Kỳ 3. “Mặt trái... ở Viện KTS Quy Nhơn”: Cái giá người bệnh phải trả và kết quả thanh tra bất ngờ của Sở Y tế Bình Định (?)

Thứ năm - 10/08/2017 08:10
(Phapluat News) - Phản hồi của bệnh nhân từ kết quả khám và điều trị tại Phòng khám của Viện cho thấy các loại bệnh như HP, nấm da… mà các cử nhân, bác sĩ tại đây “ôm sân” xét nghiệm và kê đơn điều trị đều không có hiệu quả. Trong khi đó kết quả thanh tra giá thuốc của thanh tra Sở Y tế tại nhà thuốc Phòng khám của Viện có dấu hiệu bất thường, chưa thực sự làm yên lòng dư luận và người bệnh...
Báo KD&PL đã có loạt bài đề cập đến hoạt động khám chữa bệnh tại Viện KST Quy Nhơn có nhiều khuất tất
Báo KD&PL đã có loạt bài đề cập đến hoạt động khám chữa bệnh tại Viện KST Quy Nhơn có nhiều khuất tất
       Mặc dù là phòng khám công lập nhưng Phòng khám dịch vụ chuyên khoa của Viện SR-KST-CT Quy Nhơn chỉ khám cho bệnh nhân không có thẻ BHYT và "lấn sân" làm thay chức năng của các cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa khác.
     
      Kỳ 3.   Cái giá người bệnh phải trả và kết quả thanh tra bất ngờ của Sở Y tế (?)
 
     Phản hồi của bệnh nhân từ kết quả khám và điều trị tại Phòng khám của Viện cho thấy các loại bệnh như HP, nấm da… mà các cử nhân, bác sĩ tại đây “ôm sân” xét nghiệm và kê đơn điều trị đều không có hiệu quả. Trong khi đó kết quả thanh tra giá thuốc của thanh tra Sở Y tế tại nhà thuốc Phòng khám của Viện có dấu hiệu bất thường, chưa thực sự làm yên lòng dư luận và người bệnh.

    Tiền mất, tật mang 

    Trở lại câu chuyện của chị Võ Thị Lệ (TP. Quy Nhơn), ngày 2/6/2017, sau khi làm tất cả các kết quả xét nghiệm, chị đã được Ths.Bs Nguyễn Duy Sơn của Phòng khám dịch vụ Viện KST Quy Nhơn chẩn đoán bị nhiễm ấu trùng sán lợn, giun lươn, và Helicobacter pylori (H.pylori). Trước đó chị đã bị bác sĩ tại đây “áp đặt” chỉ định trải qua tổng cộng 14 xét nghiệm các loại, trong đó có 3 xét nghiệm mà theo chị không có liên quan gì đến chức năng chuyên khoa của Phòng khám, đó là: Soi tươi tìm nấm da, niêm mạc; và Helicobacter pylori IgG.
                                  
 Ông Lê Cảnh Sơn - Chánh thanh tra Sở Y tế Bình Định khẳng định giá thuốc bán tại nhà thuốc Viện KST Quy Nhơn là đúng quy định của Bộ Y tế

    Tuy nhiên sau khi uống hết đơn thuốc của bác sĩ Phòng khám kê, chị Lệ cho biết bệnh vẫn không thuyên giảm, trong người thỉnh thoảng vẫn còn triệu chứng giống như dị ứng, da mặt và môi sưng dày rất khó chịu… Ngày 12/7/2017, sau khi trải qua 6 xét nghiệm tái khám, chị được bác sĩ Lý Chanh Ty chẩn đoán vẫn còn bị Helicobacter pylori (H.pylori). Điều đó cũng đồng nghĩa với phác đồ điều trị về HP của bác sĩ Phòng khám tại đây đã cho trước đó không hiệu quả.

     Điều khiến chị Lệ lo lắng là kết quả xét nghiệm lần 2 cho biết trong người không còn giun, sán nhưng vì sao vẫn còn triệu chứng như cũ. Thứ nữa là bác sĩ có nhầm không vì sao trong đơn thuốc tái khám lại kê có biệt dược Pizar 6 (Ivermectin 6mg); trong khi người thân của chị (cũng là bác sĩ chuyên khoa 1) quả quyết Pizar 6 được chỉ định đặc trị giun chỉ do Onchocerca volvulus, hoàn toàn không có liên quan đến chỉ định điều trị HP. Tổng số tiền mà chị đã bỏ ra để mua theo đơn thuốc lần 2 tại Phòng khám của Viện là 940.200 đồng (trong đó Pizar6 hết 192.600 đồng/ 2 viên) chứ có ít đâu. “Bỏ thì tiếc tiền mà uống vào thì sức khỏe chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng không nhiều thì ít…”, chị Lệ ấm ức.

     Trước đó, anh Phạm Văn Thành cho biết, bác sĩ của Phòng khám cũng đã tự ý chỉ định anh làm các xét nghiệm tìm bệnh ngoài da, theo phương pháp soi tươi. Kết quả xét nghiệm do cử nhân Huỳnh Thị Thanh Xuân thực hiện cho biết anh bị nấm lang ben VT sườn. Tuy nhiên sau khi uống hết đơn thuốc của bác sĩ tại đây kê, da mặt vẫn còn ngứa ngáy, nấm lang ben xung quanh sườn không hề giảm… Anh Thành cho biết sắp tới đây sẽ không đến tái khám nữa mà vào bệnh viện chuyên khoa về da liễu ở TP. Hồ Chí Minh để thăm khám và điều trị tiếp.

     Anh Đinh Minh Ngọc (công tác ở Đài Tuyền thanh Tây Sơn, Bình Định) sau khi đọc bài “Mặt trái dịch vụ khám chữa bệnh ở Viện SR-KST-CT Quy Nhơn” trên báo Kinh doanh & Pháp luật đã chia sẻ thông tin: “Tôi cũng đã khám ở đây… xét nghiệm máu k có giun, lại loài ra bệnh HP dạ dày trong khi xưa nay k có dấu hiệu đau dạ dày. Sau khi uống xong đơn thuốc hơn 700k, tôi chịu khó đi xét nghiệm máu lần 2 mất hơn 600k nữa thì BS cho biết vẫn chưa hết.... Vài bữa sau có dịp ra Đà Nẵng, tôi đến BV lớn xin BS cho lấy dịch tiết dạ dày để xét nghiệm HP, chi phí chỉ khoảng 200k và BS cho biết k hề có HP....”

     Một bạn đọc khác: “Tôi có người quen mới đây đi khám bệnh tại Viện KST Qui Nhơn, bác sĩ của Viện chẩn đoán bao tử bị nhiễm khuẩn HP và cho toa uống thuốc 14 ngày, người đó đem thiếu tiền nên chỉ mua nửa toa ở nhà thuốc của Viện KST Qui Nhơn uống 7 ngày, hết 700.000 đồng. Người đó mua nửa toa, còn lại mua tại nhà thuốc HK Đập Đá với đủ các loại thuốc đó và từng loại biệt dược trong toa đều cùng hãng không khác một món nào nhưng chỉ có 170.000 đồng…”

     Thanh tra Sở: Có dấu hiệu bất thường (?!)

     Sau khi báo Kinh doanh & Pháp luật có loạt bài phản ánh, thanh tra Sở Y tế đã vào cuộc theo chỉ đạo của Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định. Dư luận rất hoan nghênh sự vào cuộc kịp thời của Sở này, tuy nhiên kết quả thanh tra cho thấy có dấu hiệu khuất tất, ngoài sự mong đợi của người bệnh và dư luận. Tại buổi làm việc với PV sáng 2/8, ông Lê Cảnh Sơn – Chánh thanh tra Sở Y tế Bình Định khẳng định nhà thuốc của Viện đã bán giá thuốc theo đúng quy định thặng số bán lẻ tối đa của Bộ Y tế quy định tại Thông tư liên tịch số 50/2011/TTLT-BYT – BTC – BCT ngày 30/12/2011 về hướng dẫn thực hiện quản lý nhà nước về giá thuốc dùng cho người của Liên Bộ Y tế - Tài chính – Công thương có hiệu lực từ ngày 01/6/2012 và theo Nghị định số 54/2017/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2017.

     Để chứng minh kết luận của thanh tra là khách quan, ông Sơn đã chọn và cung cấp cho PV hóa đơn GTGT phát hành vào ngày 28/4/2017 do Công ty TNHH Hồng Đặng (18/38A Cộng hòa, P12, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) xuất bán cho Viện KST Quy Nhơn gồm 2 loại biệt dược Philoyvitan (50 hộp) và Duhuzin (40 hộp), thành tiền 18.240.000 đồng. Tuy nhiên chúng tôi phát hiện có sự bất thường trong hóa đơn đối với biệt dược Duhuzin.
                      
Biệt dược Duhuzin được nhà thuốc Viện bán ra có giá cao hơn quy định của Bộ Y tế là 188 đồng/viên
 
    Với đơn giá 220.000 đồng/hộp 30 viên, tương đương với 7.333 đồng/ viên; căn cứ theo điểm a, khoản 5, Điều 6 Thông tư 15/2011/TT-BYT ngày 19/4/2011 của Bộ Y tế quy định về tổ chức và hoạt động của cơ sở bán lẻ thuốc trong bệnh viện: “Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất (đối với dạng bào chế là viên đơn vị đóng gói nhỏ nhất là viên) từ trên 5.000 đồng đến 100.000 đồng, thặng số bán lẻ tối đa là 7%” thì đơn giá Duhuzin được phép bán ra tại nhà thuốc Phòng khám của Viện sẽ được cấu thành theo phép tính: 7.333 đồng x 12% (gồm: 7% thặng số bán lẻ tối đa +5% thuế VAT) = 8.212 đồng/ viên.

     Như vậy so với quy định của Bộ Y tế, đơn giá biệt dược Duhuzin bán ra tại nhà thuốc của Viện cao hơn (8.400 đồng – 8.212 đồng) 188 đồng/ viên. Ngoài Duhuzin trong kho thuốc nhà thuốc của Viện còn có bao nhiêu biệt dược khác được mua vào nhưng có giá bán ra cao hơn quy định của Bộ Y tế, người bệnh đang rất cần câu trả lời từ phía thanh tra Sở Y tế (?)

     Trước kết luận thanh tra của Sở Y tế có “độ vênh” mà PV chỉ ra, ông Sơn lập luận: “Phòng khám chuyên khoa Viện KST Quy Nhơn được xếp tương đương với tuyến huyện nên biệt dược Duhuzin được phép bán ra 8.400 đồng/viên là phù hợp với quy định tại điềm b (chứ không phải điểm a), khoản 5, Thông tư 15 của Bộ Y tế, tức có thặng số bán lẻ tối đa là 10%”.

     Trong khi đó, trao đổi với PV, luật gia Trương Việt Kon Tum – Hội Luật gia tỉnh Bình Định cho rằng giải thích của ông Sơn là không phù hợp với quy định của Bộ Y tế. “Phòng khám dịch vụ của Viện KST Quy Nhơn được xác định là đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, do đó việc áp dụng thặng số bán lẻ tối đa cũng phải áp dụng giống như đối với các cơ sở bán lẻ thuốc tại các bệnh viện trực thuộc Bộ. Có nghĩa là trong trường hợp này biệt dược Duhuzin có thặng số bán lẻ tối đa là 7%, chứ không phải 10% như thanh tra Sở nhận định” – ông Tum cho biết.

Điểm 1, khoản 5 Điều 6, Thông tư 15/2011/TT-BYT ngày 19/4/2011 của Bộ Y tế Bộ Y tế quy định: “Đối với cơ sở bán lẻ thuốc tại các bệnh viện trực thuộc Bộ, bệnh viện tuyến tỉnh trừ các bệnh viện chuyên khoa tâm thần, điều dưỡng, phục hồi chức năng tuyến tỉnh: Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 5.000 đồng đến 100.000 đồng, thặng số bán lẻ tối đa là 7%”.

     Về lý do giá thuốc trong nhà thuốc của Viện tăng cao gấp nhiều lần so với giá thuốc của các nhà thuốc tư nhân bên ngoài, ông Sơn cho biết cần phải có thời gian xác minh đối chiếu mới có căn cứ xác định nguyên nhân. Tuy nhiên ông Sơn không loại trừ khả năng có sự chi phối của nguồn nguyên liệu nhập ngoại nên mỗi hãng sản xuất sẽ có giá biệt dược khác nhau, mặc dù có cùng hàm lượng, hoạt chất.

     Liên quan đến việc bắt buộc niêm yết giá thuốc trực tiếp trên bao bì, theo quy định tại Thông tư liên tịch số 50 về hướng dẫn thực hiện quản lý nhà nước về giá thuốc dùng cho người, nhưng tại thời điểm PV có mặt (giữa tháng 6/2017) nhà thuốc Phòng khám chỉ niêm yết đối phó trên khổ giấy A3, như vậy là trái quy định của Bộ Y tế (theo báo Kinh doanh & Pháp luật đã phản ánh), ông Sơn xác nhận nhà thuốc Phòng khám đã thực hiện chưa đúng quy định của Thông tư liên tịch. “Ngay cả sau 1/7/2017, tức sau khi Nghị định 54/CP có hiệu lực, việc niêm yết trên khổ giấy như vậy cũng không được. Chúng tôi đã yêu cầu nhà thuốc của Phòng khám phải khắc phục bằng cách niêm yết giá thuốc trên bảng lớn để người bệnh dễ dàng theo dõi” – ông Sơn cho biết.

     Kết mở (!?)

     Tiến sĩ Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện SR-KST-CT Trung ương cho biết, hiện có tới 50% người Việt Nam tại các vùng có thể bị nhiễm giun. Ông Dương cảnh báo: “Ước tính hằng năm người dân mất 1,5 triệu lít máu và 15 tấn lương thực để nuôi giun. Nhiễm giun gây nên những bệnh lý nguy hiểm, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất, tinh thần và trí tuệ…”. Trong khi đó tại khu vực MT&TN có một Phòng khám dịch vụ trực thuộc Bộ Y tế chuyên khám và điều trị về ký sinh trùng lại khước từ bệnh nhân có thẻ BHYT. Cùng với giá thuốc “trên trời” và chi phí dịch vụ xét nghiệm đắt đỏ của Phòng khám Viện SR đã và đang “triệt tiêu” quyền và cơ hội được khám và chữa bệnh ký sinh trùng của những bệnh nhân nghèo trong khu vực.

     Đồng hành với trăn trở từ phía bạn đọc và đau đáu nỗi lo nói trên của người bệnh, Báo Kinh doanh & Pháp luật tạm khép loạt bài điều tra này với câu hỏi gửi đến Bộ trưởng Bộ Y tế: Những khuất tất về giá thuốc và hoạt động khám chữa bệnh chuyên ngành tại Phòng khám dịch vụ Viện SR-KST- CT Quy Nhơn bao giờ mới được làm sáng tỏ ?
    

    Thanh tra Bộ Y tế đã phát hiện hàng loạt sai phạm trong đấu thầu và bảo quản vật tư, hóa chất xét nghiệm tại Viện KST Quy Nhơn
     Gần một năm trước (ngày 14/9/2016), Thanh tra Bộ Y tế đã có kết luận số 158/KL-TTrB chỉ ra nhiều sai phạm trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị, quản lý, sử dụng vật tư, hóa chất xét nghiệm tại Viện SR- KST- CT Quy Nhơn. Theo đó: Gói thầu mua hóa chất xét nghiệm phục vụ khám chữa bệnh năm 2014 (gần 2,9 tỷ đồng) không có tên hãng sản xuất; Gói thầu cung cấp 4 danh mục thiết bị y tế năm 2015 (gần 9,8 tỷ đồng), đơn vị trúng thầu đã không thực hiện bảo lãnh thiết bị. Tại Khoa xét nghiệm và Kho vật tư và kho bảo quản thuốc, vật tư hóa chất để quản lý hàng hóa thuộc chương trình MTQG về phòng chống một số bệnh có tính chất nguy hiểm, chưa có kho bảo quản hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm. Tại Kho thuốc, hoá chất và vật tư, dụng cụ phòng chống SR khu vực MT&TN rộng khoảng 13.000m2 ở tại phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn còn thiếu phương tiện bảo quản hóa chất như khu vực riêng cần bảo quản thuốc, sinh phẩm, hóa chất có yêu cầu bảo quản theo quy định. Tại Trung tâm PC SR- KST- CT tỉnh Gia Lai đoàn phát hiện kho thuốc thiếu phương tiện bảo quản như máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, nhiệt kế, ẩm kế. Ngoài ra còn phát hiện biên bản kiểm kê cuối năm của Viện không ghi hạn dùng của hàng hóa… Thanh tra Bộ Y tế đề nghị Viện Sốt rét chấn chỉnh các thiếu sót trong công tác đấu thầu theo quy định; kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến những sai sót, tồn tại trên và báo cáo về Bộ Y tế.

Tác giả bài viết:    TỔ PV MIỀN TRUNG

Nguồn tin: Báo Kinh doanh & Pháp luật:

Tổng số điểm của bài viết là: 43 trong 11 đánh giá

Xếp hạng: 3.9 - 11 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây