Thống nhất ba hướng xử lý
Mở đầu cuộc họp báo, thông tin về vụ việc, ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP, Giám đốc Trung tâm Báo chí TP, cho biết ngay sau khi có thông tin ĐBQH Phạm Phú Quốc có hai quốc tịch, các cơ quan chức năng của TP.HCM đã làm việc với ĐB này. Sau đó, ngày 25-8, ông Phạm Phú Quốc đã có đơn xin thôi làm nhiệm vụ ĐBQH khóa XIV và có đơn xin thôi chức vụ tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC).
Về hướng xử lý, ông Hà Phước Thắng, Chánh văn phòng UBND TP.HCM, cũng cho biết ngày 27-8 ông Quốc đã có đơn giải trình để báo cáo sự việc với các cơ quan chức năng. Qua đơn giải trình của ông Quốc, các cơ quan đã rà soát và báo cáo hướng xử lý. Từ đề xuất của Đoàn ĐBQH TP, UBND TP và Ban tổ chức Thành ủy TP.HCM đã thống nhất hướng xử lý.
Thứ nhất, trong tuần này, Đoàn ĐHQH TP sẽ họp và kiến nghị lên QH xem xét, bãi nhiệm tư cách ĐBQH của ĐB Phạm Phú Quốc. Thứ hai, về mặt Đảng, TP.HCM sẽ làm việc và xem xét, quyết định trong tháng 9-2020. Thứ ba, với nhiệm vụ tổng giám đốc Công ty IPC của ông Phạm Phú Quốc, UBND TP đã giao cho Sở Nội vụ tham mưu về việc có quyết định đình chỉ chức vụ này của ông Quốc.
Sau đó, TP sẽ giao cho các đơn vị chức năng làm rõ trách nhiệm của ông Quốc trước khi xem xét cho thôi việc, những công việc này sẽ hoàn thành trong tháng 9-2020. “Qua sự việc vào tháng 12-2018, ĐB Phạm Phú Quốc có quốc tịch Cyprus là thể hiện sự không gương mẫu, không chấp hành đúng quy định của Đảng và của tổ chức” - ông Thắng nói.
“Đi du lịch, chữa bệnh, trợ cấp người thân” …đều có thể là những lý do chuyển ngoại tệ ra nước ngoài
1. Nếu như trước đây, một công dân Việt Nam có nhu cầu trợ cấp cho thân nhân ở nước ngoài (theo quy định tại Quyết định 1437/2001/QĐ-NHNN về mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài của người cư trú là công dân Việt Nam) chỉ được phép chuyển, mang ngoại tệ tối đa không quá 5.000 USD cho một người hưởng trợ cấp; thì hiện nay theo quy định tại Nghị định 70/2014/NĐ-CP về hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh ngoại hối được sửa đổi, bổ sung, không còn quy định giới hạn mức chuyển ngoại tệ của người cư trú là công dân Việt Nam cho thân nhân ở nước ngoài.
Cụ thể tại khoản 4 Điều 7 Nghị định 70 quy định: “Tổ chức tín dụng được phép có trách nhiệm xem xét các chứng từ, giấy tờ do người cư trú, người không cư trú xuất trình để bán, chuyển, xác nhận nguồn ngoại tệ tự có hoặc mua từ tổ chức tín dụng được phép để mang ra nước ngoài căn cứ vào yêu cầu thực tế, hợp lý của từng giao dịch chuyển tiền”. Điều đó có nghĩa, không còn giới hạn hạn mức chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài, tổ chức tín dụng chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi xem xét tính hợp lý của giao dịch chuyển tiền vào yêu cầu thực tế đối với các chứng từ, giấy tờ của người đó để chuyển ngoại tệ ra nước ngoài.
Khoảng trống trên của luật, vô hình trung trở thành “vỏ bọc” để giới “siêu giàu” lợi dụng chuyển, mang tiền ra nước ngoài bất hợp pháp đầu tư bất động sản. Trường hợp của anh Thanh (cư ngụ tại Q7, TP.HCM) mà báo Thanh Niên nhắc đến trong bài viết “Đầu tư lấy quốc tịch ngoại âm thầm nóng: Rủi ro chuyển tiền lậu” (đăng tải ngày 28/8/2020) là một ví dụ.
Anh Thanh cần có số tiền 380.000 euro để thực hiện đầu tư bất động sản vào Bồ Đào Nha. Thế nhưng chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, người nhà của anh trong nước đã chuyển thành công sang Bồ Đào Nha đợt đầu tiên với tổng số tiền lên hơn 200.000 euro (tương đương hơn 5,6 tỷ đồng), qua danh nghĩa rất hợp pháp chuyển tiền cho anh chi tiêu du lịch. Cách làm của anh Thanh như sau: Thông qua chuyến du lịch, được luật sư nước sở tại hướng dẫn mở tài khoản cá nhân tại một ngân hàng Bồ Đào Nha. Sau đó anh liên lạc về Việt Nam để vợ anh, cha, mẹ anh, các con của anh… lần lượt chuyển tiền vào tài khoản của anh ở Bồ Đào Nha, từ các tài khoản cá nhân được mở tại các ngân hàng trong nước.
Đi du lịch vẫn chuyển được tiền ra nước ngoài với số lượng lớn, vậy thì đi chữa bệnh, học tập, trợ cấp cho thân nhân ở nước ngoài… sẽ không có ngoại lệ, có nghĩa đều có thể.
2. Một hình thức khác, mặc dù chưa “lộ diện” nhưng hoàn toàn có thể nếu các đối tượng lựa chọn, đó là chuyển tiền qua danh nghĩa được pháp luật cho phép “chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài”.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Người lập di chúc có quyền chỉ định người thừa kế không phân biệt người thừa kế là người thân trong gia đình hay người ngoài, thậm chí kể cả người ngoài nước. Tuy nhiên, thừa kế chỉ phát sinh khi người để lại di sản thừa kế chết hoặc tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết. Như vậy muốn biến tài sản “sống” thành di sản thừa kế, để “lách” vào điều kiện chuyển tiền cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài, người có tiền cần phải trải qua công đoạn “trung chuyển” hay nói cách khác là chuyển dịch tài sản cho một người khác, mà người đó sắp qua đời.
Mặc dù có phần mạo hiểm nhưng theo suy nghĩ của Phóng viên, chia tài sản theo di chúc sẽ rút ngắn được thời gian và đơn giản hơn về thủ tục so với lựa chọn giải pháp hợp thức hóa từ hình thức chia thừa kế theo pháp luật. Để giảm rủi ro, đối tượng để người có tiền gửi gắm chuyển dịch quyền sở hữu khối tài sản (thông qua hợp đồng tặng cho hoặc chuyển nhượng) sẽ là người thân, họ hàng mà họ tin tưởng; hoặc là người ngoài nhưng sẽ được ràng buộc chặt chẽ bỡi một thỏa thuận dân sự có liên quan đến quyền lợi người thân của người sắp chết.
Thực tế cho thấy, không hiếm những cán bộ, công chức vốn nghèo “rớt mồng tơi”, chỉ sau một hai nhiệm kỳ làm việc đã sở hữu khối tài sản trị giá lên tới hàng chục, thậm chí hằng trăm tỷ… Rõ ràng những khối tài sản đó được hình thành từ nguồn tiền “không sạch”, nhưng không có cơ sở để quy kết là bất hợp pháp. Trong khi đó, pháp luật Việt Nam cho đến thời điểm này vẫn còn loay hoay, chưa có chế định kiểm soát hữu hiệu nguồn gốc tài sản được hình thành của mỗi cá nhân.
Vậy nên việc chứng minh nguồn gốc di sản thừa kế hợp pháp để chuyển tiền thừa kế cho người thừa kế ở nước ngoài là chuyện không khó. Công việc còn lại không khác gì như anh Thanh đã làm khi đi du lịch ở Bồ Đào Nha.
Nhiều thống kê khác cũng chỉ ra, chỉ riêng dòng ngoại tệ chảy khỏi Việt Nam qua các kênh mua nhà, du lịch, học tập và chữa bệnh ở nước ngoài mỗi năm cũng hàng tỷ USD, gần tương đương khoản kiều hối mà Việt Nam nhận được (9 tỷ USD), bằng hai phần ba lượng vốn FDI thực hiện trong năm 2016 (15,8 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay).
Thông qua kênh giao dịch trung gian để hợp thức hóa hoặc “rửa tiền”…
1. Cũng trên báo Thanh Niên, ông Hưng (Quận 2, TP.HCM) chia sẻ câu chuyện ông chuyển tiền ra nước ngoài xin thẻ cư trú tại Hungary. Mục đích chính của ông Hưng, sử dụng thẻ cư trú để mua một căn hộ tại Hungary có giá 225.000 uero (khoảng 6,3 tỷ đồng).
Ông Hưng không ngờ thủ tục chuyển tiền ra nước ngoài lại quá dễ dàng đến vậy. Toàn bộ số tiền cần chuyển sang Hungary, ông Hưng chuyển theo yêu cầu của công ty tư vấn định cư trong nước có tài khoản ngân hàng trong nước. Ông nói ông hoàn toàn không biết công ty tư vấn họ làm cách nào nhưng ngay tức thì toàn bộ số tiền ông gửi qua tài khoản công ty “trung gian” đã báo có trong tài khoản cá nhân của ông mở sẵn ở nước sở tại. Ngân hàng bên Hungary cũng không yêu cầu chứng minh nguồn tiền nên ông cũng không phải cung cấp giấy tờ gì.
Vậy các công ty trung gian làm cách nào “lách qua cửa hẹp”? Nếu như anh Thanh (Q2, TP.HCM) chuyển được số tiền hơn 5,6 tỷ đồng chỉ trong vòng 24 giờ, nhờ vào “khoảng trống” quy định tại khoản 4 Điều 7 Nghị định 70/2014/NĐ-CP; thì công ty tư vấn định cư cũng làm được đối với trường hợp của ông Hưng hay bất cứ khách hàng nào khác. Với đội ngũ nhân lực đông đảo, am hiểu sâu sắc “công việc”, thì chắc chắn quy trình thực hiện sẽ đơn giản hơn nhiều so với một cá nhân đứng ra thực hiện.
Theo đó, thay vì số tiền của anh Thanh nhận được là do tài khoản cá nhân của người thân chuyển, còn của ông Hưng nhận từ tài khoản của một công ty trung gian. Vì vậy không loại trừ quy trình chuyển tiền bằng con đường hợp thức hóa thủ tục các điều kiện cho phép chuyển tiền ra nước ngoài (như anh Thanh đã làm), là một trong những giải pháp được các công ty trung gian lựa chọn.
2. Thời gian qua rất nhiều phương tiện truyền thông đã nói tới những hình thức “rửa tiền” nhằm hợp thức hóa lượng tiền chuyển ra nước ngoài hoặc chuyển ngoại tệ từ nước ngoài về Việt Nam. Đây có thể là một trong những cách đó. Bản chất của loại hình này là có giao dịch với đồng nội tệ và ngoại tệ được dịch chuyển tại hai quốc gia nhưng lượng tiền không được chuyển dịch qua hai lãnh thổ. Một Việt kiều hồi hương từng kể: Khi còn ở California ông đã chứng kiến nhiều người Việt chồng cả vali tiền mặt (có khi lên tới hàng trăm ngàn USD) để mua nhà, mua biệt thự ở đây.
Có thể hình dung quy trình “rửa tiền” được các đối tượng thực hiện: Một người A ở trong nước muốn chuyển ngoại tệ cho người B đang ở nước ngoài. Giao dịch sẽ được thiết lập qua người C ở trong nước và người C sẽ giao dịch với người D ở nước ngoài. Giao dịch phát sinh khi người A chính thức chuyển tiền cho người C một lượng nội tệ tương đương với số ngoại tệ người A muốn chuyển cho người B sở hữu ở nước ngoài. Sau khi nhận được tiền của người A, người C sẽ yêu cầu người người D ở nước ngoài chuyển cho người B số lượng ngoại tệ tương đương… Tất nhiên giữa C và D phải có ràng buộc về quan hệ tài chính.
Theo kịch bản trên đồng nội tệ được dịch chuyển ở trong nước và đồng ngoại tệ được chuyền tay ở nước ngoài. Sau đó nếu những tài sản tại nước ngoài đó được bán đi hay thế chấp thì số tiền thu được từ những giao dịch trên trở thành tiền sạch và tha hồ được sử dụng mà vẫn tránh khỏi sự truy sát của các cơ quan an ninh tiền tệ. Thực chất của hình thức giao dịch này là “rửa tiền”, bởi ngay cả khi ngoại tệ không được tuồn ra nước ngoài nhưng vẫn có một lượng ngoại tệ đã được dịch chuyển tại nước ngoài…
“Trong vụ “cờ bạc nghìn tỉ” liên quan tới Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương bị khởi tố năm 2018, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng triệu USD được chuyển ra nước ngoài dễ dàng theo con đường “hợp đồng kinh tế”. Vào thời điểm đó theo đánh giá của các chuyên gia tài chính thì đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, thế nhưng cho đến nay pháp luật vẫn chưa có phương án hữu hiệu kiểm soát dòng tiền này”
Trở lại câu chuyện của ông Phạm Phú Quốc, ông giải trình việc có thêm quốc tịch Sip là do gia đình bảo lãnh, chứ không phải bỏ tiền “mua” như thông tin đã nêu. Tuy nhiên điều chắc chắn đã diễn ra, gia đình ông Quốc đã chuyển “trót lọt” sang Cộng hòa Sip một khoản tiền không hề nhỏ (ít nhất là 500.000 euro) để sở hữu lâu dài một ngôi nhà ở – bởi đây là một trong những điều kiện bắt buộc để có được quốc tịch tại quốc gia này. Ông Quốc có trung thực không trong giải trình và “đường đi” của số tiền trên được ông và gia đình ông hợp thức hóa có giống như anh Thanh đã làm hay… “rửa tiền”, tới đây cơ quan có thẩm quyền sẽ có câu trả lời xác đáng.
Kiến nghị hoàn thiện hành lang pháp lý
Một nghiên cứu của chuyên gia kinh tế Vũ Quang Việt đã chỉ ra một con số giật mình, 33 tỷ USD của Việt Nam đã bị chảy ra nước ngoài không hợp pháp chỉ trong vòng 6 năm qua. Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức từ cơ quan quản lý về số lượng ngoại tệ “chảy” ra nước ngoài, nhưng chắc chắn rằng đã có một lượng tiền rất lớn hàng năm được âm thầm chuyển ra nước ngoài qua nhiều hình thức, bởi không chỉ có mỗi mục đích đầu tư bất động sản. Chắp nối từ những trường hợp như báo chí đã nêu và mới đây là câu chuyện của ông Phạm Phú Quốc (một ĐBQH cũng bị điểm mặt) quả thật không thể không quan ngại trước vấn nạn “chảy máu” ngoại tệ?
Trong khi đó cho đến thời điểm này, pháp luật Việt Nam chủ yếu quan tâm nhiều tới câu chuyện kiều hối về nước bằng chính sách kiểm soát hối đoái, còn dòng tiền chảy ra ngoài nước chưa thực sự quan tâm đầy đủ. Liên quan đến vấn đề này hiện chỉ có Điều 8 Pháp lệnh Ngoại hối 2005 và Điều 7 Nghị định số 70/2014/NĐ-CP đề cập chi tiết nhưng biện pháp kiểm soát chủ yếu là mang tính hành chính: Chứng minh nguồn gốc hợp pháp, mục đích chuyển tiền…
Thế nhưng ngoại tệ chuyển ra nước ngoài thời gian qua, chủ yếu là thông qua con đường hợp thức hóa thủ tục, buôn lậu, rửa tiền, doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài hoặc là thông qua một loại tiền ảo tồn tại dưới dạng mật mã trên máy tính… Trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng, việc pháp luật không còn quy định giới hạn mức chuyển ngoại tệ của người cư trú là công dân Việt Nam cho thân nhân ở nước ngoài là cần thiết để tranh thủ nguồn lực bên ngoài. Những “khoảng trống” của luật được “bóc tách” trong bài viết này chỉ là một phần nhỏ nhưng đó là mặt trái tất yếu.
1. Từ cách đặt vấn đề trên, chúng tôi cho rằng, việc hoàn thiện hành lang pháp lý có liên quan đến thực trạng “chảy máu” ngoại tệ đòi hỏi phải đảm bảo theo hướng vừa triệt tiêu được mặt trái nhưng đồng thời không làm ảnh hưởng đến chính sách thu hút đầu tư của Nhà nước. Có nghĩa, cần tăng cường giải pháp siết chặt về mặt thủ tục hành chính đối với từng trường hợp được phép chuyển tiền ra nước ngoài mà các đối tượng hướng đến, từng bước hạn chế và tiến tới không còn “lọt lưới” những bộ hồ sơ hợp thức hóa từ con đường làm khống, làm chui…
“Kiến nghị vấn đề trên, chúng tôi muốn nói đến vai trò “gác cửa” dòng tiền chảy ra nước ngoài một chiều được pháp luật trao quyền cho các tổ chức tín dụng có khách quan và quá tầm, khi mà số lượng tội phạm trong lĩnh vực này có xu hướng gia tăng và công nghệ làm giả giấy tờ đang ngày càng tinh vi và phức tạp ? Trong bối cảnh như hiện nay, theo chúng tôi việc giao thêm chức năng hậu kiểm thủ tục hành chính cho một cơ quan trung gian khác là cần thiết vừa chia sẻ trách nhiệm vừa khắc phục được sự độc quyền của các tổ chức tín dụng”.
Ông Phạm Phú Quốc 52 tuổi, quê Quảng Trị, từng giữ các chức vụ: phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TP.HCM, tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC), chủ tịch HĐTV Tổng công ty Bến Thành TNHH MTV.
Ngày 4-12-2019, ông Quốc được UBND TP.HCM bổ nhiệm làm tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), thay ông Tề Trí Dũng (đã bị bắt trước đó về hành vi tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí).
Ông Phạm Phú Quốc hiện là ĐBQH đơn vị số 4 (các quận 5, 10 và 11) thuộc Đoàn ĐBQH TP.HCM.
2. Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ từ cách đây nhiều năm, buộc các giao dịch lớn phải thực hiện thông qua chuyển khoản, hạn chế giao dịch bằng tiền mặt. Khi bỗng nhiên có một khoản tiền lớn được chuyển vào trong ngân hàng thì các cơ quan an ninh tiền tệ quốc gia và bản thân các ngân hàng sẽ kiểm soát được ngay nguồn gốc dòng tiền giao dịch trong hệ thống, nhằm hạn chế sự lưu thông của các dòng tiền không rõ nguồn gốc trên thị trường.
Tuy nhiên, ngay cả khi đã có các quy định như vậy thì cũng vẫn chỉ là mong muốn từ phía chủ quan chúng ta, còn việc các ngân hàng có sẵn sàng và thực hiện nghiêm các quy trình kiểm soát, kiểm tra nguồn gốc dòng tiền thực hiện giao dịch tại ngân hàng hay không lại là việc của ngân hàng và nó có liên quan tới các quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền của Việt Nam.
Để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời nhằm siết chặt các quy định trong quản lý ngân hàng, tránh để bất động sản trở thành công cụ, là môi trường cho tội phạm lợi dụng, thao túng, biến thành công cụ rửa tiền, thì cần quy định bắt buộc các ngân hàng khi thực hiện các giao dịch chuyển khoản có giá trị lớn phải báo cáo về Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan an ninh tiền tệ quốc gia.
Quan trọng hơn là vấn đề tội phạm cần phải được kiểm soát và tiêu trừ bởi tất cả các cơ quan quản lý và an ninh. Luật Chống rửa tiền của Mỹ rất nghiêm khắc khi đưa ra những sự trừng phạt kinh tế và hình sự rất lớn. Các cơ quan chức năng từ FBI đến IRS, OFAC đều tham gia trong công tác chống rửa tiền. Ở Việt Nam cũng phải làm được như vậy, vì nếu chỉ dựa vào các rào cản luật pháp là bất khả kháng.
3. Từ thực tiễn của Việt Nam, chúng tôi nhận thấy, việc chứng minh các giao dịch tại Việt Nam, nguồn tiền có tại Việt Nam và yêu cầu nộp, truy thu nộp thuế đầy đủ cũng sẽ hạn chế việc chuyển tiền, bởi cầm một số lượng tiền mặt lớn cũng ít khi xảy ra.
Kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp có doanh thu tại VN nhưng hoạt động kinh doanh “bất thường” và lại chuyển lợi nhuận hoặc đầu tư ra nước ngoài số lượng lớn. Đây cũng là một giải pháp quan trọng, nếu các cơ quan chức năng của VN làm được vậy cũng ngăn chặn được một phần “ chảy máu” ngoại tệ.
Đặc biệt , chúng tôi cũng kiến nghị cơ quan chức năng giám sát chặt thu nhập, tài sản người có đơn xin nhập quốc tịch tại các quốc gia “nghi vấn”, ví dụ: SIP, Malta, Hungari, các quốc đảo nhỏ…, là thành viên Liên minh Châu Âu. Bởi việc nhập quốc tịch tại các quốc gia này đều nhằm mục đích di trú, du lịch, đầu tư toàn Châu Âu, không ai nhập quốc tịch mấy nước nghèo ngoài Liên minh Châu Âu.
Và cuối cùng , nhìn một góc độ khác, ngoại tệ kiều hối chuyển đen về Việt Nam cũng là khoản đáng kể nếu ta thống kê được…
Theo: https://phaply.net.vn/nhan-dien-cac-lo-hong-phap-luat-va-kien-nghi-giai-phap-ngan-chan-van-nan-chay-mau-ngoai-te-ra-nuoc-ngoai-dau-tu-bat-dong-san/
Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu:“Trên thực tế, chưa có một quốc gia nào dám khẳng định có thể kiểm soát được dòng tiền ra vào một cách hoàn hảo, ngay cả Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ có những rào cản về luật pháp, các tổ chức tài chính đều nhận thức được những mối nguy hại từ những dòng tiền này, do đó họ luôn đề cao cảnh giác”.
Tác giả bài viết: Luật gia Vũ Lê Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn