Từ Huawei, ZTE… đến ByteDance
Ngày 15/8 vừa qua, Tổng thống Trump chính thức ban hành một sắc lệnh mới yêu cầu Tập đoàn ByteDance của Trung Quốc phải từ bỏ quyền lợi trong ứng dụng chia sẻ video TikTok. Sắc lệnh được xây dựng dựa trên một sắc lệnh khác do chính Tổng thống Trump ban hành vào tuần trước, trong đó yêu cầu ứng dụng TikTok của ByteDance và ứng dụng WeChat của Tập đoàn TenCent phải chấm dứt mọi hoạt động ở Mỹ. Đây là động thái mới nhất của chính quyền Mỹ có liên quan đến lộ trình cấm cửa hàng loạt tập đoàn lớn của Trung Quốc.
Sắc lệnh cấm cửa ByteDance có hiệu lực trong vòng 90 ngày và nghiêm cấm việc ByteDance mua lại Musical.ly cũng như có bất kỳ quyền lợi nào từ ứng dụng này, Tổng thống Trump đã ra lệnh rằng bất kỳ hoạt động mua bán các quyền lợi nào liên quan đến Musical.ly ở Mỹ đều phải được Ủy ban về Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) cho phép. Sắc lệnh cũng yêu cầu phía ByteDance phải hủy mọi dữ liệu người dùng đã lưu.
ByteDance đã mua ứng dụng Musical.y từ một đối thủ Trung Quốc khoảng ba năm trước theo một thỏa thuận trị giá gần 1 tỷ USD. Công ty sau đó đã đưa ứng dụng này hợp nhất với TikTok, ứng dụng sau đó trở thành cơn sốt toàn cầu. Ứng dụng TikTok hiện có khoảng 80 triệu người sử dụng ở Mỹ. Ứng dụng này đã đạt tới 175 triệu lượt tải ở Mỹ và hơn 1 tỷ lượt tải trên toàn thế giới trong năm ngoái. Tính đến tháng 4/2020, theo công ty phân tích ứng dụng di động Sensor Tower, TikTok đã trở thành ứng dụng có doanh thu cao nhất trên toàn cầu, trong đó có tới 86,6% doanh thu đến từ thị trường Trung Quốc, 8,2% đến từ thị trường Mỹ.
Độ phủ sóng rộng khắp của một ứng dụng Trung Quốc tại Mỹ đã đặt ra câu hỏi cho giới lập pháp nước này về vấn đề dữ liệu người dùng và nghi vấn gián điệp. Nhà Trắng lo ngại TikTok có thể khai thác thông tin cá nhân của người dùng Mỹ. Các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa thậm chí còn cảnh báo, Trung Quốc có thể sử dụng ứng dụng này để can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ. Vì vậy ứng dụng TikTok mặc dù phát triển mạnh mẽ ở thị trường quốc tế nhưng lại vấp phải nhiều bê bối liên quan đến quyền riêng tư và kiểm duyệt, đặc biệt là ở Mỹ.
Trước đó hồi tháng 5/2019, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa Tập đoàn Huawei (một tập đoàn đa quốc gia về thiết bị mạng và viễn thông của Trung Quốc) vào danh sách đen giao dịch công nghệ, cắt đường sử dụng dịch vụ Google trên smartphone Huawei. Kể từ vòng trừng phạt đầu tiên này, chính phủ Mỹ cấm các cơ quan chính phủ mua hoặc gia hạn hợp đồng với 5 công ty Trung Quốc dựa trên đạo luật quốc phòng ban hành năm 2018. 5 cái tên này bao gồm: Huawei Techonologies, Công ty lĩnh vực viễn thông ZTE, Nhà sản xuất máy ảnh Hangzhou Hikvision Digital Technology, Công ty lĩnh vực thiết bị an ninh giám sát Zhejiang Dahua Technology và Hãng sản xuất thiết bị vô tuyến Hytera Communications.
Theo đó, chính phủ Mỹ cũng sẽ không được sử dụng dịch vụ hoặc hàng hóa của các doanh nghiệp tư nhân sở tại nếu các doanh nghiệp này sử dụng thiết bị từ 5 công ty Trung Quốc. Đòn giáng này của chính phủ Mỹ được dự đoán sẽ đẩy mức độ căng thẳng của “chiến tranh công nghệ” lên một cấp độ mới. Giới chức Washington đồng thời cũng cân nhắc khả năng kéo dài thêm lệnh cấm xuất khẩu công nghệ Mỹ cho các công ty Trung Quốc.
Trong khi đó RFI (Pháp) cho rằng việc Tổng thống Mỹ đánh vào Wechat với chủ nhân là Tập đoàn Tencent là đánh vào tử huyệt của Trung Quốc và có thể ảnh hưởng đến Bắc Kinh nặng nề hơn là chiến dịch chống Huawei. Cho đến nay, Bắc Kinh đã rất vất vả trong cuộc chiến bảo vệ thị phần của Huawei ở nước ngoài nhưng Tencent có tầm hoạt động rộng lớn hơn nhiều. Đây là một trong những tập đoàn đầu tư hào phóng nhất vào ngành công nghệ trên thế giới, với các khoản đầu tư vào các doanh nghiêp lên đến mức 60 tỷ đô la (tính đến tháng 12/2019). Tencent đã đầu tư vào công ty dịch vụ mua sắm Afterpay của Australia hay đã mua lại trang diễn đàn trên mạng Reddit nổi tiếng của Mỹ.
Cũng trong ngày 15/8, phát biểu tại cuộc họp báo, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn cho biết, ông đang xem xét liệu có nên cấm gã khổng lồ công nghệ Alibaba của Trung Quốc hoạt động ở Mỹ hay không…
Phía sau động thái của Trump “cấm cửa” hàng loạt Tập đoàn lớn của TQ?
Mặc dù cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chỉ mới bắt đầu vào năm 2018, nhưng đã tăng tốc rất nhanh. Hệ lụy từ “cuộc chiến” kéo theo cả hai quốc gia đều “lưỡng bại câu thương”, có nghĩa phải chịu những tổn thất nặng nề.
Nhìn từ góc độ thương mại, cả 02 quốc gia này có những lợi ích xen kẽ chặt chẽ, từ những con chip công nghệ cao cho đến quyền tự do hàng hải. Nếu Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Mỹ (đặc biệt là bang Iowa và các bang nông nghiệp khác), đồng thời là một thị trường sản xuất hàng hóa và dịch vụ khổng lồ của các công ty Mỹ, bao gồm từ General Motors cho đến Burger King; thì Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, kể cả sau khi Tổng thống Trump áp đặt hàng loạt hàng rào thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc.
Năm 2019, sức mua của Trung Quốc đối với các sản phẩm nông nghiệp, chất bán dẫn và hàng hóa khác từ Mỹ vượt mốc 100 tỷ USD, mặc dù đã giảm 11,4% so với cùng kỳ. Khi chính quyền Bắc Kinh “trả đũa” dừng việc nhập khẩu đậu nành và tăng thuế thịt lợn và các mặt hàng nông sản khác, thì lập tức các bang nông nghiệp của Mỹ đã chịu thiệt hại nặng nề. Trong khi đó, Mỹ là thị trường hàng đầu cho những sản phẩm trị giá gia tăng cao nhất của Trung Quốc. Các sản phẩm điện thoại thông minh, máy tính và các thiết bị điện, điện tử tiêu dùng khác của các hãng công nghệ lớn của Mỹ như Apple, Dell, Hewlett-Packard… phụ thuộc rất lớn vào các nhà máy lắp ráp của Trung Quốc. Song ngược lại, các nhà máy Trung Quốc cũng cần nhập khẩu chip xử lý và linh kiện từ Mỹ…
Rõ ràng, cả hai đều cần có nhau nhưng vì sao cuộc chiến thương mại vẫn xảy ra, đặc biệt là gần đây Tổng thống Trump lại chủ động “cấm cửa” hàng loạt các tập đoàn lớn của Trung Quốc ? Liên quan đến việc “cấm cửa” ứng dụng TikTok của ByteDance, Tổng thống Mỹ còn bất ngờ tuyên bố đơn phương chấm dứt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 (đã được Mỹ và Trung Quốc ký thành công vào tháng 01/2020, trong đó Bắc Kinh cam kết sẽ mua ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong 2 năm, nhiều hơn so với năm 2017. Một thỏa thuận thương mại được cho là mang lại lợi ích không nhỏ đối với Mỹ).
Thâm hụt thương mại của Mỹ được xem là nguyên nhân trực tiếp gây căng thẳng thương mại Mỹ – Trung. Trong động thái “cấm cửa” ứng dụng TikTok, Tổng thống Trump nhấn mạnh có bằng chứng đáng tin cậy về việc ByteDance có thể có hành động làm suy yếu an ninh quốc gia của Mỹ. Tuy nhiên sự thật nguyên nhân của Hoa Kỳ còn sâu xa hơn nhiều.
Sự chia rẽ trong quan hệ hai nước đến từ những động thái gay gắt của chính quyền Mỹ, nhằm ngăn chặn các công ty công nghệ Trung Quốc. Trung Quốc đã và đang ngày một trở thành đối thủ đáng gờm của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ với những hãng điện thoại thông minh, thiết bị y tế riêng và các lĩnh vực công nghệ cao khác.
Với mục tiêu trở thành nền kinh tế tiên tiến trên thế giới, không phụ thuộc vào nhập khẩu các công nghệ then chốt từ các đối thủ cạnh tranh chính, Trung Quốc hiện đang đổ hàng tỷ USD vào chương trình “Sản xuất tại Trung Quốc 2025 (Made in China 2025)” để tạo động lực phát triển các ngành công nghệ trọng yếu, trong đó có người máy, trí tuệ nhân tạo, hàng không vũ trụ, ô tô chạy điện, công nghệ Internet 5G.
Nghịch lý là tham vọng của Trung Quốc rất lớn trong khi trình độ công nghệ lại còn nhiều hạn chế. Để thực thi chiến lược “sản xuất tại Trung Quốc 2025”, các công ty Trung Quốc phải dựa vào các công nghệ cốt lõi từ Mỹ. Mỹ cáo buộc Trung Quốc bằng những thỏa thuận ngầm đang buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc trong liên doanh. Trung Quốc bác bỏ cáo buộc này. Tuy nhiên, Mỹ còn cáo buộc Trung Quốc tìm mọi cách lấy công nghệ của Mỹ thông qua các phương thức như nhập khẩu công nghệ hay thậm chí ăn cắp công nghệ.
Một phương thức nữa được các công ty lớn của Trung Quốc (ví dụ như ZTE, Huawei, China Mobile) sử dụng để có công nghệ cao của Mỹ là thông qua mua bán, sáp nhập với các công ty Mỹ…
Một báo cáo gần đây của Ngân hàng đầu tư GP Bullhound cho thấy, kể từ khi thị trường công nghệ Châu Âu mở cửa trở lại, Trung Quốc đã bắt kịp Mỹ về đầu tư vào các công ty công nghệ Châu Âu lần đầu tiên kể từ năm 2018. Hồi trung tuần tháng 5 năm nay, báo chí của Anh còn đưa tin, Tập đoàn Huawei đã đầu tư 5 triệu bảng Anh vào một trung tâm công nghệ mới tại Imperial College London. Khoản đầu tư này đã gây ra tranh cãi do các nhà khoa học tại Imperial là trung tâm trong việc tư vấn cho chính phủ Anh trong cuộc đối phó với đại dịch. Nền kinh tế toàn cầu đang tiến tới một cuộc suy thoái sâu, các chính phủ Châu Âu, các định chế tài chính và các công ty đang ngày càng hướng về Trung Quốc để nhận sự hỗ trợ và đầu tư.
Nhìn sâu xa hơn, mối bất đồng của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc vượt xa lãnh vực thương mại. Bắt đầu từ cuối thời chính quyền Obama, Hoa Kỳ đã nhận ra rằng Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình đã không là một nước Trung Quốc mà Hoa Kỳ mong đợi trước đây, tức là một nước đóng góp cho dân chủ, hòa bình và thịnh vượng của thế giới. Thay vào đó, những gì họ thấy là một Trung Quốc táo bạo đã lợi dụng thế giới thương mại tự do để tăng cường sức mạnh kinh tế và quân sự để chiếm lấy vị trí quốc gia hàng đầu thế giới. Tham vọng này đã được thể hiện trong kế hoạch 2025, kế hoạch Vành Đai Con Đường, hành vi hung hăng của Trung Quốc đối với các nước láng giềng từ Ấn Độ đến Malaysia đến Nhật Bản đến Philippines đến Việt Nam…
Theo giới quan sát, vì vậy mà dù cuộc chiến thương mại hiện tại có được giải quyết đi chăng nữa, mối quan hệ Trung Quốc Hoa Kỳ sẽ không bao giờ trở lại giống như các thập niên vừa qua và Hoa Kỳ sẽ làm mọi cách để ngăn chặn Trung Quốc đe dọa vị trí mình trên thế giới.
Trong khi đó, một cuộc thăm dò ý kiến được thực hiện bởi YouGow, một công ty nghiên cứu thị trường và phân tích dữ liệu có trụ ở tại Anh vừa công bố tuần này cho thấy, phần lớn người Đức hiện đang có quan điểm tồi tệ hơn về Mỹ sau đại dịch. Cụ thể, tổng cộng 76% người Đức cho biết quan điểm của họ về Mỹ đã xấu đi kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid19, so với chỉ 36% người Đức nghĩ về Trung Quốc. Tương tự, cuộc thăm dò ý kiến tại Anh vào tháng trước, khi được hỏi liệu Anh có nên xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Châu Âu hay với Mỹ hay không, 35% người Anh cho rằng, Châu Âu nên là ưu tiên và chỉ 13% người Anh cho rằng Mỹ nên là ưu tiên…
Phần còn lại của thế giới đang chịu sức ép nặng nề
Giới quan sát nhận định rằng các động thái dồn dập của chính quyền Trump có thể buộc các công ty toàn cầu phải chọn giữa Mỹ hoặc Trung Quốc. Hay nói cách khác, các động thái trên của người đứng đầu Nhà Trắng không những làm suy giảm nghiêm trọng hơn nữa quan hệ song phương trong tương lai 2 cường quốc mà còn tác động đến phần còn lại của thế giới. Trước mắt trong “cuộc chiến công nghệ” này, cho thấy Mỹ đang chiếm ưu thế.
Trong một động thái mới nhất, Microsoft đã xác nhận sẽ mua lại hoạt động của TikTok tại Mỹ cũng như tại Canada, Australia và New Zealand. Thời gian hoàn tất được thương vụ trước ngày 15/9/2020. Trong khi đó ở chiều ngược lại, Apple sẽ chịu tác động nặng nề nhất từ lệnh cấm với WeChat bởi Trung Quốc chiếm 20% doanh thu của Apple. Bởi hoạt động sản xuất của Apple phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc, chắc chắn hoạt động sản xuất của Apple sẽ chịu tác động nặng nề nếu chính phủ Trung Quốc quyết định trả đũa.
Từ sau ngày 13/8/2020, các cơ quan thuộc liên bang Mỹ và các công ty đang hoạt động trên đất Mỹ muốn tham gia đấu thầu hợp đồng liên bang sẽ phải tuyên bố bằng văn bản rằng, họ không được ký mới hoặc ký tiếp hợp đồng mua sản phẩm linh kiện từ những công ty có sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ từ Huawei, ZTE, công ty sản xuất camera giám sát Hangzhou Hikvision Digital Technology, Zhejiang Dahua Technology hoặc công ty sản xuất radio Hytera Communications.
Hàng loạt động thái gia tăng sức ép của TT Donald Trump tạo ra làn sóng DN mở rộng chuỗi kinh doanh ra ngoài Trung Quốc. Tờ SCMP cho biết, nhà máy sản xuất máy tính ở nước ngoài cuối cùng của Samsung ở thành phố Tô Châu, Trung Quốc (có 6.500 lao động) sẽ ngừng sản xuất hoàn toàn để tập trung vào nghiên cứu và phát triển. Đây là một cú sốc tiếp đối với hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc. Trước đó, hồi giữa tháng 7, trong danh sách JETRO tiết lộ, có khoảng 30 công ty Nhật Bản rời Trung Quốc. Đáng quan ngại hơn, ngay cả tập đoàn ByteDance của Trung Quốc – công ty mẹ của TikTok cho biết cũng đang lên kế hoạch sẽ chuyển trụ sở từ Bắc Kinh đến London (Anh).
Không chỉ Mỹ, chính quyền nhiều nước cũng thận trọng với Bắc Kinh. Bộ trưởng Các vấn đề Châu Âu của Đức Michael Roth khẳng định, trong năm nay EU sẽ tập trung đề ra các đối sách chống lại chiến lược của Trung Quốc nhằm vào khối này. Sự chuyển hướng của nhiều tập đoàn lớn cùng với những tín hiệu chính sách từ chính quyền nhiều nước trên thế giới cho thấy, Trung Quốc đang mất dần các lợi thế và vị trí trong chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu.
Vì vậy có thể nói xung đột kinh tế Mỹ-Trung và sắp tới có thể là với các nước khác sẽ thể khiến Bắc Kinh gặp khó khăn trong hoạt động xuất khẩu – vốn là một động lực chính và thế mạnh cho tăng trưởng kinh tế của đại lục. Viễn cảnh còn bi đát hơn khi mới đây (10/8), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin còn tuyên bố đến cuối năm 2021, các công ty Trung Quốc và nước ngoài sẽ bị loại khỏi các sàn chứng khoán Mỹ nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn kế toán của Mỹ.
Trả lời phỏng vấn tờ VietTimes, mới đây nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, David Shear: “Tôi nghĩ Việt Nam có thể hưởng lợi theo hai cách:
Thứ nhất là về mặt ngoại giao, quan hệ Việt – Mỹ ngày càng phát triển trong bối cảnh Mỹ – Trung cạnh tranh ảnh hưởng sẽ đem lại cho Việt Nam những lợi thế nhất định khi đàm phán với Trung Quốc trên nhiều phương diện. Mối quan hệ nồng ấm hơn giữa Mỹ và các nước trong khu vực sẽ giúp tạo ảnh hưởng lên mối quan hệ của các nước này với Trung Quốc. Sức ảnh hưởng càng lớn, chúng ta càng có thể bảo vệ mình trước người khổng lồ phương Bắc.
Thứ hai là về mặt lợi ích kinh tế, Việt Nam có thể là điểm đến của làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi Trung Quốc của các công ty Mỹ. Xu hướng này đã bắt đầu khi cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bùng nổ và được đẩy mạnh khi khủng hoảng Covid-19 xảy ra. Chúng ta có thể nhìn thấy kết quả của việc này khi xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đã tăng 28% trong 5 tháng đầu năm.
Việt Nam không những có thể giành thắng lợi bởi sự thay đổi trong chuỗi cung ứng, đặc biệt khi chuỗi sản xuất dần rời khỏi Trung Quốc, mà còn là ứng cử viên sáng giá của đầu tư GI (greenfield investments), một hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong đó công ty mẹ lập ra một công ty con ở một quốc gia khác, xây dựng các hoạt động của mình ngay từ đầu.
Theo: //phaply.net.vn/phia-sau-dong-thai-cua-nguoi-dung-dau-nha-trang-cam-cua-hang-loat-tap-doan-lon-cua-trung-quoc/
Tác giả bài viết: Luật gia Vũ Lê Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn