Ưu tiên người lao động hay doanh nghiệp?
Chia sẻ trên tờ VnExpress (ngày 23/8), các ông Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica, ông Vũ Thành Tự Anh, giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính (Đại học Kinh tế TP HCM), đồng cho rằng, an sinh cho người lao động là vấn đề cần quan tâm hàng đầu. Lý do, người lao động khó chống đỡ với đợt dịch mới. Nếu doanh nghiệp còn cầm cự được vài tháng, người lao động không có khả năng chống chọi khi mất đi sinh kế.
Để thuyết phục quan điểm trên, các chuyên gia còn chia người lao động thành hai nhóm: chính thức (công nhân, người có tay nghề thấp) và phi chính thức (5 triệu hộ kinh doanh cá thể, ước tính khoảng 20 triệu người) chịu tác động bỡi dịch Covid19. Ông Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh: “Khu vực phi chính thức có thể tạo ra rạn nứt, thậm chí đổ vỡ cho nền kinh tế nếu không có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Rất nhiều vấn đề xã hội xảy ra khi con người ta bị bần cùng hoá, do vậy đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là câu chuyện an ninh và xã hội, tiềm ẩn hệ quả to lớn”.
Đã có gần 16 triệu người được thụ hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng
Về gói hỗ trợ thứ nhất (gói 62.000 tỉ đồng), tại công văn gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Lao động, thương binh và xã hội cho biết, tính đến hết tháng 7/2020, các địa phương đã phê duyệt danh sách gần 16 triệu người thuộc các nhóm đối tượng được thụ hưởng với tổng kinh phí là trên 17.500 tỉ đồng.
Liên quan đến quan điểm ưu tiên hỗ trợ cho doanh nghiệp, sau đối tượng người lao động, chuyên gia Nguyễn Khắc Quốc Bảo cho rằng, không cào bằng mà phải dựa vào mức độ thương tổn của từng ngành và giữ vững nguyên tắc bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Nguyên tắc là ai làm người nấy chịu, ai đóng góp người nấy hưởng. Điều này ít nhất sẽ đảm bảo minh bạch và một mức độ công bằng nhất định, giúp tạo ra sự đồng thuận nhất định trong xã hội. Về thứ tự ưu tiên doanh nghiệp: Doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp tư nhân lớn sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp trong lĩnh vực trọng yếu, doanh nghiệp nhà nước.
Ông Bình phân tích: Thứ nhất, với doanh nghiệp nhỏ và vừa, dù được cho là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, nhóm này ít khi được ưu tiên về cơ chế, sức đề kháng của doanh nghiệp yếu, dễ bị tổn thương. Do vậy, để giữ cho kinh tế ổn định, giống như chuyên gia của Fulbright, ông lưu ý nhóm này cần được ưu tiên tiếp cận các gói hỗ trợ. Điều này cũng tạo ra sự đồng nhất trong quan điểm của Chính phủ khi luôn khuyến khích người dân khởi sự, tạo lập doanh nghiệp mới.
Từ cách tiếp cận khác, đại biểu Quốc hội TP.HCM, Trần Hoàng Ngân đề xuất, Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ lãi suất vào những lĩnh vực quan trọng, có tính lan tỏa cho nền kinh tế. Những lĩnh vực ưu tiên được ông nhắc đến là chuyển đổi số, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, các lĩnh vực giảm thiểu sự tiếp xúc con người với con người… Bởi đó là lĩnh vực về lâu dài sẽ cần thiết trong nền kinh tế bất chấp có dịch COVID-19 hay không.
Gói hỗ trợ đợt 2 phải lấy doanh nghiệp làm trung tâm
Từ sự phân tích trên của các chuyên gia, cho thấy đối tượng nào cũng thỏa mãn điều kiện để nhận được sự “tiếp sức” từ phía ngân sách. Điều đó chứng tỏ 2 đợt dịch Covid – 19 xảy ra liên tiếp đã thực sự bào mòn “sức khỏe” nền kinh tế.
Điều nghịch lý là trong khi nhu cầu càng lớn thì “bầu sữa” nhà nước lại có hạn, thậm chí có nguy cơ cạn kiệt nếu không có giải pháp nuôi dưỡng trong dài hạn. Theo Bộ Tài chính, luỹ kế thu ngân sách 7 tháng đầu năm 2020 chỉ mới đạt 13,1%; trong khi chi ngân sách tăng 10,1% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lực lượng doanh nghiệp (nguồn lực chủ yếu làm gia tăng ngân sách) ngừng kinh doanh tăng 41,5% so với cùng kỳ năm 2019, kéo theo gần 31 triệu người mất việc, giảm thu nhập. Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội còn đưa ra dự báo mỗi tháng sẽ có thêm khoảng 100.000 người thất nghiệp, nếu dịch Covid-19 không bị khống chế…
Doanh nghiệp đang rất cần sự tiếp sức của Nhà nước để cầm cự vượt qua giai đoạn khó khăn
Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra dự báo, nền kinh tế Việt Nam năm 2020 sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 2,8%. Tuy nhiên theo nhận định của các chuyên gia khả năng tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm đạt mức dương là cực kỳ khó khăn. Điều đó cũng có nghĩa nền kinh tế đang ở trong trạng thái phải “cầm cự” để sẵn sàng phục hồi hậu Covid – 19.
Như vậy trong bối cảnh nền kinh tế nhận “cú đấm bồi” từ Covid-19 cần phải có cách tiếp cận khác. Theo chúng tôi, gói hỗ trợ tiếp theo phải đảm bảo mục tiêu “3 trong 1”: Hỗ trợ người dân để đảm bảo an sinh; kích thích tiêu dùng; và giảm thiểu giải thể, phá sản doanh nghiệp. Trong đó trọng tâm là doanh nghiệp. Bỡi doanh nghiệp còn là đồng nghĩa với “hậu Covid 19” nguồn thu ngân sách còn, sức khỏe nền kinh tế sớm hồi phục, người lao động sẽ có việc làm, an sinh xã hội ổn định…
Cho đến nay, gói hỗ trợ an sinh đợt 1 (62.000 tỷ đồng) cho các đối tượng bị tổn thương chỉ mới giải ngân được 17.500 tỷ đồng (tương ứng 28,2%). Không những có tỷ lệ giải ngân quá thấp mà theo theo các chuyên gia nhìn nhận hiệu quả các chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội thời gian qua chỉ ở mức vừa phải.
Vì vậy, vấn đề cần quan tâm hiện nay phải có giải pháp hữu hiệu để đưa gói hỗ trợ đợt 2 nhanh chóng đi vào cuộc sống (ngay sau khi đề xuất của bộ, ngành có chức năng được Chính phủ phê duyệt), để phát huy tác dụng kịp thời.
Đưa ra quan điểm để xây dựng gói chính sách lần 2, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá: “Về nguyên tắc, chính sách lần này phải bao quát toàn diện các đối tượng, phải đủ lớn, đủ mạnh để tác động ngay, kích thích tăng trưởng kinh tế. Các chính sách đều phải gắn đến quản lý cơ cấu các ngành, lĩnh vực, phải gắn với tái cơ cấu và những lĩnh vực liên quan. Các giải pháp, chính sách hỗ trợ phải đảm bảo đa mục tiêu chứ không chỉ kích thích tăng trưởng kinh tế”
Trong khi đó, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng Chính phủ nên ưu tiên một số đối tượng nhất định. Thứ nhất, cần hỗ trợ cho những doanh nghiệp nào thực hiện theo lệnh Chính phủ bắt buộc đóng cửa vì an toàn quốc gia. Thứ hai, cần ứng tiền cho người lao động, thay vì đưa cho doanh nghiệp trực tiếp, nhưng cần có sự sàng lọc. Theo TS Hiển, trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó đầu ra, để không bị chết đứng, giữ được guồng sản xuất và người lao động, các doanh nghiệp trong nước phải đẩy mạnh bán được hàng, tiêu thụ tồn kho. Và chỉ có người dân khi có tiền mới dám mua sắm, tiêu thụ hàng cho doanh nghiệp.