Căng thẳng Mỹ - Triều Tiên: 7 kịch bản có thể xảy ra

Thứ năm - 10/08/2017 03:01
(Phapluat News) - Tổng thống Trump cảnh báo sẽ cho Triều Tiên hứng chịu "lửa và giận dữ", nhà lãnh đạo Kim Jong Un thì đe dọa tấn công đảo Guam. Dưới đây là 7 kịch bản có thể xảy ra, theo Guardian.
Căng thẳng Mỹ - Triều Tiên: 7 kịch bản có thể xảy ra

"Chiến tranh phủ đầu"

Hôm 6/8, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster đưa ra viễn cảnh "chiến tranh phủ đầu" với Triều Tiên như một lựa chọn chính sách của Mỹ. Theo ông, phương án này sẽ là cú đánh đột ngột vào hạ tầng quân sự của Triều Tiên, khiến khả năng tấn công của Bình Nhưỡng sụt giảm.

Nhược điểm của chiến lược này là có thể đoán trước. Triều Tiên sở hữu tên lửa ngầm khắp cả nước, khoảng 8.000 khẩu pháo và đài bắn tên lửa gần khu vực phi quân sự, và kho vũ khí có khả năng bắn 300.000 quả pháo phản công về phía Nam trong giờ đầu tiên nếu Bình Nhưỡng bị tấn công.

Vì vậy, không "cú đánh đột ngột" nào có thể khiến Kim Jong Un thất thế hoàn toàn, và sự trả đũa của nhà lãnh đạo Triều Tiên gần như chắc chắn sẽ rất tàn khốc.

Cang thang My - Trieu Tien: 7 kich ban co the xay ra hinh anh 1
Tên lửa được phóng thử trong một cuộc tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc. Ảnh: Getty.

Răn đe cứng rắn

Nhiều ý kiến cho rằng Mỹ và các đồng minh còn quá mềm mỏng trước Triều Tiên, để nước này liên tục khiêu khích quân sự mà không bị "trừng trị". Chính sách răn đe mạnh mẽ sẽ sử dụng vũ lực vừa phải nhưng ở dưới mức tấn công toàn diện kiểu phủ đầu. Ví dụ lần thử tên lửa đạn đạo hoặc thử hạt nhân tiếp theo sẽ được đáp trả bằng ném bom vào khu vực thử vũ khí.

Phương án này nhẹ nhàng hơn "chiến tranh phủ đầu", nhưng vấn đề lớn nhất là không có gì bảo đảm Bình Nhưỡng sẽ phân biệt được sự khác nhau giữa 2 khái niệm. Một khi leo thang quân sự nổ ra, sẽ rất khó để ngăn chặn và nguy cơ về chiến tranh toàn diện trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết.

Nhắm vào lãnh đạo Kim Jong Un

Diệt trừ nhà lãnh đạo Triều Tiên là một phần trong kế hoạch chiến tranh chung của Mỹ và Hàn Quốc. Seoul được cho là có lữ đoàn đặc biệt để làm công việc này.

Nhưng đây cũng là kịch bản vô cùng mạo hiểm. Kim Jong Un là một trong những nhà lãnh đạo được bảo vệ kỹ càng nhất thế giới, và kể cả khi ông bị ám sát, cũng không thể loại trừ khả năng Triều Tiên sẽ có lãnh đạo mới với những chính sách tương tự hoặc thậm chí tham vọng hơn. Hơn nữa, phương án này cũng có thể kích hoạt chiến tranh toàn diện.

Cang thang My - Trieu Tien: 7 kich ban co the xay ra hinh anh 2
Triều Tiên đã quá quen với những lệnh trừng phạt liên tiếp được đưa ra bởi cộng đồng quốc tế vì chương trình hạt nhân và những vụ thử tên lửa của mình. Ảnh: Getty.

Gia tăng áp lực kinh tế

Triều Tiên vốn đã là quốc gia bị cô lập về kinh tế nhất thế giới, đặc biệt sau những lệnh trừng phạt được Liên Hợp Quốc đưa ra hồi cuối tuần qua. Việc áp dụng sâu hơn phương án này đòi hỏi sự hợp tác tốt hơn từ phía Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh lại lo ngại gây ra sự sụp đổ của Triều Tiên.

Một số nhà bình luận Mỹ kêu gọi trừng phạt các công ty Trung Quốc vi phạm lệnh cấm vận Triều Tiên. Tuy nhiên điều này có thể dẫn đến việc Bắc Kinh áp dụng các biện pháp ăn miếng trả miếng, và quan hệ Mỹ - Trung sẽ bị chia rẽ vào thời điểm quan trọng.

Hơn nữa, cũng không có gì đảm bảo trừng phạt kinh tế sẽ khiến Triều Tiên thay đổi, bởi Bình Nhưỡng vốn luôn mang tư tưởng tự lực tự cường.

Đàm phán chính thức trở lại 

Bình Nhưỡng hiện không có dấu hiệu muốn trở lại cuộc đàm phán 6 bên (với Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga) đã chấm dứt dưới thời Tổng thống Obama.

Mỹ để ngỏ khả năng đàm phán nhưng chỉ với điều kiện Triều Tiên phải ngừng các cuộc thử tên lửa và chấp nhận mục đích đàm phán là nhắm đến việc loại bỏ hoàn toàn chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của nước này. Triều Tiên dĩ nhiên chưa sẵn sàng đồng ý.

Chính thức thừa nhận Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí hạt nhân có thể ảnh hưởng đến công cuộc chống phổ biến loại vũ khí này trên toàn thế giới và tạo động lực khuyến khích các nước khác "noi gương" Triều Tiên.

Cang thang My - Trieu Tien: 7 kich ban co the xay ra hinh anh 3
Tầm bắn một số tên lửa của Triều Tiên. Đồ họa: BBC.

Án binh bất động

Moscow và Bắc Kinh ủng hộ đề xuất về việc Bình Nhưỡng ngừng các cuộc thử tên lửa, đổi lại Mỹ, Hàn Quốc và các đồng minh sẽ ngừng tập trận quân sự. Phương án này giả định có sự tương đương giữa các biện pháp phòng thủ của Hàn Quốc và bom hạt nhân mà Triều Tiên có thể sử dụng để đối đầu với phần còn lại của thế giới.

Chưa rõ Tổng thống Moon Jae In có thuận theo đề xuất này không, cũng không có gì bảo đảm Bình Nhưỡng sẽ chấp nhận điều đó.

Đối thoại thăm dò

Siegfried Hecker, chuyên gia hàng đầu của Mỹ về Triều Tiên, đã đến thăm quốc gia này 7 lần và tham quan các cơ sở hạt nhân của Bình Nhưỡng. Ngày 7/8, ông yêu cầu quan chức hai bên lập tức mở kênh đối thoại để tránh thảm họa hạt nhân quy mô toàn cầu. Theo Hecker, sự cấp bách của nó đủ để hai bên tiến hành đối thoại vô điều kiện.

Tuy nhiên, chuyên gia cũng lưu ý đây không phải một tiến trình đàm phán mới, và càng không phải sự nhượng bộ Bình Nhưỡng. "Họ phải hiểu rằng chiến tranh sẽ gây ra thiệt hại khủng khiếp cho cả hai phía, và rằng xung đột thông thường cũng sẽ có nguy cơ leo thang thành chiến tranh hạt nhân, vì vậy điều tiên quyết là không nên để xảy ra đụng độ quân sự", ông nói trong một cuộc phỏng vấn.
 


Mỹ phóng tên lửa đạn đạo ra biển lúc nửa đêm 5 ngày sau vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên, Mỹ phóng một tên lửa đạn đạo không đầu đạn ra biển nhằm "chứng tỏ năng lực phòng thủ trước các cuộc tấn công".

Nguồn tin: news.zing.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây