Cần thay đổi cách tính giảm trừ gia cảnh

Thứ năm - 07/11/2024 22:21
(TVLMP) - Việc cử tri thông qua các đoàn đại biểu Quốc hội liên tiếp kiến nghị thay đổi cách tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN), theo hướng nâng mức giảm trừ gia cảnh (GTGC), cho thấy việc cải cách sắc thuế này được dư luận rất quan tâm. Thậm chí có những quan điểm gay gắt, bức xúc với việc chậm thay đổi chuyện sát sườn với đời sống, thu nhập của người lao động, đặc biệt là tại các đô thị lớn...
Các đại biểu Quốc hội phát biểu về giảm trừ gia cảnh
Các đại biểu Quốc hội phát biểu về giảm trừ gia cảnh

Mức giảm trừ quá thấp so với chi tiêu thực tế

Dư luận xã hội cũng bày tỏ quan điểm nóng không kém về chuyện này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Không thể duy trì mãi mức GTGC là 11 triệu đồng/tháng với người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng với người phụ thuộc, quá thấp so với nhu cầu chi tiêu của người nộp thuế.

Tuy nhiên đáp lại kiến nghị của cử tri và dư luận, Bộ Tài chính vẫn cho rằng chưa có cơ sở để điều chỉnh mức GTGC, do tổng mức tăng của chỉ số CPI chưa đến 20% kể từ thời điểm điều chỉnh gần nhất (năm 2020)! Như vậy nút thắt ở đây chính là việc xác định mức GTGC và khi nào sẽ điều chỉnh mức GTGC.

Tại thời điểm Luật Thuế TNCN có hiệu lực vào năm 2009 (thay thế pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao năm 2001), khi GDP bình quân đầu người là 1.200 USD (theo số liệu của Tổng cục Thống kê), mức GTGC được áp dụng là 4 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 1,6 triệu đồng/tháng đối với người phụ thuộc.

Đến năm 2024, GDP bình quân đầu người ước khoảng 4.500 USD, tăng 3,75 lần so với năm 2009, trong khi mức GTGC hiện nay chỉ tăng 2,75 lần.

Điều đó cho thấy sự chênh lệch rất lớn giữa mức tăng GDP bình quân đầu người so với mức tăng GTGC, rồi giá cả nhiều mặt hàng tăng rất cao, nhất là bất động sản, nhà ở (là nhu cầu lớn nhất và quan trọng nhất của người lao động).

Chưa hết, mức lương cơ sở hiện nay là 2.340.000 đồng/tháng, gấp 4,3 lần so với mức lương cơ sở vào năm 2009, cao hơn rất nhiều so với mức tăng GTGC (2,75 lần) trong cùng thời gian.

Chính sách tăng lương cơ sở và tăng lương tối thiểu vùng đều là những chỉ số phản ánh rõ nhất nhu cầu tăng lên của người lao động, đảm bảo phù hợp với những biến động tăng của giá cả hàng hóa, tiêu dùng, và chúng ta cũng điều chỉnh tăng dễ dàng.

Vậy sao lại chưa điều chỉnh tăng mức GTGC? Với đời sống hiện nay, nhất là tại các đô thị lớn, mức 11 triệu đồng đối với người làm ra tiền cũng rất khó có thể đủ chi tiêu.

Mức 4,4 triệu đồng đối với người phụ thuộc lại càng khó khăn hơn. Tại sao lại cho người phụ thuộc chỉ được chi tiêu 4,4 triệu đồng?

Dù không làm ra tiền, nhưng người phụ thuộc vẫn có nhu cầu đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt không kém gì người nộp thuế, nhất là trẻ em và người già, nhu cầu học tập, chữa bệnh cũng rất tốn kém. Phải chăng chúng ta cho rằng họ chỉ là người "phụ thuộc" nên không cần tiêu nhiều?

Chỉ dựa vào CPI để điều chỉnh là chưa phù hợp

Tôi cho rằng việc chỉ quy định căn cứ vào chỉ số CPI để điều chỉnh mức GTGC là chưa phù hợp, trong khi chỉ số tăng trưởng GDP rất quan trọng nhưng lại không được tính đến.

Thực tế đời sống của người lao động biến thiên rất lớn không chỉ theo chỉ số CPI, mà còn bởi sự phát triển của nền kinh tế và thu nhập của người lao động.

Thu nhập tăng lên, nhu cầu chi tiêu cũng sẽ nhiều hơn. Việc chi tiêu này cũng phục vụ cho tái tạo sức lao động và nhu cầu bản thân, gia đình người nộp thuế.

Trong khi chỉ số CPI được thống kê theo các tiêu chí mang tính vĩ mô, thực tế giá cả hàng hóa nhiều mặt hàng biến động hằng ngày, hằng giờ, với mức tăng lớn hơn nhiều chỉ số CPI bình quân, thậm chí nhiều hàng hóa tăng "chóng mặt" như nhà ở, bất động sản, vui chơi, giải trí...

Mục tiêu của chính sách thuế TNCN là phân phối lại, điều hòa thu nhập của xã hội. Nhưng đây là sắc thuế trực thu, người lao động thấy được ngay số tiền thuế phải nộp, trong khi chưa thấy được bù đắp gì ngay ở nguồn thuế đó mà Nhà nước thu được từ người có thu nhập cao khác.

Do đó theo tôi, cần phải sớm điều chỉnh các quy định của Luật Thuế TNCN theo hướng trao quyền cho cơ quan nào được quyết định điều chỉnh mức GTGC theo tình hình thực tế.

Việc điều chỉnh mức GTGC và ngưỡng chịu thuế cần căn cứ theo tỉ lệ tăng trưởng GDP, mức lương cơ sở hoặc lương tối thiểu vùng, các chỉ số này phản ánh sát nhất với nhu cầu chi tiêu và đời sống của người lao động, chứ không dựa theo chỉ số CPI.

Ngoài ra cần tăng mức GTGC đối với người phụ thuộc tiệm cận sát hơn với người nộp thuế.

Đặc biệt, cần chia các mức GTGC theo khu vực để sát hơn với tình hình kinh tế - xã hội mỗi địa phương, thay vì áp dụng cào bằng một mức GTGC chung cho cả nước. Việc cào bằng này là rất bất cập, càng gây khó khăn cho người lao động.

Trong thực tế, tương quan thu nhập với nhu cầu tiêu dùng và đời sống ở đô thị khác nông thôn, nhất là tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM.

Hơn nữa, chúng ta quy định mức lương tối thiểu vùng cho các khu vực khác nhau, rồi các mức phụ cấp khác nhau theo vùng... nhưng lại cào bằng mức GTGC là rất bất hợp lý.

Cuối cùng cần điều chỉnh biểu thuế lũy tiến từng phần theo hướng giảm mức thuế suất đối với các mức thu nhập trung bình, thấp và tăng thêm đối với các mức thu nhập cao để phát huy rõ vai trò điều phối thu nhập nhưng cũng phải bảo vệ những nhu cầu tiêu dùng và khả năng đáp ứng cơ bản của người lao động có thu nhập trung bình, thấp.

Chúng ta không quá lo lắng về việc sẽ khó khăn hơn về thu ngân sách. Bởi nếu điều chỉnh hợp lý, chẳng những không giảm nguồn thu mà còn tăng.

Hơn nữa, nếu người nộp thuế có thêm tiền, chắc chắn sẽ chi tiêu nhiều hơn, góp phần kích thích tiêu dùng và tăng trưởng sản xuất hàng hóa, dịch vụ.
 

- Đại biểu TRẦN VĂN LÂM (ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách):

Mức GTGC đã quá lạc hậu

Cần thay đổi cách tính giảm trừ gia cảnh - Ảnh 2.

 

Đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa đề xuất điều chỉnh mức GTGC với lý do CPI biến động chưa đến 20%! Trong khi đó mức GTGC và nhiều nội dung khác liên quan đến Luật Thuế TNCN đã được cử tri, nhiều đại biểu nêu ra.

Có nội dung đã lạc hậu nhiều năm, Quốc hội cũng đã "giục" rồi, cần phải sớm điều chỉnh. Trong đó các quy định trong tính thuế TNCN như khởi điểm thu nhập chịu thuế, mức GTGC, bậc chịu thuế... không được cập nhật theo biến động của lương tối thiểu, giá cả và lạm phát.
 

- Đại biểu NGUYỄN QUANG HUÂN (Bình Dương):

Cần sớm xem xét nâng mức GTGC sát thực tế

Cần thay đổi cách tính giảm trừ gia cảnh - Ảnh 2.

 

Không chỉ tại kỳ họp này mà từ các kỳ họp trước, rất nhiều ý kiến cử tri, đại biểu đã nêu rõ những bất cập, lạc hậu, đồng thời đề nghị cần sớm điều chỉnh mức GTGC của thuế TNCN.

Việc Bộ Tài chính lấy lý do CPI biến động chưa đến 20% để rồi vẫn giữ mức GTGC là không ổn. Trong thực tế với mức giảm trừ 4,4 triệu đồng/tháng với người phụ thuộc là không đủ nuôi một đứa trẻ ở thành phố, bởi riêng tiền ăn, tiền học thôi cũng cao hơn nhiều mức này.

Bộ Tài chính nên có nghiên cứu, đánh giá cụ thể để xem xét sớm sửa đổi, điều chỉnh mức GTGC cũng như tổng thể Luật Thuế TNCN.

Mức GTGC áp dụng từ năm 2020 chỉ phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, mức lương cơ sở, tối thiểu vùng, chỉ số giá tiêu dùng, thu nhập của thời điểm đó.

Đến nay sau 4 năm, mức lương cơ sở đã tăng qua các năm và từ 1-7 năm nay, mức lương cơ sở đã tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng, lương tối thiểu vùng cũng điều chỉnh tăng.

Chưa kể rất nhiều hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đều tăng giá mạnh, thậm chí có hàng hóa, dịch vụ thiết yếu còn tăng nhanh hơn tăng thu nhập của người dân...

Theo tôi, khi GDP tăng, mức sống tăng, giá cả tăng... phải sớm điều chỉnh mức GTGC để sát với thực tế. Bộ Tài chính cũng nên nghiên cứu quy định mức GTGC điều chỉnh phù hợp với mức lạm phát. Nếu không điều chỉnh hằng năm, có thể 2 - 3 năm điều chỉnh/lần.

Đồng thời nên nghiên cứu để đưa tỉ lệ tăng mức trần hằng năm và giao cho Chính phủ quy định chi tiết hằng năm sẽ linh hoạt hơn, chứ không phải cứ đến lúc cần Chính phủ lại phải xin ý kiến.

Theo https://tuoitre.vn/can-thay-doi-cach-tinh-giam-tru-gia-canh-20241107222517258.htm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây