Xôn xao dư luận cách diễn giải của những cán bộ thi hành
“Bánh mì không phải thực phẩm” là phát ngôn của một cán bộ phường tại Khánh Hoà, có lẽ là câu chuyện gây chú ý nhiều nhất trong dư luận xã hội mấy ngày vừa qua. Theo đó, ngày 19/7, mạng xã hội xuất hiện 2 đoạn video ghi lại hình ảnh Tổ công tác của phường Vĩnh Hòa, TP.Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đi tuần tra, kiểm soát việc chấp hành Chỉ thị 16.
Theo đó, khi bị Tổ công tác chặn xe lại, một công nhân tên là T.V.E đã giải thích chưa nắm rõ quy định xử lý về việc thực hiện Chỉ thị 16. Người này cho rằng đi mua đồ ăn là lý do chính đáng, không được giữ giấy tờ. Tuy nhiên, vị Phó chủ tịch phường vẫn cương quyết cho rằng, bánh mì không phải lương thực, thực phẩm, không phải thiết yếu, mà là… đồ ăn.
Liên quan đến vụ việc trên, ông Trần Văn Đông, Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang (Khánh Hòa) cho biết ông Trần Lê Hữu Thọ, Phó chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa đã bị thôi nhiệm vụ Trưởng Ban Phòng chống dịch. Phường này đã phân công bà Nguyễn Thị Hà, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa, làm nhiệm vụ Trưởng Ban Phòng, chống dịch Covid-19. Phường Vĩnh Hòa cũng đang chờ ý kiến cấp trên về việc xử lý kỷ luật ông Thọ vì đã có lời nói, ứng xử không chuẩn mực với người dân trong khi thi hành công vụ.
Không phải cá biệt, trên mạng xã hội những ngày qua, nhiều người đã bày tỏ ý kiến về việc lực lượng chức năng xử lý chưa phù hợp khi người dân đang đi mua thực phẩm; hoặc có cán bộ còn ứng xử chưa đúng mực với người dân...
Việc thực hiện nghiệm Chỉ thị 16 của Chính phủ là hết sức cần thiết nhằm kiềm chế, ngăn chặn sự lây lan, từng bước kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra từ câu chuyện này là cách diễn giải và cách hành xử của những cán bộ thi hành nhiệm vụ như thế nào đảm bảo người dân tuân thủ thực hiện và tránh gây bức xúc dư luận.
Ngay sau vụ việc Phó chủ tịch phường Vĩnh Hòa (TP.Nha Trang, Khánh Hòa) nói "bánh mì không thiết yếu" và thu xe của một thanh niên đi mua bánh mì, Sở Công thương Khánh Hòa đã ra công văn khẩn số 1153/SCT-TMXNK ngày 19/7.
Công văn nêu rõ, hàng hóa thiết yếu là những hàng hóa bao gồm: thứ nhất là hàng thực phẩm tươi sống: thịt (các sản phẩm từ thịt), thủy sản (các sản phẩm từ thủy sản); rau, củ, quả (các sản phẩm từ rau, củ, quả); trái cây, trứng (các sản phẩm từ trứng).
Thứ hai là hàng công nghệ phẩm: Bánh, kẹo, muối, bột nêm, gia vị; nước mắm, đường, dầu thực vật, sửa các loại; mì gói các loại và một số mặt hàng lương thực, thực phẩm khác phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hàng ngày của người dân: Nước uống, nước ngọt đóng chai, lon, thùng.
Thứ ba, về lương thực bao gồm: gạo tẻ, gạo nếp, vừng, đậu, ngô, khoai, sắn, bột, tinh bột (các sản phẩm từ bột, tinh bột).
Thứ tư là nhóm thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh gồm khẩu trang, sản phẩm dùng để rửa tay, tắm giặt, gội; nước kháng khuẩn, giấy vệ sinh.
Thứ năm là nhóm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ phục vụ sản xuất, lưu thông gồm: Xăng dầu, gas, khí đốt và các loại nguyên liệu, vật liệu khác phục vụ sản xuất; Dịch vụ cung cấp điện, nước cho sản xuất và đời sống. Và sau cùng là nhóm thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y.
Trường hợp nào ra ngoài được coi là cần thiết, thiết yếu?
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Pháp lý, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, hiện nay, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh đặc biệt là biến chủng mới Delta khiến số ca mắc covid-19 gia tăng nhanh, gây áp lực cho lực lượng y tế. Bởi vậy rất nhiều địa phương đã áp dụng Chỉ thị 16/CT/TTg của chính phủ để thực hiện tăng cường các biện pháp chống dịch.
Khi thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 thì các địa phương sẽ cần một lực lượng phòng chống dịch bệnh và yêu cầu người dân phải tuyệt đối tuân thủ các quy định về gián cách xã hội, đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa sự tiếp xúc giữa con người với nhau. Chỉ có những hoạt động thiết yếu thì mới được phép hoạt động.
Theo đó, yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác...
Tuy nhiên, Chị thị 16 không liệt kê toàn bộ các tình huống, trường hợp được coi là trường hợp cần thiết để được phép ra đường. Bởi vậy việc vận dụng Chỉ thị này phải tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh ở từng địa phương và vào hoàn cảnh cụ thể của từng tình huống, từng sự việc cụ thể.
Theo luật sư Cường, việc xác định có thiết yếu hay không không chỉ phụ thuộc vào sự việc mà còn phụ thuộc vào đối tượng, nhu cầu. Trường hợp có nhu cầu và không có cách nào khác để giải quyết hợp lý hơn thì cách duy nhất đó được xác định là thiết yếu.
Đối với những trường hợp mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm, cấp cứu, khám chữa bệnh... thường là những trường hợp cần thiết.
Tuy nhiên nếu vin vào các lý do trên để ra đường, có thể vẫn bị hạn chế bởi trường hợp đó không thật sự cần thiết. Ví dụ nhà vẫn có gạo, nhưng lại muốn ra đường nên lấy lý do mua gạo; người không có bệnh nhưng vẫn lấy lý do đi khám bệnh; không cần thuốc nhưng vẫn lấy lý do để đi ra hiệu thuốc để được ra ngoài...
Nếu việc phải ra đường để đảm bảo duy trì cuộc sống, đảm bảo sức khỏe mà không có cách nào khác đó được coi là thiết yếu. luật sư Cường phân tích.
Việc một số cán bộ có những ứng xử cứng nhắc, không tụ hợp trong công tác phòng dịch gây bức xúc trong nhân dân cần phải kịp thời quán triệt và rút kinh nghiệm, hoặc cần phải xem xét xử lý kỷ luật, nếu trình độ nhận thức và nghiệp vụ không phù hợp thì có thể chuyển công tác khác để đảm bảo hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Cần phải có nhận thức đúng đắn, đầy đủ, phù hợp về dịch bệnh cũng như các biện pháp phòng chống dịch bệnh thì mới đạt hiệu quả cao, giảm bớt những tác động tiêu cực của dịch bệnh đến đời sống kinh tế, xã hội.
Phòng chống dịch bệnh cũng đòi hỏi ý thức trách nhiệm của mọi công dân. Chỉ khi người dân có ý thức tôn trọng pháp luật, coi trọng mạng sống của mình và người khác phải tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh thì việc phòng dịch mới hiệu quả. Với các đối tượng chống đối, cản trở, vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh thì tùy vào tính chất mức độ có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Luật sư Đặng Văn Cường kiến nghị.
Ngày 03/4/2021, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn 2601/VPCP-KGVX hướng dẫn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ
Theo đó, thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội theo đúng yêu cầu của Chỉ thị số 16/CT-TTg, bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng. Nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết: Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; Các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn,...
Nguồn ttps://phaply.net.vn/ap-dung-chi-thi-16-bien-phap-cap-bach-phong-dich-covid-19-truong-hop-nao-ra-ngoai-duoc-coi-la-can-thiet-thiet-yeu-a252671.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn