Từ các dự án BĐS tại Bình Dương vừa bị CO3 vào cuộc: CẦN KHẨN TRƯƠNG XÁC LẬP CƠ CHẾ KIỂM SOÁT CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN TRONG VIỆC GIAO ĐẤT VÀ QUẢN LÝ TÀI SẢN CÔNG…

Thứ hai - 13/07/2020 04:54
(TVLMP) - Những ngày qua dư luận cả nước lại “nóng” lên trước thông tin Cục CSĐT Tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) - Bộ Công an vào cuộc xác minh vụ việc có dấu hiệu sai phạm liên quan đến việc phân lô bán nền nhiều dự án bất động sản tại thành phố Thuận An và Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Trong khi đó những kết luận bước đầu của cơ quan có thẩm quyền địa phương đã lộ diện một phần những mặt trái trong công tác điều hành chỉ đạo và những kẽ hở của pháp luật…
Họp báo thông tin sai phạm về quản lý đất đai tại Bình Dương
Họp báo thông tin sai phạm về quản lý đất đai tại Bình Dương
Báo động… “quyền lực mềm” thao túng
      
Với việc Công ty CP Đầu tư phát triển Kim Oanh TP.HCM được sở hữu 43ha đất “vàng” tại phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) đang bị Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Dương thụ lý giải quyết, theo ủy quyền của Bộ Công an, một lần nữa chứng tỏ sự can thiệp quá sâu của tổ chức Đảng địa phương vào sự điều hành hoạt động của DNNN. Nói vai trò của tổ chức là quá, thực chất chỉ là một nhóm cá nhân lãnh đạo lợi dụng danh nghĩa để phục vụ cho lợi ích nhóm. Vụ việc càng cho thấy sức mạnh của “quyền lực mềm” luôn sẽ là lực cản làm kìm hãm sự phát triển kinh tế của đất nước.

     
Trước đó khu đất này từng được giao cho
Tổng công ty Sản xuất - XNK Bình Dương (còn gọi là Công ty 3-2, có 100% vốn nhà nước), trực thuộc Tỉnh ủy Bình Dương quản lý, để làm khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương. Tuy nhiên đến tháng 8/2010, thay mặt Thường trực Tỉnh ủy, ông Vũ Minh Sang - Phó bí thư Tỉnh ủy Bình Dương bất ngờ phát đi văn bản cho phép Tổng công ty 3-2 liên doanh góp vốn 30% với Công ty Âu Lạc để “đầu tư và kinh doanh dự án tại khu B có diện tích 43ha”, khai sinh ra Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Tân Phú.

     
Động thái trên được cho là mở đường cho việc hợp thức hóa “mục tiêu”. Theo đó đầu năm 2017, Phó Bí thư
Phạm Văn Cành tiếp tục có văn bản truyền đạt ý kiến Thường trực Tỉnh ủy (theo kết luận của ông Trần Văn Nam – Bí thư Tỉnh ủy chủ trì) đồng ý cho Công ty 3-2 chuyển nhượng 100% vốn của 30% phần vốn góp cho Công ty Âu Lạc nắm giữ. Chỉ riêng việc chuyển nhượng này, cơ quan có chức năng xác định cũng đã gây thất thoát tài sản nhà nước với số tiền 126,8 tỷ đồng

     
Sau khi được cấp 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với khu đất 43ha, Công ty CP Tân Phú
(do Công ty CP Kim Oanh làm chủ) đã ký hợp đồng thế chấp với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh bảo lãnh cho Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Công nghiệp Nam Kim vay 350 tỷ đồng. Hiện Công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định tạm giữ vật chứng này bàn giao khu đất 43ha cho UBND phường Hòa Phú để bảo quản theo quy định. Trước đó ngày 9/4, những cán bộ đứng đầu Công ty 3/2 (gồm: ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Trần Nguyên Vũ - Tổng Giám đốc) đã bị Cơ quan điều tra khởi tố bị can và bị bắt tạm giam 4 tháng…
                            
image 20200713155950 5
           Khu đất 43ha từng được giao cho Công ty 3-2 (Tỉnh ủy Bình Dương) quản lý đang bị CO3 chỉ đạo Công an tỉnh Bình Dương điều tra.
     
Thực ra câu chuyện Công ty CP Kim Oanh độc chiếm 43ha đất tại vị trí đắc địa ở TP. Thủ Dầu Một cũng chỉ là giọt nước làm tràn ly về cái gọi là “sân sau”, “quyền lực mềm”, đi liền với “đặc quyền”, “đặc lợi” đối với các DN núp bóng các tổ chức Đảng ở cơ sở… Dư luận đã từng biết đến vụ tai tiếng: Công ty TNHH MTV Đầu tư & xây dựng Tân Thuận (có 100% vốn Thành ủy TP.HCM) chuyển nhượng thành công cho Quốc Cường (Gia Lai) khu dân cư Phước Kiển rộng 32,4ha, với giá 1,29 triệu đồng/m2, thấp hơn giá thị trường 2.400 tỷ đồng; hay vụ thất thoát tài sản nhà nước 153 tỷ đồng xảy ra tại Sadecco do chênh lệch giá trị cổ phiếu. Nguyên nhân làm thất thoát tài sản nhà nước là do sự can thiệp bằng văn bản của ông Tất Thành Cang, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khoá XII, Phó bí thư thường trực Thành ủy, TP HCM nhiệm kỳ 2015 – 2020.

      
Soi các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và đấu thầu… hoàn toàn không có quy định nào chịu sự chi phối của “quyền lực mềm”, chữ ký của các vị lãnh đạo nói trên hoàn toàn không có cơ sở để cơ quan có thẩm quyền hoàn tất quy trình quyết định giao dự án hay công trình cho doanh nghiệp “sân sau”. Thẩm quyền của các vị chỉ dừng lại ở công tác tổ chức, xây dựng hệ thống chính trị theo Điều lệ Đảng, không có quyền quyết định trực tiếp việc phê duyệt dự án, công trình, chỉ định thầu hay đấu thầu tài sản công. Thế nhưng trên thực tế, một khi có bút tích họ gửi tới hay chỉ là một cú phôn không bằng chứng… thì mọi việc sẽ đảo chiều.         

     
Từ vụ án Công ty 3-2 (Tỉnh ủy Bình Dương) đã đến lúc cần báo động vai trò của tổ chức Đảng ở cơ sở đã bị lạm dụng để phục vụ lợi ích cá nhân bỡi một số cán bộ đảng viên có chức có quyền biến chất, tha hóa. Thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành nhiều quy định nhằm để khống chế và kiểm soát quyền lực của cán bộ, đảng viên như Quy định số 47 – QĐ/TW về 19 điều cấm đảng viên không được làm; Quy định số 30-QĐ/TW về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; Quy định số 102 - QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm; đặc biệt là Quy định số 08 - QĐi/TW về nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH TW… Tuy nhiên vẫn chưa “đủ lực” để đưa những đảng viên có chức có quyền đi đúng “đường ray”, thậm chí một số điều quy định còn có kẽ hở bị lạm dụng.

     
Quản lý tài sản công: Kẽ hở từ việc cho phép… “bán tài sản công”

     
Theo thông tin mới nhất, toàn bộ hồ sơ liên quan 17 dự án BĐS, với hàng ngàn nền đất (nằm ở các vị trí đắc địa của Thuận An và Dĩ An, là hai TP đông dân của Bình Dương, giáp với TP.HCM) đã được cung cấp cho Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an giải quyết. Điều đáng nói là tất cả 17 dự án đều do 4 công ty thuộc gia đình bà Phạm Thị Hường (54 tuổi, ngụ TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) làm chủ, gồm: Công ty TNHH thương mại dịch vụ bất động sản Phú Phong, Công ty TNHH bất động sản Phú Hồng Thịnh, Công ty TNHH Quản lý đầu tư phát triển đô thị VN và Công ty cổ phần Phú Gia Khiêm Land.

     
Hầu hết các dự án trên đều có nguồn gốc là đất nhà máy, xí nghiệp thuê đất của Nhà nước để sản xuất kinh doanh. Trong đó có một dự án tại TP Dĩ An đang giao cho trung tâm đăng kiểm thuộc Sở GTVT tỉnh Bình Dương thuê nhưng sau đó đã bị lấy lại để làm khu dân cư. Sau khi nhận chuyển nhượng quyền thuê đất sản xuất, các công ty do gia đình bà Hường làm chủ đã xin chuyển mục đích để phân thành các nền đất ở và nhanh chóng được các cấp chính quyền tỉnh Bình Dương chấp thuận.

       
Việc các công ty gia đình của bà Hường “thâu tóm” các dự án BĐS có nguồn gốc từ tài sản công không có gì mới, nhìn từ thủ đoạn thực hiện. Trước đó năm 2018, dư luận đã từng biết đến vụ Sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) bị “nuốt chửng” thần tốc bỡi 10 đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn Thiên Thanh, nhờ có sự tiếp sức tích cực của cán bộ có thẩm quyền UBND thành phố Đà Nẵng...

      
Vụ việc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về khoảng trống của pháp luật về quy định quản lý tài sản công đã và đang bị lạm dụng. Rõ ràng là việc pháp luật cho phép (theo quy định tại Điều 57, 58  Luật Quản lý sử dụng tài sản công 2017), đơn vị sự nghiệp công lập được bán tài sản công theo hình thức đấu giá, đối với tài sản công có giá trị nhỏ được bán chỉ định;
được sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết với tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước, “nếu tài sản được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm để thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao nhưng chưa sử dụng hết công suất”, vô hình trung biến thành “con dai hai lưỡi” để cho các chủ thể không có tâm được giao quản lý tài sản công lợi dụng để trục lợi hợp lệ, hợp pháp.

       
Không quá khó để các chủ thể hợp thức hóa tài sản công “sử dụng chưa hết công suất”, hay “hô biến” tài sản công thành tài sản doanh nghiệp tư thông qua hình thức đấu giá, bán chỉ định... thành tài sản riêng, nếu một phần tài sản đó sau khi “hóa kiếp” được chảy vào túi cá nhân. Trong khi đó cơ chế định giá đất, thẩm định giá tài sản theo quy định hiện hành còn nhiều bất cập (Tạp chí Pháp lý đã có nhiều bài đề cập), tạo ra sự chênh lệch quá lớn giá trị của tài sản. Đó chính là nguyên nhân làm thất thoát “khủng” tài sản nhà nước.

      
Đặc biệt là cơ chế giám sát tài sản công được quy định trong
Luật Quản lý sử dụng tài sản công 2017, mặc dù được “giao” đến tận cộng đồng (Điều 9) thông qua tổ chức mặt trận và Hội đồng nhân dân các cấp (Điều 17) nhưng lại không có quy định cụ thể về quy trình tiếp cận trực tiếp đối với tài sản được giám sát nên việc giám sát chỉ tồn tại trên danh nghĩa.

     
Luật không hở mà là người thực hiện cố tình “hở” ?

       
Cũng theo kết luận bước đầu của Cơ quan có chức năng địa phương, cùng với “thâu tóm” 17 dự án BĐS, các công ty gia đình của bà Hường còn thu gom qua hình thức nhận chuyển nhượng 9 khu đất khác (với tổng diện tích hơn 101.000m2) nằm ở các phường An Phú, Bình Chuẩn, Lái Thiêu của TP Thuận An có nguồn gốc từ đất nông nghiệp. Sau đó, các công ty của gia đình bà Hường đã tách thửa được hàng ngàn nền đất rồi bán cho người dân để thu lợi, trong khi chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng.

     
Trong khi đó theo quy định của pháp luật (
Luật Đất đai 2013, Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản 2014), phân lô bán nền là hình thức đầu tư kinh doanh BĐS. Quá trình từ khi nhà đầu tư mua đất của dân hay xin Nhà nước giao đất làm dự án cho đến khi được cơ quan nhà nước cho phép bán lô nền cho bán cần thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó một trong những điều kiện bắt buộc trước khi phân lô, bán nền được quy định rất rõ tại khoản 2 điều 41 Nghị định 43/2014/NĐ-CP:  “Chủ đầu tư dự án phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gồm các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt; đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực trước khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở; đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải”; và “phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án”.

     
Rõ ràng là không phải pháp luật có kẽ hở mà là các công ty gia đình bà Hường cố ý làm trái quy định pháp luật. Tuy nhiên hành vi cố ý làm trái đó hay nói cách khác việc phân lô bán nền sẽ không hoàn thành, nếu không có sự “tiếp sức” tích cực của những cán bộ có thẩm quyền (từ
cán bộ địa chính phường, UBND phường đến các phòng, ban chuyên môn và cả một Phó Chủ tịch UBND thị xã (nay là TP Thuận An).

     
Thậm chí có nhiều dự án, theo kết luận kiểm tra của UBND tỉnh Bình Dương không làm hạng mục nhà ở xã hội mà xin chuyển toàn bộ để bán nhà ở thương mại (có đóng tiền chuyển đổi) đều đã được các cấp thẩm quyền của tỉnh Bình Dương nhanh chóng chấp thuận. Nổi bật như dự án khu nhà ở Phú Gia Huy, khu nhà ở thương mại Phú Hồng Khang, Phú Hồng Lộc...

     
Nếu như quy trình phân lô bán nền trên đất nông nghiệp khi chưa có cơ sở hạ tầng đã từng được Công ty CP Địa ốc Alibaba thực hiện đẩy hàng ngàn hộ gia đình lâm vào cảnh “tiền mất tật mang” mới chỉ là sai phạm từ một phía; thì việc phân lô bán nền hàng ngàn m2 đất nông nghiệp do các công ty gia đình bà Hường (Bình Dương) thực hiện ở đẳng cấp cao hơn. Sức mạnh đồng tiền cùng với sự tha hóa về phẩm chất đạo đức đã làm cho những cán bộ có chức có quyền ở đây đã bất chấp pháp luật, tiếp tay giúp các công ty gia đình bà Hường không chỉ phân lô bán nền trên giấy mà còn hoàn thành thủ tục pháp lý cho ra đời hàng ngàn sổ đỏ hợp pháp lưu hành công khai…

     
Lời kết

      
Hệ quả của “sân sau” đã và đang làm kiệt quệ nền kinh tế của đất nước vì tài sản công bị thiệt hại, thất thoát nghiêm trọng. Sau hàng loạt vụ án được đưa ra xét xử và đang lộ diện, đến thời điểm này “sân sau” không còn là những “dấu hiệu” hay “nghi ngờ” nữa mà trở thành vấn nạn thực sự. Vì vậy tìm giải pháp để khống chế, ngăn chặn vấn nạn “sân sau” là việc cần làm trong lúc này…  

      
Việc xử lý nghiêm minh đến nơi đến chốn để răn đe các đối tượng “nhúng chàm” như thời gian qua Bộ Chính trị đã làm quyết liệt là cần thiết nhưng sẽ không giải quyết được tận gốc, triệt tiêu cội nguồn của tội phạm nếu như không có những giải pháp thật căn cơ. Chúng tôi muốn nhắc đến những quy định của Đảng, thậm chí cả Điều lệ Đảng cần phải được sửa đổi bổ sung để làm vô hiệu hóa “quyền lực mềm” của những cán bộ, đảng viên có chức có quyền.

      
Từ thực tế thất thoát trong quản lý tài sản công, để giảm thiểu, cùng với nhiều giải pháp cần làm để ngăn chặn, rất cần được xem xét lại quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công (Điều 24 Luật QLSDTSC năm 2017) theo hướng phải có quy định khống chế tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công, không để xảy ra tình trạng đầu tư xây dựng, mua sắm tràn lan rồi dẫn tới sử dụng không hết công suất, phải tính đến phương án bán tài sản công.

     
Tuy nhiên pháp luật dù có hoàn thiện và nghiêm minh đến đâu cũng không ngăn chặn được lòng tham trổi dậy của con người. Lòng tham khiến người ta rất dễ dùng quyền lực để thu vén cho cá nhân và sẵn sàng móc ngoặc, thỏa
hiệp với những kẻ xấu để vụ lợi. Vì vậy, mấu chốt sâu xa của vấn đề vẫn nằm ở chỗ cần phải có cơ chế phù hợp để chọn lựa được một đội ngũ công quyền thực sự có tâm, tầm và có trách nhiệm - những người không phải “đầu tư đầu vào” cho một cái ghế, để khi ngồi lên ghế không phải đau đáu tìm đủ mọi cách để “gỡ gạc”.

 

Tác giả bài viết: Luật gia Vũ Lê Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây