Thủ tướng chỉ đạo sửa đổi 12 luật về đầu tư và tài chính để gỡ khó cho doanh nghiệp: Điểm lại những bất cập và kiến nghị giải pháp hoàn thiện

Thứ tư - 16/10/2024 04:04
(TVLMP) – Nhiều quy định tại các đạo luật điều chỉnh về đầu tư kinh doanh và tài chính đã và đang làm khó doanh nghiệp và nhà đầu tư, tác động trực tiếp đến nền kinh tế. Ngay trong nửa đầu tháng 8/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã 2 lần chỉ đạo các Bộ có chức năng khẩn trương nghiên cứu sửa đổi 12 luật có liên quan: Lần thứ 1, vào ngày 5/8, yêu cầu sửa đổi 5 luật (gồm: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Doanh nghiệp); lần 2, 16/8, Thủ tướng yêu cầu sửa đổi 7 luật (gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Chứng khoán, Luật Quản lý thuế). Luật gia Vũ Lê Minh sẽ nhận diện lại những bất cập và kiến nghị giải pháp hoàn thiện đối với 12 luật nói trên...
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Luật Đầu tư 2020: Chưa tạo đột phá về thủ tục

Luật Đầu tư sửa đổi năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021,với nhiều điểm mới mang tính đột phá được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích góp phần thúc đẩy doanh nghiệp lớn mạnh trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn đi vào cuộc sống, Luật này lại tiếp tục bộc lộ một số vướng mắc, bất cập làm ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và công tác quản lý Nhà nước về đầu tư.

Trước thực trạng đó, ngày 11/01/2022, Quốc hội khóa XV đã kịp thời sửa đổi và thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật (gồm Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự). Theo đó, liên quan đến Luật Đầu tư, sửa đổi bổ sung điểm g và bổ sung điểm g1 vào sau điểm g khoản 1 Điều 31; Sửa đổi, bổ sung điểm b và bổ sung điểm b1 vào sau điểm b khoản 1 Điều 32; Bổ sung điểm g vào sau điểm e khoản 3 Điều 33; Bãi bỏ điểm c khoản 1 Điều 75; Bổ sung ngành, nghề số thứ tự 132a vào sau số thứ tự 132 của Phụ lục IV về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Mặc dù vậy vẫn chưa lấp đầy được các khoảng trống…

+ Điều kiện kinh doanh giảm hình thức, phình ở nội hàm

Có thể nói từ Luật Đầu tư năm 2014 đến Luật Đầu tư năm 2020 đã có một bước tiến dài về cải cách thủ tục môi trường đầu tư kinh doanh. Nếu như từ năm 2014, Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục 4 của Luật Đầu tư gồm 267 ngành nghề; thì đến năm 2020, Danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện giảm còn 227 ngành, nghề. Chất lượng đăng ký kinh doanh trong một số lĩnh vực đã được thiết kế có hệ thống, rõ ràng, dễ hiểu, dễ theo dõi. Các yêu cầu điều kiện về phù hợp với quy hoạch hoặc có phương án, kế hoạch kinh doanh cũng được cắt giảm đáng kể; các yêu cầu về vốn được bãi bỏ ở hầu hết các lĩnh vực... Nhờ đó, môi trường kinh doanh đã thuận lợi hơn, tạo điều kiện hơn cho doanh nghiệp tham gia thị trường cũng như đầu tư, sản xuất và kinh doanh trong nhiều lĩnh vực.

Mặc dù vậy, theo khảo sát sơ bộ gần đây nhất của CIEM, cho thấy số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tuy giảm về hình thức nhưng nội hàm của ngành nghề mở rộng hơn, bao trùm hơn. Ví dụ: Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật 2014 quy định “Nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng động vật hoang dã thông thường”; đến Luật 2020, ngành nghề này được rút ngắn với nội dung: “Nuôi động vật rừng thông thường”. Hay như nghề “Kinh doanh dịch vụ khảo nghiệm thức ăn thủy sản” là ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật 2014; đến Luật 2020 thì ngành nghề này mở rộng thêm: “Kinh doanh dịch vụ khảo nghiệm thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi”. Thậm chí trên thực tế, số lượng ngành nghề cụ thể có quy định về điều kiện kinh doanh tại pháp luật chuyên ngành lớn hơn nhiều con số 227 ngành nghề theo Danh mục của Luật Đầu tư 2020…

Những rào cản nói trên đã làm tăng chi phí, giảm niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp, giảm tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh… và do vậy tác động trực tiếp tới tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế. Từ thực tế đó, đòi hỏi phải tiếp tục cuộc cách mạng về cải cách điều kiện kinh doanh lần thứ 4 theo hướng thực chất, không chạy theo số lượng. Ngay từ bây giờ các Bộ, ngành có chức năng phải khẩn trương rà soát và đề xuất loại bỏ các điều kiện kinh doanh có nội hàm quy định còn chung chung, không hợp lý, thiếu rõ ràng, khó xác định, không cần thiết, không hợp lý, không có ý nghĩa và hiệu quả về quản lý nhà nước đã gây cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.  

+ Làm khó nhà đầu tư FDI về thủ tục thành lập

Điều 22 Luật Đầu tư 2020 quy định điều kiện để thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam: “Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa”. Trước đó, Điều 22 Luật Đầu tư năm 2014 quy định: “Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định tại Điều 37 của Luật này…”.

Như vậy so với Luật Đầu tư 2014, Luật Đầu tư 2020 đã có sự điều chỉnh theo hướng loại bỏ về điều kiện về dự án và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên những thay đổi đó chưa đủ để tạo ra sự hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư FDI. Hay nói cách khác những thay đổi đó chưa đủ để tạo ra một sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp FDI, khi mà nhà đầu tư trong nước không bắt buộc phải có dự án và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi thành lập doanh nghiệp. Ngoài ra với việc còn bắt buộc doanh nghiệp FDI phải có dự án và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư khi thành lập doanh nghiệp, Luật Đầu tư 2020 tạo ra sự xung đột, đi ngược lại với tinh thần thông thoáng của Luật Doanh nghiệp hiện hành, việc đăng ký quy mô vốn, ngành ngành nghề kinh doanh là rất tự do, trừ những ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
 
Từ thực tiễn bất cập, cho thấy sự cần phải tạo ra “sân chơi” bình đẳng không phân biệt nhà đầu tư trong nước hay ngoài nước để kích hoạt nhà đầu tư FDI nhập cuộc. Đó là phải sửa đổi quy định tại Điều 22 Luật Đầu tư 2020 theo hướng không bắt buộc nhà đầu tư FDI khi thành lập tố chức kinh tế tại Việt Nam, phải có phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Luật Đầu tư công 2019: Khó giải ngân, chậm tiến độ dự án…

Tại dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật được Quốc hội khóa XV thông qua đầu năm 2022, Luật Đầu tư công 2019 đã sửa đổi, bổ sung điểm b và điểm c khoản 4, bổ sung khoản 5a vào sau khoản 5 Điều 17; Sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 25; Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 82; Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 83. Tuy nhiên những điều chỉnh “nóng” từ thực tiễn đó, chưa đủ để khai thông những vướng mắc về nguồn vốn đầu tư công.

+ Bế tắc mua sắm, nâng cấp, sửa chữa là các hoạt động phát sinh

Tại khoản 1, Điều 6, Luật Đầu tư công 2019 quy định về phân loại dự án đầu tư công căn cứ vào tính chất, dự án đầu tư công: “a) Dự án có cấu phần xây dựng là dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng, bao gồm cả phần mua tài sản, mua trang thiết bị của dự án; b) Dự án không có cấu phần xây dựng là dự án mua tài sản, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc và dự án khác không quy định tại điểm a khoản này”.

Nội hàm của điều luật trên, dẫn tới 2 cách hiểu: Một là, toàn bộ các dự án có cấu phần xây dựng để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng (thuộc hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất) và toàn bộ các dự án mua tài sản, mua và sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc (không có cấu phần xây dựng) thuộc đối tượng của Luật Đầu tư công điều chỉnh, nên phải bố trí vốn đầu tư công để thực hiện. Do đó, toàn bộ hoạt động đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, mua tài sản, mua và sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc phải sử dụng vốn đầu tư công, cần phải có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, không được sử dụng kinh phí chi thường xuyên. Cách hiểu thứ hai, đó là, Luật Đầu tư công không quy định hạn chế về đối tượng đối với các nhiệm vụ, dự án sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước.

Khó giải ngân vốn đầu tư công vì phụ thuộc vào kỳ họp HĐND tỉnh

Nếu hiểu theo cách thứ nhất sẽ dẫn đến vướng mắc, vì các hoạt động mua sắm, nâng cấp, sửa chữa là các hoạt động phát sinh, đa dạng, thường không lường trước được nên khó kế hoạch hóa theo giai đoạn 5 năm. Chính vì vậy mà quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư công đã phát sinh một số vướng mắc, nhất là cách hiểu chưa thống nhất giữa các cơ quan về quy định nói trên. Từ bất cập đó, các nhà đầu tư dự án có sử dụng vốn đầu tư công, mong mỏi Luật Đầu tư công sửa đổi tới đây, không có quy định hạn chế việc sử dụng các nguồn vốn khác để cải tạo, nâng cấp dự án đã đầu tư xây dựng để sửa chữa, mua sắm tài sản, trang thiết bị.

+ Khó giải ngân vì phụ thuộc vào kỳ họp HĐND tỉnh

Khoản 2 Điều 68 Luật Đầu tư công quy định: “Thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm đến ngày 31 tháng 1 năm sau. Trường hợp bất khả kháng, Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với vốn ngân sách trung ương, HĐND cấp tỉnh quyết định đối với vốn ngân sách địa phương cho phép kéo dài thời gian thực hiện nhưng không quá ngày 31 tháng 12 năm sau”. Được hiểu là HĐND cấp tỉnh quyết định đối với vốn ngân sách địa phương trong trường hợp bất khả kháng. Quy định như vậy khiến các địa phương thiếu chủ động trong thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm, vì HĐND tỉnh thường tổ chức mỗi năm 2-3 kỳ họp.

Trong khi đó, việc phải báo cáo HĐND tỉnh quyết định dẫn đến phát sinh thêm nhiều thời gian để thực hiện quy trình, thủ tục triển khai thực hiện, dễ gây sai sót và thiếu chủ động cho các địa phương. Giải pháp khắc phục trong trường hợp này, theo các chuyên gia, cho phép HĐND cấp huyện, xã quyết định kéo dài thời gian thực hiện nhưng không quá ngày 31/12 năm sau đối với vốn ngân sách cấp mình quản lý.

+ Nội dung điều chỉnh “vênh” với luật liên quan

Cũng ý kiến về Luật Đầu tư công, Bộ GTVT và một số bộ, ngành, địa phương cho rằng hiện nay công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng là một trong những nguyên nhân tác động tới tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, chậm giải ngân vốn đầu tư, trong đó có đầu tư công. Tuy nhiên, hiện nay Luật Đầu tư công đang giới hạn nhóm dự án và “vênh nhau” với Luật Xây dựng. Cụ thể, Điều 5 Luật Đầu tư công cho phép tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB thành dự án độc lập để thực hiện trước nhưng chỉ với nhóm A. Các loại dự án khác việc tách dự án chỉ được thực hiện khi đã được quyết định chủ trương đầu tư.

Việc hạn chế trên có thể gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân khi chưa có sẵn mặt bằng sạch. Mặt khác, tại Điều 134 Luật Xây dựng 2014 quy định chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tính trong tổng mức đầu tư xây dựng của dự án. Trong khi, Luật Đầu tư công lại yêu cầu phải phù hợp với quy định của Luật Xây dựng nên không tách riêng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB ra khỏi tổng mức đầu tư dự án. Vì vậy giải pháp khắc phục sự xung đột đó, theo đó tháo gỡ nút thắt nguồn vốn đầu tư công, chỉ có thể điều chỉnh quy định của Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công theo hướng cho phép xây dựng dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB độc lập và xem xét đây là hoạt động chuẩn bị đầu tư hoặc chuẩn bị thực hiện dự án.

Luật Doanh nghiệp 2020: Hạn chế quyền tham gia của cổ đông

Luật Doanh nghiệp 2020 (được ban hành vào tháng 6/2020 và chính thức có hiệu lực thi hành vào 01/01/2021), cũng nằm trong khuôn khổ “một luật sửa 9 luật” được Quốc hội khóa XV thông qua đầu năm 2022. Trước đó, trước khi ra đời, với nhiều điểm mới mang tính đột phá, Luật Doanh nghiệp 2020 được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều chuyển biến trong hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp. Trong khuôn khổ sửa 9 luật, Luật Doanh nghiệp 2020 đã sửa đổi, bổ sung “nóng” khoản 1 Điều 49; Điều 50, Điều 60; các điểm d khoản 1 Điều 109; khoản 1 và khoản 2 Điều 148; khoản 2 Điều 158; khoản 5 Điều 217. Song các điều chỉnh đó chưa đủ để hết làm khó các nhà đầu tư, doanh nghiệp và ngăn chặn được các hệ lụy tiêu cực cho xã hội…

+ Khó ngăn chặn các doanh nghệp “ma”

Điều 7, Điều 16 Luật DN 2020 quy định: “doanh nghiệp có các quyền tự do kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm; tự chủ kinh doanh và lựa chọn hình thức tổ chức kinh doanh; chủ động lựa chọn ngành, nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh; chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh”; (ii) Nghiêm cấm các hành vi “gây chậm trễ, phiền hà, cản trở, sách nhiễu người thành lập doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”; (iii) Đặc biệt đề hiện thực hóa việc tự do kinh doanh các ngành nghề hợp pháp theo tinh thần Hiến pháp năm 2003, Luật DN 2020 tiếp tục giữ nguyên quy định Luật DN 2014 không còn quy định về điều khoản liên quan đến vốn pháp định…

Sự thông thoáng trên của Luật Doanh nghiệp đã tạo ra những tác động tích cực, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhưng vô hình trung lại biến thành những kẽ hở để những đối tượng kinh doanh chụp giật, làm ăn gian dối, lừa đảo lạm dụng để trục lợi, khi mà một số quy định thành lập doanh nghiệp chưa đủ rõ, như quy định đối tượng bị cấm thành lập, tham gia quản lý doanh nghiệp; yêu cầu sử dụng mã số cá nhân, tài khoản định danh điện tử khi đăng ký doanh nghiệp, trách nhiệm thông báo khi có thay đổi trong hồ sơ đăng ký… Đó chính là nguyên nhân phát sinh thực trạng doanh nghiệp “ma” hàng loạt kiểu như Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, …

Kiến nghị: Sửa đổi, bổ sung quy định có liên quan về xử lý tình trạng thành lập doanh nghiệp “ma”; cần có biện pháp ngăn ngừa tình trạng góp vốn khống, vốn ảo, đầu tư chui, đầu tư núp bóng, giả mạo hồ sơ, giấy tờ pháp lý thành lập doanh nghiệp mua, bán hóa đơn khống để trục lợi…

+ Khó xác định được thời gian góp vốn

Quy định về thời gian góp vốn thành lập công ty và cấp giấy chứng nhận góp vốn, tại Điều 47, Điều 75 và Điều 112, mặc dù vẫn giữ nguyên quy định về thời hạn tối đa 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nhưng Luật DN 2020 có nới rộng hơn so với Luật DN 2014 là thời hạn đó không bao gồm thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Tưởng chừng quy định như vậy sẽ tháo được nút thắt về thủ tục hành chính nhưng khi triển khai thực hiện, các nhà đầu tư trở nên lúng  túng vì khó xác định được khi nào mới hết khoảng thời gian để người góp vốn phải bắt đầu vận chuyển, nhập khẩu hay thực hiện thủ tục hành chính đó.

Sự thông thoáng của Luật DN 2020 đã “đẻ” ra hàng loạt doanh nghiệp “ma”

Quy định theo kiểu không có điểm khởi đầu và kết thúc, vô hình trung tạo ra kẽ hở để các thành viên góp vốn có ý đồ không tốt tận dụng để kéo dài thời hạn góp vốn, bằng các chiêu trò như đăng ký vốn góp bằng tiền thật nhỏ, góp bằng tài sản thật lớn, như vậy, vốn đăng ký thật lớn nhưng vốn thực góp trong ba tháng đầu có thể rất nhỏ; hoặc đăng ký vốn ban đầu nhỏ, đăng ký vốn góp thêm lớn hơn…

Kiến nghị: Giữ nguyên thời hạn góp vốn thành lập công ty và cấp giấy chứng nhận góp vốn theo quy định tại Điều 47, Điều 75 và Điều 112 nhưng có quy định rõ thời gian tối đa để vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

+ Cụm từ “bí mật thương mại” làm khó người trong cuộc

Đề cập về quyền của cổ đông phổ thông (bao gồm cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty), tại điểm a khoản 2 Điều 115 Luật DN 2020, quy định: “Xem xét, tra cứu, trích lục sổ biên bản và nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm, báo cáo của Ban kiểm soát, hợp đồng, giao dịch phải thông qua Hội đồng quản trị và tài liệu khác, trừ tài liệu liên quan đến bí mật thương mại, bí mật kinh doanh của công ty”. Điểm “mờ” trong quy định trên nằm ở cụm từ “bí mật thương mại”, trong khi pháp luật chuyên ngành (Luật Sở hữu trí tuệ) chỉ quy định về “bí mật kinh doanh”. Với cụm từ “bí mật thương mại”, thậm chí kể cả cụm từ “bí mật kinh doanh”, Hội đồng quản trị công ty, Ban kiểm soát công ty rất dễ lạm dụng để từ chối không cho cổ đông tiếp cận. Cho dù, các thông tin mà cổ đông cần biết trong tài liệu đó không nhất thiết phải là bí mật thương mại, bí mật kinh doanh nào cả mà là những thông tin khác.

Kiến nghị: Loại bỏ cụm từ “bí mật thương mại”. Theo đó, sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 115 Luật DN 2020 có nội dung: Cổ đông phổ thông được quyền xem xét, tra cứu, trích lục sổ biên bản và nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm, báo cáo của Ban kiểm soát, hợp đồng, giao dịch phải thông qua Hội đồng quản trị và tài liệu khác có liên quan đến quyền lợi cổ đông.

+ Cổ đông khởi kiện yêu cầu bồi thường cho người khác

Tương tự như vậy, đề cập đến quyền khởi kiện của cổ đông, tại khoản 1 Điều 166 quy định: “Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 01% tổng số cổ phần phổ thông có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm liên đới đối với các thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để yêu cầu hoàn trả lợi ích hoặc bồi thường thiệt hại cho công ty hoặc người khác”. Tại sao các cổ đông phải khởi kiện Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để yêu cầu bồi thường thiệt hại cho công ty hoặc người khác ? Nếu như “người khác” đó bị thiệt hại, tại sao họ không tự mình, trực tiếp khởi kiện mà lại phải nhờ tới cổ đông, nhóm cổ đông đó, lại có thể nhân danh công ty để kiện ? Lẽ ra theo tư duy thông thường, nếu hành động hay quyết định đó của Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc gây thiệt hại cho “người khác” thì  “người khác” đó phải kiện công ty, nếu công ty phải bồi thường thiệt hại cho “người khác”. Sau đó, công ty có thể kiện Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc để yêu cầu bù đắp cho công ty khoản tiền mà công ty đã phải bồi thường cho “người khác” đó và những thiệt hại khác phát sinh từ vụ kiện của “người khác” đó”.

Kiến nghị: Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 166 Luật DN 2020: Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 01% tổng số cổ phần phổ thông có quyền tự mình khởi kiện trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm liên đới đối với các thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để yêu cầu hoàn trả lợi ích hoặc bồi thường thiệt hại nếu có căn cứ quyền lợi của mình bị thiệt hại.

(Còn nữa)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây