“Tấm lá chắn” suốt 24 năm?
Đạo luật về Chuẩn mực Truyền thông (Communications Decency Act), được Quốc hội Mỹ thông qua và ban hành năm 1996. Hầu hết nội dung trong luật này đã bị tòa án Mỹ bác bỏ qua nhiều năm vì vi phạm hiến pháp về tự do ngôn luận, nhưng riêng Điều 230 vẫn tồn tại quy định về bảo vệ các nền tảng mạng xã hội như Twitter, Facebook, YouTube khỏi các vụ kiện về nội dung.
Theo đó, chủ sở hữu bất kỳ trang web hoặc dịch vụ nào lưu trữ nội dung, như phần bình luận của các trang tin tức, dịch vụ video của Youtube, các dịch vụ mạng xã hội như Facebook, Twitter đều thoát khỏi các vụ kiện về nội dung được đăng lên bởi người dùng, thậm chí còn được hưởng quyền miễn trừ đối với nội dung liên quan đến lạm dụng trẻ em, khủng bố và xúc phạm trên không gian mạng.
Chủ sở hữu trang web hoặc dịch vụ lưu trữ nội dung chỉ bị chế tài khi vi phạm bản quyền hoặc một số loại hành vi tội phạm, đặc biệt, các nội dung khiêu dâm. Có nghĩa người dùng đăng nội dung bất hợp pháp vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Việc đưa thêm Điều 230 vào trong Đạo luật về Chuẩn mực Truyền thông của Quốc hội Mỹ vào thời điểm đó là nhằm để bảo vệ và khuyến khích ngành công nghiệp Internet non trẻ phát triển, tránh khỏi tình trạng “tai bay vạ gió”. Thời điểm Điều 230 ra đời, người dùng Internet mới chỉ ở con số 40 triệu, thấp hơn nhiều so với lượng người dùng một ứng dụng như Snapchat hiện nay (229 triệu tài khoản) và Facebook (hơn 2,6 tỷ thành viên). Nhưng khi đó, các trang web đã phải đối mặt với nhiều rắc rối kiện tụng, trong đó có hai vụ kiện đặc biệt thu hút sự chú ý của các nhà lập pháp Mỹ.
Suốt 24 năm qua, kể từ khi đạo luật Chuẩn mực Truyền thông được thông qua vào năm 1996, Điều 230 đã trở thành “kim bài miễn tử” bảo vệ các công ty Internet thoát khỏi nhiều vụ kiện về nội dung được đăng trên trang web của họ bởi các bên thứ ba. Theo đó “quyền lực mềm” của các công ty Internet đã tăng lên đáng kể.
Lung lay vì bị quy kết “đi quá giới hạn”
Quyền bất khả xâm phạm của các công ty công nghệ sẽ tiếp tục an bài nếu như không có chuyện Tổng thống Trump cùng lúc bị “tuýt còi” trên cả Facebook, Twitter. Theo đó hôm 18/6, Facebook bất ngờ thông báo gỡ bỏ quảng cáo (đã tiếp cận 1 triệu người dùng) từ chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump vì cho rằng có chứa biểu tượng phát xít, vi phạm chính sách của công ty. Các quảng cáo này sử dụng hình tam giác màu đỏ hướng xuống dưới, được phát xít dùng để phân loại tù nhân chính trị trong các trại tập trung.
Cùng thời gian này, Twitter cũng “tuýt còi” ông Trump qua việc gắn nhãn “lôi kéo truyền thông” đối với bài chia sẻ video được cho là không đúng sự thật, có nguồn gốc từ kênh CNN đưa tin hồi tháng 9/2019 về tình bạn của 2 đứa trẻ – Maxwell và Finnegan. Video “gây bão” năm ngoái và gần đây nổi tiếng trở lại sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd. Vụ việc làm dấy lên tranh luận về bất bình đẳng chủng tộc và chiến dịch Black Lives Matter. Đây không phải lần đầu tiên Twitter hành động đối với bài viết của ông Trump.
Trong xung đột gần nhất giữa Twitter và Trump, Tổng thống Mỹ cáo buộc mạng xã hội này kiểm duyệt thông tin cũng như “bịt miệng” những tiếng nói bảo thủ khi dán nhãn hai dòng tweet của ông là “không có căn cứ” và thêm vào những biểu tượng dấu chấm than màu xanh nhạt cảnh báo. Trong khi đó, Twitter cho rằng họ chỉ lo lắng thông tin của Trump có thể gây hiểu nhầm về cách thức bầu cử…
Tổng thống Trump và những người ủng hộ ông cho rằng Điều 230 đã trao cho các công ty Internet quá nhiều sự bảo vệ pháp lý và cho phép họ trốn tránh trách nhiệm về các hành vi của mình. Theo đó thay vì giữ đúng vai trò của mình giữ quyền tự do ngôn luận của người dùng thì các công ty này nỗ lực thể hiện quan điểm chính trị trung lập và xoáy sâu các chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống.
“Twitter đang tham gia vào cuộc can thiệp bầu cử năm 2020. Họ đang đặt ngón tay cái lên bàn cân”, nghị sỹ đảng Cộng hòa Florida Matt Gaetz, một người ủng hộ Tổng thống Trump trung thành phát biểu.
Trước khi các nghị sĩ Mỹ và Bộ Tư pháp Mỹ đệ trình đề xuất lên Quốc hội Mỹ nhằm loại bỏ các biện pháp bảo vệ pháp lý với các ông lớn công nghệ Facebook, Google, Twitter, ngày 28/5, căn cứ vào Đạo luật Truyền thông Đứng đắn (Communications Decency Act), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành sắc lệnh hành pháp cáo buộc các nền tảng truyền thông xã hội “viện dẫn những lời biện minh không nhất quán, không hợp lý và không có căn cứ để kiểm duyệt hoặc trừng phạt những bình luận của người. Sâu xa hơn, sắc lệnh còn đổ lỗi cho Google đã giúp chính phủ Trung Quốc giám sát công dân Mỹ; Twitter giúp truyền bá tuyên truyền của Trung Quốc; còn Facebook thu lợi nhuận từ quảng cáo Trung Quốc.
Với sắc lệnh trên đánh dấu sự leo thang kịch tính cuộc chiến của ông Trump với các công ty công nghệ, liên quan đến việc kiểm duyệt nội dung trên không gian mạng nhằm ngăn chặn sự lan truyền của các thông tin sai lệch.
Tuy nhiên, sắc lệnh mới ký của Trump không thể khiến Điều 230 bị thay đổi hay biến mất ngay lập tức, bởi điều này chỉ Quốc hội Mỹ mới có thể thực hiện được. Nếu có hiệu lực, sắc lệnh của Trump sẽ thay đổi tiền lệ từ hàng chục năm qua, coi những nền tảng mạng xã hội trên Internet là nhà xuất bản phải chịu trách nhiệm với nội dung do người dùng tạo ra.
Sắc lệnh sẽ được thực thi thế nào?
Theo sắc lệnh, Bộ Thương mại Mỹ sẽ yêu cầu Ủy ban Truyền thông Liên bang xây dựng một văn bản hướng dẫn làm rõ khi nào hành vi của một công ty có thể vi phạm các quy định của Mục 230 – có khả năng khiến các công ty công nghệ dễ dàng bị kiện hơn.
Sắc lệnh cũng chỉ đạo Bộ Tư pháp Mỹ tham khảo ý kiến của các công tố viên nói chung về các cáo buộc thiên vị chống bảo thủ. Sắc lệnh cấm các cơ quan liên bang quảng cáo trên các nền tảng được cho là đã vi phạm các nguyên tắc của Mục 230.
Cuối cùng, sắc lệnh sẽ đề nghị Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) xem xét các khiếu nại về sự thiên vị chính trị do Nhà Trắng thu thập và đưa ra các vụ kiện chống lại các công ty bị cáo buộc vi phạm.
Các quy định liên quan đến FTC có thể đặt ra các câu hỏi pháp lý bổ sung, vì FTC là một cơ quan độc lập không nhận lệnh từ Tổng thống.
Thấy gì từ đề xuất của các nghị sĩ và Bộ Tư pháp Mỹ ?
Dự luật yêu cầu các công ty Internet phải chứng minh được sự “thiện chí” trong việc kiểm duyệt nội dung của họ để nhận được sự bảo vệ của Điều 230. Dự luật do Thượng nghị sỹ Josh Hawley thuộc Đảng Cộng hòa đưa ra và nhận được nhiều sự ủng hộ từ các Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa.
Trong đó biện pháp chế tài được cho là mạnh mẽ nhất, các công ty vi phạm có thể phải đối mặt với án phạt 5.000 USD cho mỗi người dùng bị ảnh hưởng. Luật áp dụng cho các công ty có hơn 30 triệu người dùng ở Mỹ hoặc 300 triệu người dùng trên toàn cầu và có hơn 1,5 tỷ USD doanh thu toàn cầu.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp Mỹ cũng đưa ra đề xuất liệt kê một số hành động mà Quốc hội nên cân nhắc thực hiện để giảm đáng kể phạm vi của Điều 230. Cùng với đó là đề xuất hàng loạt cải cách nhằm bảo đảm các công ty Internet minh bạch về quyết định của mình khi xóa nội dung và khi nào họ nên bị chịu trách nhiệm trước phát ngôn mà họ chỉnh sửa. Ngay cả về định nghĩa của Điều 230, cũng đề xuất sửa lại bằng ngôn ngữ cụ thể hơn, để hướng dẫn người dùng và tòa án.
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ đặc biệt lưu ý đến việc từ chối quyền miễn trừ trong Điều 230 đối với nội dung liên quan đến lạm dụng trẻ em, khủng bố và xúc phạm trên không gian mạng. Theo đó cần loại bỏ sự bảo vệ khỏi những nền tảng nào tạo điều kiện hoặc thu hút nội dung, hoạt động bất hợp pháp của bên thứ ba.
Thay đổi ngôn ngữ trong luật liên quan đến việc kiểm duyệt nội dung để gắn kết chặt chẽ hơn tiêu chuẩn “thiện chí” với điều khoản dịch vụ của các công ty cũng là một trong những đề xuất được Bộ Tư pháp Mỹ quan tâm. Theo đó, những lần kiểm duyệt nội dung, các công ty truyền thông mạng xã hội phải đưa ra một “lời giải thích hợp lý”.
Đề xuất trên được cho là luật hóa sắc lệnh mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành ngày 29/5. Theo đó, chỉ đạo Bộ Thương mại yêu cầu Ủy ban Truyền thông Liên bang đề xuất quy định làm rõ khi nào một công ty Internet không hành động với “thiện chí”. Quy định này bao gồm trường hợp một công ty Internet quyết định hạn chế quyền truy cập vào nội dung nào đó nhưng hành động của công ty không phù hợp với điều khoản dịch vụ của chính họ, hoặc được thực hiện mà không có thông báo đầy đủ.
Đề xuất nhấn mạnh, khi công ty Internet “cố ý phát tán nội dung phi pháp hay điều tiết nội dung một cách sai trái, Điều 230 sẽ không bảo vệ các công ty khỏi hậu quả của những hành động của họ”. Đồng thời cũng chỉ ra quyền được miễn trừ trách nhiệm pháp lý, nếu mạng xã hội chỉnh sửa nội dung được đăng bởi người dùng và thực hiện đúng vai trò là diễn đàn chứ không phải là nhà xuất bản.
Như vậy nếu dự luật và đề xuất mới được Quốc hội Mỹ thông qua, sẽ là dấu chấm hết về quyền được hưởng quyền miễn trừ trách nhiệm đối với các công ty công nghệ theo quy định tại Điều 230 của Đạo luật về Chuẩn mực Truyền thông 1996. Có nghĩa kể từ đây, nếu các công ty không đảm bảo được một số tiêu chuẩn nhất định để các hành vi tội phạm xảy ra hoặc biết mà không báo cáo và ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp thì sẽ bị chế tài.
Đồng thời, các công ty Internet cũng sẽ không được miễn trừ trách nhiệm trong các vụ việc liên quan tới lạm dụng trẻ em, lạm dụng tình dục trực tuyến, khủng bố hay rình mò trên không gian mạng (cyberstalking).
Hành lang pháp lý cần thiết để kiểm soát mạng xã hội trên phạm vi toàn cầu
Quốc hội Pháp (hôm 13/5) đã thông qua Luật Phát ngôn thù địch, yêu cầu các nền tảng công nghệ xóa bình luận thù địch về chủng tộc, tôn giáo, khuynh hướng tình dục, giới tính, khuyết tật hay tấn công tình dục trong vòng 24 giờ sau khi bị người dùng “gắn cờ”. Đặc biệt, nội dung khiêu dâm trẻ em hay khủng bố phải bị xóa trong vòng 1 giờ. Nền tảng có thể bị phạt tới 1,25 triệu EUR nếu không làm theo. Không có điều khoản phạt nếu công ty xóa nội dung mà sau đó được xác định là chấp nhận được.
Tại Đức, đạo luật Thi hành mạng lưới (Luật NetzDG) có hiệu lực từ đầu năm 2018 áp dụng cho các doanh nghiệp có hơn 2 triệu người dùng đăng ký trong nước. Theo đó, yêu cầu các nền tảng mạng xã hội xóa phát ngôn thù địch và tin giả trong vòng 24 giờ sau khi được báo cáo nếu không muốn bị phạt tối đa 60 triệu USD. Họ cũng phải công bố báo cáo mỗi 6 tháng, nêu chi tiết số lượng khiếu nại nội dung phi pháp nhận được. Năm 2019, Đức phạt Facebook hơn 2 triệu USD vì báo cáo sai số lượng nội dung bất hợp pháp trên nền tảng.
Cá nhân có thể bị phạt tối đa 5 triệu EUR và công ty bị phạt nhiều nhất 50 triệu EUR nếu không tuân thủ. Chính phủ Đức đã đưa ra hình phạt đầu tiên theo luật mới vào tháng 7/2019 đối với Facebook. Mạng xã hội phải nộp phạt 2 triệu EUR vì báo cáo sai hoạt động phi pháp trên các nền tảng tại Đức.
Liên minh Châu Âu (EU) đã giới thiệu Luật Bảo vệ dữ liệu chung (GDPR), đặt ra quy định về cách các công ty, bao gồm cả công ty mạng xã hội, lưu trữ và sử dụng dữ liệu người dùng. Yêu cầu các nước thành viên phải bổ sung chỉ thị này vào luật quốc gia đến năm 2021.
Úc thông qua Đạo luật Chia sẻ tài liệu bạo lực năm 2019, phạt hình sự đối với các công ty mạng xã hội. Lãnh đạo có thể bị phạt tù tối đa 3 năm và phạt tiền tối đa 10% doanh thu toàn cầu. Tại Nga, đạo luật mới có hiệu lực từ tháng 11/2019 cho nhà quản lý quyền ngắt kết nối với thế giới Web trong trường hợp khẩn cấp dù không rõ tính hiệu quả của biện pháp này. Luật dữ liệu của Nga từ năm 2015 yêu cầu các công ty mạng xã hội lưu trữ bất kỳ dữ liệu nào về người Nga trên máy chủ đặt tại đây. Cơ quan quản lý đã chặn LinkedIn và phạt Facebook, Twitter vì không làm rõ kế hoạch tuân thủ quy định.
Tại Trung Quốc, Twitter, Google, WhatsApp, Facebook đều bị chặn. Nhà chức trách cũng phần nào thành công trong hạn chế sử dụng VPN để vượt rào truy cập các website này. Trung Quốc có hàng trăm ngành cảnh sát mạng, chuyên theo dõi các nền tảng mạng xã hội và quét các tin nhắn nhạy cảm chính trị.
Tại Việt Nam, sự ra đời của Luật An ninh mạng 2018 thực sự đã khiến cho môi trường không gian mạng trở nên văn hóa, lành mạnh hơn rất nhiều, bởi một lượng lớn thông tin có nội dung xấu, ảnh hưởng đến chuẩn mực đạo đức, thuần phong mỹ tục đã bị ngăn chặn, xử lý một cách nghiêm túc, hiệu quả. Những hành vi tung tin thất thiệt vì động cơ khác nhau đều bị nghiêm trị.
Mặc dù chưa có Nghị định hướng dẫn Luật An ninh mạng nhưng Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử cũng đã có điều khoản (Điều 101) điều chỉnh hành vi đối với thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật. Theo đó, các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền 10 – 20 triệu đồng.
Từ khi thi hành, Luật An ninh mạng đã chứng minh không chỉ là công cụ quản lý hiệu quả của Nhà nước với an ninh mạng mà còn là chuẩn mực để bảo đảm quyền và nghĩa vụ của mọi chủ thể tham gia. Điều luật này đã giúp người dân nhận thức rõ hơn về quyền và nghĩa vụ khi tham gia vào các mạng xã hội, có trách nhiệm với chính thông tin mình đăng tải, phát tán đồng thời biết bảo vệ chính mình.
Theo: https://phaply.net.vn/de-xuat-sua-luat-de-cac-ong-lon-cong-nghe-khong-duoc-huong-quyen-mien-tru-trach-nhiem-phap-ly-truoc-my-nhieu-nuoc-da-thiet-lap-hanh-lang-phap-ly-doi-voi-mang-xa-hoi/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn