻ có dấu hiệu bị xâm hại, trên 80% nạn nhân bị xâm hại tình dục là các bé gái. Tuy nhiên, những con số này mới chỉ là những vụ việc được báo cáo… (Nguồn: Quochoi.vn)
     

Hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô và giao cấu đều là những hành vi tình dục (được quy định trong BLHS 2015: Điều 142, tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi; Điều 144, tội Cưỡng dâm người tử đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; Điều 145, tội Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi). Tuy nhiên, ranh giới giữa các hành vi này vẫn rất mong manh và không phải lúc nào cũng dễ dàng phân biệt.

Vì vậy việc quy định tình tiết định tội trong BLHS 2015 theo hướng khu biệt hàm nghĩa, sẽ giúp cho các cơ quan tố tụng gặp thuận lợi hơn trong việc xác định tội danh khi thực hiện chức năng tố tụng, hạn chế sự nhầm lẫn đối với các tội danh có liên quan đến tình dục trẻ em dưới 16 tuổi.                               
 
a3
                          Ảnh minh họa

Như vậy, nếu loại trừ hành vi giao cấu, không quan hệ tình dục thì còn lại đó là hành vi dâm ô. Thế nhưng vì sao hàng loạt các vụ dâm ô trẻ em xảy ra trong thời gian qua (kể cả khi BLHS 2015 có hiệu lực vào đầu năm 2018), các cơ quan tố tụng vẫn bế tắc trong việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với tội phạm mà theo dư luận là đã rõ mười mươi hành vi dâm ô (?).
     
Vấn đề nằm ở chỗ đó là câu chữ trong điều luật này quy định vẫn còn trừu tượng, thậm chí phi thực tế. Làm sao xác định được ý chí (đọc được suy nghĩ) của nghi phạm khi thực hiện các động tác sờ vào các vùng nhạy cảm của các em là không nhằm mục đích giao cấu hoặc không thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác? Còn nữa, thuật ngữ Dâm ô được hiểu như thế nào thì điều luật này cũng chưa làm rõ, trong khi đó các văn bản dưới luật hướng dẫn vẫn chưa ban hành. Từ trước đến nay, thuật ngữ này trong luật hình vẫn chỉ được hiểu theo hướng dẫn tại Bảng tổng kết 329/HS2 ngày 11/5/1967 của Tòa án nhân dân tối cao, đó là
những hành vi bỉ ổi đối với người khác, tuy không phải là hành vi giao cấu nhưng cũng nhằm thỏa mãn tình dục của mình hoặc khêu gợi bản năng tình dục người đó được coi là dâm ô.

Quan điểm của Ban soạn thảo BLHS năm 2015 thì hành vi dâm ô được coi là hành vi đụng chạm vào những bộ phận nhạy cảm của trẻ em hoặc buộc trẻ em đụng chạm vào những bộ phận nhạy cảm của người phạm tội”. Theo các chuyên gia luật, nếu áp dụng các cách hiểu này trong BLHS năm 2015, sẽ có sự nhầm lẫn giữa hành vi quan hệ tình dục khác với hành vi dâm ô. Liệu còn hành vi dâm ô trẻ em nữa không nếu chỉ ghi nhận hành vi quan hệ tình dục khác trong BLHS 2015 ?

     
Đề cập đến nghiệp vụ điều tra trong các vụ án dâm ô, ông N.V.T - một kiểm sát viên trung cấp (Viện KSND tỉnh Bình Định) xác nhận, nếu căn cứ theo các quy định của pháp luật hiện hành rất khó xử lý. Bỡi những hành vi của tội phạm gây ra thường không để lại dấu vết, do đó ranh giới xác định giữa có tội và không có tội rất mờ nhạt. Có những vụ án dâm ô thường thất bại do thủ phạm chối tội thì cơ quan điều tra đình chỉ ngay. Họ đòi chứng cứ thì kiếm đâu ra, việc các em bị rờ rẫm thì làm gì để lại chứng cứ, ngoại trừ có camera ghi lại.

Trong khi đó vì áp lực dư luận, lo sợ đến hạnh phúc tương lai con mình bị ảnh hưởng, có nhiều trường hợp cha mẹ biết con mình bị xâm hại nhưng “ngậm bồ hòn làm ngọt” không dám tố cáo, đến khi nhận ra vấn đề báo cáo với cơ quan có chức năng thì mọi chuyện đã quá muộn…

 

Bà Lê Thị Diễm Hằng - giảng viên Khoa Pháp luật Hình sự - Trường Đại học Luật Hà Nội: “Biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu tình trạng này là cha mẹ nên dành thời gian để mắt tới con cái nhiều hơn, đồng thời dạy trẻ cách tự vệ, không để người khác động chạm tới những vùng nhạy cảm trên cơ thể và thường xuyên tâm sự với trẻ để trẻ, dặn trẻ có bất cứ chuyện gì đều tâm sự với bố mẹ để không có những sự việc đáng tiếc xảy ra. Đặc biệt, nếu phát hiện trẻ có dấu hiệu bị xâm hại tình dục cần báo cáo ngay cho cơ quan chức năng đồng thời lưu giữ các vật chứng cần thiết để tố giác tội phạm”.

    
Vụ án xâm phạm thân thể một số học sinh nữ của lớp 5A, trường Tiểu học Tiên Sơn (Bắc Giang) vừa xảy ra vào đầu tháng 3/2019 là một minh chứng trong bế tắc nghiệp vụ của các cơ quan tố tụng. Quá trình điều tra, Công an tỉnh Bắc Giang đã xác định được thầy giáo Dương Trọng M. (37 tuổi, ngụ xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên) đã có các động tác véo tai, véo mũi, dí vai, sờ mông, sờ đùi một số nữ sinh. Tuy nhiên theo Cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ để chứng minh và xử lý M. về tội dâm ô (đối với người dưới 16 tuổi).

Thậm chí, Trung tá Nguyễn Việt Nguyễn – Phó trưởng Công an huyện Việt Yên còn trả lời trước các cơ quan báo chí tại buổi họp báo: “… việc sờ vào đùi và mông có phải là vùng nhạy cảm không thì không thuộc chức năng của chúng tôi”. Vậy thì chức năng này là của ai (?). Trả lời của Cơ quan điều tra huyện Việt An không được dư luận đồng tình. “Ông M. làm trong ngành giáo dục mà lại có hành vi sờ mông, sờ đùi các em học sinh là không thể chấp nhận được. Không phải một hay 2, 3 mà rất nhiều em đều tố cáo ông M. sờ vào vùng nhạy cảm.

Sờ mông, sờ đùi là sờ vào vùng nhạy cảm của các em là dấu hiệu rõ ràng của tội dâm ô chứ còn gì nữa” - Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP HCM) khẳng định. Từ phân tích đó, LS Nữ đề nghị phải khởi tố ngay vụ án để làm rõ hành vi dâm ô. 

     
Không có người làm chứng, vật chứng (quần áo, mẫu vật AND, tinh dịch… như các hành vi khác gây ra) đó là đặc điểm chung của các vụ án dâm ô trẻ em. Do đó, dù dư luận rất bức xúc nhưng vụ án này vẫn phải đình chỉ vì chứng cứ vật chất rất yếu.


Cần có quy trình tố tụng đặc biệt ? 

Như vậy, để ngăn chặn tội dâm ô đối với trẻ em dưới 16 tuổi, cần phải hoàn thiện những khoảng trống quy định tại Điều 146 BLHS hiện hành. Trước mắt, cơ quan có thẩm quyền cần khẩn trương xây dựng và ban hành quy trình tố tụng đặc biệt đối với riêng tội danh dâm ô, nhằm khơi thông bế tắc nghiệp vụ cho cơ quan tố tụng. Gọi quy trình đặc biệt vì xuất phát từ đặc điểm của loại tội phạm này khi xảy ra thường không có nhân chứng và không để lại vật chứng gây án.

Muốn xác định dấu vết làm căn cứ khẳng định có hành vi dâm ô hay không là điều không đơn giản so với các tội danh khác, các cơ quan tố tụng phải vận dụng các biện pháp nghiệp vụ từ nhiều góc độ liên quan đến tâm lý, lời khai của người bị hại, người liên quan đến vụ án…  
                      
2
Trường Tiểu học Tiên Sơn (Bắc Cạn) nơi xảy ra sự việc thầy giáo sờ mông, sờ đùi học sinh đang được dư luận đặc biệt quan tâm

Do đó để đảm bảo tính khả thi của điều luật, theo chúng tôi cần thiết “vượt rào” trong quy định một số tình tiết định tội nằm ngoài nguyên tắc suy đoán vô tội, theo hướng thiên về trọng cung hơn trọng cứ, so với các loại tội phạm khác. Có nghĩa là không nhất thiết bắt buộc phải có vật chứng hay người làm chứng, mà chỉ cần có từ 3 hoặc 4 bị hại (hoặc người thân của bị hại) trở lên gửi đơn tố cáo có nội dung trình bày rõ ràng phù hợp với một số tình tiết khác, thì đó là căn cứ chủ yếu để xem xét khởi tố bị can và truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cũng như vậy, liên quan đến nội hàm của các thuật ngữ “dâm ô”, “hành vi dâm ô”, hiện đang có nhiều quan điểm trái chiều, do đó rất cần được sự thống nhất trong cách hiểu và hướng dẫn cụ thể hơn.


Đặc biệt là cụm từ “vùng nhạy cảm” nên xác định cụ thể dấu hiệu định tội ở bộ phận nào, vị trí nào trên cơ thể (?). Theo chúng tôi, văn bản hướng dẫn không nên khoanh vùng “vùng nhạy cảm” theo cách hiểu truyền thống chỉ cần người nào trên 18 tuổi tiếp cận vào cơ thể các em trái ý muốn là đã có thể kết tội.

Cùng quan điểm, LS Lê Hoài Sơn (Đoàn Luật sư Bình Định) cho rằng, với trẻ em, ngay từ nhỏ đã chịu tác động của những hành vi này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bình thưởng của trẻ. Tổn hại về thể chất chưa chắc có nhưng nó tác động rất lớn về tâm lý của các em. Do đó, “nếu nhà làm luật quy định chỉ cần có hành vi đụng chạm thân thể trẻ thì các hành vi sờ đùi, sờ mông, bẹo má... đều trở thành hành vi tội phạm, bị chế tài xử lý. Khi nào đạt đến mức độ đó thì tội này mới giảm đi, xã hội mới ổn định”, ông Sơn nói.

     
Quy định “vượt rào” trong tố tụng đối với hành vi dâm ô trẻ em là một bước đi cần thiết và phù hợp tinh thần hội nhập quốc tế. Hiện luật pháp nhiều nước trên thế giới quy định chỉ cần có hành vi dụ dỗ, gạ gẫm, rủ xem phim sex hoặc chạm vào vùng kín không được phép… là đã đủ cấu thành tội dâm ô. Vụ án nghệ sĩ Minh Béo xảy ra vào năm 2016 là một trường hợp điển hình.

Hành vi của Minh Béo gây ra, nếu ở Việt Nam sẽ không phải chịu hình phạt tội dâm
ô trẻ em (vì quan hệ tình dục bằng miệng với nam thiếu niên dưới 18 tuổi, trong khi pháp luật Việt Nam chỉ chế tài đối với trẻ em dưới 16 tuổi), nhưng ở Mỹ thì khác, nghệ sĩ Minh Béo phải chịu hình phạt với 3 tội danh: Tội dâm ô với trẻ em; tội sắp xếp gặp gỡ với trẻ em (không được phép gia đình) và tội dụ dỗ trẻ em.

      
Cùng với ban hành quy trình tố tụng đặc biệt, cần phải nâng cao trình độ nghiệp vụ cho điều tra viên khi giải quyết các vụ án dâm ô. Nguyên tắc tố tụng hình sự là việc điều tra vụ án không thể vội vàng dẫn đến oan sai, nhưng cũng không thể vội vàng bỏ lọt tội phạm, cần tuân thủ nguyên tắc công bằng, nguyên tắc pháp chế và các nguyên tắc cơ bản khác trong tố tụng hình sự. Đối với tội dâm ô càng đòi hỏi cán bộ điều tra giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, có kiến thức kỹ năng và khéo léo tế nhị thì mới có thể tìm ra chân tướng sự việc.

                                                                                                  

+ Pháp luật ở Mỹ: Các tội liên quan đến quấy rối tình dục như hành vi động chạm đến thân thể người khác mà không được cho phép nhằm thỏa mãn nhục dục hay có lời nói, cử chỉ mang tính nhục dục xâm phạm đến thân thể, nhân phẩm của người khác có thể bị phạt tù đến 2 năm và phạt tiền đến 10.000 USD.
          
+ Pháp luật Canada: Các hành vi như động chạm đến thân thể, bộ phận nhạy cảm hoặc có các lời nói, cử chỉ ám chỉ đến các hoạt động tình dục mà không được sự đồng ý của nạn nhân cũng bị coi là quấy rối tình dục và phạt tù đến 2 năm.

          
+ Pháp luật Singapore: Đối với các hành vi xâm hại tình dục mà không giao cấu, bị phạt tù 5 năm khi nạn nhân trên 18 tuổi, kèm theo phạt roi và phạt tiền hoặc cả 2. Luật pháp nơi đây cũng quy định phạt tù đến 10 năm, kèm theo phạt roi và phạt tiền hoặc cả 2 khi nạn nhân dưới 16 tuổi. Nếu nạn nhân dưới 14 tuổi sẽ bị phạt 20 năm tù kèm theo hình phạt roi và tiền.


 

Tác giả bài viết: Vũ Lê Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây