Viết tiếp bài vụ mỏ cát đấu giá chênh lệch giá khởi điểm gần 400 lần

Thứ sáu - 16/04/2021 23:02
(TVLMP) - Từ con số 7,2 tỷ đồng đến con số 2.811 tỷ đồng, chênh lệch gấp gần 400 lần – những con số đã nói lên nhiều điều để quan ngại. Vậy góc khuất giá khởi điểm là gì, Luật gia Vũ Lê Minh tiếp tục phân tích ?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Bài 2. Giá khởi điểm thấp là phụ thuộc vào thông số Q và G

Điều đáng nói là tình trạng chênh lệch giữa giá khởi điểm với giá trúng đấu giá quá lớn không phải là cá biệt chỉ xảy ra ở mỏ cát tại xã Bình Phước Xuân. Cũng tại An Giang trên sông Hậu, mỏ cát tại xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú có giá khởi điểm 4,4 tỷ đồng, một DN đã trúng đấu giá lên tới gần 273 tỷ đồng, tức cao hơn gần 62 lần. Tương tự tại tỉnh Bến Tre cả 3 mỏ cát được đưa ra đấu giá 12/2019, đều có số tiền cao hơn gấp 40 lần so với giá khởi điểm…

Rõ ràng là với kết quả đấu giá như vậy rất có lợi cho ngân sách. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, nếu như cuộc đấu giá có tiêu cực, thông đồng, dìm giá… (hiện tượng này pháp luật chưa ngăn chặn được), thì “giá khởi điểm” đó vô hình trung trở thành “con dao 2 lưỡi”, gây thất thoát ngân sách lớn. Trao đổi với PV, Luật gia Lê Công Tâm – nguyên GĐ Trung tâm Dịch vụ BĐGTS tỉnh Bình Định cho biết, nếu có “dàn xếp” thì tại cuộc đấu giá, chỉ cần người tham giá đấu giá trả lên một bước giá mà sau 3 lần nhắc lại không có người trả giá cao hơn mức giá của người đã trả, thì bắt buộc đấu giá viên phải công bố kết quả đấu giá trúng cho người đã trả giá.

Trở lại mỏ cát Bình Phước Xuân, chỉ cần so sánh ở mức giá 1.400 tỷ đồng mà một trong số 19 DN “đu theo” rồi bỏ cuộc (vì cho rằng nếu đấu vượt sẽ không có lãi) cũng đã cho thấy mức chênh lệch lên tới gần 200 lần so với giá khởi điểm. Điều đó cũng đồng nghĩa, nếu như có “dàn xếp” trong cuộc đấu giá thì số tiền ngân sách bị thất thu lên tới hàng nghìn tỷ đồng.  

Thế nhưng soi chiếu từ các quy định của pháp luật hiện hành (Luật Đấu giá tài sản 2016; Luật Khoáng sản 2010; đặc biệt là Nghị định 67/2019/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; Thông tư 05/2020/TT-BTC quy định về khung giá tính thuế tài nguyên đối với cát; và Quyết định số 57/2020/QĐ-UBND tỉnh An Giang quy định về giá tính thuế tài nguyên đối với cát, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021), thì việc Sở TN&MT tỉnh An Giang đã xây dựng nên mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản có giá khởi điểm hơn 7,2 tỷ đồng đối với mỏ cát Bình Phước Xuân, có trữ lượng tạm tính gần 2,4 triệu m3 (tạm gọi là R = 5%) là có cơ sở.

Điều 5 Nghị định 67/2019/NĐ-CP quy định:“Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được tính trên các căn cứ theo công thức sau: T = Q x G x K1 x K2 x R.
Trong đó: T - Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; Q- Trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được quy định cụ thể tại Điều 6 Nghị định này (tức là đối với các Giấy phép khai thác khoáng sản cấp sau ngày Nghị định này có hiệu lực, trong giấy phép phải thể hiện trữ lượng địa chất là trữ lượng để tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản); G - Giá tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được quy định cụ thể tại Điều 7 Nghị định này (tức là được xác định theo giá tính thuế tài nguyên do Ủy ban nhân dân các tỉnh xây dựng, công bố và tại thời điểm tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản còn hiệu); K1 - Hệ số thu hồi khoáng sản liên quan đến phương pháp khai thác; K- Hệ số liên quan đến điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; R - Mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; đơn vị tính là phần trăm (%)”


Như vậy giá khởi điểm thấp không nằm ở công thức tính mà là nằm ở thông số Q (trữ lượng mỏ cát), đặc biệt là phụ thuộc rất lớn vào thông số G (giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh xây dựng và công bố). Nếu 2 thông số này cao thì giá khởi điểm sẽ cao và ngược lại. Thế nhưng trên thực tế cho thấy giá tính thuế tài nguyên được cơ quan có thẩm quyền công bố không theo kịp giá thị trường. Nguyên nhân là do khung giá tính thuế tài nguyên do Bộ Tài chính ban hành tại Thông tư 05/2020/TT-BTC bắt buộc UBND cấp tỉnh phải thực hiện theo, có khoảng cách từ mức tối thiểu đến mức tối đa quá rộng. Lấy ví dụ đối với với cát san lấp (bao gồm cát nhiễm mặn), Thông tư 05/2020 quy định khung giá tính thuế tài nguyên từ 56.000 đồng/m3 (tối thiểu) – 200.000 đồng/m3 (tối đa). Tại Quyết định số 57/2020, có hiệu lực từ 01/01/2021, UBND tỉnh An Giang đã xây dựng và công bố giá tính thuế tài nguyên đối với cát san lấp có mức giá là 60.000 đồng/m3 (gần tiệm cận giá tối thiểu mà Bộ TC ban hành), trong khi giá thị trường tại thời điểm đã lên tới 350.00 đồng/m3. Mặc dù vậy UBND tỉnh An Giang đã làm đúng quy định của pháp luật (?!)

Điểm 4, khoản 1 Điều 1 Thông tư 05/2020/TT-BTC quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Bảng giá tính thuế tài nguyên áp dụng tại địa phương đảm bảo phù hợp với khung giá tính thuế tài nguyên (lớn hơn hoặc bằng mức giá tối thiểu và nhỏ hơn hoặc bằng mức giá tối đa) của nhóm, loại tài nguyên tương ứng quy định tại khung giá tính thuế tài nguyên ban hành tại Thông tư này”


Việc điều chỉnh, bổ sung khung tính giá tài nguyên được thực hiện chỉ khi “giá tài nguyên phổ biến trên thị trường biến động lớn: tăng từ 20% trở lên so với mức giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với mức giá tối thiểu của Khung giá tính thuế tài nguyên do Bộ Tài chính ban hành” (khoản 1 Điều 6 Thông tư 44/2017/TT-BTC và khoản 1 Điều 1 Thông tư 05/2020/TT-BTC). Khi đó, Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Cục Thuế, Sở TN&MT báo cáo UBND cấp tỉnh có văn bản trao đi với Bộ Tài chính trước khi quyết định ban hành văn bản điều chỉnh Bảng giá tính thuế tài nguyên.

Kiến nghị giải pháp khắc phục

1. Hậu quả mà DN khai thác mỏ cát lựa chọn theo phương thức chậm nộp nghĩa vụ tài chính sẽ để lại vô cùng lớn, không những làm thất thu ngân sách lớn mà môi trường sinh thái sẽ bị tàn phá không lường. Vì vậy cần phải sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật điều chỉnh theo hướng tăng thêm số tiền trúng đấu giá phải nộp lần đầu ít nhất là 50% tổng số tiền phải nộp; rút ngắn số lần và thời gian phải nộp đối với số tiền còn lại, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự thất thoát ngân sách, một khi DN cố tình trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ tài chính và lựa chọn giải pháp “bỏ của chạy lấy người”.

Đồng thời tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của các cơ quan có chức năng (Sở TN&MT, Công an các cấp…) đối với cát mỏ cát sau khi được cấp quyền khai thác. Qua đó phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi khai thác không đúng thiết kế và phạm vi cho phép, khai thác vượt mức sản lượng cho phép…

2. Từ thực tế cho thấy, giá tính thuế tài nguyên không theo kịp giá thị trường là một trong những nguyên nhân làm cho việc xây dựng giá khởi điểm các mỏ cát của cấp có thẩm quyền trong thời gian qua, để xảy ra chênh lệch “khủng” so với giá đấu giá trúng. Như vậy để khắc phục, đưa giá cát về tiệm cận giá thị trường, làm cơ sở để xây dựng giá khởi điểm các mỏ cát sát với giá đấu giá trúng; cần phải sửa đổi, bổ sung quy định tại Thông tư 44/2017/TT-BTC và Thông tư 05/2020/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành, theo hướng rút ngắn khoảng cách giữa giá tối thiểu và giá tối đa của khung giá tính thuế tài nguyên. Về lâu dài nên chăng bãi bỏ việc ban hành khung giá và giao quyền quyết định giá tính thuế tài nguyên về UBND cấp tỉnh quyết định, để kịp thời điều chỉnh khi giá cát trên thị trường biến động quá ngưỡng quy định.

Nguồn: phaply.net.vn                                                                              
 

Tác giả bài viết: Luật gia Vũ Lê Minh giới thiệu

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây