The Washington Post hôm nay đưa tin, bất chấp đe dọa của Tổng thống Donald Trump với Triều Tiên, quân đội Hoa Kỳ dường như vẫn án binh bất động, không có dấu hiệu nào cho thấy sự chuẩn bị cho chiến tranh. [1]
Tướng Joseph F. Dunford Jr., Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân và một đội ngũ tùy tùng nhỏ đã tới Hawaii ngày thứ Sáu 11/8 và sẽ đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan cùng các tàu tuần dương, tàu khu trục đã trở lại cảng Yokosuka, Nhật Bản hôm thứ Tư 9/8, sau 3 tháng tuần tra ngoài khơi bán đảo Triều Tiên.
Sẵn sàng bắn hạ 4 tên lửa Triều Tiên, tốt nhất thuyết phục Kim Jong-un đừng bắn
South China Morning Post ngày 12/8 đưa tin, giới phân tích Hoa Kỳ cho rằng Mỹ nên chuẩn bị sẵn sàng bắn hạ 4 quả tên lửa liên lục địa Hwasong-12, nếu Triều Tiên bắn về phía Guam như đã tuyên bố. [2]
Tuy nhiên Washington cần tiếp tục các nỗ lực thuyết phục nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từ bỏ kế hoạch này, để tránh nguy cơ leo thang mất kiểm soát giữa Washington và Bình Nhưỡng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, ảnh: UPI. |
David Albright, Chủ tịch Viện Khoa học và an ninh quốc tế tại Washington nhận định, Triều Tiên sẽ gây ra một sai lầm khủng khiếp nếu bắn 4 quả tên lửa vào gần Guam.
Chiều 11/8 ông Donald Trump đã nói với báo giới rằng:
"Các giải pháp quân sự hiện nay đều đã sẵn sàng, khóa (mục tiêu) và rất nghiêm trọng, một khi Bắc Triều Tiên mất lý trí. Hy vọng rằng Kim Jong-un sẽ tìm ra một con đường khác!"
Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương cũng tuyên bố, các máy bay ném bom của Hoa Kỳ trên đảo Guam đã sẵn sàng "chiến đấu ngay đêm nay", nếu có lệnh.
David Albright nói với South China Morning Post qua email:
"Nếu Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục dù đã có yêu cầu chấm dứt, điều tốt nhất có thể hi vọng là những quả tên lửa này "xịt" ngay sau khi rời bệ phóng.
Nếu không, Hoa Kỳ sẽ phải quyết định có bắn hạ chúng hay không. Tôi không nghĩ Mỹ sẽ tấn công vào các địa điểm Triều Tiên phóng tên lửa trước khi họ làm việc này.
Trường hợp bắn hạ tên lửa Triều Tiên, nó có thể khiến Bình Nhưỡng trả đũa, còn không bắn hạ thì lại lo Triều Tiên sẽ hung hăn hơn."
Lại hy vọng vào Trung Quốc
David Albright và Catherine Dill, chuyên gia nghiên cứu cấp cao Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở Monterey, Cailifornia đề xuất:
Tốt nhất là thuyết phục Kim Jong-un không thực hiện kế hoạch bắn 4 quả tên lửa. Hai vị hy vọng Trung Quốc sẽ làm việc này, bởi rủi ro khủng khiếp nếu Bình Nhưỡng cố tình thực hiện.
Trung Quốc, Nga và Đức đều bày tỏ lo ngại về các mối đe dọa quân sự đang leo thang trên bán đảo Triều Tiên.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng:
"Phía Trung Quốc hy vọng tất cả các bên liên quan sẽ nói và hành động thận trọng, nỗ lực nhiều hơn để giảm căng thẳng và tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, không lặp lại việc thể hiện sự cứng rắn và leo thang căng thẳng".
|
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov được South China Morning Post dẫn lời bình luận:
"Thật không may, hùng biện ở cả Washington lẫn Bình Nhưỡng bây giờ bắt đầu leo thang đến cấp người đứng đầu. Chúng tôi vẫn hy vọng và tin tưởng rằng, những 'trạng thái bình thường' sẽ chiếm ưu thế."
Thủ tướng Đức Angerla Merkel cảnh báo, một sự leo thang trong các tuyên bố chẳng giúp gì cho việc giải quyết xung đột trên bán đảo. [2]
The New York Times cho biết, chiều tối 11/8 giờ Hoa Kỳ, tức rạng sáng nay giờ Việt Nam, Tổng thống Donald Trump nói với báo giới, ông sẽ gọi điện cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. [3]
Tuy nhiên tuần này các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang tập trung về Bắc Đới Hà để bàn về Đại hội 19, nên có thể việc nhận cuộc gọi từ Nhà Trắng sẽ khó khăn hơn.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc, ngoài Thời báo Hoàn Cầu ra, hầu hết đều không nhắc đến cả Donald Trump lẫn Kim Jong-un.
Tiến sĩ Bonnie S. Glaser từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế Mỹ nhận xét, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể kết luận tại cuộc họp ở Bắc Đới Hà rằng:
Cả Washington lẫn BÌnh Nhưỡng đều nguy hiểm và không thể đoán trước. Do đó không có gì đảm bảo ông Tập Cận Bình sẽ hợp tác tốt hơn với một Tổng thống Mỹ không thể dự đoán.
Nguồn tin: GDVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn