Cảnh báo hệ lụy khi giao vốn cho các “ông lớn” và những lỗ hổng pháp lý cần quan tâm !

Chủ nhật - 26/07/2020 22:24
(TVLMP) - Trong khi đại án Junin2 còn đang trong giai đoạn điều tra, thì báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa gửi tới Thủ tướng Chính phủ cho biết phần lớn dự án đầu tư ra nước ngoài do các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thực hiện tính đến cuối năm 2019, đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức có nguy cơ mất vốn. Cần phải có giải pháp ngăn chặn và giảm thiểu thiệt hại nguồn vốn nhà nước là việc làm cần thiết trong lúc này, đặc biệt là lấp ngay các lỗ hổng pháp lý…
Trong tổng số 27 dự án của PVN đầu tư ra nước ngoài (với khoảng 3,12 tỷ USD đã chuyển ra nước ngoài), có 6 dự án chậm tiến độ, 12 dự án gặp khó khăn vướng mắc và 7 dự án không có khả năng triển khai thực hiện.
Trong tổng số 27 dự án của PVN đầu tư ra nước ngoài (với khoảng 3,12 tỷ USD đã chuyển ra nước ngoài), có 6 dự án chậm tiến độ, 12 dự án gặp khó khăn vướng mắc và 7 dự án không có khả năng triển khai thực hiện.
Bài viết của Luật gia VŨ LÊ MINH

Nguy cơ mất vốn của các “ông lớn” đã hiển hiện


6 tháng đầu năm 2020, theo Tổng cục Thống kê, tiếp tục ghi nhận sự bứt phá của DN Việt đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) với 70 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư trên tổng số vốn 185,3 triệu USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, có 14 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 37,4 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 222,7 triệu USD.
    
Còn theo số liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra trong báo cáo về ĐTRNN năm 2019 vừa gửi tới Thủ tướng: Riêng trong năm 2019, các doanh nghiệp Việt Nam đăng ký ĐTRNN khoảng 528,7 triệu USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong số 05 doanh nghiệp ĐTRNN có vốn đăng ký vượt 1 tỉ USD, có 3 doanh nghiệp nhà nước, gồm: Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội (Viettel), Tập đoàn Công nghiệp cao su VN (VRG).

    
Theo đánh giá của các chuyên gia, hoạt động ĐTRNN thời gian qua khởi sắc là nhờ việc chuẩn hóa thủ tục đầu tư và hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp bối cảnh mới đã tạo sự thông thoáng và giúp cơ quan quản lý nhà nước tăng cường hiệu lực quản lý với các dự án ngoài lãnh thổ Việt Nam. Ví dụ như, Nghị định số 83/2015/NĐ-CP ngày 25/9/2015 của Chính phủ quy định về đầu tư ra nước ngoài; Thông tư số 03/2018/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn và ban hành mẫu văn bản thực hiện thủ tục đầu tư ra nước ngoài…

     Tuy nhiên hoạt động ĐTRNN của các DN Việt Nam còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức và chưa mang lại hiệu quả kinh tế như mong đợi. Tính đến nay đã có gần 21 tỷ USD giải ngân ĐTRNN nhưng lợi nhuận chuyển về nước của các DN có hoạt động đầu tư tại nước ngoài mới đạt khoảng 3 tỉ USD. Điều quan ngại là, bên cạnh những “trái ngọt” ít ỏi như Viettel đầu tư vào mảng viễn thông tại nhiều nước hay các dự án do tư nhân bỏ vốn đầu tư thì những năm qua hàng loạt “ông lớn” được giao quản lý nguồn vốn nhà nước phải nhận “trái đắng”.  
    
Tại Campuchia, Vietnam Airlines đã và đang nỗ lực tìm giải pháp thoái vốn với
Hãng hàng không Cambodia Angkor Air (CAA) nhưng không mấy khả quan. Lý do từ năm 2013 đến nay,  CAA liên tục bị thua lỗ. Được biết liên doanh này, Vietnam Airlines tham gia 49 triệu USD, chiếm 49% tổng số vốn góp. Tương tự, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đang tìm cách “trốn chạy” khỏi dự án khai thác và chế biến muối mỏ kali tại Lào, với tổng vốn hơn 522 triệu USD. Lý do giá kali trên thị trường giảm sâu kéo dài nên dự án không hiệu quả như dự kiến ban đầu. 
        
TKV
 Tập đoàn Công nghiệp Than - khoáng sản (TKV) đang bị “sa lầy” 5 dự án. Trong đó, có 2 dự án đã dừng đầu tư vì không hiệu quả; 03 dự án còn lại tổng vốn đăng ký hơn 21 triệu USD (vốn đã thực hiện là hơn 13 triệu USD), có phát hiện trữ lượng thấp, không đủ khả năng phát triển thương mại…            
   
Trong khi đó, trong tổng số 27 dự án của PVN đầu tư ra nước ngoài (với khoảng 3,12 tỷ USD đã chuyển ra nước ngoài), có 6 dự án chậm tiến độ, 12 dự án gặp khó khăn vướng mắc và 7 dự án không có khả năng triển khai thực hiện. Trong đó điển hình là siêu dự án Junin 2 được triển khai tại Venezuela, chưa thu được giọt dầu nào nhưng đứng trước nguy cơ mất trắng hơn 500 triệu USD, tương đương với hơn 11.000 tỉ đồng Việt Nam. Dự án do PVN liên doanh với Công ty Dầu khí quốc gia nước này, được triển khai trong khoảng thời gian (2007 – 2013). Hiện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (CO3) - Bộ Công an vào cuộc làm rõ trách nhiệm.

    
Cùng cảnh ngộ, Tập đoàn Công nghiệp Cao su đang “ngồi trên đống lửa” vì giá cao su giảm không phanh.
Tập đoàn này có 23 dự án trồng cao su tại Lào và Campuchia, với tổng số vốn đã thực hiện hơn 747 triệu USD/ tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 1,3 tỷ USD. Trong khi các DA tại Lào có lợi nhuận trước thuế đạt 87 tỷ đồng thì các DA triển khai tại Campuchia bị lỗ kế hoạch 128 tỷ đồng.

    
Trong khi đó, cũng tại 2 quốc gia láng giềng này, Tập đoàn Công nghiệp Than - khoáng sản (TKV) đang bị “sa lầy” 5 dự án. Trong đó, có 2 dự án đã dừng đầu tư vì không hiệu quả; 03 dự án còn lại tổng vốn đăng ký hơn 21 triệu USD (vốn đã thực hiện là hơn 13 triệu USD), có phát hiện trữ lượng thấp, không đủ khả năng phát triển thương mại…

    
Năng lực quản lý bất cập, pháp luật điều chỉnh còn lỏng lẻo

    
Từ thực tế các DA đầu tư ra nước ngoài do các “ông lớn” triển khai đứng trước nguy cơ mất vốn cho thấy,
năng lực quản trị còn bất cập, hời hợt, cẩu thả trong xúc tiến đầu tư, khả năng dự báo thị trường và kinh nghiệm trong ĐTRNN còn hạn chế, chưa có tầm nhìn dài hạn, cũng như thiếu sự liên kết với nhau để tạo nên sức cạnh tranh tại nước sở tại…

     
Hệ lụy từ những hạn chế trên là những “trái đắng” nhãn tiền: Hãng hàng không
Vietnam Airlines phải tìm cách “tháo chạy” khỏi CAA; Vinachem rút khỏi dự án khai thác, chế biến muối mỏ kali tại Lào vì lý do các DA hợp tác bị thua lỗ; cả 5 dự án đầu tư tại Lào và Campuchia của TKV thất bại do không có hiệu quả, trữ lượng thấp…

     
Sự thất bại của các DA đầu tư ra nước ngoài do các DNNN thực hiện còn cho thấy có dấu hiệu từ hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước. PVN triển khai dự án Junin2 tại Venezuela khi chưa có đánh giá cụ thể, chưa cập nhật các chi phí, tỷ suất thu hồi vốn, khả năng huy động vốn, thời gian ân hạn khoản vay, đặc biệt là chưa có phương án bố trí nguồn vốn vay để đảm bảo PVN có tỷ lệ góp vốn 40% trong thời gian suốt 6 năm (2007 – 2013). Hệ quả của việc đầu tư bằng mọi giá, phớt lờ những cảnh báo, PVN có nguy cơ gây thiệt hại nguồn vốn của Nhà nước lên tới hơn 500 triệu USD.

     
Trước đó tại Kết luận của Thanh tra Chính phủ đối với các dự án do TKV đầu tư tại Campuchia và Lào thất bại, cho biết: “Hội đồng quản trị TKV, trực tiếp là ông Doãn Văn Quang - Phó tổng giám đốc đã không chấp hành các quy định của pháp luật đầu tư, ký thoả thuận mua cổ phần và chuyển tiền góp vốn khi chưa thực hiện khảo sát kỹ lưỡng về địa chất, chưa phân tích đầy đủ tính khả thi và hiệu quả đầu tư; báo cáo kết quả khảo sát không đúng thực tế, trình và xin ý kiến chấp thuận của Thủ tướng thiếu cơ sở, dẫn đến dự án không thực hiện được, mất toàn bộ vốn đầu tư 77,6 tỷ đồng”.
                                     
image
Tại Campuchia, Vietnam Airlines đã và đang nỗ lực tìm giải pháp thoái vốn với Hãng hàng không Cambodia Angkor Air (CAA) nhưng không mấy khả quan. Lý do từ năm 2013 đến nay,  CAA liên tục bị thua lỗ. Được biết liên doanh này, Vietnam Airlines tham gia 49 triệu USD, chiếm 49% tổng số vốn góp.
   
Trong khi đó hành lang pháp lý điều chỉnh về ĐTRNN còn bất cập. Để chuyển vốn ĐTRNN, tại Điều 64 Luật Đầu tư 2014 quy định các điều kiện: Được cấp Giấy chứng nhận đăng ký ĐTRNN; có tài khoản vốn ĐTRNN; hoạt động đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận hoặc cấp phép (đối với các nước nghèo như Campuchia, Lào, hoặc các nước thuộc Châu Phi đang khát vốn FDI thì điều kiện này chỉ là hình thức); phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối, xuất khẩu, chuyển giao công nghệ và quy định khác của pháp luật có liên quan… Với quy định này, rõ ràng là không quá khó để các doanh nghiệp vượt qua các “cửa ải” để “lấy vốn từ trong nhà ra”.

   
Chưa hết, tại khoản 2 Điều 19 Nghị định số 83/2015/NĐ-CP ngày 25/9/2015 của Chính phủ quy định về ĐTRNN còn cho phép
nhà đầu tư được chuyển ngoại tệ, hàng hóa, máy móc, thiết bị ra nước ngoài trước khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký ĐTRNN để đáp ứng các chi phí cho hoạt động hình thành dự án đầu tư (như nghiên cứu thị trường và cơ hội đầu tư, khảo sát thực địa, nghiên cứu tài liệu, tổ chức hội thảo, đánh giá thẩm định dự án, đàm phán hợp đồng…).

   
Bình luận về quy định trên, các chuyên gia luật cho rằng,
không khác gì “bật đèn xanh” để nhà đầu tư không có tâm và có tầm có thêm cơ hội chuyển vốn ĐTRNN mà không sợ “vượt rào”. Mặc dù hạn mức chuyển ngoại tệ được khống chế không vượt quá 5% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài và không quá 300.000 đô la Mỹ, được tính vào tổng vốn đầu tư ra nước ngoài. Bài học thất bại về siêu DA Junin2 của PVN đầu tư tại Venezuela và các dự án đầu tư tại Lào và Campuchia của TKV vẫn còn nguyên giá trị về việc cho phép chuyển vốn ĐTRNN trong giai đoạn hình thành dự án đầu tư.

     
Thực tế còn cho thấy, các doanh nghiệp Việt còn gặp khá nhiều khó khăn khi tiếp cận và nhận thức đúng về các quy định pháp luật quốc tế bởi có những việc luật pháp sở tại không quy định, nhưng lại được công nhận trong công ước quốc tế. Đã có một số tập đoàn, tổng công ty của Việt Nam rơi vào tình cảnh lao đao do các dự án không khả thi, phải dừng hoạt động khi sau khi kết thúc giai đoạn thăm dò và nghiên cứu thị trường còn vì lý do này.

   
Trong khi đó, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014, được cho là đạo luật chuyên sâu về quản lý sử dụng vốn nhà nước chỉ dành duy nhất một điều luật (Điều 29) điều chỉnh việc sử dụng vốn, tài sản của DN để ĐTRNN. Song nội dung trong điều luật quy định theo hướng giao toàn quyền quyết định sử dụng vốn và tài sản cho Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty. Còn đại diện chủ sở hữu chỉ dừng lại ở trách nhiệm xem xét, quyết định chủ trương dự án ĐTRNN (nếu dự án không thuộc thầm quyền quyết định của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ) và giám sát về hiệu quả đầu tư qua báo cáo định kỳ 6 tháng và hàng năm của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty…

    
Cần hoàn thiện pháp luật và nâng cao năng lực cho các DNNN

    
Từ kết quả ĐTRNN của các “ông lớn” nhà nước cho thấy, việc cần làm lúc này đối với Nhà nước là tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến hoạt động ĐTRNN của DN Việt Nam theo hướng tiệm cận thông lệ, pháp luật quốc tế, để tạo điều kiện thuận lợi cho DN Việt Nam trong quá trình ĐTRNN. Tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế và tích cực tham gia vào các tổ chức quốc tế thông qua đàm phán, ký kết các hiệp định đầu tư song phương, đa phương nhằm bảo vệ các DN, gỡ bỏ các rào cản khi đầu tư trực tiếp ra nước ngoài…

    
Đặc biệt, Nhà nước cần có những công cụ hướng dẫn DN giải quyết hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, rủi ro gặp phải trong quá trình ĐTRNN. Kịp thời nắm bắt, xử lý các vướng mắc, khó khăn, hướng dẫn cung cấp thông tin tổng thể về quy trình ĐTRNN từ Việt Nam đến nước nhận đầu tư thông qua từng bước đầu tư với những rủi ro môi trường - xã hội tiềm ẩn qua những chính sách và pháp luật liên quan. Chú trọng hỗ trợ về mặt pháp lý, chủ động phối hợp cùng DN tham gia xử lý các vấn đề phát sinh, các tranh chấp trong quá trình đầu tư tại nước sở tại.

                                             
PVN3
Tiếp tục nâng cao năng lực dự báo thị trường, năng lực quản lý, năng lực tài chính của DN khi đầu tư ra nước ngoài.

Đẩy mạnh tuyên tuyền chế tài đối với hành vi của các chủ sở hữu vốn Nhà nước để xảy ra thua lỗ, gây thất thoát, lãng phí tài sản của DNNN. Đã có sự ngộ nhận kể từ kể từ 0 giờ ngày 01/01/2018 - thời điểm BLHS 2015 có hiệu lực, tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng đã bị bãi bỏ từ đó sinh ra “nhờn luật”. Trên thực tế hoàn toàn ngược lại, BLHS năm 2015 không bỏ hẳn hành vi phạm tội “cố ý làm trái” mà tội danh này được cụ thể hóa bằng 9 tội danh khác (từ Điều 217 - Điều 234). Liên quan đến khả năng mất vốn do ĐTRNN kém hiệu quả, nếu bị điều tra các DN Việt sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự với một trong hai tội danh:  Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (theo Điều 219); hoặc tội Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (theo Điều 220)”.

    
Tuy nhiên, chế tài được quy định tại khoản 3 và khoản 4 của 2 điều luật trên là quá nhẹ, không đủ sức răn đe tội phạm, đặc biệt là không phù hợp với thực tế hậu quả mà loại tội phạm này gây ra. Các chuyên gia đề xuất nên sửa đổi theo hướng
bổ sung tình tiết tăng nặng tương ứng với khung hình phạt lên đến chung thân (đối với hành vi gây thiệt hại và thất thoát, lãng phí từ 100 tỷ đồng trở lên); hoặc tử hình (đối với hành vi gây thiệt hại và thất thoát, lãng phí từ 1.000 tỷ đồng trở lên).

       
Về phía doanh nghiệp, để hoạt động ÐTRNN có hiệu quả, hạn chế được các rủi ro trong thời gian tới, không chỉ cần tuân thủ pháp luật Việt Nam, mà cần chủ động nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề pháp luật, xã hội của nước sở tại, luật pháp quốc tế và các chính sách, pháp luật có liên quan khác, nhất là cập nhật những thay đổi thường xuyên về chính sách đầu tư của các nước. Theo đó, chỉ nên quyết định đầu tư khi có thông tin đầy đủ, đáng tin cậy về dự án từ các cơ quan chức năng có liên quan ở cả phía Việt Nam và quốc gia nhận đầu tư để tránh gặp phải những rủi ro, bất lợi.

    
Tiếp tục nâng cao năng lực dự báo thị trường, năng lực quản lý, năng lực tài chính của DN khi đầu tư ra nước ngoài. Các DN xây dựng chiến lược kinh doanh, chiến lược sản phẩm, thương hiệu để từng bước nâng cao năng lực quản trị. Cùng với đó, các DN cần nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Đồng thời, khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng về cơ chế đầu tư, tiềm năng thị trường, triển vọng lợi nhuận… trước khi đưa ra các quyết định đầu tư. 
                                                                                                                                                        
Bài viết được thực hiện bỡi các nguồn:

http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/bat-chap-dich-benh-dau-tu-cua-viet-nam-ra-nuoc-ngoai-tang-114-so-voi-cung-ky-nam-2019-325056.html

https://tuoitre.vn/doanh-nghiep-viet-mang-hon-20-ti-usd-ra-nuoc-ngoai-dau-tu-20200715115047697.htm

https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/dau-tu-ra-nuoc-ngoai-lai-it-lo-mat-von-nhieu-658106.html
 

 Bài học kinh nghiệm cần rút ra trong việc giao vốn nhà nước cho các “ông lớn” ĐTRNN bị mất vốn và đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, đó là:
       + Phải xây dựng cơ chế kiểm soát hữu hiệu quyền sử dụng vốn đối với nguồn vốn được giao cho DNNN làm đại diện sở hữu, nhất là đối với chức danh Hội đồng thành viên và Chủ tịch công ty; nhưng đồng thời không làm triệt tiêu sự năng động, sáng tạo và quyền chủ động kinh doanh của DNNN;
      + Chỉ giao vốn cho những DNNN thực sự có năng lực quản trị, có tài chính lành mạnh;
       + Kiên quyết không giải ngân và cho phép chuyển vốn ĐTRNN, khi dự án ĐTRNN của DN chưa được cơ quan có chức năng thẩm tra, thẩm định đề xuất chủ trương đầu tư; và chưa trình ra Quốc hội xem xét, nếu đó là dự án quan trọng cấp quốc gia;
       + Nói không với các dự án đầu tư không phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; không phù hợp với khả năng cân đối nguồn đầu tư công và khả năng huy động các nguồn khác đối với các công trình, dự án sử dụng nhiều nguồn vốn; không phù hợp với khả năng vay, trả nợ công; không bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững…
       + Xử lý nghiêm hành vi “vượt rào”cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng bằng chế tài hình sự thật nặng.

Tác giả bài viết: Luật gia VLM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây