Chìa khoá quan trọng để vô hiệu hoá “tấm kim bài” chối tội trong các vụ “đưa – nhận” hối lộ

Chủ nhật - 27/06/2021 23:53
Thực tế đấu tranh tội phạm “đưa – nhận” hối lộ thời gian qua cho thấy hết sức khó khăn trong việc truy tìm chứng cứ. Đây là một thách thức đối với cơ quan bảo vệ pháp luật. Tuy khó khăn như vậy, nhưng thời gian gần đây các cơ quan bảo vệ pháp luật đã quyết tâm đưa ra ánh sáng, xử lý triệt để nhiều vụ đưa - nhận hối lộ như vụ AVG hay các vụ gian lận thi cử ở Sơn La, Hoà Bình , và mới đây nhất là vụ Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm")…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhìn lại những vụ án này cho thấy, chính ý chí quyết tâm, bằng năng lực chuyên môn nghiệp vụ trong việc thu thập thông tin tài liệu, lấy lời khai, củng cố chứng cứ chứng minh tội phạm của các cơ quan tố tụng, đặc biệt là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đã buộc các đối tượng phải thừa nhận hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ - đây chính là chìa khoá quan trọng để vô hiệu hoá tấm “kim bài” chối tội. Đồng thời, qua đó chúng ta rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm trong điều tra, xử lý các vụ án kinh tế tham nhũng, đặc biệt những vụ án “đưa – nhận” hối lộ.

Vụ án Phan Văn Anh Vũ đưa hối lộ: mới đây CQĐT đã khởi tố ông Nguyễn Duy Linh - cựu phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo để điều tra về tội nhận hối lộ (ảnh Phan Văn Anh Vũ tại Toà)

Lời khai “phủ nhận” như “kim bài” chối tội khiến nhiều vụ không chứng minh được hoặc đang bỏ ngỏ hành vi đưa – nhận hối lộ…. (?)

Thông thường việc đưa hối lộ gắn liền với việc nhận hối lộ và ngược lại. Nhưng thực tế trong một số vụ án xảy ra gần đây, việc chứng minh tội nhận hối lộ gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí dù người đưa, người môi giới đã có lời khai khá rõ ràng nhưng cơ quan chức năng vẫn không thể tìm ra người nhận.

Điển hình như trong vụ “thổi giá” hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội xảy ra hồi đầu năm 2020. Mặc dù theo Kết luận điều tra cho thấy, có bị can có lời khai về việc thống nhất chung chi cho ông Cảm 15% giá trị của hệ thống máy để được trúng thầu cung cấp máy xét nghiệm cho CDC Hà Nội, tuy nhiên ông Cảm không thừa nhận nội dung này. Vì vậy, cho đến nay, Cựu giám đốc CDC Hà Nội, Nguyễn Nhật Cảm cùng các đồng phạm mới chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, còn lời khai về việc chung chi 15% giá trị của hệ thống máy để được trúng thầu vẫn đang bỏ ngỏ.

Hay trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ ở Phú Thọ của Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và cá đồng phạm bị xử lý hình sự về các tội như Đánh bạc, Tổ chức đánh bạc, Rửa tiền, còn bị khởi tố về hành vi Đưa hối lộ và sau đó đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ ra quyết định đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự về tội Đưa hối lộ do được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước.

Tuy nhiên, trong quá trình bị điều tra bị cáo Nguyễn Văn Dương khai đã cho tướng Phan Văn Vĩnh chiếc đồng hồ Rolex trị giá 7.000 USD, 27 tỷ đồng, 1,75 triệu USD; chi cho C50 đúng 850 triệu đồng và một phần mềm diệt virút trị giá 30.000 USD; chi cho tướng Nguyễn Thanh Hóa 22 tỷ đồng; chi khoảng 10 tỷ đồng tiền rượu cho các bữa tiệc của Tổng cục Cảnh sát.

Tuy nhiên, khai với cơ quan điều tra, bị cáo Phan Văn Vĩnh chỉ thừa nhận cầm của Dương áo sơ mi, thuốc bổ gan, rượu… và không nhận tiền. Do đó, cơ quan điều tra chỉ khẳng định việc Dương cho C50 bộ phần mềm và 700 triệu đồng. Ngoài ra, chưa có căn cứ làm rõ việc tướng Vĩnh, tướng Hóa nhận tiền từ Nguyễn Văn Dương.

Lời khai “phủ nhận” như “kim bài” chối tội khiến nhiều vụ không chứng minh được hoặc đang bỏ ngỏ hành vi đưa nhận hối lộ …. (?) (Ảnh: Các bị can trong vụ đánh bạc nghìn tỷ)

Đáng lưu ý là trong vụ án này, không có bị cáo nào bị truy tố về tội nhận hối lộ. Chính vì vậy, tại phiên phúc thẩm, TAND cấp cao tại Hà Nội đã kiến nghị tiếp tục điều tra làm rõ lời khai về việc đưa hối lộ, nhưng đến nay kiến nghị này vẫn chưa có kết quả thực hiện.

Và còn rất nhiều vụ án khác, cơ quan tố tụng đã không chứng minh được người nhận hối lộ trong khi vẫn xét xử người đưa, người môi giới hối hộ. Minh chứng điển hình như vụ án buôn bán thuốc chữa ung thư giả xảy ra tại công ty cổ phần VN Pharma; vụ án logo xe vua ở Đồng Nai…

Điều khiến dư luận không phục và luôn đặt ra những câu nghi vấn xung quanh những vụ án này là: Vì sao các đối tượng trong các vụ án này chưa bị khởi tố với một tội danh thuộc nhóm tội tham nhũng và liệu rồi khi kết thúc vụ án, có để lọt những kẻ tham nhũng hay không? Liệu rằng có phải chính những lời khai “phủ nhận” của các nghi can có như những tấm “kim bài” chối tội, khiến nhiều vụ không chứng minh được hoặc đang bỏ ngỏ …. (?)

Chìa khoá để vô hiệu hoá tấm “kim bài” chối tội là sự quyết tâm của các cơ quan bảo vệ pháp luật

Những vụ việc nêu trên cho thấy tính phức tạp, khó khăn của công tác đấu tranh đối với tội phạm tham nhũng trong đó có tội đưa và nhận hối lộ trong bối cảnh hiện nay. Bởi lẽ, về đặc điểm tội phạm học cho thấy, ở phía người nhận hối lộ đều có trình độ học vấn cao, có hiểu biết pháp luật, là cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức xã hội. Họ trưởng thành đầy đủ về mặt nhận thức, có kinh nghiệm sống, có nhiều mối quan hệ xã hội và họ có đủ thủ đoạn để đối phó với cơ quan chức năng…..

Về phía người đưa hối hối lộ thường mong muốn lợi ích nhất định khi đưa hối lộ và nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ nên họ thường không tố giác, khai báo thiếu thành khẩn, phản xạ tự nhiên là chối tội nên việc phát hiện đưa và nhận hối lộ gặp nhiều khó khăn, nói cách khác các tội này có độ “ẩn” khá cao. Nếu người đưa không tố giác thì tất yếu việc xác định người nhận sẽ rất khó khăn.

Thực tế cho thấy, việc điều tra, chứng minh, xử lý tội phạm đưa hối lộ và nhận hối lộ là một việc hết sức khó khăn. Đây là một thách thức đối với các cơ quan tiến hành tố tụng. Bởi, trong điều tra, xử lý tội phạm có một nguyên tắc là phải xử lý đúng người đúng tội và đúng pháp luật. Phải có căn cứ chứng minh, bằng chứng cứ tài liệu chứng minh một cách chắc chắn, chứ không phải bằng sự suy diễn hay nhận định.

Tuy khó khăn như vậy không có nghĩa là các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan điều tra bất lực trước hành vi đưa và nhận hối lộ bởi thực tế trong thời gian gần đây chúng ta đã xử lý triệt để được nhiều vụ đưa và nhận hối lộ. Điển hình như mới đây nhất là trong vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm"), Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Duy Linh, cựu phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo để điều tra về tội nhận hối lộ.

Theo tìm hiểu, đầu tháng 3, Cơ quan điều tra (C01), Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố Phan Văn Anh Vũ về tội "đưa hối lộ"; đề nghị truy tố bị can Hồ Hữu Hòa (trú huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) về tội "môi giới hối lộ". Hành vi của ông Nguyễn Duy Linh được đề cập nhiều lần trong kết luận điều tra này.

Theo đó, tháng 6-2017, Phan Văn Anh Vũ bị Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an điều tra về những sai phạm trong vụ án cố ý làm lộ bí mật nhà nước và những hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến việc mua bán, chuyển nhượng nhà, đất công sản tại TP Đà Nẵng và một số địa phương.

Do lo sợ bị pháp luật xử lý, Phan Văn Anh Vũ nhờ Hồ Hữu Hòa tiếp cận ông Nguyễn Duy Linh, phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo, để nhờ giúp đỡ, tìm hiểu thông tin.
Cơ quan điều tra cho rằng Vũ "nhôm" đã nhờ lái xe của mình chuyển 5 tỉ đồng cho Hòa và 4 lần chuyển quà khác. Ngoài ra, bị can còn trực tiếp đưa 500.000 USD để Hòa chuyển cho vị lãnh đạo Tổng cục Tình báo này, tuy nhiên Hòa phủ nhận.

Theo cơ quan công an, quá trình điều tra hành vi này, Phan Văn Anh Vũ phủ nhận lời khai trước, cho rằng không đưa tiền, mà chỉ là thuốc lá cigar, nấm linh chi Hàn Quốc. Với bị can Hòa, là người kết nối để Phan Văn Anh Vũ đưa tiền nên đủ căn cứ cáo buộc hành vi "môi giới hối lộ".

Đối với ông Linh, cơ quan điều tra xác định ban đầu ông phủ nhận mối quan hệ với Vũ. Tuy nhiên, sau khi làm việc với cơ quan điều tra, ông Linh thừa nhận thông qua sự giới thiệu của Hồ Hữu Hòa đã nói chuyện với Vũ "nhôm" qua điện thoại và chỉ đạo thư ký của mình đi nhận quà của Vũ. Ông chỉ thừa nhận thư ký của mình nhận chai rượu, thuốc xì gà của Vũ "nhôm", không biết giá trị nhãn hiệu, nước sản xuất.

Tuy nhiên, sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung, đến nay Cơ quan điều tra Bộ Công an xác định hành vi của ông Linh có dấu hiệu tội nhận hối lộ trong vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") đưa hối lộ, nên khởi tố điều tra làm rõ.

Hay như trong vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG; vụ gian lận thi cử ở Sơn La; gian lận thi cử ở Hoà Bình… Mặc dù bước đầu khai nhận với cơ quan điều tra, các nghi can đều “phủ nhận” việc đã đưa, nhận tiền hối lộ. Nhưng, sau nhiều lần quyết liệt điều tra, Cơ quan Công an đã khởi tố bổ sung nhiều bị can về tội “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ”.

Nhìn lại những vụ án này cho thấy, chính ý chí quyết tâm, bằng năng lực chuyên môn nghiệp vụ trong việc thu thập thông tin tài liệu, lấy lời khai, củng cố chứng cứ chứng minh tội phạm của các cơ quan tố tụng, đặc biệt là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đã buộc các đối tượng phải thừa nhận hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ. Đây chính là chìa khoá quan trọng để vô hiệu hoá “tấm kim bài” chối tội của tội phạm.

Ý chí quyết tâm và năng lực chuyên môn nghiệp vụ trong việc thu thập thông tin tài liệu, lấy lời khai, củng cố chứng cứ chứng minh tội phạm của các cơ quan tố tụng, đặc biệt là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đã buộc các đối tượng phải thừa nhận hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ. Đây chính là chìa khoá quan trọng để vô hiệu hoá “tấm kim bài” chối tội của tội phạm.

Vĩ thanh

Thiết nghĩ, việc điều tra, xử lý tội phạm nói chung trong đó có tội phạm về kinh tế, tham nhũng và đặc biệt là tội phạm đưa hối lộ, nhận hối lộ là việc hết sức khó khăn. Tuy nhiên khó khăn như vậy không có nghĩa là không thể.

Từ vụ án hối lộ như vụ Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm"); vụ AVG hay các vụ gian lận thi cử ở Sơn La, Hoà Bình… chúng ta rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm để vận dụng trong điều tra, xử lý các vụ án kinh tế tham nhũng, đặc biệt những vụ án có dấu hiệu của tội phạm “đưa – nhận” hối lộ tới đây.

Theo đó, để công tác phòng, chống và xử lý tội phạm nói chung, tội phạm “đưa – nhận” hối lộ nói riêng đạt hiệu quả, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, yêu cầu đặt ra đối với các cơ quan tố tụng, đặc biệt đối với cơ quan điều tra, điều tra viên trong công tác điều tra phá án phải kiên quyết, bài bản, đúng quy định, nêu cao tinh thần “thượng tôn pháp luật”, không có vùng cấm, không bỏ lọt tội phạm, không để oan, sai.

Phải vận dụng một cách linh hoạt những biện pháp, cách thức thu thập triệt để những thông tin, tài liệu chứng cứ liên quan đến vụ án để củng cố tài liệu chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội.

Tích cực học tập nâng cao hiểu biết pháp luật, bồi dưỡng nâng cao về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ điều tra. Bên cạnh đó, đối với điều tra viên cần nâng cao hiểu biết về tâm lý, về mặt đời sống xã hội của các đối tượng. Từ đó, có các biện pháp thuyết phục, giáo dục đấu tranh phù hợp.

Về cơ chế chính sách pháp luật, chúng ta cần chích sách đặc biệt, phù hợp nhằm khuyết khích người có hành vi phạm tội thành khẩn, hợp tác tích cực, chủ động cung cấp tài liệu, thông tin liên quan cho các cơ quan tố tụng trong quá trình điều tra, phá án.

Mặt khác, cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến người dân. Để khi phát hiện, họ chủ động tố giác người nhận hối lộ và cung cấp bằng chứng chứng minh người đưa và nhận hối lộ./.

Nguồn https://phaply.net.vn/chia-khoa-quan-trong-de-vo-hieu-hoa-tam-kim-bai-choi-toi-trong-cac-vu-dua-nhan-hoi-lo-a252334.html

Tác giả bài viết: Đinh Chiến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây