Như vậy, hàng tháng, các ngân hàng thương mại phải cung cấp cho cơ quan thuế về thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế gồm: tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản. Cơ quan thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của thông tin theo quy định của pháp luật.
Việc bắt buộc trao đổi thông tin cá nhân người nộp thuế của ngân hàng thương mại với cơ quan thuế được xem là bước tiến quan trọng để giúp ngành thuế rà soát và thu thuế đúng các đối tượng.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng phải khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế của nhà cung cấp ở nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam kinh doanh thương mại điện tử, trên các nền tảng số với tổ chức, cá nhân trong nước.
Cũng theo quy định mới nêu tại Nghị định 126, tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của 3 quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập cả năm. Dẫn đến nguy cơ hàng ngàn DN sẽ đối mặt với nguy cơ phạt chậm nộp thuế khi hiệu quả kinh doanh quý 4 tăng vượt trội so với các quý đầu năm. Đặc biệt, nghị định 126 cũng quy định trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 3 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu.
Bà Lê Thị Duyên Hải – Vụ trưởng Vụ Kê khai và kế toán, Tổng cục Thuế – cho biết, khi nào có quyết toán thuế năm thì cơ quan thuế mới tính số tiền thuế DN phải nộp của cả năm. Tuy nhiên, đến thời điểm 30/10, DN phải nộp đủ 75% tổng tiền thuế phải nộp cả năm. Nếu chưa đủ 75% thì DN sẽ bị tính tiền chậm nộp số tiền thuế bị thiếu từ ngày 1/11 đến ngày nộp. Còn tiền thuế quý 4, DN được nộp cho đến thời điểm quyết toán là 30-3 năm sau. Bà Hải ví dụ, một DN A có tổng số tiền thuế phải nộp năm 2019 là 1 tỉ đồng. Theo quy định, đến ngày 30/10, số tiền thuế mà DN phải nộp không thấp hơn 750 triệu đồng. Tuy nhiên, DN mới chỉ tạm nộp 650 triệu đồng thì đến ngày 30/11, DN nộp thêm 100 triệu đồng nữa. Như vậy, DN vẫn bị phạt tiền chậm nộp tính trên 100 triệu đồng trong 1 tháng.
Đồng quan điểm với bà Lê Thị Duyên Hải, bà Tạ Thị Kiều Trang – Kế toán trưởng một công ty Sao Việt ở Hà Nội, cho biết: “ Với cách tính trên, giả sử doanh thu và lợi nhuận quý 4 cao trội hơn hẳn so với các quý đầu năm thì đồng nghĩa số tiền thuế phải nộp sẽ tăng lên, khả năng bị phạt chậm nộp thuế cũng tăng lên. Vô tình DN mang tiếng không tuân thủ tốt nghĩa vụ thuế mà chính sách này có vẻ không khuyến khích DN hoạt động kinh doanh hiệu quả. Một nghịch lý trong quy định mới là hầu như các DN đều cân đối doanh thu chi phí vào quý 4 nên dù có tạm nộp đúng trong 3 quý đầu năm thì cứ doanh thu quý 4 tăng lên, DN từ làm đúng cũng trở thành sai. “
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Công ty TNHH Food cho biết: “Quy định này như muốn ép DN phải nộp nhiều hơn tiền thuế nếu không muốn khả năng bị phạt tiền chậm nộp: “Số thuế 3 quý đầu năm nếu không được nộp ít hơn 75% số thuế của cả năm thì khác nào bắt DN phải chắc chắn tương lai. Dịch bệnh, thiên tai và những biến động bất thường năm nay và những năm tới, việc đoán trước doanh thu và lợi nhuận để ra số thuế phải nộp của cả năm là điều không tưởng. Quy định như trên có phần máy móc và không khác nào ép DN tạm nộp trước khi chưa biết doanh thu thế nào. Trong khi một số ngành nghề theo mùa vụ thì chu kỳ sản xuất rơi vào 3 tháng cuối năm.Nếu thực hiện đúng nghị định 126 thì rõ ràng chúng tôi đang “bị chiếm dụng vốn”. Cơ quan thuế hoạch định như thế chẳng khác nào đánh đố chúng tôi”.
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Luật SB LAW, đồng thời là Gảng viên thỉnh giảng về môn Pháp Luật Kinh doanh tại Học Viện Tư Pháp – Bộ Tư Pháp: “Theo nhiều DN, quy định trước đây DN chỉ tạm nộp thuế TNDN 4 quý không thấp hơn 80% so với số thuế phải nộp cả năm. Mà hạn cuối tạm nộp thuế TNDN quý 4 là 30/1 năm sau. Khi đó DN đã kết thúc năm tài chính, nên tính được số thuế TNDN phải tạm nộp, ít có khả năng bị tính tiền chậm nộp thuế.Với quy định mới, DN không đoán chắc được doanh thu thì sẽ phải nộp dư để tránh nguy cơ bị phạt. Phần nộp dư này theo quy định DN có thể xin hoàn nhưng thủ tục phức tạp nên hầu như DN chịu treo ở đó rồi khấu trừ vào quý sau.
Về thời điểm hiệu lực của quy định trên, Tổng cục Thuế cho biết sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền để có hướng dẫn cụ thể. Có thể thấy, Nghị định 126 trên là tin vui cho ngành thuế, chấm dứt việc “khó khăn” đi xin thông tin của người nộp thuế. Tuy nhiên, việc thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp của 3 quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập cả năm là vấn đề “đánh đố” doanh nghiệp!
Nguồn bài viết: http://doanhnghiephoinhap.vn/nghi-dinh-126-tin-vui-cho-nganh-thue-nhung-danh-do-doanh-nghiep.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn