(Bài viết của Luật gia VŨ LÊ MINH)
Báo động mặt trái của MXH
Ở Việt Nam, hiện có hàng trăm MXH khác nhau đăng ký hoạt động. Một số MXH phổ biến như Facebook, Zalo, Twitter, Instagram... Trong đó, Facebook là MXH phổ biến nhất với hơn 65 triệu người sử dụng. Với cơ chế hoạt động có tính chất tương tác cao, nhiều tính năng như chat, Email, chia sẻ file, hình ảnh, nhạc, listream, tin nhắn, trò chuyện nhóm, viết blog, chơi game, diễn đàn trực tuyến... MXH ngày càng thu hút nhiều người tham gia.
Trong bối cảnh bùng nổ của internet và MXH, thông tin càng trở nên phức tạp và khó kiểm soát. Việc thể hiện quyền tự do ngôn luận của mỗi người chưa bao giờ trở nên dễ dàng và có sức lan truyền nhanh chóng đến thế. Nhưng chính điều này cũng mang đến những nguy cơ khi quyền này bị những phần tử bất mãn, cơ hội và các thế lực thù địch triệt để lợi dụng, để đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, chống phá Nhà nước nhằm xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng; đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Thủ đoạn của chúng là đưa lên MXH những thông tin sai trái, thậm chí xuyên tạc để làm giảm sút lòng tin của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, “phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; gây thù hận, mâu thuẫn giữa các dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tạo dựng ngọn cờ, kích động, lôi kéo tập hợp lực lượng gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội…
Đứng sau mối quan ngại trên là một bộ phận không nhỏ người dùng MXH có xu hướng sử dụng như một công cụ để tung thông tin thất thiệt bôi nhọ, nói xấu, vu khống lên mạng nhằm hạ thấp uy tín, danh sự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức hoặc nhằm câu like hay thu lợi bất chính, hoặc để thu hút sự chú ý nhằm quảng cáo, bán hàng. Mới đây gia đình của cố ca sĩ Vân Long Quang buộc phải làm đơn đề nghị cơ quan chức năng điều tra, khởi tố hình sự đối với hành vi vô cớ xúc phạm, làm nhục người khác và vu khống của các YouTuber liên quan. MC Trấn Thành cũng từng mệt nhoài vì tin đồn bay lắc, nhưng thay vì im lặng, anh đã làm tới nơi tới chốn để cho bản thân, gia đình và những người hâm mộ mình một câu trả lời thỏa đáng. Rất nhiều người cũng từng là nạn nhân của hành vi lăng mạ, vu khống vô căn cứ trên MXH…
Sự xuống cấp về đạo đức và văn hóa ứng xử đến mức báo động của của giới trẻ khi tham gia MXH hiện nay. Năm 2020, Microsoft đã từng công bố chỉ số văn minh trên không gian mạng được thực hiện bỡi Digital Civility Index (DCI), Việt Nam thuộc tốp năm nước có mức độ văn minh thấp nhất. Mặc dù khảo sát chỉ được thực hiện với 25 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới và chỉ mang tính chất tham khảo, song đã phần nào gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng ứng xử phản văn hóa đang có chiều hướng ngày một gia tăng của người Việt trên MXH.
Một bộ phận người trẻ sẵn sàng bất chấp, thách thức và bỏ qua các quy tắc đạo đức, chuẩn mực văn hóa trong cuộc sống để đắm chìm trong thế giới ảo, với mục đích chủ yếu là để tạo ra sức ảnh hưởng theo đó tăng nguồn thu nhập bằng mọi giá thông qua việc đổi lấy càng nhiều lượt view, like, share trên mạng. Có thể thấy rõ điều này tại đám tang nghệ sĩ Chí Tài cách đây chưa lâu. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp, người hâm mộ nam danh hài không khỏi ức chế khi bị bao vây bởi đám đông nhốn nháo với máy ảnh, điện thoại, máy quay, gậy tự sướng,... để ghi hình trực tiếp những gì diễn ra. Đáng nói, đây không phải trường hợp cá biệt.
Theo quy định pháp luật, người nào tự ý đăng ảnh người khác lên Facebook sẽ bị xử phạt lên tới 20 triệu đồng
Những ứng xử phản cảm nói trên không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý, công việc của gia đình người thân, bạn bè người quá cố, mà còn cho thấy tình trạng một số người chỉ vì mục đích cá nhân đã sẵn sàng và ngang nhiên tìm mọi cách trục lợi một cách vô cảm trên nỗi đau của người khác. Điều đó thực sự đang đặt ra những báo động đỏ về cách suy nghĩ ích kỷ, lối sống thờ ơ đến mức tàn nhẫn của một bộ phận người trẻ. Tiêu biểu cho hành vi sử dụng MXH nhằm kiếm tiền bằng mọi cách là sự xuất hiện nhan nhản những kênh youtube, facebook mà chủ nhân chỉ chăm chăm đưa lên các video có nội dung vô bổ để câu like rẻ tiền, như: nấu cháo gà nguyên lông, nấu cơm bằng nước ngọt có ga, ăn bạch tuộc sống chưa qua sơ chế... hay những thử thách rùng rợn, nguy hiểm như leo cột điện cao thế, một ngày sống trong quan tài...
Trong khi đó khi được hỏi về lý do theo dõi những kênh video nhảm này, nhiều người trẻ trả lời đơn giản chỉ để giải trí, xem cho vui, like theo thói quen. Nhưng họ không ý thức được rằng, những lần nhấn like dạo, share vô tội vạ như vậy vô hình trung đã cổ súy cho việc nhiều người trẻ kiếm tiền từ việc sản xuất vô số “rác” văn hóa trên môi trường mạng. Nhiều video xấu độc đã bị cơ quan chức năng xử lý, buộc phải dỡ bỏ nhưng rõ ràng, những hậu quả để lại thì không thể gỡ bỏ hoàn toàn.
Tự do ngôn luận nhưng phải có trách nhiệm với xã hội
Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị có hiệu lực 23/3/1976 của Liên hợp quốc, khẳng định: “Việc thực hiện quyền tự do ngôn luận có thể phải chịu một số hạn chế nhất định và những hạn chế này cần được quy định bởi pháp luật. Cũng theo Công ước, mục đích của giới hạn quyền tự do ngon luận là nhằm để tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội. Như vậy, quyền tự do ngôn luận không phải là tự do tuyệt đối.
Điều đó không chỉ có ở Việt Nam chúng ta mà nhiều nước trên thế giới, nhìn vào thực tế việc thực thi pháp luật, không hề tồn tại cái được gọi là quyền tự do ngôn luận tuyệt đối. Tùy thuộc vào điều kiện và bối cảnh cụ thể mà mỗi quốc gia đưa ra những giới hạn nhất định đối với việc thực hiện tự do ngôn luận của công dân. Ở Pháp, việc bày tỏ quan điểm cá nhân trên mạng internet phải chịu sự điều chỉnh của Luật Tự do báo chí, Luật dân sự và Luật Hình sự. Theo đó, pháp luật về tự do ngôn luận ở quốc gia này đưa ra các giới hạn, chế tài nghiêm khắc trừng trị hành vi lạm dụng quyền tự do ngôn luận làm ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, bao gồm việc bảo vệ nhân phẩm con người, chống lại việc vu khống, bôi nhọ; chống phân biệt chủng tộc, tôn giáo; chống kích động bạo lực, gây hận thù…
Tại Mỹ - đất nước được mệnh danh là “cái nôi”, hình mẫu của sự tự do như Tổng thống Mỹ Richard Nison đã từng nói: “Nếu chúng ta không lãnh đạo thế giới tự do thì sẽ không có thế giới tự do để lãnh đạo”. Trong Bản tuyên ngôn nhân quyền năm 1791 của Mỹ có quy định: “Quốc hội sẽ không ban hành một đạo luật nào nhằm hạn chế quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí”… Thế nhưng lịch sử và hiện tại của nước Mỹ đã chứng minh rằng nội dung hiến pháp Mỹ về tự do ngôn luận, tự do báo chí là điều đang hoàn toàn xa rời thực tế.
Năm 1798, trước sự lan tràn các tư tưởng của cuộc cách mạng tư sản Pháp, Quốc hội Mỹ đã vội vã thông qua “Đạo luật phản loạn” quy định việc “viết, in phát biểu hay phổ biến…mọi văn bản sai sự thật, xúc phạm hay ác ý chống chính quyền đều là tội”. Điều 2385, Chương 115 Bộ luật Hình sự Mỹ có ghi, nghiêm cấm mọi hành vi “in ấn, xuất bản, biên tập, phát thanh, truyền bá, buôn bán phân phối hoặc công khai trưng bày bất kì tài liệu nào có nội dung vận động, xúi giục hoặc giảng giải về trách nhiệm, sự cần thiết tham vọng hoặc tính đúng đắn của hành vi lật đổ hoặc tiêu diệt bất kỳ chính quyền cấp nào của Mỹ”…
Bên cạnh đó, trong nỗ lực chung nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng tự do ngôn luận để phát ngôn thù địch, tiêu cực trên internet, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên internet với sự cam kết hành động của bốn doanh nghiệp mạng lớn nhất thế giới bao gồm Facebook, Twitter, Youtube và Microsoft. Những động thái này nhằm “bảo đảm quyền tự do ngôn luận đúng nghĩa của người dân và tạo cơ sở để xây dựng một xã hội thực sự dân chủ, văn minh”.
Mới đây nhất, giữa “bão” tin giả về tình hình dịch bệnh COVID-19, một loạt các quốc gia trên thế giới đã tiến hành nhiều biện pháp xử phạt từ cảnh cáo, phạt tiền đến bỏ tù những kẻ tung tin đồn thất thiệt. Ở Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in tuyên bố việc lan truyền thông tin bịa đặt về dịch bệnh là “hành vi phạm tội nghiêm trọng”. Tại Trung Quốc, hành vi tung tin sai sự thật về dịch bệnh bị phạt tiền, giám sát công cộng hoặc phạt tù từ 3 năm đến 7 năm nếu gây hậu quả nghiêm trọng. Trong khi đó, ở Malaysia, Chính phủ đã bắt giữ 6 người vì đăng tải thông tin sai lệch về virus Corona…
Tại Việt Nam, quan điểm Đảng và Nhà nước về quyền tự do ngôn luận đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013 và được cụ thể hóa bằng đường lối, chính sách, pháp luật nhất quán. Trọng tâm là Chỉ thị số 46-CT/TW, ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư (khóa X) về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) tại Hội nghị lần thứ 9 “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Luật Báo chí 2016; Luật Tiếp cận thông tin 2016; Luật An ninh mạng 2018 và các bộ luật, luật liên quan… Điều đó chứng tỏ hệ thống pháp luật của Việt Nam về quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tiếp cận thông tin của công dân là cơ bản đầy đủ, đồng bộ và tương thích với luật quốc tế về quyền con người.
Cũng như hầu hết các quốc gia trên thế giới, Việt Nam luôn tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có tự do internet, MXH. Tuy nhiên, đối với những người vi phạm các quy định của pháp luật trên không gian mạng, đăng phát các thông tin thất thiệt, lừa đảo, xuyên tạc, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân... các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Việt Nam kiên quyết phản đối, đấu tranh với mọi hành vi lợi dụng quyền con người nói chung và quyền tự do internet, MXH nói riêng để chống phá, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Đến thời điểm này, ngoài Bộ luật Hình sự 2015 (được cho là biện pháp chế tài nghiêm khắc nhất), sau nhiều lần sửa đổi, bổ sung, Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt VPHC trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghê thông tin và giao dịch điện tử, gần như đã hoàn thiện để giúp cho cơ quan có chức năng thực hiện có hiệu quả việc phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng có hoạt động lợi dụng Internet, mạng xã hội để vi phạm pháp luật.
Theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ, trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thiết lập MXH: “Chủ động lưu trữ, truyền đưa thông
tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân” sẽ bị phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng (điểm a, khoản 3 Điều 100); cá nhân có hành vi lợi dụng mạng xã hội “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng (điểm a, khoản 1 Điều 101); hoặc có hành vi “Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng (điểm g khoản 3 Điều 102)…
Trường hợp việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác đến mức nghiêm trọng hơn, có thể bị xử lý hình sự về Tội làm nhục người khác theo Điều 155 BLHS 2015 với khung hình phạt thấp nhất là bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Khung hình phạt cao nhất là bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm. Trường hợp nếu thông tin đưa lên không có cơ sở, có tính chất vu khống, xuyên tạc thì có thể bị xử lý hình sự về Tội vu khống theo Điều 156 BLHS 2015, trong đó khung hình phạt cao nhất là bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm…
Để MXH phát triển đúng hướng !
Xây dựng, phát triển, hoàn thiện hệ thống pháp luật để quản lý hoạt động trên internet, MXH là vấn đề tất yếu, khách quan, quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, internet và MXH sẽ luôn xuất hiện vấn đề mới, dễ làm cho một số quy định pháp luật trở nên bất cập, lạc hậu, trong đó điển hình là biện pháp chế tài. Đó cũng chính là nguyên nhân làm cho MXH đang phát triển có xu hướng “lệch pha”, cần phải có giải pháp điều chỉnh.
MXH đã dần trở nên gần gũi và phổ biến, thậm chí đã trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống hiện đại của giới trẻ. Tuy nhiên, nếu không có đủ kiến thức, kỹ năng sử dụng MXH thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nhận thức, thái độ, hành vi, lối sống của mỗi bạn trẻ.
Cho đến thời điểm này, ngoài các chủ thể lợi dụng quyền tự do dân chủ thiết lập MXH để tung tin sai sự thật, nói xấu chế độ… bị Cơ quan có chức năng khởi tố bắt giam và truy cứu trách nhiệm hình sự; có rất ít đối tượng bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội nói xấu người khác, vu khống, hay làm nhục người khác… Trường hợp bị cáo Nguyễn Văn Nhanh, 28 tuổi, ngụ tại Trảng Bom, Đồng Nai bị xử phạt 1 năm tù về tội làm nhục người khác, vì đã có hành vi lên facebook “Hồ Bàu Tràm” livestream và có những lời nói xúc phạm, miệt thị hai lãnh đạo huyện, xảy ra vào đầu năm 2021, là rất hiếm.
Vu khống hoặc nói xấu người khác được hiểu là hành vi bịa đặt, loan truyền những điều mà mình biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Tuy nhiên để có căn cứ buộc tội, phải thỏa mãn đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của tố tụng hình sự, trong đó rất khó để chứng minh người phạm tội vu khống hay tội làm nhục người khác với lỗi cố ý và hậu quả gây ra bằng vật chất chỉ vì một hay vài lời nói không đúng sự thật, vô căn cứ. Cái khó nữa là đối với loại tội danh này, CQĐT muốn khởi tố phải có đơn yêu cầu của người bị hại theo quy định tại khoản 1 Điều 155 BLHS 2015. Trong khi đó thực tế cho thấy, người bị hại thường không muốn làm lớn chuyện, đa số có xu hướng “chín bỏ làm mười”, trừ khi người phạm tội quá quắt, không thể không làm.
Xử lý hình sự còn nhiều bất cập. Điều đó cũng đồng nghĩa xử lý hành chính là biện pháp chế tài có sức răn đe lớn nhất đối với người phạm tội nói xấu, vu khống hay làm nhục người khác trên MXH. Tuy nhiên với mức phạt theo quy định tại Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ (mặc dù đã được điều chỉnh, bổ sung), theo quan điểm của nhiều chuyên gia luật vẫn chưa đủ sức răn đe người vi phạm, nhất là những tổ chức cá nhân cố tình bịa đặt thông tin để phục vụ cho động cơ tăng nguồn thu nhập thông qua hình thức câu nhiều lượt view, like, share bằng mọi giá. Trong khi đó hệ lụy của một nội dung không thiện chí đăng tải trên MXH có sức lan tỏa không biên giới, hậu quả vật chất có thể không xảy ra nhưng còn hậu quả về tinh thần đối với người bị hại thì vô cùng nặng nề, bỡi không chỉ tác động trực tiếp đến người bị hại mà còn làm ảnh hưởng đến các thành viên gia đình, thậm chí cả dòng tộc…
Như vậy hoàn thiện hệ thống pháp luật về sử dụng Internet và MXH, đảm bảo môi trường pháp lý bình đẳng và minh bạch, tạo ra khung pháp lý đủ mạnh nhằm răn đe, xử lý cá nhân, tổ chức đưa tin xấu độc trên Internet và mạng xã hội là giải pháp căn cơ. Cụ thể là phải sửa đổi, bổ sung BLTTHS 2015, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan tố tụng dễ dàng khởi tố, điều tra và xét xử tội vu khống hoặc làm nhục người khác. Đồng thời nâng mức xử phạt VPHC cao hơn gấp nhiều lần so với mức xử phạt đang áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hành bịa đặt, loan truyền những điều mà mình biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
Thực tế, sau gần 2 năm thực thi đã chứng minh Luật An ninh mạng hoàn toàn không vi phạm quyền con người, không bóp nghẹt tự do ngôn luận, mà ngược lại đã tạo nên nền tảng pháp lý vững chắc, phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật trên không gian mạng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân... Vì vậy người tham gia MXH cần cảnh giác trước thủ đoạn của các thế lực thù địch, nâng cao ý thức tự phòng vệ. Khi phát hiện thông tin xấu độc có thể báo đến đường dây nóng của cơ quan công an hoặc các cơ quan chức năng để phối hợp xử lý; tích cực tham gia có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.
Sử dụng MXH một cách lành mạnh, có ý thức, những người tham gia MXH sẽ biết chọn lựa và chia sẻ thông tin một cách có trách nhiệm, làm cho môi trường mạng trở thành nơi lan tỏa những giá trị sống tích cực, giúp ích cho cộng đồng. Chỉ khi mỗi người sử dụng MXH ý thức được trách nhiệm của mình, tự điều chỉnh hành vi... thì trên MXH mới không còn “đất” cho những nội dung vô bổ, nhảm nhí, cũng như những hành xử lệch chuẩn đạo đức, vi phạm thuần phong mỹ tục.