Kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam: CẦN HỌC TẬP Ở BÁC 2 NGUYÊN TẮC TRẢ LỜI PHỎNG VẤN BÁO CHÍ !

Chủ nhật - 20/06/2021 06:23
(tvlmp) - Trả lời phỏng vấn của báo chí là một trong 6 hình thức bắt buộc đối với các cơ quan hành chính nhà nước vừa được quy định tại Nghị định 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Bác Hồ kính yêu của chúng ta không chỉ là người sáng lập Báo chí cách mạng Việt Nam, là tác giả của những bài báo nổi tiếng mà trong di sản của Người để lại chúng ta còn tìm thấy những bài trả lời phỏng vấn báo chí đạt đến sự mẫu mực để cho mỗi chúng ta học tập và soi rọi…
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời PV báo chí về tình hình sức khỏe sau khi tiêm vacxin
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời PV báo chí về tình hình sức khỏe sau khi tiêm vacxin
(* Bài viết của Luật gia, Nhà báo Minh Trung)
    
Nguyên tắc: Kiệm lời, nhiều ý

Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan - người đã có công thống kê (từ trong Toàn tập Hồ Chí Minh do Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2011), chỉ trong khoảng thời gian kể từ sau Cách mạng Tháng Tám thành công đến khi Người ra đi, có tới 95 lần Người đã trả lời phỏng vấn báo chí và lần cuối cùng chỉ cách giờ phút Người ra đi có 49 ngày! Các nhà báo phỏng vấn Người rất đa dạng, từ nhiều quốc gia, châu lục, thuộc đủ loại chính kiến khác nhau.
     
Từ góc nhìn của một tư lệnh ngoại giao sừng sỏ và từng ở trên cương vị của một phó nguyên thủ quốc gia, ông Vũ Khoan bình luận, nội dung trả lời của Người bao quát nhiều vấn đề, từ trong nước đến quốc tế, từ chính sách đối nội đến chính sách đối ngoại, từ chính trị đến kinh tế - xã hội, từ an ninh đến quốc phòng và cả đời tư… Trong gần 100 lần Người trả lời phỏng vấn hàm chứa biết bao tư tưởng, triết lý lớn mà các bài báo chưa thể chuyển tải hết. Nội dung bao la như vậy, song các cuộc trả lời phỏng vấn của Người bao giờ cũng tuân thủ nguyên tắc: Kiệm lời, nhiều ý và không né tránh bất cứ câu hỏi nào.

    
Học tập ở Người, khi trả lời phỏng vấn người được phỏng vấn không nên nói dài, sẽ dễ bị lạc đề, càng không nên dùng những mỹ từ chung chung, không rõ nội hàm, bỡi thời gian cuộc phỏng vấn không nên kéo dài. Cách trả lời phỏng vấn của Người cũng rất linh hoạt thể hiện dưới nhiều dạng thức, uyển chuyển, biến hóa, vừa kiên quyết, vừa mềm dẻo… nhưng chứa đựng ý tứ sâu xa và thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của một vị lãnh tụ.

     
Không nói dài không có nghĩa là nói không đủ ý, mà trái lại. Muốn làm được điều đó đòi hỏi người được phỏng vấn, không chỉ có kỹ năng giỏi mà phải thật sự có tâm và có tầm để làm tốt trách nhiệm của mình. Tâm thể hiện ở chỗ đứng về phía cái đúng và dám lên tiếng bảo vệ nó, dám tranh luận với người phỏng vấn để cùng nhau tìm ra nguyên nhân của những khuyết điểm, bất cập trong tổ chức và vận hành của bộ máy Nhà nước pháp quyền, với tinh thần xây dựng, vì lợi ích của dân của nước. Người được phỏng vấn phải có hiểu biết về rất nhiều lĩnh vực khác và sát với thực tế của xã hội. Đó là tầm. Tầm không phải là một trí tuệ siêu phàm, mà là một quá trình luôn tìm tòi và học hỏi và tự trau dồi. Nghĩa là trong tầm phải có tâm.

     
Đại biểu Lê Như Tiến  - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội khóa XIII là một trong số các đại biểu Quốc hội để lại nhiều dấu ấn trên diễn đàn, gợi mở các ĐBQH cần phải nắm vững vấn đề mình được phỏng vấn. Ông nói: “Quốc hội là cơ quan lập pháp, ĐB khi trả lời phỏng vấn báo chí hoặc xuất hiện trên truyền hình phải nắm vững luật pháp, không thể trả lời chung chung, hoặc có thể, hoặc để tôi kiểm tra lại xem vấn đề đó ở luật nào”.

    
Với đại biểu Nguyễn Sỹ Cương – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, khi tiếp xúc với báo chí phải nói một cách có cơ sở, chuẩn xác. Nhưng quan trọng hơn cả là phải có lý trí, có dũng khí, bởi trước một xã hội có rất nhiều vấn đề, nếu không có dũng khí sẽ không bao giờ  dám nói ra bất cứ điều gì.

 
Bác
                       Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn nhà báo Pháp
 

 Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan: “Ước gì các nhà báo và tất cả những ai tiếp xúc với báo chí hãy chịu khó nghiên cứu để học Bác không lảng tránh báo chí, tránh ăn nói dông dài, ý tứ không rõ ràng, đối đáp không sắc sảo, không có lợi cho hình ảnh đất nước. Gắn việc này với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có lẽ không phải là điều không có lý”

      
Nguyên tắc
: Trả lời không vòng vo, né tránh

     
Những bài báo ghi lại các cuộc trả lời phỏng vấn báo chí của Người, theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Người luôn đi thẳng vào vấn đề được hỏi, không vòng vo, mà luôn sáng rõ, mạch lạc, khúc chiết. Đồng thời luôn giữ thế chủ động, tinh thần tấn công, đôi khi hài hước, chế nhạo những thủ đoạn của một số nhà báo có ý móc máy. Đặc biệt trong trả lời, Người không bao giờ né tránh những câu hỏi “hắc búa”, nhạy cảm, đồng thời khéo léo xử lý tình huống theo cách: “Có nhưng có thể hiểu là không, không nhưng có thể hiểu là có”.

    
Theo dõi các ĐBQH qua các khóa như Dương Trung Quốc,
Đỗ Trọng Ngoạn, Nguyễn Ngọc Trân, Nguyễn Lân Dũng, Nguyễn Quốc Thước, Nguyễn Minh Thuyết… trả lời phỏng vấn báo chí hay phát biểu trên diễn chúng ta đều cảm nhận ở họ chịu sự ảnh hưởng sâu sắc từ phong cách trả lời báo chí của Người. Dấu ấn ở họ đậm đặc đến mức, mỗi khi phỏng vấn, các nhà báo ví von sắp xếp: “Nhất Ngoạn, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc”.

     
Với ĐBQH Dương Trung Quốc, mỗi câu phát biểu hay trả lời của ông đều khiến người nghe cảm nhận được một tư duy cực kỳ mạch lạc. M
ột khi ông trả lời hay phát biểu thì nhà báo không cần biên tập lại. Sự cuốn hút của ông Quốc đối với các nhà báo là ông không bao giờ né tránh bất cứ câu hỏi nào, không ngại phát biểu về những vấn đề khó mà nhiều người cho là nhạy cảm và ông luôn có những ý kiến sâu sắc, lý giải bằng kiến văn sâu rộng, nhất là có sự so sánh với lịch sử. 
  
Vũ khoan
                             Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan trả lời PV báo chí
     
Trả lời phỏng vấn của ông Quốc bao giờ cũng rất sâu sắc, gợi lên nhiều liên tưởng. Đề cập đến sự kiện ông Nguyễn Sự, Bí thư Thị ủy Hội An xin từ chức, nghỉ hưu trước 2 năm, ông Dương Trung Quốc nói: “Ông Nguyễn Sự nói là về hưu vì không muốn làm cản đường. Nói như vậy thì hình như trong cơ chế của chúng ta có cả một thế hệ này cản đường thế hệ kia. Chưa có lối thông thoát để có thể nâng cao chất lượng bộ máy chính quyền”. Để có được những câu trả lời phỏng vấn thuyết phục và đầy dấu ấn như thế đương nhiên ngoài kiến thức sâu rộng, ông Quốc phải có tấm lòng trong sáng vì sự tốt đẹp của xã hội.

    
Với người làm báo, để bài phỏng vấn thành công, sức lan tỏa rộng sau khi lên khuôn, thì ngoài sự chuẩn bị thật chu đáo, kỹ năng tác nghiệp…, rất cần có thêm điều kiện “đủ”, đó là yếu tố may mắn gặp được người trả lời phỏng vấn hiểu biết sâu sắc vấn đề, có khả năng diễn đạt và không né tránh những câu hỏi góc cạnh, như ông Quốc, ông Thước, ông Dũng…

      
Vĩ thanh

     
Báo chí cách mạng nước ta ngày càng bám sát đời sống xã hội, thông tin nhanh chóng các tin tức sự kiện, đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ tới quần chúng, góp phần củng cố, xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Hay nói cách khác, khi nền kinh tế càng phát triển thì báo chí cũng không ngừng đổi mới, năng động và sáng tạo hơn trong tác nghiệp để đáp ứng với yêu cầu tình hình mới.

    
Trong một “xã hội mở” như ngày nay, sự tiếp xúc với giới báo chí trở thành một hoạt động thường ngày và thật sự cần thiết. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay nhiều cơ quan hành chính còn né tránh báo chí, viện cớ nhiều lý do thoái thác trách nhiệm trả lời phỏng vấn. ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương, từng thốt lên ở diễn đàn nghị trường:
“Tôi đã từng phát biểu rằng, hễ xảy ra vấn đề gì, khi phóng viên báo chí gọi điện hỏi thì các cấp chính quyền đều nói bận họp, và rất nhiều lý do khác. Nhưng tôi cho rằng, bận họp chính là cái cớ để né tránh trách nhiệm”. Quan điểm của ông Cương là các ĐBQH, các cơ quan công quyền không nên né tránh báo chí mà nên mạnh dạn nói lên quan điểm, ý kiến của mình.

     
Vì sao như vậy ? Đơn giản là vì họ thiếu kỹ năng giao tiếp, ứng xử và sợ không đủ tâm và tầm, sợ diễn đạt vòng vo, rối rắm, sợ đối diện với những câu hỏi gai góc mà báo chí đặt ra… Vì vậy việc học tập phong cách trả lời phỏng vấn báo chí của Bác Hồ với hai nguyên tắc mẫu mực như chúng tôi đã chọn lựa và đề cập vẫn luôn là vấn đề thời sự nóng hổi cho mỗi ai khi được đặt vào công việc này.

    
Thực tế đã mách bảo và từ trong di sản của Bác Hồ để lại, các cơ quan hành chính nói riêng quyết không nên né tránh mà cần tích cực, chủ động trả lời phỏng vấn báo chí vì đây là là cánh tay nối dài đưa chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến đông đảo các tầng lớp nhân dân nhanh nhất, kịp thời nhất; là một kênh tuyên truyền hữu hiệu tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của dư luận trong và ngoài nước về đường lối đối nội và đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.


 

Hình thức phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí
1. Tổ chức họp báo.
2. Đăng tải nội dung phát ngôn và cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử hoặc trang mạng xã hội chính thức của cơ quan hành chính nhà nước.
3. Phát ngôn trực tiếp hoặc trả lời phỏng vấn của nhà báo, phóng viên.
4. Gửi thông cáo báo chí, nội dung trả lời cho cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên bằng văn bản hoặc qua thư điện tử.
5. Cung cấp thông tin qua trao đổi trực tiếp hoặc tại các cuộc giao ban báo chí do trung ương, địa phương tổ chức khi được yêu cầu.
6. Ban hành văn bản đề nghị cơ quan báo chí đăng, phát phản hồi, cải chính, xin lỗi nội dung thông tin trên báo chí.
                                   (Điều 4, Nghị định 09/2017/NĐ-CP của Chính phủ)

Tác giả bài viết: Luật gia, Nhà báo Minh Trung 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây