Theo Chủ tịch Quốc hội, công tác nghiên cứu lập pháp phải phục vụ kiến tạo phát triển, đồng thời khắc phục các bất cập, khuyết điểm của hệ thống pháp luật hiện hành.
Nghiên cứu khoa học lập pháp có hai lĩnh vực. Đó là nghiên cứu căn bản về khoa học lập pháp, bao gồm cả quy trình lập pháp, kinh nghiệm lập pháp trên thế giới, nghị viện với công tác lập pháp. Thứ hai, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu để tham mưu định hướng theo nhiệm kỳ của Quốc hội, nghiên cứu cả những dự án luật đang trình Quốc hội - nhất là những dự án có nhiều ý kiến khác nhau.
Viện Nghiên cứu lập pháp tập trung nghiên cứu, tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất với Đảng đoàn Quốc hội cụ thể hóa chủ trương của Đảng trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII. Những chủ trương đã có thì tiếp tục với tư duy mới, tầm nhìn mới, lăng kính mới. Viện cần rà soát để bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật đã có trên tinh thần bảo đảm tính ổn định cả về tổ chức bộ máy nhà nước, về kinh tế, về quyền công dân, quyền con người.
"Kết luận của Bộ Chính trị về việc thực hiện Nghị quyết số 48 yêu cầu hệ thống pháp luật cần thống nhất, đồng bộ, minh bạch, ổn định, khả thi cao. Đây là nội dung mà Viện nghiên cứu lập pháp cần tập trung thực hiện", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Viện nghiên cứu lập pháp được thành lập trên cơ sở Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XII, năm 2008. Đây là cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, có chức năng nghiên cứu khoa học lập pháp, tổ chức thông tin khoa học lập pháp để tham mưu chính sách, tư vấn, hỗ trợ, phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội; giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.
Nguồn https://vnexpress.net/chu-tich-quoc-hoi-khac-phuc-cho-duoc-luat-ong-luat-khung-4298094.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn