Điều 28, Luật Khiếu nại năm 2012 quy định: “Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý”
Điều 37, Luật Khiếu nại năm 2012 quy định: "Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý. Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 ngày, kể từ ngày thụ lý".
Các quy định này, nhằm để người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại xem xét, giải quyết trong thời hạn cho phép. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn tình trạng người giải quyết khiếu nại vi phạm thời hạn giải quyết. Trong quá trình thụ lý, giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền phải ban hành quyết định gia hạn nhiều lần nhưng việc gia hạn vượt quá thời hạn giải quyết với nhiều lý do như: vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, cần phải xác minh, làm rõ các tình tiết vụ việc hoặc được người khiếu nại đồng ý…
Hậu quả của vấn đề này đã được pháp luật quy định rõ, nếu vi phạm thời hạn giải quyết khiếu nại, thì quyết định giải quyết khiếu nại phải bị hủy bỏ mà không cần thiết phải xem xét tới nội dung khiếu nại; đồng thời, phải khôi phục ngay quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại. Quy định là vậy, song đến nay cũng thấy chưa ai bị xử lý vì vi phạm thời hạn giải quyết khiếu nại.
Chính vì vậy, ngày 19/10/2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 124/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại (có hiệu lực ngày 10/12/2020), thay thế Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 của Chính phủ quy, phần nào đã khắc phục được những hạn chế của Nghị định 75/2012/NĐ-CP.
Nghị định số 124/2020/NĐ-CP quy định một số biện pháp thi hành Luật Khiếu nại gồm: hình thức khiếu nại; khiếu nại lần hai; đại diện thực hiện việc khiếu nại; trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại; đặc biệt đã có chế tài cụ thể trong việc xem xét việc giải quyết khiếu nại vi phạm pháp luật; xử lý hành vi vi phạm.
Đây là quy định mới của Nghị định 124/2020/NĐ-CP, cụ thể được quy định tại các Điều 40, 41, 42 Nghị định này như sau: người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại, người có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật mà có hành vi vi phạm pháp luật khiếu nại thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật bằng các Hình thức: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lượng, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc. Nếu có dấu hiệu tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường hoặc bồi hoàn theo quy định của pháp luật.
Theo đó, đối với các hành vi cố ý không ban hành và ban hành quyết định giải quyết khiếu nại trái pháp luật thì sẽ bị xử lý hình thức khiển trách, giáng chức hoặc cách chức:
“Điều 41. Xử lý kỷ luật đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại
1. Hình thức kỷ luật khiển trách áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại khi có một trong những hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
a) Sách nhiễu, cản trở, gây khó khăn, phiền hà cho người khiếu nại, người được ủy quyền khiếu nại, người bị khiếu nại.
b) Bao che cho người bị khiếu nại.
c) Đe dọa trả thù, trù dập người khiếu nại, người được ủy quyền khiếu nại, người bị khiếu nại.
2. Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại khi có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
a) Cố ý không thụ lý giải quyết khiếu nại đối với vụ việc khiếu nại đủ điều kiện thụ lý thuộc thẩm quyền.
b) Cố ý bỏ qua các bằng chứng, bỏ lọt các thông tin, tài liệu hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ việc.
c) Cố ý không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại.
3. Hình thức kỷ luật giáng chức hoặc cách chức áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại khi có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây:
a) Vi phạm nghiêm trọng trong việc thực hiện trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại gây mất ổn định nghiêm trọng về an ninh, trật tự xã hội hoặc gây hậu quả chết người.
b) Cố ý ban hành quyết định giải quyết khiếu nại trái pháp luật gây mất ổn định nghiêm trọng về an ninh, trật tự xã hội hoặc gây hậu quả chết người.”
Ngoài ra theo Điều 55 Nghị định 115/2020/NĐ-CP đã quy định việc miễn nhiệm đối với viên chức quản lý:
“Điều 55. Miễn nhiệm đối với viên chức quản lý
1. Việc xem xét miễn nhiệm đối với viên chức quản lý được thực hiện trong các trường hợp sau:
a) Có hai năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ;
b) Bị xử lý kỷ luật chưa đến mức cách chức nhưng do yêu cầu nhiệm vụ công tác cần phải thay thế;
c) Bị xử lý kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo hai lần trong cùng một thời hạn bổ nhiệm;
d) Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm quy định của Đảng về bảo vệ chính trị nội bộ;
đ) Các lý do miễn nhiệm khác theo quy định của Đảng và pháp luật.”
Tác giả bài viết: Luật gia Vũ Lê Minh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn