Xử lý vật chứng, kê biên tài sản, thu hồi tài sản tham nhũng và một số kiến nghị nhìn từ vụ đại án Vạn Thịnh Phát
Thứ sáu - 15/03/2024 23:25
(Luật gia Vũ Lê Minh) – Phiên tòa xét xử vụ đại án Vạn Thịnh Phát đang diễn ra, dự kiến sẽ kéo dài đến hết ngày 29/4/2024. Suốt thời gian qua, bên cạnh việc điều tra làm rõ và truy tố tội danh của 86 bị can có liên quan đến đại án, các cơ quan tiến hành tố tụng đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công tác kê biên, thu giữ và phong tỏa tài sản của các bị can do phạm tội mà có, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân bị thất thoát. Theo đó đến trước khi phiên tòa diễn ra, đã có một khối lượng tài sản lớn được kê biên, phong tỏa để đảm bảo thi hành án... Bài viết của Luật gia Vũ Lê Minh sẽ cung cấp đến bạn đọc một góc nhìn sâu hơn xung quanh vấn đề này và kiến nghị giải pháp khắc phục (?)
Kê biên, thu giữ và phong tỏa khối tài sản khủng đúng quy trình tố tụng
“Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong giải quyết vụ án” (Điều 89 BLTTHS 2015). Như vậy vật chứng trong vụ án hình sự là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng mà thông qua đó cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có thẩm quyền có thể rút ra được chứng cứ chứng minh tội phạm và người phạm tội cũng như những tình tiết khác giúp cho việc giải quyết vụ án đúng đắn.Hiểu theo quy định của pháp luật thì vật chứng bao gồm những vật thể (đó có thể là là đồ vật có giá trị cao như vàng, bạc, đá quý, ngoại tệ; hoặc tiền; giấy tờ có giá như cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi, séc; quyền tài sản như quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất) được thu thập theo thủ tục do pháp luật tố tụng hình sự quy định chứa đựng các thông tin có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án, những vật này có giá trị chứng minh tội phạm, người phạm tội và những tình tiết trong vụ án.
Đối với các vụ án xâm phạm quyền sở hữu tài sản đặc biệt là các vụ án về tham nhũng, kinh tế gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân, ngoài việc làm rõ hành vi phạm tội, xác định hậu quả đã gây ra đối với xã hội, Cơ quan điều tra sẽ áp dụng các biện pháp ngăn chặn như phong tỏa, kê biên tài sản để tránh tẩu tán tài sản nhằm đảm bảo thi hành án. Việc kê biên, phong tỏa cũng chỉ được áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội mà BLHS có quy định hình phạt tiền hoặc có thể bị tịch thu tài sản hoặc phải bồi thường thiệt hại; và cũng chỉ được kê biên, phong tỏa tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại (Điều 128 và Điều 129 BLTTHS năm 2015).
Đối chiếu với quy định trên của pháp luật thì những tài sản mà C03 Bộ Công an đã kê biên thu giữ, phong tỏa trong đại án Vạn Thịnh Phát (VTP), đến nay gồm: (i) Hơn 590 tỷ đồng và gần 15 triệu USD; (ii) 43 tài khoản ngân hàng của các bị can và các cá nhân đứng tên hộ, với tổng số tiền là 1.896 tỷ đồng và 8,4 triệu USD; (iii) Tạm giữ 1.266 bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gồm cả các giấy chứng nhận liên quan Công ty Quốc Cường Gia Lai); (iiii) 1.237 bất động sản có liên quan; hơn 857 triệu cổ phần tại SCB; 01 du thuyền, 02 tàu, 19 ô tô… Sau khi chuyển sang giai đoạn truy tố, cơ quan có chức năng đã kê biên tạm giữ tiếp của các bị can 55,4 tỷ đồng.Tất cả tài sản kê biên tạm giữ và phong tỏa có liên quan đến đại án đều được xác định là vật chứng.
Những tài sản kể trên, chắc chắn có giá trị chứng minh các tội danh mà C03 và Viện KSND tối cao đề nghị truy tố (gồm tội “Tham ô tài sản”, “Nhận hối lộ”, “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”) đối với 86 bị can. Chẳng hạn, đối với vật chứng là số tiền 590 tỉ đồng và gần 15 triệu USD mà C03 đã kê biên thu giữ trong giai đoạn điều tra của Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân (cháu của Trương Mỹ Lan), có liên quan đến các giao dịch chuyển nhượng một số dự án bất động sản, tiền Lan giao cho người khác giữ và tiền gia đình các bị cáo nộp khắc phục hậu quả. Hay kê biên 8 bất động sản tại tỉnh Quảng Ninh liên quan đến thỏa thuận hợp tác của Trương Mỹ Lan với Tập đoàn Tuần Châu, Quảng Ninh. Các tội danh trên trong BLHS đều có quy định chế tài bị tịch thu tài sản và phải bồi thường thiệt hại.
Cũng theo quy định tại Điều 128 và Điều 129 BLTTHS 2015, việc kê biên thu giữ, phong tỏa tài khoản của VTP sẽ được lập thành biên bản. Biên bản sẽ được giao 01 bản cho các bị can hoặc người đại diện của các bị can; 01 bản giao cho chính quyền địa phương nơi có tài sản của VTP bị kê biên; 01 bản giao cho Viện KSND cùng cấp; và 01 bản đưa vào hồ sơ vụ án. Đối với biện pháp phong tỏa các tài khoản, thì C03 không phải giao biên bản cho chính quyền địa phương, nhưng còn phải giao thêm 01 bản cho người có liên quan đến người bị buộc tội; và 01 bản giao cho tổ chức tín dụng để lưu (trong trường hợp này là Ngân hàng SCB) đang quản lý tài khoản của bị can.
Tòa nhà Times Square cao 40 tầng có vị trí đắc địa khi sở hữu hai mặt tiền Nguyễn Huệ và Đồng Khởi – một trong những tài sản của VTP đã bị C03 kê biên….
Sau khi kết thúc điều tra (theo quy định tại Điều 238 và Điều 244 BLTTHS 2015), toàn bộ hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra đề nghị truy tố đối với vụ án VTP sẽ được chuyển cho Viện KSND tối cao tiếp nhận và nghiên cứu để ban hành cáo trạng truy tố, trước khi chuyển đến Tòa án. Theo quy định tại Điều 90 BLTTHS 2015, trong giai đoạn điều tra, truy tố, việc bảo quản vật chứng của vụ án VTP thuộc về trách nhiệm của C03, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành điều tra vụ án. Mới đây, ngày 23/02/2024, C03 đã tiến hành chuyển giao 1.577 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ cổ đông, giấy chứng nhận sở hữu cổ phần, thiết bị điện tử, vật lưu trữ dữ liệu điện tử, các sổ tiết kiệm… cho Tổ tiếp nhận vật chứng vụ án thuộc Cơ quan THA dân sự TP.HCM thành lập tiếp nhận (theo Quyết định 343 của Viện KSND tối cao). Đây là việc làm cần thiết và phù hợp theo quy định của tố tụng vì đại án đã kết thúc điều tra, truy tố, Viện KSND tối cao đã tống đạt cáo trạng cho các bị can và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân TP.HCM, để chuẩn bị xét xử vào ngày 5/3/2024 tới đây.
Từ giai đoạn này (xét xử và thi hành án) trở đi, theo quy định tại điểm đ, khoản 1 Điều 90 BLTTHS 2015, toàn bộ vật chứng của vụ án bị kê biên thu giữ và phong tỏa sẽ do Cơ quan THA dân sự TP.HCM chịu trách nhiệm bảo quản. Nếu mất mát, hư hỏng, phả hủy niêm phong, tiêu dùng, sử dụng trái phép, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại vật chứng… thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định pháp luật.
Việc xử lý vật chứng tiếp theo liên quan đến đại án sẽ do Hội đồng xét xử TAND TP.HCM quyết định ở giai đoạn sơ thẩm và do TAND cấp cao tại TPHCM quyết định ở giai đoạn phúc thẩm. Cũng theo quy định tại Điều 106 BLTTHS 2015, nếu có căn cứ xác định vật chứng là do phạm tội mà có thì Hội đồng xét xử có thẩm quyền sẽ tuyên tịch thu, nộp vào ngân sách nhà nước. Trường hợp nếu tài sản đã thu giữ, tạm giữ không phải là vật chứng không có liên quan đến vụ án hoặc xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án thì Hội đồng xét xử sẽ quyết định trả lại ngay cho chủ sở hữu. Trường hợp nếu có tranh chấp về quyền sở hữu thì giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Nhận diện nguyên nhân làm hạn chế công tác kê biên, phong tỏa tài sản các đại án
Với kết quả kê biên và phong tỏa tài sản mà C03 và Viện KSND tối cao thực hiện được đến thời điểm này đối với đại án VTP, có thể nói đây là con số kỷ lục về kê biên, tạm giữ và phong tỏa tài sản trong giai đoạn điều tra, truy tố đối với một vụ án từ trước đến nay. Kết quả đó một lần nữa khẳng định quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Quy định 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, PCTN, TC trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; và trước đó là Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về công tác PCTN, TC và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế không qua thủ tục kết tội là hoàn toàn đúng đắn.
Mặc dù vậy, nếu so với hậu quả mà các bị can gây ra trong đại án VTP (tính đến tháng 10/2022, Ngân hàng SCB mất khả năng thanh khoản hoàn toàn là 677.286 tỉ đồng; sau khi trừ đi các tài sản bảo đảm có giá trị, tổng số tiền bà Trương Mỹ Lan và đồng bọn chiếm đoạt gây thiệt hại đối với Ngân hàng SCB hơn 497.000 tỉ đồng) thì những nỗ lực của C03 và Viện KSND tối cao trong việc kê biên, phong tỏa tài sản nói trên chưa dạt như kỳ vọng. Nếu quy đổi số ngoại tệ đã thu giữ ra VND thì số tiền mặt chỉ mới thu giữ được hơn 3.000 tỷ đồng. Đối với 2.503 bất động sản, hơn 857 triệu cổ phần tại SCB; 01 du thuyền, 02 tàu, 19 ô tô… còn phải làm rõ quyền liên quan và còn phụ thuộc vào thị trường giao dịch bất động sản tại thời điểm bán phát mãi tài sản. Đó là tình trạng chung trong các đại án kinh tế, tham nhũng mà các cơ quan tiến hành tố tụng đã và đang đối mặt. Mà nguyên nhân chủ yếu vẫn nằm ở hành lang pháp lý chưa được hoàn thiện. Cụ thể là:
+ Cho đến nay, BLHS 2015 có sửa đổi, bổ sung năm 2017 cũng chỉ mới dừng lại ở quy địnhsau khi khởi tố vụ án mới áp dụng kê biên, phong tỏa tài khoản, tài sản của các bị can, bị cáo. Nghĩa là trong thời gian thanh tra, kiểm toán, kể cả khi có tin báo tội phạm cũng không áp dụng biện pháp ngăn chặn kê biên tài sản nên các bị can, bị cáo có thời gian để tẩu tán thời gian. Trong khi đó việc thanh tra, kiểm tra các vụ án kinh tế lớn thường kéo dài. Trước khi vụ án VTP bị khởi tố vào tháng 10/2023, thì từ năm 2017 – 2018, Đoàn thanh tra của NHNN Việt Nam đã vào cuộc 2 lần theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhưng đều bị “vô hiệu hóa” bỡi những đồng tiền hối lộ bẩn của bà Lan và đồng phạm. Như vậy đến trước khi C03 chính thức khởi tố vụ án, các đối tượng phạm tội đã được “đánh động” và có ít nhất hơn 6 năm để xê dịch tài sản. Thực tế thời gian qua xảy ra nhiều vụ án tham nhũng, đại án kinh tế với hàng ngàn tỷ đồng bị thất thoát, chiếm dụng nhưng không thu hồi được, bởi số tài sản này đã bị sang tên cho người khác trong gia đình… Đây chính là kẽ hở của pháp luật, vô hình trung biến thành khoảng “thời gian vàng” giúp cho tội phạm có điều kiện tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa tài sản phạm tội mà có.
+ Mặc dù được phép kê biên, phong tỏa tài khoản, tài sản của các bị can trước trong gia đoạn điều tra, truy tố nhưng tại khoản 3 Điều 128 và khoản 3 Điều 129 BLTTHS 2015 quy định, cơ quan tiến hành tố tụng chỉ được áp dụng kê biên, phong tỏa tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại. Quy định còn trừu tượng của pháp luật đã làm khó cơ quan tiến hành tố tụng. Bỡi đến nay vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn cách xác định về định lượng thế nào là tương ứng mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại. Trong khi đó việc kết tội các bị can còn chưa diễn ra, kết luận của Cơ quan điều tra chưa phải là tất cả mà còn phụ thuộc vào các chứng cứ và diễn biến tại phiên tòa xét xử công khai… Chưa kể việc kê biên nếu không làm rõ nguồn gốc sẽ dễ dẫn tới kê biên tài sản không đúng của người phạm tội sẽ dẫn tới đối mặt với khởi kiện, khiếu nại, bồi thường thiệt hại. Đó cũng chính là lý do khiến cho cơ quan tiến hành tố tụng không thật sự mặn mà để tận tâm, tận lực làm hết trách nhiệm.
+ Đến đại án này, xem ra chế tài của pháp luật hình sự (quy định tại Điều 40 BLHS 2015 về khuyến khích người phạm tội tự nguyện khắc phục đủ ít nhất ¾ tài sản tham ô và nhận hối lộ để được thoát án tử) không đủ sức răn đe tuyệt đối đối với tất cả các bị can rơi vào khung tử. Theo Cáo trạng Viện KSND tối cao, có 13/86 bị can của vụ đại án VTP bị truy tố ở khung hình phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình. Đó là bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm là lãnh đạo thuộc Ngân hàng SCB và hệ sinh thái VTP về tội Tham ô tài sản; và 01 bị can bị truy tố về tội Nhận hối lộ là Đỗ Thị Nhàn - cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II thuộc NHNN nhận hối lộ 5,2 triệu USD để bao che, bưng bít sai phạm của SCB. Tuy nhiên đến trước khi bàn giao vật chứng cho THA dân sự TPHCM (tức trước khi phiên tòa xét xử diễn ra), trong tổng số tài sản mà C03 và Viện KSND tối cao đã kê biên thu giữ, phong tỏa thì chỉ mới có 2 bị can khắc phục được số tiền lớn, gồm: Bị can Đỗ Thị Nhàn đã nộp lại 4,8 triệu USD và hơn 10 tỷ đồng/tổng số tiền nhận hối lộ 5,2 triệu USD; và bị can Dương Tấn Trước, TGĐ Cty Tường Việt bị cáo buộc giúp sức bà Lan chiếm đoạt hơn 4.700 tỷ đồng, đã khắc phục 3.065 tỷ.
Bị can Trương Mỹ Lan và một số đồng phạm chủ chốt khi bị bắt
Có 5/13 bị can khắc phục nhỏ giọt, gồm: (1) Bị can Trương Huệ Vân, cháu ruột bà Lan, cựu TGĐ VTP bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 1.088 tỷ, khắc phục hơn 1 tỷ đồng và 3.000 USD; (2) Đặng Phương Hoài Tâm, cựu Trưởng phòng HĐQT VTP bị cáo buộc giúp sức chiếm đoạt hơn 171.000 tỷ đồng, khắc phục được 30 triệu đồng; (3) Nguyễn Phương Anh, Phó TGĐ Cty Sài gòn Peninsula bị cáo buộc giúp sức chiếm đoạt hơn 297.000 tỷ đồng, khắc phục 300 triệu đồng; (4) Trương Khánh Hoàng, cựu Phó TGĐ SCB bị cáo buộc giúp sức chiếm đoạt gần 183.000 tỷ đồng, khắc phục được 9,85 triệu cổ phần SCB; (5) Tạ Chiêu Trung, cựu thành viên HĐQT SCB giúp sức chiếm đoạt 4.400 tỉ đồng, khắc phục 300 triệu đồng. Số còn lại 6/13 bị can là 02 cựu Chủ tịch HĐQT SCB (trong đó có 01 đang bị truy nã vì bỏ trốn), 01 cựu TGĐ và 02 cựu Phó TGĐ VTP bị cáo buộc giúp bà Lan buộc chiếm đoạt tổng số tiền cực lớn, nhưng cho đến nay không khắc phục một đồng nào. Trong đó đặc biệt có Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch VTP bị cáo buộc tham ô hơn 304.000 tỷ đồng (?)
Một số kiến nghị
Từ kết quả kê biên, phong tỏa tài sản trong đại án VTP đạt kỷ lục và những hạn chế còn tồn tại như đã phân tích, cho thấy cần phải khẩn trương luật hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Quy định 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, PCTN, TC trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; và tại Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về công tác PCTN, TC và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế không qua thủ tục kết tội. Tức là phải hoàn thiện khoảng trống của pháp luật hình sự về kê biên thu hồi và phong tỏa tài sản trong các vụ án kinh tế và tham nhũng, để hạn chế đến mức thấp nhất tài sản của Nhà nước, của tổ chức và cá nhân bị thất thoát do tội phạm gây ra.
+ Trước hết, việc kê biên, phong tỏa và thu hồi tài sản tham nhũng không chỉ dừng lại ở giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử mà cần phải mở rộng cả ở giai đoạn tiền tố tụng. Tức ở giai đoạn thanh kiểm tra, các cơ quan có thẩm quyền như Thanh tra chuyên ngành hoặc Kiểm toán nhà nước vẫn được quyền kê biên, thu giữ và phong tỏa tài sản tạm thời trong khoảng thời gian nhất định (nếu như quá trình thanh, kiểm tra xác định có dấu hiệu tài sản là do vi phạm mà có), không để khoảng trống quá dài về kê biên, phong tỏa như đã xảy ra trong vụ án VTP. Bên cạnh đó, cần khẩn trương ban hành văn bản dưới luật hướng dẫn mang tính định lượng về quy định kê biên và phong tỏa tài sản “tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường”, nhằm tạo điều kiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng chủ động, mạnh dạn (không lo sợ rủi ro) trong việc kê biên, thu giữ và phong tỏa tài sản của tội phạm.
+ Không chỉ đến giai đoạn xét xử, vật chứng mới được chuyển giao cho cơ quan THA dân sự chịu trách nhiệm bảo quản và thi hành án mà pháp luật cần phải hoàn thiện theo hướng, ngay cả ở các giai đoạn tiền tố tụng và giai đoạn điều tra, truy tố (khi cơ quan có chức năng thực hiện việc kê biên, phong tỏa tài sản của người vi phạm và phạm tội) cần mở rộng thành phần tham gia đến cơ quan THA dân sự, nhằm tạo điều kiện cho cơ quan này nắm bắt ngay từ đầu, để cùng chủ động phối hợp trong việc truy tìm, phát hiện và ngăn chặn từ xa hành vi tẩu tán tài sản. Khi đã phát hiện có dấu hiệu tội phạm, nhất là khi đã vào quy trình tố tụng, thì tài sản vụ việc và vụ án sẽ là đối tượng cần xử lý nên việc chủ động ngăn ngừa, kiểm soát hạn chế đến mức thấp nhất việc thất thoát tài sản tham nhũng là cần thiết. Thậm chí có thể xây dựng trình tự, thủ tục riêng về thi hành án các vụ án tham nhũng, kinh tế trong giai đoạn thi hành án dân sự...
+ Như đã phân tích ở trên, đến thời điểm C03 bàn giao vật chứng cho Cục THA dân sự TP.HCM, tổng số tài sản bị thiệt hại do 86 bị can gây ra bị kê biên, thu giữ và phong tỏa nhằm để khắc phục hậu quả (ngoài số tiền mặt và ngoại tệ quy ra được hơn 3.000 tỷ đồng), phần lớn tài sản còn nằm trong khối bất động sản hơn 2.500 danh mục bất động sản... Tuy nhiên việc tổ chức thi hành án thu hồi tài sản sau kết tội đối với khối tài sản này không hề dễ dàng vì còn phụ thuộc vào quyền sở hữu, nhất là các dự án về bất động sản đến nay theo Bộ Tư pháp, quy định về xử lý tài sản bị kê biên (kể cả cổ phần, cổ phiếu bị kê biên) chưa hoàn thiện về mặt pháp lý. Trong khi đó việc tổ chức thi hành phần trách nhiệm dân sự trong bản án hình sự pháp luật, hiện nay, cũng theo Bộ Tư pháp không có quy định cụ thể thời gian từ khi bắt đầu thực hiện đến khi kết thúc một vụ việc, mà chỉ quy định một số thủ tục trong quá trình thực hiện nên vụ án. Do đó nếu không kịp thời lấp được khoảng trống này sẽ dẫn tới kết quả thu hồi tài sản tham nhũng đối với hơn 2.500 danh mục bất động sản mà các cơ quan tiến hành tố tụng đã nổ lực làm được sẽ bị "bốc hơi" đáng kể./.
VŨ LÊ MINH
1) Trong 86 bị cáo bị đưa ra xét xử có 70 người bị tạm giam, 11 người được tại ngoại và 5 người đang bỏ trốn (cựu lãnh đạo SCB và các chi nhánh). + Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị truy tố về ba tội Đưa hối lộ, Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và Tham ô tài sản. + 45 cựu lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; một cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước bị VKSND Tối cao truy tố về các tội: Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng. Để phục vụ cho việc xét xử, tòa đã đã triệu tập hơn 2.400 người có quyền nghĩa vụ liên quan thuộc 5 nhóm. Gồm nhóm các cá nhân thuộc nhóm cán bộ SCB (316 người); các cá nhân đứng tên công ty, tên vay, đứng tên các tài sản thế chấp tại SCB thực hiện việc nộp rút tiền (1.153 người); các pháp nhân thuộc nhóm đứng tên vay tiền, nhận tiền tại SCB (692 người ); các cá nhân tại Ngân hàng Nhà nước (42 người) và nhóm người liên quan khác (201 người). Hai bị can khác là Sun Henry Ka Ziang, quốc tịch Trung Quốc, thành viên HĐQT SCB; Lam Lee George, quốc tịch Canada, cựu thành viên Hội đồng quản trị SCB, cũng đang bỏ trốn, được tách riêng hành vi để điều tra sau. "Tòa kêu gọi 5 bị cáo đang bỏ trốn và bị truy nã hãy ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng để đảm bảo quyền tự bào chữa theo quy định. Trường hợp không ra trình diện được coi như từ bỏ quyền tự bào chữa và sẽ bị xét xử vắng mặt", đại diện TAND TP HCM cho biết. Trong vụ án có bị cáo Chu Nap Kee Eric (Chu Lập Cơ, chồng bà Lan) quốc tịch Trung Quốc, nên tòa cũng triệu tập một số người phiên dịch. VKSND Tối cao phân công 10 kiểm sát viên thuộc VKSND Tối cao và VKSND TP HCM giữ quyền công tố tại tòa. Có gần 200 luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp các bên liên quan. Bị hại trong vụ án là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) - liên quan đến hành vi sai phạm của bà Lan và đồng phạm. Còn bà Lan được xác định là bị hại trong vụ ông Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch tập đoàn Capella) Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là 1.000 tỷ đồng.
2) Vụ án này liên quan đến nhiều bị can, nhiều tội danh, nhiều giao dịch và đặc biệt là số tiền được xác định là tham ô tài sản lớn nhất từ trước đến nay. Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Thanh, Phó Cục trưởng C03, trong vụ án này, Vạn Thịnh Phát đã lừa đảo bán trái phiếu doanh nghiệp, chiếm đoạt hơn 30.000 tỉ đồng của hơn 42.000 nhà đầu tư. Đây là số lượng bị hại rất lớn. Thiếu tướng Thanh cho hay cơ quan điều tra vẫn đang dùng mọi biện pháp để triệt để thu hồi tài sản, bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư. Hiện cơ quan điều tra đã có ủy thác cho công an các tỉnh, thành phố làm việc với các bị hại. Ông đề nghị các nhà đầu tư sớm đến các cơ quan điều tra làm việc, giúp cơ quan điều tra hoàn thiện các hồ sơ, tài liệu để bảo vệ quyền lợi của mình.