Chuẩn bị xét xử 9 đại án trong năm 2020: Nhận diện các chiêu thức, thủ đoạn của tội phạm kinh tế...

Thứ ba - 18/08/2020 03:46
(TVLMP) - Tại phiên họp 18, ngày 25.7.2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN), dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN đã xác định 6 tháng cuối năm tập trung chỉ đạo hoàn thành xét xử sơ thẩm 09 vụ án trọng điểm theo đúng kế hoạch.
Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi) là một trong 9 đại án chuẩn bị đưa ra xét xử
Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi) là một trong 9 đại án chuẩn bị đưa ra xét xử

Bài viết của Luật gia, Nhà báo Vũ Lê Minh (Đăng tải trên Pháp lý Online ngày 18/8/2020)


 Tư vấn luật miễn phí trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:
 

Từ tố tụng các vụ án, cơ quan tố tụng đã lật tẩy nhiều chiêu thức và thủ đoạn mà các bị can đã sử dụng để biến tài sản công thành tài sản tư, làm thất thoát đặc biệt nghiêm trọng tài sản của Nhà nước.

Nghiên cứu về 9 đại án, một số chuyên gia luật cũng đồng thời phát hiện ra những lỗ hổng pháp lý, qua đó kiến nghị cơ quan có thẩm quyền khẩn trương khắc phục…
 

3 Nhóm tội phạm kinh tế điển hình

Trên cơ sở các tội danh được Cơ quan tố tụng truy tố, 9 vụ án trọng điểm chuẩn bị đưa ra xét xử, có thể chia làm 3 nhóm tội phạm điển hình, gồm:

– Nhóm tội phạm vi phạm quy định về quản lý đất đai và sử dụng tài sản nhà nước: (bao gồm 04 vụ án: Vụ án “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Tổng Công ty bia rượu nước giải khát (Sabeco), Quận 1, TP. Hồ Chí Minh; Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” liên quan đến dự án 8-12 Lê Duẩn, Quận 1, TP Hồ Chí Minh; Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn; Vụ án “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh và các đơn vị có liên quan)

– Nhóm tội phạm vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng: (bao gồm 3 vụ án: Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án xây dựng nhà máy Ethanol Phú Thọ; Vụ án: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Gang thép Thái Nguyên; Vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi)

– Nhóm tội phạm vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng (bao gồm 2 vụ án: Vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng” xảy ra tại BIDV và các đơn vị liên quan; Vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng xảy ra tại Ngân hàng Phương Nam – thuộc Sacombank”)
 


1. Nhóm tội phạm vi phạm các quy định về quản lý đất đai và sử dụng tài sản nhà nước.
 

Ở nhóm tội phạm này, các cơ quan tố tụng đã lật tẩy các chiêu thức và thủ đoạn của các bị can đã sử dụng để biến tài sản công thành tài sản tư, làm thất thoát nghiêm trọng tài sản của Nhà nước, đó là: Bỏ qua thẩm định giá, không tổ chức đấu giá tài sản và không đấu thầu dự án.


Điển hình là vụ án: “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” liên quan đến dự án 8-12 Lê Duẩn, Quận 1, TP Hồ Chí Minh. Khu đất này có diện tích rộng gần 5.000 m2, nằm ở vị trí có lợi thế đặc biệt về thương mại, được Ban chỉ đạo sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước tại TP HCM giao Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM lập thủ tục bán đấu giá và chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án. Yêu cầu đưa ra là “nhà đầu tư thực hiện dự án phải có năng lực, kinh nghiệm trong lĩnh vực khách sạn”.                

HBT
Toàn cảnh khu đất 2 – 4 – 6 Hai Bà Trưng, Quận 1, TP.HCM có diện tích 6.080,2 m2, được ví như là khu đất “vàng” hiếm hoi còn sót lại giữa trung tâm của thành phố phát triển bậc nhất cả nước.


Trong quá trình triển khai thực hiện, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của nguyên PCT UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài, khu đất “vàng” được giao cho Công ty CP đầu tư Lavenue (một pháp nhân mới thành lập) hợp tác cùng với Công ty TNHH Một thành viên Hoa Tháng Năm (chưa hề tham gia bất cứ dự án nào) để triển khai thực hiện DA khách sạn cao cấp, thương mại dịch vụ, căn hộ cho thuê với thời hạn sử dụng đất là 50 năm. Hình thức sử dụng là Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng và cho thuê hàng năm, (kể từ 6/2011). Sai phạm nghiêm trọng của ông Tài và các thuộc cấp trong vụ án này là đã thực hiện chuyển giao quyền sở hữu khu đất “vàng” cho 02 công ty tư nhân nhưng không tuân thủ các quy định của pháp luật. Cụ thể, không tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, không thẩm định giá tài sản, không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Hậu quả làm thiệt hại tài sản của Nhà nước với số tiền lên tới 2.554 tỷ đồng.

Hành vi , thủ đoạn nói trên tiếp tục được áp dụng trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, đẩy ông Trần Vĩnh Tuyến – đương kim Phó Chủ tịch UBND TPHCM vào vòng lao lý. Trước đó năm 2009, Tổng Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Sài Gòn (gọi tắt là SAGRI) được UBND TP.HCM giao làm chủ đầu tư dự án Khu dân cư Phước Long B, Quận 9 có quy mô hơn 3,6 ha (37.000m2). Trong lúc DA còn chưa hoàn tất hạ tầng kỹ thuật, thì từ năm 2012, SAGRI đã ủy quyền cho Tổng Công ty Phong Phú (một đối tác hợp tác đầu tư trước đó) phân lô bán nền bằng hình thức ký kết các hợp đồng góp vốn, đặt cọc với khách hàng…

Giữa lúc sai phạm của SAGRI chưa được khắc phục, thì năm 2016, trên cơ sở đề xuất của Giám đốc Sở Xây dựng, ông Trần Vĩnh Tuyến lại ký quyết định chấp thuận cho SAGRI chuyển nhượng dự án cho Cty Phong Phú, với giá hơn 168 tỷ đồng (tương đương với hơn 10,5 triệu đồng/m2, thấp hơn giá chuyển nhượng dự án liền kề tới 18,629 triệu đồng/m2). Việc chuyển nhượng này cũng không thông qua đấu giá để xác định giá thị trường, không tổ chức thẩm định xác định giá khởi điểm; thậm chí cũng không lập thủ tục đề nghị cơ quan chức năng xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung khi dự án điều chỉnh các chỉ tiêu kỹ thuật so với ban đầu.

Khác với 2 vụ án trên, trong vụ án: “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Tổng Công ty bia rượu nước giải khát (Sabeco), Quận 1, TP. Hồ Chí Minh, hành vi vi phạm của các bị can “đẳng cấp” hơn. Để “hóa kiếp” khu đất “vàng” tọa lạc tại địa chỉ 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, TP.HCM về tay tư nhân, Sabeco được sự tiếp sức của nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín, đã xây dựng kịch bản: Góp vốn thành lập Công ty CP Đầu tư Sabeco Pearl để làm chủ đầu tư dự án Sài Gòn Mê Linh Tower (2015) cùng với 4 cổ đông sáng lập là 4 công ty cổ phần.

Sau 03 lần “thay áo” (từ DA Sài Gòn Mê Linh Tower, đến DA “Khu phức hợp khách sạn 6 sao, Trung tâm hội nghị, hội thảo và cao ốc văn phòng cho thuê”; và cuối cùng là: DA “Đầu tư xây dựng và kinh doanh trung tâm hội nghị, thương mại – dịch vụ, văn phòng, officetel và căn hộ bán”), Sabeco Pearl bất ngờ được ông Tín ký văn bản cho hưởng ưu đãi thuê đất tới 50 năm trả tiền 1 lần để thực hiện dự án mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. Đến giữa năm 2016 (chủ trương thoái vốn của Nhà nước ra đời), Sabeco lập tức thoái vốn bán toàn bộ số cổ phần đang nắm giữ cho các cổ đông sáng lập khác… Kết quả, sau 1 năm theo đuổi DA, bỏ ra 92 tỷ đồng tiền mặt và quyền sử dụng đất khu đất có giá trị ghi sổ tới 1.237 tỷ đồng (để đảm bảo tỷ lệ góp vốn 26% vào Sabeco Pearl), Sabeco chỉ thu về được số tiền 195 tỷ đồng…
 

2. Nhóm tội phạm vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng

Ở nhóm tội phạm này, thủ đoạn vi phạm chủ yếu của các bị can: Bỏ qua việc tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu có năng lực; DA được thực hiện khi chưa đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế và báo cáo tiền khả thi; điều chỉnh DA vượt thẩm quyền…

Dư luận quan tâm nhiều đến vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (bị khởi tố vào giữa 11/2019). Liên quan đến đại án này, đến nay CO3 Bộ Công an đã khởi tố 19 đối tượng liên quan đến VEC, Ban QLDA và các nhà thầu thi công về tội danh vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015.

Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có tổng kinh phí đầu tư được duyệt là 34.516 tỷ đồng với tổng chiều dài 139,2 km, chia làm 2 giai đoạn, sử dụng vốn vay của các tổ chức tài chính nước ngoài, do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư. Theo Bộ Công an, có đủ căn cứ xác định công trình xây dựng tại các gói thầu thuộc giai đoạn 1 của dự án này không đảm bảo chất lượng (do hành vi không tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng công trình, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án, của chủ đầu tư, BQL dự án, nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn giám sát thi công dự án gây ra), dẫn đến công trình xây dựng hoàn thành không đảm bảo chất lượng, gây hư hỏng khi vận hành khai thác...

Gang

Việc quản lý dự án không đúng quy định, điều chỉnh vượt thẩm quyền của TISCO đã gây thất thoát vốn đầu tư, khiến DA Cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Gang thép Thái Nguyên lún sâu vào khủng hoảng kéo dài, đến nay vẫn còn “đắp chiếu” là một khối sắt gỉ sét.


Trước đó trong vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Gang thép Thái Nguyên (bị CO3 khởi tố hồi 4/2019), các cơ quan có chức năng phát hiện hành vi vi phạm của chủ đầu tư còn nghiêm trọng hơn. TISCO đã lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi DA chưa đủ cơ sở trình. Dự án đầu tư nghìn tỷ đồng nhưng lại không có cả thuyết minh phương án giải phóng mặt bằng, không xác định cụ thể nguồn vốn tự có cũng như nguồn nguyên liệu để đảm bảo tính khả thi của dự án…

Một trong những hành vi dối trá nghiêm trọng nhất của dự án là TISCO không hề lập dự toán, mà chỉ sử dụng số liệu của đơn vị tư vấn là Công ty Cổ phần Công nghiệp Việt Nam (VINAICON) để trình VNS, các bộ, ngành và Thủ tướng Chính phủ để phê duyệt chi phí phát sinh phần C trong hợp đồng EPC lên tới 15,57 triệu USD. Đặc biệt, TISCO điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án lên 8.100 tỷ không đúng quy định…Việc quản lý dự án không đúng quy định, điều chỉnh vượt thẩm quyền của TISCO đã gây thất thoát vốn đầu tư, khiến dự án ngày càng lún sâu vào khủng hoảng kéo dài, đến nay vẫn còn “đắp chiếu” là một khối sắt gỉ sét. Liên quan đến sai phạm của TISCO tại DA này, đầu năm 2020, Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Hoàng Trung Hải – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ.

Cũng bỏ qua quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, trước đó trong vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án xây dựng nhà máy Ethanol Phú Thọ (khởi tố hồi 6/2018), khiến cho hàng loạt lãnh đạo PVN, PVB, PVC vướng vòng lao lý, trong đó có ông Đinh La Thăng khi đó đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN kiêm Trưởng ban Chỉ đạo triển khai các dự án nhiên liệu sinh học của PVN. Cơ quan điều tra xác định, sai phạm nghiêm trọng nhất của ông Thăng và các đồng phạm là dù biết 6 nhà thầu không ai đủ điều kiện nhưng vẫn ký nhiều công văn, chỉ đạo thực hiện chỉ định thầu cho Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T tham gia thực hiện gói thầu TK05 Ethanol Phú Thọ theo hình thức chỉ định thầu.


3. Nhóm tội phạm vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng


Theo quy định tại Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 về việc ban hành quy chế cho vay của tổ chức tín dụng với khách hàng và các văn bản sửa đổi bổ sung : Điều kiện cơ bản để được cấp tín dụng và giải ngân chỉ khi đối tượng vay có phương án sử dụng vốn khả thi và có khả năng tài chính để trả nợ; và có dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khả thi và có hiệu quả; hoặc có dự án đầu tư, phương án phục vụ đời sống khả thi và phù hợp với quy định của pháp luật…                               

Bộ 3
Từ trái qua phải: Trần Bắc Hà, Trần Lục Lang, Đoàn Ánh Sáng…: các bị can đầu vụ trong đại án xảy ra tại BIDV


Trong vụ án: “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng xảy ra tại Ngân hàng Phương Nam (Sacombank)”, bị cáo Trầm Bê và 8 đồng phạm biết rõ Công ty Bình Phát không đủ điều kiện vay tiền nhưng vẫn đề xuất cho vay, phê duyệt cho vay hồ sơ vay tiền của công ty, dù tài sản thế chấp là 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Dương Thanh Cường đang được thế chấp cho khoản vay khác ở Ngân hàng Agribank. Hành vi bất chấp quy định cho vay của các bị cáo đã gây thiệt hại cho Ngân hàng Phương Nam số tiền hơn 505 tỷ đồng.

Một vụ án điển hình nhất trong nhóm tội phạm vi phạm quy định về hoạt động cho vay của ngân hàng phải kể đến vụ án có liên quan đến cố bị cáo Trần Bắc Hà và các đồng phạm trong vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; và vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng” xảy ra tại BIDV và các đơn vị liên quan” (bị C03 khởi tố vào tháng 11/2018). Trong vụ án này, ông Hà đã chỉ đạo BIDV phê duyệt cấp tín dụng với các ưu đãi trái quy định cho 2 công ty “gia đình” không có khả năng tài chính trả nợ là Công ty CP Tập đoàn An Phú (do Trần Duy Tùng – con trai ông Hà làm chủ) và Công ty CP chăn nuôi Bình Hà (do ông Hà nhờ 3 cá nhân không có năng lực tài chính đứng tên thành lập).

Sau khi được phê duyệt cho vay, 2 Công ty trên nhận tiền giải ngân , rồi sau đó chiếm đoạt sử dụng cá nhân, góp vốn lòng vòng, và sử dụng vốn vay sai mục đích, dẫn đến bị thua lỗ, gây thiệt hại cho BIDV hơn 1.500 tỉ đồng. Các cơ quan tố tụng xác định, ông Hà chịu trách nhiệm chính về hậu quả này. Liên quan đến vụ án này, đến nay đã có 12 bị can bị đề nghị truy tố, trong đó có 8 người là lãnh đạo cấp cao, nhân viên của BIDV.


Những qui định pháp luật lỏng lẻo, dễ dãi bị tội phạm lợi dụng triệt để
 

Có thể nói hành vi vi phạm các quy định pháp luật của các bị can trong 09 vụ án thuộc 3 nhóm tội phạm nói trên là quá rõ ràng, đã được cơ quan công an chứng minh. Tuy nhiên bên cạnh đó, không thể nói là không có nguyên nhân từ khoảng trống của một số qui định pháp luật, góp phần làm phát sinh động cơ vi phạm pháp luật của các bị can.

1. Liên quan đến nhóm tội phạm thứ nhất – nhóm tội phạm vi phạm các quy định về quản lý đất đai và sử dụng tài sản nhà nước: các chuyên gia luật cho rằng, nếu không có quy định dễ dãi tại Điều 118 Luật Đất đai 2013: “Trường hợp đất đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều này mà không có người tham gia hoặc trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá hoặc đấu giá ít nhất là 02 lần nhưng không thành thì Nhà nước thực hiện việc giao đất, cho thuê đất mà không phải đấu giá quyền sử dụng đất”, thì các bị can không liều lĩnh giao khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng, TP.HCM cho Sabeco Pearl và được hưởng ưu đãi thuê đất tới 50 năm trả tiền 1 lần; hay khu đất “vàng” rộng gần 5.000 m2, nằm tại số 8 – 12 Lê Duẩn, Quận 1 (TP.HCM) giao cho Công ty CP đầu tư Lavenue để thực hiện dự án mà không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất. Bởi qui định như vậy là quá dễ để các cán bộ có thẩm quyền hợp thức hóa điều kiện không có người tham gia hoặc trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá hoặc đấu giá ít nhất là 02 lần nhưng không thành, để dự án được hưởng quyền được giao đất, cho thuê đất mà không phải đấu giá quyền sử dụng đất.

Từ đại án: “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” xảy ra tại Tổng Công ty bia rượu nước giải khát (Sabeco), việc hoàn thiện hàng lang pháp lý đối với công tác thẩm định giá là một đòi hỏi bức thiết. Để làm “bốc hơi” khu đất 2–4–6 Hai Bà Trưng về tay tư nhân với số tiền thu về chỉ có 195 tỷ đồng, Sabeco đã hợp thức hóa bởi bảng giá trị thẩm định của doanh nghiệp thẩm định giá Cushman&Wakefield – một trong số 03 đơn vị được thuê có chức năng thẩm định giá, đã đưa ra giá trị thẩm định cao nhất. Chỉ đến khi vụ việc bị thanh tra, thì mới phát lộ số tài sản của Nhà nước mà Sabeco bỏ ra để theo đuổi dự án tới 92 tỷ đồng tiền mặt và khu đất có giá trị ghi sổ tới 1.237 tỷ đồng.
 

“Khoảng trống” nằm tại Điều 37, Luật Giá năm 2012 quy định thẩm định viên có quyền hoạt động độc lập về chuyên môn nghiệp vụ; và có nghĩa vụ “ký báo cáo kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá và chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước người đại diện theo pháp luật về kết quả thẩm định giá…”. Song lại không hề có quy định cơ quan nào, cấp nào có quyền hậu kiểm kết quả thẩm định; giám sát, kiểm tra quy trình thực hiện của thẩm định viên có đảm bảo theo luật định. Có nghĩa, các thẩm định viên không chịu sự chi phối hay sức ép bất cứ từ bên nào trong hoạt động chuyên môn. Muốn định giá cao thì thẩm định viên tô hồng tài sản, thay đổi số liệu phù hợp và ngược lại ?


2. Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về sai phạm xảy ra tại DA cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Bộ Công an đã chỉ ra những bất cập, sơ hở trong hoạt động giám sát thi công công trình Dự án. Cụ thể, VEC đã ký hợp đồng với liên danh các nhà thầu nước ngoài là OC – KEI – SMEC (đoạn 65 km) và CDM Smith (đoạn 75 km) thực hiện công tác giám sát thi công các gói thầu của Dự án. Tuy nhiên, thực tế giám sát tại hiện trường chỉ có một số lượng ít kỹ sư người nước ngoài, phần lớn do các kỹ sư tư vấn của Việt Nam đảm nhiệm vừa thiếu kinh nghiệm, vừa yếu năng lực… phụ thuộc rất nhiều vào sự điều hành hoạt động của nhà thầu thi công. Do vậy, tư vấn giám sát không phát huy được tính độc lập, tự chủ về chuyên môn khi thực hiện công tác này nhưng vẫn tham gia ký xác nhận chất lượng các hạng mục thi công, công trình xây dựng. Trong khi đó do Chủ đầu tư không đảm bảo thanh toán các khoản chi phí, Liên danh giám sát thi công đã tự giải thể, mặc dù Dự án còn nhiều công đoạn thực hiện, công trình chưa được bàn giao chính thức.

Liên quan đến thực trạng trên, mặc dù Luật Xây dựng 2014 (tại điểm 2, khoản 2 Điều 121) có quy định: “Chủ đầu tư có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại khi lựa chọn tư vấn giám sát không đủ điều kiện năng lực giám sát thi công xây dựng công trình, nghiệm thu khối lượng không đúng, sai thiết kế và các hành vi vi phạm khác gây thiệt hại do mình gây ra”. Thế nhưng theo các chuyên gia luật, rất khó để thực hiện chế tài chủ đầu tư. Thứ nhất, không chủ đầu tư nào tự “lấy đá ghè chân mình” hoặc tự “vạch áo cho người khác xem lưng” vì lý do lựa chọn tư vấn giám sát không đủ điều kiện năng lực; thứ hai, cụm từ “bồi thường thiệt hại” có nghĩa rất chung chung, bồi thường do phát sinh nghĩa vụ từ hợp đồng tư vấn giám sát hay đối với nguồn vốn đầu tư công trình ?…

Vì vậy có thể nói việc khẩn trương khắc phục sửa đổi điều luật trên cũng là giải pháp để khắc phục những công trình kém chất lượng, bởi tư vấn giám sát thi công là một công đoạn vô cùng quan trọng trong đầu tư xây dựng công trình. Một khi chủ đầu tư bị chế tài nghiêm khắc (thậm chí không loại trừ trách nhiệm hình sự), thì việc lựa chọn tư vấn giám sát sẽ thận trọng, chặt chẽ hơn, khi đó những tổ chức tư vấn giám sát kém năng lực sẽ không còn đất để “dụng võ”…

3. Gây thiệt hại cho BIDV tổng số tiền hơn 1.500 tỉ đồng, trong vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; và vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng” xảy ra tại BIDV và các đơn vị liên quan”, do đó Cơ quan tố tụng cáo buộc ông Trần Bắc Hà phải chịu trách nhiệm chính, xuyên suốt việc chỉ đạo, thẩm định, phê duyệt, cấp tín dụng và giải ngân cho 2 doanh nghiệp là Công ty CP chăn nuôi Bình Hà và Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Trung Dũng. Kết luận điều tra xác định 4 bị can nguyên lãnh đạo, nhân viên của BIDV tuy đồng phạm ở các khâu khác nhau, nhưng phạm tội thứ yếu, không biết mục đích và bản chất việc phê duyệt cấp tín dụng cho 2 công ty. Ngoài ra, các bị can trên còn bị ông Hà gây áp lực, áp đặt thời hạn hoàn thành công việc…

Từ đó cho thấy quy định của pháp luật dù có chặt chẽ, nghiêm khắc đến đâu mà người thực thi pháp luật không thượng tôn, phớt lờ thì cũng khó điều chỉnh vào “đường ray”, thiết lập được trật tự xã hội theo mong muốn. Vậy nên lỗ hổng của pháp luật cần được quan tâm hoàn thiện từ đại án xảy ra tại BIDV (và kể cả 8 đại án còn lại – PV), đó chính là: Cần phải thiết kế những điều khoản điều chỉnh thật hữu hiệu để ngăn ngừa, chặn đứng không cho những đối tượng cơ hội, biến chất, thái hóa, có tư tưởng tư lợi kiểu như Trần Bắc Hà, Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Hữu Tín, Trần Vĩnh Tuyến, Đinh La Thăng, Trầm Bê… lọt vào các doanh nghiệp nhà nước, “trèo cao chui sâu” vào bộ máy nhà nước. Hay nói cách khác là phải thiết kế cho được các qui định để kiểm soát hiệu quả quyền lực, đặc biệt là kiểm soát quyền lực “ mềm” của quan chức.

Theo: https://phaply.net.vn/tu-9-dai-an-chuan-bi-xet-xu-nam-2020-nhan-dien-cac-chieu-thuc-thu-doan-cua-toi-pham-kinh-te-va-kien-nghi-bit-nhung-lo-hong-phap-luat/

Tác giả bài viết: Luật gia, nhà báo MT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây