"Đi xem" ở đây là theo đúng nghĩa đen, vì tôi không nghĩ ra đề tài gì mà tác nghiệp với cái hiện tượng như thế. Nó gây bối rối. Ở một huyện miền núi, đất nước đang trong "thời chiến", mà lại xây tượng đài, chuyện này não tôi không xử lý được.
Tôi đi giảng ở Quy Nhơn, có một ngày rảnh, nên quyết định thuê một cái xe máy phóng lên huyện. Tượng đài ở đầu kia của tỉnh, mãi gần Gia Lai. Đi về là gần hai trăm cây số, quốc lộ 19 nắng bỏng rát. Đi được một phần ba đường, tôi đã nghĩ, sao mình ngu thế nhỉ, đi thế này nhỡ cảm ra đấy, lên cơn sốt thì tha hồ rắc rối, có khi không được lên máy bay mà về Hà Nội.
Nhưng nghĩ thêm một tí lại càng quyết tâm xem bằng được. Bây giờ là mùa dịch, mình đi xem tượng đài còn ngại. Thế mà người ta xây cả cái tượng đài cũng không ngại.
Rẽ từ quốc lộ 19 vào một con đường đi lên núi, xuyên qua những xóm nhà lác đác, những đồi trồng rừng, mới đến trung tâm huyện. Địa phương gây ấn tượng tốt cho tôi bằng một chốt chống dịch Covid-19 ngay đầu con đường độc đạo. Từ đầu đến cuối tỉnh, kể cả ở sân bay, đây là lần đầu tôi thấy chốt như thế. Tôi khai báo y tế, anh bộ đội biên phòng hỏi nghề nghiệp, tôi đành khai: "Phóng viên anh ạ". Anh hỏi tôi có người nhà ở đây hay sao. Tôi đành nói thật, em đi xem cái tượng đài, rồi nhờ xác nhận vị trí chính xác của nó. Anh không tỏ ra ngạc nhiên, chỉ gật đầu nhẹ.
Trung tâm huyện không quá xác xơ nếu so với nhiều huyện nghèo miền núi vùng Tây Bắc. Đường bê tông trải mượt. Một dãy phố dài chừng hai cây số, có quán ăn, tiệm cà phê và cửa hàng điện thoại xếp liền. Nhưng phải đến khi đứng trên cái tượng đài nhìn xuống, mới thấy sự tương phản: nhìn từ đỉnh đồi, màu chủ đạo vẫn là màu xanh cây cối, thị trấn lác đác những mái nhà ngoi từ góc này và góc kia, chủ yếu là trụ sở cơ quan. Mấy dãy nhà lọt thỏm giữa những triền núi phía xa. So với Quy Nhơn, hay trung tâm các huyện đồng bằng, nơi này trông không giống một đô thị. Thanh âm của buổi chiều, chỉ có tiếng loa tuyên truyền chống dịch từ đài phát thanh thị trấn. Tổng thu ngân sách nội địa của huyện này mỗi năm, bằng quận Hai Bà Trưng, Hà Nội thu trong 3 ngày.
Và lúc ấy, phía sau lưng tôi là một khối điêu khắc khổng lồ được xếp bằng đá xanh vận chuyển từ Thanh Hóa. Quận Hai Bà Trưng chỉ có 2 cái đài kỷ niệm ghi dấu sinh viên lên đường bảo vệ tổ quốc trong sân Đại học Bách Khoa và Kinh tế quốc dân, không có cửa cạnh tranh ở đây.
Tượng đài xây trên một ngọn đồi, là nơi từng đặt nhà lao Chi khu Quận lỵ Vĩnh Thạnh của chính quyền VNCH. Công trình này đánh dấu cuộc khởi nghĩa của đồng bào Ba Na chống lại chính sách dồn dân lập ấp chiến lược của chế độ Ngô Đình Diệm. Bản thân sự kiện có ý nghĩa lịch sử. Trên những khối đá xanh đang phủ bạt, tôi thấy những tác phẩm điêu khắc đời sống của đồng bào người Ba Na. Những hình ảnh đó có thể cũng có ý nghĩa ở một lúc khác, một nơi khác, chứ không phải ở giữa huyện miền núi này vào năm 2020 đầy bất trắc. Giữa huyện lị nghèo, nó đơn độc vươn lên cắm vào giữa trời chiều.
Nếu chỉ đọc báo, bạn sẽ dễ dùng chính cảm nhận của mình để tưởng tượng rằng dân huyện này sẽ "bất bình", "bức xúc" gì đó. Nhưng đó chỉ là cảm nhận của thị dân đọc báo thôi. Bản thân những con người sống xung quanh tượng đài không có cảm xúc gì cả. "Bốn mươi tám tỷ cơ à, nhiều nhỉ" – bà chủ tiệm cạnh tượng đài hỏi lại khi tôi cố gợi chuyện, nhưng sắc mặt không mấy ngạc nhiên. Những cuộc trao đổi ngắn với người dân trong vùng cho một cảm nhận rõ ràng: họ không quan tâm, đấy là việc của nhà nước.
Dân có trăm cái bận hàng ngày nhay nhắt; văn hóa của nền dân chủ tập trung tại Việt Nam vạch ra một ranh giới rất kiên định giữa "việc của nhà nước" với đời sống người dân. Trên thực tế, nếu nhà nước quyết định làm gì đó, người dân sẽ biết sau khi nó được triển khai. Nếu họ vô tình bức xúc thì nhiều khả năng là do báo chí hoặc cơ quan giám sát nào đó khui ra (cũng sau khi nó được triển khai). Nếu bạn là người lao động tối mặt cả ngày, không có thời gian rề rà lướt smartphone, có thể bạn sẽ chẳng bức xúc trước cái gì. Và một nghịch lý xuất hiện: càng là người dân địa phương nghèo, như chính vùng đất này, các khoản chi của nhà nước càng ít được quan tâm.
Quay trở lại với ý tôi đã nhắc ở đầu bài, rằng với cái tượng đài thế này thì báo chí cũng chẳng biết làm gì cho phải. Vì tôi đã ngồi đọc hết báo cáo thu chi ngân sách địa phương mấy năm qua. Chúng được công bố trên mạng, nhưng tôi không hy vọng rằng dân trong huyện cũng ngồi đọc hết mấy chục trang với đầy số má để tìm ra tượng đài nằm đâu (vừa đọc vừa phải nghoẹo đầu, vì các trang in ngang thì người ta cũng scan dọc luôn). Tôi đọc chỉ vì xã hội trả lương cho tôi để đọc. Và đọc xong, thì tôi hiểu rằng cái tượng đài được xây... đúng quy trình.
Đúng quy trình vì kế hoạch đã được lên từ lâu; vì các khoản chi mấy chục tỷ đã được tỉnh giải ngân cho huyện từ năm trước. Lãnh đạo huyện trả lời báo chí là thực ra khánh thành bây giờ đã là chậm tiến độ. Sự kiện thoạt nghe có vẻ kỳ diệu, khánh thành tượng đài 48 tỷ trong đại dịch, nhưng ngẫm kỹ lại không có gì để mà viết. Tượng đài đúng quy trình, chỉ có Covid-19 là sai quy trình.
Các kế hoạch chi tiêu đã được lên từ hàng năm trước, rất có thể duy ý chí, và không ai có động lực thay đổi nó kể cả khi đại dịch ập đến. Mỗi năm tỉnh có gần 200 tỷ để "đầu tư cho văn hóa"; và khoản này được chia xuống các huyện một vài chục tỷ. Với từng ấy tiền, nghĩ kỹ ra, khi bạn chỉ là một huyện miền núi không có cả hạ tầng lẫn con người, đến một lúc sẽ phải xây tượng đài.
Khi tôi viết bài này, trưởng ban chỉ đạo chống Covid-19 quốc gia vừa xuất hiện trên báo công bố: "Chúng ta có lòng tin không để đại dịch bùng phát". Lòng tin là vũ khí. Và rõ ràng là có gì đó sai trong cái tượng đài xuyên thủng bầu trời miền núi kia. Có điều gì đó liên quan đến niềm tin bị ảnh hưởng.
Người dân không quan tâm. Báo chí cũng không biết đấu tranh với cái gì. Mất niềm tin đúng quy trình, cũng có thể là một đặc sản của nền quản lý nước ta.
Tôi chụp bốn cái ảnh tượng đài, rồi đi về Quy Nhơn. Mọi chuyện trước mắt trông như một bài viết trên mục Tâm sự của VnExpress. Anh sống theo nguyên tắc của anh; tôi nghĩ theo cảm xúc của tôi, và niềm tin bị mất đi, đến lúc chỉ còn biết kết luận là "chúng ta không hợp nhau". Độc giả sẽ hỏi tôi thế giải pháp đâu? Giải pháp sẽ chỉ xuất hiện nếu một bên tự nguyện thay đổi nguyên tắc. Lãnh đạo tỉnh cương quyết không giải ngân món tượng đài cho huyện nghèo dù bị buộc phải chi "đầu tư cho văn hóa", lãnh đạo huyện cương quyết không xây dựng tượng đài dù được cấp ngân sách, và ngay cả nếu đã xây rồi cũng cương quyết không khánh thành nó trong lúc đất nước đang rối bời vì đại dịch. Nhưng để làm thế, người ta không chỉ phải có đạo đức, mà còn phải có lương tâm. Chúng ta trả lương cho hệ thống quan liêu để họ làm đúng quy trình, chứ không phải để có lương tâm.
Và thế là chỉ còn một giải pháp, thật ra chúng ta đã lựa chọn rồi, như giải pháp cho rất nhiều mối quan hệ mà về sau người ta viết trên mục Tâm sự: chúng ta lờ đi mà sống tiếp.
Theo: https://vnexpress.net/tuong-dai-mua-dich-4144562.html
Tác giả bài viết: Nhà báo ĐỨC HOÀNG
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn