Dư luận cả nước (và thế giới) bất ngờ đến "choáng váng" khi Bộ ngoại giao Cộng hoà liên bang Đức ra thông cáo báo chí, tuyên bố Trịnh Xuân Thanh đã bị các cơ quan của Nhà nước Việt Nam "bắt cóc" ngay tại thủ đô Berlin (!?). Và điều này là không thể chấp nhận, chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ kinh tế, chính trị giữa Đức và Việt Nam!
Trong vòng 24 giờ sau tuyên bố gây shock từ phía Đức, Bộ ngoại giao Việt Nam đã tiến hành họp báo vào chiều nay 3/8/2017. Tại đây, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn của Bộ ngoại giao một lần nữa khẳng định Trịnh Xuân Thanh đầu thú chứ không phải do Việt Nam bắt cóc.
Trả lời câu hỏi của báo Tuổi Trẻ - “Đề nghị Người phát ngôn cho biết thông tin và phản ứng về vụ việc chính phủ Đức yêu cầu một viên chức của Đại sứ quán Việt Nam phải rời khỏi nước này trong vòng 48 giờ do cáo buộc liên quan tới đến một vụ việc được cho là bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Đức”
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói: “Liên quan đến phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức xung quanh vụ việc Trịnh Xuân Thanh, tôi lấy làm tiếc về phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức ngày 2-8-2017".
Như vậy, có thể thấy vụ việc này là rất rất nghiêm trọng. Chứ không phải đơn giản "xuề xoà" theo kiểu nghĩ cách làm của Việt Nam lâu nay - trong các vấn đề pháp luật. Hoặc miễn có chỉ đạo của cấp trên là OK, chả sao hết.
Cốt lõi ở đây, không phải là chuyện Đức bao che hay phản đối việc xử lý Trịnh Xuân Thanh, mà là việc có hay không hành vi 'bắt cóc" - vốn là một hành vi vi phạm pháp luật, một tội phạm đã xảy ra trên nước Đức? Đức là một nước tư bản, vốn tuyệt đối tôn trọng pháp luật. Và với vị thế của một cường quốc, họ không muốn bị qua mặt, xúc phạm. Họ muốn cái nào ra cái đó. Rõ ràng.
Mà cũng không chỉ ở Đức, ngay tại Việt Nam, hành vi bắt cóc cũng bị xem là một tội phạm - quy định tại Bộ luật hình sự.
Pháp luật Việt Nam cũng tuyệt đối không cho phép người người ngoài thực hiện những hành vi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam. Đây cũng là nguyên tắc của bất kỳ quốc gia nào có pháp luật, có độc lập, chủ quyền.
Chính vì vậy, nếu quả thật có việc phía Việt Nam đã tiến hành việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, thì dù xét về mặt ý nghĩa (tất nhiên là cho phía Việt Nam và cũng chỉ mang tính tương đối) là đúng và cần thiết, thì cũng đã vi phạm pháp luật Đức. Câu hỏi đặt ra là: tại sao Việt Nam không có văn bản chính thức yêu cầu Đức cho phép "dẫn độ" nghi can Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam - nếu có bằng chứng về việc Thanh ở Đức. Nói cách khác là sao không áp dụng các biện pháp ngoại giao công khai, phù hợp với thông lệ quốc tế. Hoặc thậm chí có thể xét xử vắng mặt Trịnh Xuân Thanh.
Thế nhưng, phía Việt Nam - qua tuyên bố của Bộ công an và mới hơn là của Bộ ngoại giao, đã khẳng định Trịnh Xuân Thanh đầu thú. Tức trái ngược 180 độ so với tuyên bố của phía Đức. Trong khi SỰ THẬT CHỈ CÓ MỘT!
Do vậy, bây giờ có lẽ là lúc chúng ta cùng chờ xem mỗi bên sẽ đưa ra những chứng cứ gì để chứng minh cho quan điểm của mình? Đầu thú hay bắt cóc?
Theo thiển ý của tôi, để chứng minh Trịnh Xuân Thanh đầu thú, sẽ có rất nhiều bằng chứng có thể đưa ra. Chẳng hạn như:
1. Chứng minh lâu nay Trịnh Xuân Thanh vẫn ở tại Việt Nam. Chưa bao giờ xuất cảnh ra nước ngoài. Ở nhà ai? như thế nào?
2. Có băng hình ghi lại việc Trịnh Xuân Thanh tự mình đi vào cơ quan Bộ công an để đầu thú và nay công bố.
3. Nếu Trịnh Xuân Thanh đã ở Đức, qua Pháp và bay về Việt Nam, thì sẽ có có dấu xuất cảnh - nhập cảnh đóng trên Hộ chiếu của Trịnh Xuân Thanh. (Nhưng cũng có khả năng Trịnh Xuân Thanh xuất nhập cảnh vào Việt Nam qua một Hộ chiếu giả. Nếu vậy, ai làm hộ chiếu này? vẫn có thể làm rõ được).
4. Trịnh Xuân Thanh tự mình xuất hiện công khai, với sự cho phép của Việt Nam, và của luật sư, trình bày, khẳng định mình đã đầu thú chứ không phải bị bắt cóc. Cũng không bị ai đe doạ, ép buộc phải ra đầu thú cả.
vv và vv
Tất nhiên là cũng cần chờ những bằng chứng từ phía Đức nữa. Để cảm nhận, đánh giá!
Tôi biết sẽ có người cho rằng những bằng chứng như trên hoàn toàn có thể giả mạo được, hay thậm chí ép buộc Trịnh Xuân Thanh thực hiện. Vì đã từng có biết bao nhiêu vụ án nay xác định oan sai, nhưng trước đó bị can từng nhận tội.
Nhưng trong trường hợp này tôi không nghĩ như vậy. Và không muốn tin như vậy. Vì cái gì đã không đúng sự thật, thì bao giờ cũng có sự vô lý, mâu thuẫn. Hơn nữa đây còn là vấn đề danh dự, uy tín của một quốc gia. Chứ không phải của một cá nhân. Chuyện lớn ai lại đi nói dối như chú cuội vậy. Ai dám đứng trên pháp luật chỉ đạo như vậy. (Ghi chú: ở đây là tôi nói theo quan điểm, tư duy con nhà luật. Chứ thực tế tại Việt Nam mình, chỉ một ông Chủ tịch xã cũng có thể ngang nhiên chỉ đạo hay ban hành những văn bản trái luật. Mỗi năm, Bộ Tư Pháp phải rà soát và huỷ bỏ cả ngàn văn bản trái pháp luật, trái Hiến Pháp).
Tôi mong rằng phía Việt Nam đã nói đúng và đó là sự thật. Như vậy sẽ tốt cho tất cả các bên. Tốt cho cả những người dân Việt Nam nói chung.
Và tất nhiên, tôi cũng như tất cả mọi người Việt Nam khác, luôn mong mỏi phải xử lý thật nghiêm những kẻ tham nhũng, phá hoạt đất nước, như Trịnh Xuân Thanh - trên cơ sở theo đúng quy định của pháp luật.
Quả thật từ trước tới nay, mới xảy ra một chuyện như thế này. Chỉ là một cá nhân chả có gì ghê gớm, "vô danh tiểu tốt", một kẻ tham nhũng bị truy tố đến mức phải trốn chui trốn nhủi, thế mà lại có thể là nguyên căn huỷ hoại hay làm "xuống cấp" mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia - vốn không hề dễ dàng thiết lập, xây đắp. Thật đáng tiếc nếu chỉ vì nhu cầu quyết xử lý cho bằng được một quan tham tầm trung (trong số hàng trăm, hàng ngàn quan tham khác) mà đánh đổi như vậy.
Xuân Thanh ơi hỡi Xuân Thanh
Sao ông làm khổ bọn tui thế này?
Ps. Xin nói thêm: Đức là đất nước của sự nghiêm túc và tài năng. Đất nước của những sản phẩm công nghệ cao, thương hiệu hàng đầu, uy tín. Đất nước của những nhà thơ, nhạc sỹ tài năng. Tại Việt Nam, có vô số những sản phẩm công nghệ cao của Đức được tin dùng, đặc biệt trong lĩnh vực y tế. Đức cũng là một trong số hiếm hoi những nước miễn học phí đại học 100% cho sinh viên du học nước ngoài. Đức đã giúp đỡ và ủng hộ Việt Nam rất nhiều, đặc biệt trong tranh chấp biển Đông. Chỉ trong 1 năm qua, nước Đức đã mở cửa đón nhận hàng triệu người dân tỵ nạn chiến tranh.
.........