Xây nhà trên đất trồng rừng sản xuất bị xử phạt như thế nào ?

Thứ năm - 11/01/2024 02:24
(Phản biện) - Bà Nguyễn Thị Phượng Loan và một số người khác ở phường Ghềnh Ráng (TP. Quy Nhơn) hỏi: "Gia đình tôi và rất nhiều hộ gia đình nữa xây dựng nhà tạm trên đất trồng rừng sản xuất từ năm 2008 để trồng trọt và chăn nuôi. Mới đây, UBND phường Ghềnh Ráng tổ chức cưỡng chế tháo dỡ, như vậy có đúng pháp luật không xin Luật gia cho biết ?
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vấn đề bà Loan hỏi, Luật gia Lê Văn Trung (0911338786) - Văn phòng Tư vấn luật miễn phí tại 40/2 Trần Lương, TP. Quy Nhơn giải thích như sau:

 

Tại Điều 10 Luật Đất đai 2013 quy định nhà ở chỉ được xây dựng trên đất ở. Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 170 Luật Đất đai 2013 quy định một trong những nghĩa vụ của người sử dụng đất là phải sử dụng đất đúng mục đích.

Đồng thời, theo Điều 57 Luật Đất đai 2013, trường hợp chuyển từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp phải được sự cho phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

Theo thông tin bà Loan cung cấp, gia đình bà và các hộ gia đình khác đã xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp (đất rừng) khi chưa được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ năm 2008. Hành vi của bà và các hộ gia đình khác là chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo  Điều 10 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, mức phạt cụ thể như sau:

“2. Chuyển đất rừng đặc dụng là rừng trồng, đất rừng phòng hộ là rừng trồng, đất rừng sản xuất là rừng trồng sang đất phi nông nghiệp thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,02 héc ta;

3. Trường hợp chuyển đất rừng đặc dụng là rừng tự nhiên, đất rừng phòng hộ là rừng tự nhiên, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên sang mục đích khác thì hình thức và mức xử phạt được thực hiện bằng 02 lần mức phạt tương ứng với từng trường hợp chuyển mục đích quy định các khoản 1 và 2 Điều này”.

Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm. 

Tuy nhiên do hết thời hiệu xử phạt VPHC nên chỉ bị chế tài bằng biện pháp khắc phục hậu quả, theo quy định tại khoản 4  Điều 10 Nghị định 91/2019/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và khoản 3 Điều này, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

b) Buộc đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 22 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP;

c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này; số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định này./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây