Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt bút ký phê chuẩn các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga với cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 đã thổi bùng lên một phản ứng dữ dội từ phía Moscow ngày 2/8.
Tình hình cũng đang trở nên trầm trọng hơn do Nhà Trắng thiếu phương cách tiếp cận rõ ràng đối với Nga. Một chính sách đồng thời giữa thỏa hiệp và đối đầu với Moscow, kết hợp với cuộc xung đột về ảnh hưởng giữa Quốc hội và Tổng thống đe dọa sẽ gây ra sự hỗn loạn, có thể dẫn tới tăng khả năng về một tính toán sai lầm giữa hai cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. |
Chia sẻ với kênh truyền hình CNN, cựu Giám đốc chuyên phân tích các vấn đề về Nga tại Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), ông George Beebe nhận xét: “Tôi không rõ chính xác về nơi chính quyền định thỏa thuận với Nga hay cách nào để có được một chiến lược mạch lạc để đối xử với Moscow. Tôi nghĩ trên thực tế có một sự rủi ro có thật rằng, chúng ta sẽ rơi vào một vòng xoáy leo thang khó để cả hai nước kiểm soát được”.
Làn sóng phản đối của Moscow ngày 2/8 sau khi ông Trump ký dự luật trừng phạt đã phản ánh sự giận dữ trước những trở ngại mới chống lại nền kinh tế Nga – và có lý còn đi kèm những áp lực chính trị khiến chính phủ Nga chẳng còn lựa chọn nào ngoài việc làm leo thang thêm tình hình.
Lần đầu tiên, Nga đã bày tỏ sự thất vọng về việc Tổng thống Trump không thể giữ lời hứa cải thiện quan hệ với Moscow.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã bực tức viết trên Facebook cá nhân rằng: “Chính quyền ông Trump đã thể hiện sự yếu đuối toàn diện bằng cách trao quyền hành pháp cho Quốc hội theo cách bẽ mặt nhất. Điều này làm thay đổi thế cân bằng quyền lực trong vòng tròn chính trị Mỹ”. Thủ tướng Nga cho rằng Tổng thống Trump đã đánh lừa, dù không muốn nhưng vẫn phải ký vào dự luật.
Đòn tấn công mới nhất này xảy ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Mỹ phải cắt giảm 755 nhân viên ngoại giao hoạt động tại Nga, nhằm đáp trả lại vụ chính quyền Mỹ phong tỏa các trụ sở ngoại giao của Nga tại Mỹ cũng như trục xuất 35 nhà ngoại giao với cáo buộc can thiệp vào kỳ bầu cử năm ngoái.
Dự luật trừng phạt, được thông qua với phần lớn số phiếu đại biểu Quốc hội, phản ánh sự hoài nghi của hai đảng đối với động cơ của Tổng thống Trump đối với Nga và làm tăng đồn đoán rằng Nhà Trắng không thể kiểm soát được chính sách đối ngoại của nước này.
Tổng thống Trump đã ra một bản tuyên bố và thông cáo báo chí, lập luận rằng biện pháp này - làm hạn chế quyền lực của ông để giảm bớt các lệnh trừng phạt - đặt ra các câu hỏi về hiến pháp. Và Tổng thống từ chối từ bỏ quan điểm của ông rằng cải thiện quan hệ với Nga – điều hầu hết Washington xem là đe dọa nghiêm trọng với lợi ích của Mỹ - là một mục tiêu chính sách đối ngoại đáng khen ngợi.
“Chúng tôi hy vọng sẽ có sự hợp tác giữa hai nước trong các vấn đề lớn toàn cầu vì thế mà những lệnh cấm vận sẽ không còn cần thiết”, ông chủ Nhà Trắng viết.
Tuy nhiên, các nhà lập pháp hàng đầu lại quan niệm khác biệt.
“Những lo ngại bày tỏ trong tuyên bố ký kết của Tổng thống không gây ngạc nhiên, dù không đúng chỗ”, Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain nói. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Ben Cardin của đảng Dân chủ tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện lại khẳng định: “Chúng tôi làm ra luật pháp, không phải Tổng thống Mỹ”.
Sự kiện ngày 2/8 sẽ gây ấn tượng với cả Washington lẫn Moscow rằng vị thế chính trị suy yếu của ông Trump đang đe dọa khả năng của ông trong việc đưa ra những mục tiêu chính sách đối ngoại cốt lõi của riêng mình. Chúng cũng làm dấy lên những câu hỏi mới về sự sẵn lòng của ông chủ Nhà Trắng để chấp nhận các giới hạn về quyền lực của mình trong hệ thống chính phủ Mỹ.
Không có gì bất thường khi một Tổng thống Mỹ biểu lộ sự thất vọng với những nỗ lực của Quốc hội để buộc ông phải đối mặt với các vấn đề an ninh quốc gia - cả George W. Bush và Barack Obama đều đã bày tỏ điều này trong các thông báo ký kết. Thế nhưng sự bất đồng giữa một vị tổng thống và Quốc hội là không bình thường khi nói về các vấn đề trừng phạt kinh tế đối với một đối thủ.
Tuy nhiên dấu hiệu về sự không chắc chắn xung quanh một chính sách Nga đối với Mỹ lại được hợp thành từ các thông điệp đối lập của chính quyền.
Trong khi Tổng thống Donald Trump nói về khả năng hợp tác trong tương lai với Moscow thì Phó Tổng thống Mike Pence đã khẳng định rõ ràng quan điểm hết sức cứng rắn vốn như truyền thống của đảng Cộng hòa với Nga trong chuyến thăm tới Đông Âu vào tuần này.
Ông Pence đã phát biểu trong chuyến thăm tới Estonia vào hôm 31/7: “Không có mối đe dọa nào hiện hữu lớn hơn ở khu vực Baltic hơn là nỗi ám ảnh về sự hiếu chiến từ người láng giềng ở phía Đông”.
Những bình luận của ông Pence mang sắc thái cứng rắn hơn rất nhiều so với bất kỳ bình luận nào trước đây của Tổng thống Trump tại châu Âu, vị Tổng thống luôn dành sự quan tâm tới Nga trong suốt thời gian nắm giữ quyền lực tại Nhà trắng vừa qua. Tuy nhiên vào hôm 2/8, Pence cũng để ngỏ cánh cửa về một thỏa thuận với Nga, khi trả lời tờ Washington Post rằng Tổng thống Trump đang thể hiện thái độ “chúng tôi sẽ xem xét” với Nga.
Trong khi các nghị sỹ Quốc hội Mỹ phản ứng tức giận vào hôm 2/8 khi có báo cáo rằng Ngoại trưởng Rex Tillerson không dùng tiền như đã cam kết để ngăn chặn thông tin sai lệch từ phía Nga.
Một dấu hiệu khác khẳng định chính quyền Mỹ muốn giữ mối quan hệ với Nga diễn ra tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào tháng trước, khi Tổng thống Trump có cuộc nói chuyện kéo dài với Tổng thống Putin tại dạ tiệc cho các lãnh đạo.
Trong các cuộc đàm phán chính thức trước đó, lãnh đạo hai nước đồng ý thỏa thuận ngừng bắn ở tây nam Syria. Sau đó Tổng thống Trump đã tuyên bố chấm dứt việc viện trợ bí mật của Mỹ cho phe nổi dậy để lật đổ chính quyền Assad, điều này dường như đang đóng vai trò cho một mục tiêu đối ngoại khác của Nga.
Tuy nhiên, vào tháng 4, ông Trump đã ra lệnh cho quân đội hành động chống lại lực lượng của Syria do Nga ủng hộ để trừng phạt việc sử dụng vũ khí hóa học. Và đã có rất nhiều báo cáo cho thấy Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ đang thúc đẩy việc cung cấp vũ khí sát thương cho chính phủ Ukraina, một động thái nhiều khả năng thổi bùng tranh cãi Mỹ - Nga.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ rằng quan hệ Nga – Mỹ đang chạm tới một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Cả hai tổng thống trong những ngày gần đây đều phát đi tín hiệu rằng họ muốn hạn chế các thiệt hại.
Tổng thống Putin ra lệnh cắt giảm nhân viên ngoại giao Mỹ trước khi Tổng thống Trump ký lệnh trừng phạt thành luật, điều này có vẻ như đó là sự đáp trả của Nga với Quốc hội Mỹ chứ không phải với Tổng thống Trump. Thực tế rằng ông Medvedev chứ không phải ông Putin đã đưa ra những chỉ trích với lệnh cấm vận mới của Mỹ là một điều có thể hiểu được.
Trong khi Tổng thống Trump ký dự luật trừng phạt trong phòng kín và vẫn chưa đưa ra đáp trả về động thái trục xuất các nhà ngoại giao Mỹ của Putin, nhiều khả năng đây là dấu hiệu cho thấy ông Trump cũng muốn tránh căng thẳng leo thang trong quan hệ cá nhân với người đồng cấp ở Điện Kremlin.
Tuy nhiên, sự căng thẳng không thể kiểm soát vẫn là một mối đe dọa thực sự.
“Tình huống đang rất tồi tệ, nhưng hãy tin vào tôi, nó có thể trở nên tồi tệ hơn”, Ngoại trưởng Tillerson phát biểu vào hôm 1/8 vừa qua, diễn giải về lời cảnh báo của ông với Putin và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong cuộc gặp tại tháng 4 tại Moscow “Và nó vừa mới diễn ra”.
Nguồn tin: Theo Baotintuc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn