So sánh dấu hiệu pháp lý tội " Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" và tội " Nhận hối lộ"

Chủ nhật - 24/12/2023 23:18
(Pháp lý) - Ngày 14/12, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt giam, lệnh khám xét chỗ ở đối với ông Lê Đức Thọ (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre) để điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" quy định tại Điều 358 Bộ luật Hình sự. Nhiều bạn đọc quan tâm muốn tìm hiểu về dấu hiệu pháp lý của tội danh này so với tội “Nhận hối lộ” quy định tại Điều 354 BLHS năm 2015 có gì khác nhau.
Ông Lê Đức Thọ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre vừa bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi"
Ông Lê Đức Thọ, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre vừa bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi"

Việc Bộ Công an khởi tố ông Lê Đức Thọ là diễn biến mới nhất liên quan đến vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” xảy ra xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan.

Việc ông Lê Đức Thọ bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" theo quy định tại Điều 358 BLHS năm 2015 chứ không phải tội "Nhận hối lộ" qui định tại điều 354 BLHS năm 2015, khiến nhiều độc giả muốn tìm hiểu dấu hiệu pháp lý của 2 tội danh này.  Để giải đáp nhu cầu của bạn đọc, chúng tôi nêu ra dưới đây dấu hiệu pháp lý đặc trưng của hai trong số các tội danh thuộc nhóm tội tham nhũng để bạn đọc có thêm kiến thức về pháp luật hình sự.

Những dấu hiệu pháp lý có tính chất tương đồng

Thứ nhất, về khách thể của tội phạm :

Khoa học Luật hình sự Việt Nam phân biệt ba loại khách thể gồm khách thể chung, khách thể loại và khách thể trực tiếp. Trong đó khách thể loại là nhóm quan hệ có cùng tính chất được nhóm quy phạm pháp luật hình sự bảo vệ khỏi nhóm tội phạm. Khách thể loại là cơ sở để hệ thống các quy phạm trong phần các tội phạm của BLHS thành từng chương.

Khách thể loại của tội phạm tham nhũng nói chung là những quan hệ được luật hình sự bảo vệ, đảm bảo sự hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức và uy tín của các cơ quan, tổ chức đó. Ngoài ra, khách thể của loại tội này cũng có thể là quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Do tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" và tội “Nhận hối lộ” đều là tội phạm tham nhũng nên cả hai tội phạm này đều xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức.

Thứ hai, về dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm :

Người phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" và tội “Nhận hối lộ” có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, tức là người phạm tội sử dụng chức vụ, quyền hạn được giao như là một phương tiện để thực hiện tội phạm, nếu người phạm tội không có chức vụ, quyền hạn mà họ đang đảm nhiệm thì họ khó có thể thực hiện được hành vi phạm tội. Nói cách khác, chức vụ, quyền hạn chính là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện hành vi sai phạm; nếu hành vi phạm tội không liên quan đến chức vụ, quyền hạn thì cho dù được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn thì cũng không cấu thành hai tội danh này.

Bên cạnh đó, ở cả 2 tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" và tội “Nhận hối lộ”, Người phạm tội đều có hành vi nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào như tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 trở lên hoặc lợi ích phi vật chất.

Thứ ba, về mặt chủ quan của tội phạm :

Ở cả 2 tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" và tội “Nhận hối lộ” đều được thực hiện bởi lỗi cố ý trực tiếp. Tức là về lý trí, người phạm tội nhận thức rõ được hành vi sai phạm của mình sẽ gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, thấy trước được hậu quả xảy ra. Còn về ý chí, người phạm tội mong muốn hậu quả xảy ra nhằm mục đích trục lợi. Không có trường hợp nào mà người phạm tội trong hai tội danh này thực hiện hành vi phạm tội do lỗi cố ý gián tiếp, vì người phạm tội bao giờ cũng mong muốn gây thiệt hại cho xã hội.

Thứ tư, về mặt chủ thể:

Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" và tội “Nhận hối lộ”  cũng phải đảm bảo các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12, Điều 13 BLHS 2015.

Tuy nhiên, ngoài hai dấu hiệu trên, chủ thể của hai tội danh này phải là người có chức vụ, quyền hạn trong khi thực hiện công vụ. Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.

2-1702604218.jpg

Tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" quy định tại Điều 358 BLHS năm 2015

Những dấu hiệu pháp lý đặc trưng riêng

Bên cạnh những đặc điểm pháp lý tương đồng nói trên thì giữa tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" và tội “Nhận hối lộ” còn có những đặc điểm pháp lý khác biệt, mang tính đặc trưng riêng, đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải nhận diện một cách đúng đắn để việc định tội danh được chính xác.

Thứ nhất, về dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm

Điểm phân biệt giữa tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" và tội “Nhận hối lộ” về dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm đó chính là:

Ở tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi", hành vi khách quan của người phạm tội dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ quyền hạn quyền hạn làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm. Dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người khác là hành vi sử dụng mối quan hệ giữa mình với người khác, mà mối quan hệ này do chức vụ, quyền hạn đem lại cho người phạm tội, do có chức vụ, quyền hạn nên có ảnh hưởng nhất định đối với người mà người phạm tội tác động, thúc đẩy. Nếu chỉ dùng ảnh hưởng trong lĩnh vực tình cảm, gia đình, họ hàng, bạn bè… không liên quan gì đến chức quyền hạn thì không phải là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.

Hành động thúc đẩy có thể được thực hiện bằng nhiều thủ đoạn khác nhau như: trực tiếp yêu cầu, viết thư, công văn, gọi điện thoại hoặc thông qua người khác để người này truyền đạt lại ý kiến của mình với người có chức vụ, quyền hạn. Nói chung, hành động thúc đẩy không mang tính chất ép buộc, không làm cho người bị thúc đẩy vì sợ mà phải nghe theo. Tuy nhiên, về phía người bị thúc đẩy có thể vì nể nang, tình cảm, nếu sợ thì cũng là “sợ” nếu không thực hiện sẽ bị ảnh hưởng đến mình hoặc người thân của mình về việc khác.

Trong khi đó, ở tội “Nhận hối lộ”, hành vi khách quan của người phạm tội là lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trực tiếp làm hoặc không làm một việc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Một điểm đặc biệt trong hành vi khách quan nữa để phân biệt tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" và tội “Nhận hối lộ” đó chính là dấu hiệu bắt buộc của tội “Nhận hối lộ” là phải có sự thỏa thuận trước giữa người nhận và người đưa hối lộ về của hối lộ cũng như về việc làm có lợi cho người đưa hối lộ.

Trong khi đó, tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi” không bắt buộc phải có sự thỏa thuận mà dấu hiệu của tội lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi là hành vi nhận tiền, hiện vật hoặc lợi ích vật chất khác.

Thứ hai, về mặt chủ thể

Mặc dù về mặt chủ thể, cả tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" và tội “Nhận hối lộ” đều có điểm chung là người có chức vụ quyền hạn. Tuy nhiên, 2 tội danh này cũng có những dấu hiệu pháp lý đặc trưng riêng về mặt chủ thể.

Cụ thể, chủ thể phạm tội “Nhận hối lộ” là người có chức vụ, quyền hạn nhưng phải là người có trách nhiệm trong việc giải quyết những yêu cầu của người đưa hối lộ.

Trong khi đó, chủ thể phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” chỉ cần là người có chức vụ, quyền hạn nhất định và chức vụ quyền hạn đó có thể ảnh hưởng hoặc tác động đến người có trách nhiệm trong việc giải quyết những yêu cầu của người đưa hối lộ.

Trách nhiệm hình sự đối với tội phạm

Theo  quy định tại Điều 354 BLHS năm 2015, tội “Nhận hối lộ” được hiểu là hành vi của người có chức vụ quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

Tùy mức độ vi phạm, người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 2 đến 7 năm; phạt tù từ 15 năm đến 20 năm nếu của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; hoặc gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên….

Theo quy định tại Điều 358 BLHS năm 2015, tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi“ được hiểu là hành vi người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đòi, nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây dưới mọi hình thức để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm.

Tùy mức độ vi phạm, người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm; phạt tù từ 13 năm đến 20 năm nếu tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân: tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên; hoặc gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

Kết mở

Từ phân tích trên đây có thể thấy, cả hai tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" và “Nhận hối lộ” đều là những hành vi tham nhũng của người có chức vụ quyền hạn gây nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước và nhân dân, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Đặc biệt, trong cấu thành tội phạm cả hai tội đều có nhiều điểm tương đồng về hành vi, thủ đoạn, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội cũng như mức độ hậu quả tội phạm gây ra cho xã hội. Tuy nhiên, xét về khung hình phạt mà pháp luật quy định đối với tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" dường như nhẹ hơn so với tội “Nhận hối lộ”.

Chẳng hạn như cùng mức khung cơ bản, của hối lộ trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng , thì người phạm tội “Nhận hối lộ” có thể bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm, trong khi người phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" chỉ bị phạt tù từ 01 năm đến 06 năm.

Hay, ở khung cao nhất, của hối lộ trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên, người phạm tội “Nhận hối lộ” có thể bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình, trong khi người phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" chỉ bị phạt tù 20 năm hoặc tù chung thân.

Điều này cho thấy đang tồn tại sự không tương đồng về mức độ nguy hiểm của tội phạm và chế tài giữa hai tội danh trên. Điều này dẫn đến giảm hiệu quả của tính răn đe, phòng ngừa đối với tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" nói riêng, tội phạm tham nhũng nói chung trong thực tiễn.

Do đó, trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng chống tội phạm tham nhũng nói chung, tội phạm “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" nói riêng, chúng tôi cho rằng, bên cạnh việc tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm minh kịp thời mọi hành vi sai phạm, thì cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu sửa đổi các quy định pháp luật phục công tác phòng chống tham nhũng. Trong đó đặc biệt cần nghiên cứu sửa đổi quy định bộ luật hình sự theo hướng tăng nặng chế tài hình sự đối với tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" để bảo đảm tính nghiêm khắc và đủ sức răn đe hơn nữa đối với các hành vi vi phạm.

Theo https://phaply.net.vn/so-sanh-dau-hieu-phap-ly-toi-loi-dung-chuc-vu-quyen-han-gay-anh-huong-doi-voi-nguoi-khac-de-truc-loi-va-toi-nhan-hoi-lo-a2577

Tác giả bài viết: THÁI DƯƠNG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây