Nhìn lại các quyết sách điều hành tiền tệ dưới thời Thống đốc Lê Minh Hưng và “bộ tứ” Phó Thống đốc.

Thứ ba - 10/11/2020 22:08
Ngày 10/11, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), được giới thiệu để trình Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm giữ chức Thống đốc NHNN Việt Nam, thay thế ông Lê Minh Hưng vừa được phân công làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Nhân sự kiện này, Tạp chí Pháp lý điện tử trân trọng tổng hợp lại các chính sách tiền tệ quan trọng nổi bật, có ảnh hưởng lớn tới công tác điều hành quản lý kinh tế nói chung và hoạt động sản xuất kinh doanh của Doanh nghiệp, dưới thời ông Lê Minh Hưng cùng “bộ tứ” Phó Thống đốc.
Bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc NHNN
Bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc NHNN

Dấu ấn Nghị quyết 42 và giải quyết nợ xấu

Tháng 4/2016, ông Lê Minh Hưng nhận nhiệm vụ Thống đốc thay cho ông Nguyễn Văn Bình làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương. Khi ông Hưng ngồi “ghế nóng” của ngành, bà Nguyễn Thị Hồng đã làm Phó Thống đốc từ 8/2014 cùng với các Phó Thống đốc Đào Minh Tú, Nguyễn Kim Anh và Đoàn Thái Sơn. Vào thời điểm này, ngành Ngân hàng phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là: Tỷ lệ nợ xấu đạt mức 2.62%, cao hơn mức 2.55% cuối năm 2015.

Vì vậy việc kiểm soát lạm phát, tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, giảm lãi suất, nắn dòng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, giảm nợ xấu, ngăn chặn tín dụng đen… là yêu cầu cấp bách. Trong bối cảnh đó, kế thừa VAMC, ông Lê Minh Hưng đã điều hành, chỉ đạo hệ thống xử lý được khá nhiều nợ xấu thông qua hoạt động mua – bán nợ của công ty này.                

ông Hưng

Nguyên Thống đốc Lê Minh Hưng: “Hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống ngân hàng năm 2020”.


Tuy nhiên, trách nhiệm thu hồi nợ xấu đã bán thực tế vẫn nằm trong tay các TCTD, khi vai trò của VAMC ít nhiều bị hạn chế và cũng không có nhiều động lực để thực hiện. Số liệu báo cáo cho thấy số nợ thu hồi được qua mỗi năm là rất khiêm tốn so với lượng nợ VAMC mua vào, cụ thể lũy kế từ năm 2013 cho đến cuối năm 2018 vừa qua, VAMC đã mua tổng cộng 338.800 tỷ đồng nợ xấu thanh toán bằng TPĐB, nhưng số thu hồi nợ chỉ đạt 115,6 tỷ đồng, tương ứng 34,1%. Dù vậy, “bài thuốc” mang tên VAMC cũng có những hiệu quả nhất định

Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng và trình Quốc hội thông qua và ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 (NQ42) ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD). Đồng thời, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn liền với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” ban hành kèm theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017; ban hành Chỉ thị số 06/CT-NHNN ngày 20/7/2017 về việc thực hiện NQ42 thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD và Thông tư số 09/2017/TT-NHNN ngày 14/8/2017 về mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC…

Trước khi có Nghị quyết số 42, nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng chủ yếu được xử lý bằng dự phòng rủi ro, các biện pháp xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm và khách hàng trả nợ còn chưa cao.

Sự ra đời của NQ42 đã tháo gỡ được các vướng mắc và cản trở về mặt pháp lý trong quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD. Đây là nghị quyết có giá trị pháp lý quan trọng nhất khi lần đầu tiên, các vấn đề vướng mắc của ngân hàng liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo được giải quyết, khẳng định quyền của chủ nợ trong xử lý nợ xấu. Từ đây, NQ42 đã trở thành “dấu ấn” đậm nét trong giai đoạn mà ông Hưng làm “tư lệnh” ngành Ngân hàng.

Điểm đột phát của NQ42 là khẳng định quyền thu giữ và xử lý tài sản đảm bảo (TSĐB) của TCTD và Công ty Mua bán tài sản của các TCTD (VAMC), khẳng định lại quyền mua bán nợ xấu theo giá thị trường, cho phép áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan tới TSĐB tại tòa án, quy định nghĩa vụ thuế, phí khi chuyển nhượng TSĐB, phương thức phân bổ lãi dự thu, khoản chênh lệch khi bán nợ xấu của TCTD và VAMC…. Theo đó, NQ42 đã tạo ra hành lang pháp lý cho việc rút ngắn thời gian, tạo quyền hợp pháp cho các TCTD và VAMC được chủ động trong quá trình xử lý TSĐB để giải quyết nợ xấu.

Cùng với Nghị quyết 42, NHNN cũng trình Thủ tướng ký ban hành Quyết định số 1058 và Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Quyết định số 1058 chú trọng tới đổi mới mô hình quản trị, điều hành, nâng cao năng lực tài chính, chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng đa dạng và hiện đại hóa các sản phẩm dịch vụ…

Đến nay, về cơ bản các phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của từng TCTD đều đã được phê duyệt; năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng dần; các TCTD đạt đủ tỷ lệ, giới hạn an toàn theo quy định của pháp luật; tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống TCTD được xử lý có hiệu quả. Đặc biệt, chất lượng quản trị, điều hành của các TCTD trong nước hiện đã tiệm cận với thông lệ quốc tế; hầu hết TCTD đã áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN, phương pháp tiêu chuẩn của Basel II.

Sau 3 năm NQ42 có hiệu lực, nợ xấu nội bảng các TCTD giảm liên tục qua từng năm. Tính đến cuối 8/2020, tỷ lệ nợ xấu nội bảng các TCTD là 1,96%, tăng so với cuối năm 2019 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng giảm mạnh so với thời điểm trước khi NQ có hiệu lực.

Mặc dù vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc cần được tiếp tục tháo gỡ trong thời gian tới nhưng có thể nói NQ42 đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD.

Trong báo cáo gửi Quốc hội trước khi điều chuyển làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết tính đến cuối 5/2020, toàn hệ thống TCTD đã xử lý 361.200 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, nợ xấu tự xử lý là 307.906 tỷ (chiếm 85,26%); nợ xấu bán cho VAMC và bán cho tổ chức, cá nhân khác là 4,72 nghìn tỷ đồng (chiếm 1,3%); khách hàng trả nợ là 121,4 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 40,1% tổng nợ xấu nội bảng theo Nghị quyết số 42 đã xử lý)…

6 lần giảm lãi suất điều hành để giúp tín dụng tăng trưởng

Năm 2019 được coi là năm chứng kiến nhiều sự thay đổi về chính sách tiền tệ, theo hướng linh hoạt để đảm bảo các mục tiêu điều hành của Chính phủ. Đặc biệt, chỉ trong một thời gian ngắn 3 tháng cuối năm, NHNN đã liên tục có những điều chỉnh mới về lãi suất điều hành.

Ngày 16/9, NHNN công bố quyết định giảm 0,25 điểm phần trăm đối với một loạt lãi suất điều hành, bao gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các ngân hang và lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở.

Hai tháng sau, ngày 19/11, NHNN tiếp tục phát đi thông báo về việc ban hành 2 quyết định về việc điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND và lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế. Đến cuối tháng 11, để hỗ trợ thanh khoản không còn quá dồi dào, NHNN lãi suất điền hành giảm còn 4%/năm.

Đáng chú ý có 3 lần điều chỉnh giảm liên tiếp (từ 6%/năm xuống 4,5%/năm) ngay trong năm 2020, thời điểm được cho là nhạy cảm nhất của nền kinh tế vì ảnh hưởng đại dịch Covid -19. Nhờ sự linh hoạt và quyết đoán kịp thời đó của NHNN đã góp phần giúp tín dụng tăng trưởng trở lại trong bối cảnh dịch bệnh.

Do ảnh hưởng đại dịch, tính đến giữa tháng 3/2020, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế chỉ mới đạt 0,17% (2 tháng), thấp nhất trong hơn một thập kỷ. Trong đó, tín dụng trong một số lĩnh vực như nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản còn giảm 0,09%, tín dụng thương mại giảm 0,9%… Tăng trưởng tín dụng thấp đã tác động tới tăng trưởng GDP toàn nền kinh tế trong Quý I/2020 chỉ đạt 3,82% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh đó, NHNN đã kịp thời điều chỉnh giảm lãi suất điều hành lần thứ nhất.

Tác động của dịch bệnh khiến hàng loạt doanh nghiệp phải dừng sản xuất, NHNN phải cắt giảm lãi suất điều hành thêm 2 lần nữa vào tháng 5 và cuối tháng 9/2020. Thời điểm lãi suất điều hành giảm lần thứ 2, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Toàn quốc Khối Kinh doanh Tiền tệ và Thị trường vốn của HSBC Việt Nam cho biết động thái này thể hiện chính sách điều hành tiền tệ linh hoạt, phù hợp với bối cảnh nền kinh tế của NHNN.

Theo các chuyên gia, quyết định hạ lãi suất điều hành của NHNN tạo môi trường chính sách tiền tệ nới lỏng, tạo điều kiện cho các TCTD hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh tiếp cận nguồn vốn rẻ thông qua hạ lãi suất cho vay. Việc này cũng giúp giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, đưa hoạt động kinh doanh sản xuất trở lại, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song song với kiềm chế lạm phát. Bằng việc giảm lãi suất điều hành, cơ quan quản lý đã duy trì trạng thái dồi dào cho thanh khoản hệ thống ngân hàng, qua đó đảm bảo hệ thống tài chính an toàn tránh việc khủng hoảng kinh tế kéo theo một cuộc khủng hoảng tiền tệ.

“Nắn” dòng vốn tín dụng chảy mạnh vào các lĩnh vực kinh tế trọng điểm “đúng” và “trúng”

Bên cạnh việc “ghi điểm” bằng tốc độ tăng trưởng tín dụng lên đến 18,25% cả năm 2016, cao nhất trong vòng 7 năm; một dấu ấn khác trong năm đầu tiên ông Hưng nhậm chức, đó là việc “nắn” dòng vốn tín dụng chảy mạnh hơn vào các lĩnh vực kinh tế trọng điểm.

Trong đó hành lang pháp lý được cho là tạo “đòn bẩy” để tạo ra dấu ấn trên: Ngày 28/6/2016, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 1355/QĐ-NHNN về Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển DN năm 2016 -2017, định hướng đến năm 2020. Theo đó, NHNN yêu cầu các TCTD chủ động nghiên cứu, xây dựng các chương trình cho vay với lãi suất hợp lý kết hợp với việc đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn tín dụng.

Quyết định của Thống đốc NHNN đã cụ thể hóa được các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai tại Nghị quyết số 19 –2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 – 2017, định hướng đến năm 2020; và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020.

Ngay trong năm 2016, chương trình kết nối Ngân hàng – doanh nghiệp được triển khai theo 3 phương thức: Thực hiện giải ngân gói tín dụng ưu đãi của các ngân hàng thương mại trên địa bàn đăng ký tham gia để cho vay, hỗ trợ DN; tổ chức ký kết cho vay trực tiếp DN theo nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên và ký kết cho vay DN, hộ kinh doanh, cá nhân tại các quận, huyện.

Tuy nhiên, đến tháng 11/2019, NHNN đã ban hành Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực từ 01/01/2020. Trong đó, một trong những nội dung quan trọng là lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 40% hiện tại xuống 30% vào đầu tháng 10/2022.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, đây là bước đi đúng đắn và cần thiết của nhà điều hành nhằm từng bước kiểm soát được rủi ro thanh khoản, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, nắn dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ưu tiên. “Nguồn vốn ngân hàng đổ vào các lĩnh vực ưu tiên đều có mức tăng trưởng cao hơn so với mức tăng trưởng tín dụng chung của cả nền kinh tế, phản ánh những giải pháp của NHNN vừa “đúng” và “trúng” với chủ trương của Chính phủ”.

Với những nỗ lực trên, cuối năm 2019, tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên tăng khá, trong đó tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 3,44%, chiếm tỷ trọng 3,14% tổng dư nợ đối với nền kinh tế; tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 5,4%, chiếm tỷ trọng 3,12%; tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 2,79%, chiếm tỷ trọng 0,36%; tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 2,23%, chiếm tỷ trọng 25%…

Không dừng lại ở đó. Tại cuộc họp của Thủ tướng với lãnh đạo các Bộ (tháng 4/2020), đại diện NHNN tiếp tục cho biết, chủ trương của NHNN là các ngân hàng thương mại có vốn của Nhà nước năm 2020 dứt khoát phải giảm 40% lợi nhuận để góp phần giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Quan điểm của Thống đốc NHNN, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng để đối phó với dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, NHNN còn chủ động triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng sản xuất và tiêu dùng, cũng như triển khai nhiều giải pháp căn cơ, quyết liệt thời gian qua cũng là một trong những định hướng trong năm 2019 nhằm góp phần đẩy lùi tín dụng đen.

Nâng nguồn lực dự trữ ngoại hối quốc gia lên kỷ lục

Ngoài việc giảm mặt bằng lãi suất, duy trì tăng trưởng tín dụng hỗ trợ nền kinh tế, ban hành các quy định cụ thể về cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với xử lý nợ xấu, bằng các chính sách điều hành, NHNN dưới nhiệm kỳ Thống đốc Lê Minh Hưng cũng kiểm soát được tình trạng lạm phát với tốc độ ổn định (trên dưới 3%/năm) và tăng dự trữ ngoại hối lên mức kỷ lục.          

vốn

Theo số liệu mới nhất, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng lên mức 92 tỷ USD, cao hơn 13 tỷ USD so với cuối năm 2019.


Vì vậy có thể nói một điểm cộng nữa dưới thời Thống đốc Lê Minh Hưng, đó là NHNN đã nâng nguồn lực dự trữ ngoại hối quốc gia lên kỷ lục. Bắt đầu từ năm 2016, song song với các nhiệm vụ nói trên, NHNN bắt đầu điều hành chính sách tỷ giá bằng cơ chế tỷ giá trung tâm. Cơ chế này linh động có thể theo từng ngày, từng thời điểm mà ít có những điều chỉnh lớn hoặc bất thường.

Đến năm 2019, NHNN đã có một hành trình nâng dần tỷ giá trung tâm lên một mặt bằng mới, cân đối hơn với các tỷ giá trên các thị trường thay vì nằm quá sâu và lệch so với trước. Điều này cũng giải thích vì sao năm 2019 trong khi tỷ giá trung tâm vẫn tăng đáng kể thì ngược lại, tỷ giá của các ngân hàng thương mại giảm mạnh so với cuối 2018

Xu hướng đó cũng gắn với các đợt mua ròng ngoại tệ lượng lớn, mà theo một số tính toán từ tổ chức đầu tư, NHNN đã nâng nguồn lực dự trữ ngoại hối quốc gia lên cao. Điều đáng ghi nhận trong nỗ lực của NHNN, mua lượng lớn ngoại tệ đồng nghĩa với tiền đồng cung ứng cũng rất lớn, nhưng NHNN vẫn điều tiết hợp lý và góp phần kiểm soát lạm phát trong giới hạn mục tiêu.

Bên cạnh đó, thông qua hoạt động mua ròng ngoại tệ từ đầu năm, NHNN cũng bơm hàng trăm nghìn tỷ ra nền kinh tế, bổ sung thanh khoản cho hệ thống tài chính. Theo số liệu mới nhất, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã tăng lên mức 92 tỷ USD, cao hơn 13 tỷ USD so với cuối năm 2019. Con số này tương đương NHNN đã bơm ròng trên 300.000 tỷ đồng ra thị trường. Việc Chính phủ kỳ vọng dự trữ ngoại hối đạt 100 tỷ USD vào cuối năm cũng đồng nghĩa với việc tiền VND sẽ tiếp tục được bơm ra thị trường từ nay đến cuối năm.
 

Quá trình công tác của Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng

Bà Nguyễn Thị Hồng sinh ngày 27/3/1968, có trình độ chuyên môn Thạc sỹ kinh tế phát triển. Đến nay, bà Nguyễn Thị Hồng đã có gần 30 năm công tác trong ngành ngân hàng.

Từ 01/1991 – 11/1993: Chuyên viên Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN

Từ 11/1993 – 4/1995: Chuyên viên Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN

Từ 4/1995 – 4/2008: Phó Trưởng phòng/Trưởng phòng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN

Từ 4/2008 – 7/2011: Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN

Từ 8/2011 – 01/2012: Phó Vụ trưởng, Phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN

Từ 01/2012 – 8/2014: Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN

Từ 8/2014 – 8/2019: Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Phó Thống đốc NHNN. Trên cương vị của mình, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng giúp Thống đốc NHNN giải quyết các công việc được ủy nhiệm.

Bà Hồng phụ trách công tác chính sách tiền tệ; các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng Trung ương; dự báo, thống kê; cán cân thanh toán quốc tế; theo dõi diễn biến thị trường tiền tệ trong nước, ngoài nước; công tác thông tin tuyên truyền, báo chí và là người phát ngôn của Ngân hàng Nhà nước. Trực tiếp chỉ đạo, phụ trách các đơn vị: Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Dự báo, thống kê, Sở Giao dịch, Thời báo Ngân hàng và Tạp chí Ngân hàng.

Từ 16/8/2019 – nay: Bà Nguyễn Thị Hồng được tái bổ nhiệm Phó Thống đốc NHNN. Bí thư Đảng ủy Cơ quan Ngân hàng Trung ương (từ tháng 8/2020).

Năm 2019, bà Hồng được Forbes Việt Nam vinh danh là một trong 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam.

Như vậy nếu được Quốc hội phê chuẩn, bà Hồng sẽ là nữ Thống đốc đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, đồng thời cũng là người phụ nữ đầu tiên giữ vị trí người đứng đầu một Bộ, cơ quan ngang Bộ về kinh tế.

Theo https://phaply.net.vn/nhin-lai-cac-quyet-sach-dieu-hanh-tien-te-duoi-thoi-thong-doc-le-minh-hung-va-bo-tu-pho-thong-doc/

Tác giả bài viết: Luật gia, Nhà báo Minh Trung 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây