Thành tựu kinh tế đất nước 5 năm qua: Gặt hái quả ngọt từ kết quả cải chính sách pháp luật đột phá !
Thứ sáu - 18/12/2020 05:05
(TVLMP) – Đánh giá thành tựu kinh tế đất nước đạt được 5 năm qua, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức và nhiều yếu tố bất định, Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025 trình Đại hội XIII của Đảng đã ghi nhận: Nền kinh tế chuyển biến tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo hướng hiện đại, đồng bộ và hội nhập được coi là một trong 3 khâu đột phá chiến lược.
Từ “cởi trói”… quyền tự do kinh doanh
Trọng tâm của việc từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN theo hướng hiện đại, đồng bộ và hội nhập, là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch thuận lợi. Có nghĩa hình thành hệ thống pháp luật về kinh tế khá đầy đủ, tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình sở hữu hoạt động…
Cùng với Hiến pháp năm 2013, Luật Đất đai 2013… đánh giá trên có thể nhìn thấy qua hàng loạt đạo luật được ban hành và sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016 – 2020, đó là: Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Đầu tư 2014, Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về Thuế 2014… Bên cạnh đó là nhiều văn bản dưới luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành được ban hành kịp thời.
Với nhiều điểm mới chưa từng có, Luật DN Luật DN 2014 (gồm 10 chương 213 điều) được xem như cuộc đột phá thể chế lần hai về đổi mới tư duy về quyền kinh doanh, đáp ứng được sự mong mỏi, chờ đợi của người dân và doanh nghiệp; kể từ sau cuộc đột phá về thể chế lần thứ nhất của mang tên “Luật Doanh nghiệp” năm 1999 . Từ đây, người dân thực sự được quyền tự do kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm (trái ngược với nguyên tắc trước đó là người dân chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép), thể hiện đúng tinh thần Hiến pháp 2013.
Không những cởi trói về quyền kinh doanh mà hàng loạt các điều chỉnh khác của Luật DN 2014 mang tính cải cách hành chính quan trọng, góp phần tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, cởi mở chưa từng có, như: Thủ tục thành lập DN đơn giản, rút ngắn thời hạn giải quyết không quá 3 ngày; bãi bỏ yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, xác nhận vốn pháp định cho hồ sơ đăng ký thành lập DN, không yêu cầu vốn tối thiểu; không bắt buộc cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho cơ quan đăng ký kinh doanh trong hồ sơ đăng ký thành lập….
Vào thời điểm đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh nhận định: “Luật Doanh nghiệp hiện hành là một cuộc cách mạng trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, được cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá rất cao”.
Cùng với Luật DN 2014, Luật Đầu tư 2014 cũng kịp thời được sửa đổi ban hành. Hai bộ luật trở thành “song kiếm hợp bích”, tạo nên điều kiện cần và đủ góp phần tháo phăng những lực cản còn khiến cho nhà đầu tư do dự. Lần đầu tiên trong cấp độ văn bản luật, Luật ĐT 2014 ghi rõ 06 ngành nghề và lĩnh vực bị cấm đầu tư kinh doanh; và dành riêng một phụ lục liệt kê 267 ngành nghề đầu tư có điều kiện. Đây là phương pháp rất khó mà trên thế giới, ít nước áp dụng, thể hiện đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013 là quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Những gì pháp luật không cấm thì người dân và doanh nghiệp được tự do đầu tư kinh doanh. DN đã tìm thấy cơ hội kinh doanh và niềm tin vào thị trường.
Những thay đổi mang tính đột phá về thể chế từ 2 đạo luật trên đã tạo ra hiệu ứng tích cực đối với người dân và DN. Kết thúc năm 2016, năm đầu tiên của nhiệm kỳ 5 năm (2016 – 2020), số lượng DN đăng ký thành lập mới lập kỷ lục với con số 110,1 nghìn DN, tăng 16,2% so với 2015; 2 năm tiếp theo (2018 và 2019), số lượng DN thành lập mới tiếp tục xác lập kỷ lục với những con số chưa từng có: Năm 2018 có 131.300 DN thành lập mới; năm 2019 có 138.100 DN thành lập mới. Năm cuối cùng kết thúc nhiệm kỳ Đại hội Đảng XII, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid 19, số DN đăng ký thành lập mới đến tháng 10/2020 đã đạt tới con số 111.160 doanh nghiệp, giảm nhẹ 2,9% so với cùng kỳ năm 2019.
“Giai đoạn 2016 - 2019, trung bình mỗi năm có khoảng 126,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp tăng hơn 1,8 lần so với năm 2015” (Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện 5 năm trình Đại hội Đảng XIII)
Sự gia tăng về số lượng DN thành lập mới qua từng năm, chứng tỏ khung khổ pháp lý mới cùng với các giải pháp của Chính phủ trong việc hỗ trợ, khuyến khích DN phát triển trong nhiệm kỳ qua đã phát huy hiệu quả, môi trường kinh doanh được cải thiện rõ rệt, DN đã tìm thấy cơ hội kinh doanh và niềm tin vào thị trường.
Đến tháo gỡ “nút thắt”… thị trường bất động sản và nhà ở
Thị trường BĐS Việt Nam chứng kiến cuộc suy thoái lần thứ 3 kéo dài 4 năm (2010 – 2013). Tuy nhiên kể từ năm 2015 trở đi, thì mọi chuyện đã khác: Chuyển từ trạng thái “đóng băng” sang “tan băng”.
Phép mầu ở đây là những điều chỉnh mang tính đột phá từ 2 bộ luật được sửa đổi, bổ sung: Luật Nhà ở 2014 và Luật KDBĐS 2014, có hiệu lực từ năm 2015. Theo đó, sự lệch pha cung – cầu, tình trạng đầu tư tự phát, tràn lan về BĐS đã cơ bản được khắc phục, bỡi hàng loạt các quy định mới như: Bãi bỏ quy định bắt buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS khi bán, cho thuê, cho thuê mua BĐS phải thông qua sàn giao dịch BĐS; muốn bán, cho thuê mua nhà ở đối với nhà ở hình thành trong tương lai, chủ dự án phải có bảo lãnh và có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua…
Hoạt động thị trường BĐS mang tính thị trường hơn và chuyên nghiệp hơn với quy định, kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS, sàn giao dịch BĐS, tư vấn BĐS và dịch vụ quản lý BĐS bắt buộc phải thành lập DN. Đặc biệt, kể từ sau 01/7/2015, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài đều có thể thành lập DN kinh doanh BĐS dưới nhiều hình thức. Theo đó mở ra nhiều cơ hội hơn cho nhà đầu FDI khi đầu tư, kinh doanh trên thị trường BĐS Việt Nam, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của hội nhập là không phân biệt đối xử.
“Thể chế phát triển thị trường bất động sản và quyền sử dụng đất được hoàn thiện và hoạt động bền vững hơn, huy động được nguồn vốn cho phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn cung và lượng giao dịch thành công ở các phân khúc thị trường bất động sản, nhất là nhà ở đều có sự tăng trưởng tốt” (Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện 5 năm trình Đại hội Đảng XIII )
Kích hoạt cùng Luật KDBĐS 2014 là Luật Nhà ở sửa đổi 2014. Trong đó, quy định mang tính đột phá là mở rộng đối tượng tham gia, cho phép người nước ngoài và người Việt Nam định cư tại nước ngoài được mua nhà tại Việt Nam, tạo ra niềm tin và phát triển phân khúc BĐS cao cấp.
Cùng với chính sách điều hành linh hoạt của Chính phủ, những đổi mới căn bản từ 2 bộ luật trên không những làm thay đổi thị trường BĐS từ trạng thái tĩnh sang động, tạo điều kiện thuận lợi hơn để thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển thị trường BĐS, nhà ở; mà còn đảm bảo yêu cầu tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước nhằm kiểm soát thị trường phát triển ổn định, lành mạnh trong dài hạn.
Trong số 110,1 nghìn DN đăng ký thành lập mới được xác lập kỷ lục trong năm 2016, số DN kinh doanh BĐS đăng ký thành lập mới chiếm 83,9% và tăng 234,2% về vốn đăng ký. Nếu nhìn từ tỷ lệ gia tăng của ngành nghề thì ngành KDBĐS chiếm vị trí số 1, tăng tới 62% số lượng DN so với cùng kỳ năm 2016. Đặc biệt, ngành kinh doanh BĐS tiếp tục có số vốn đăng ký mới nhiều nhất với 388.376 tỷ đồng, chiếm 30%. Từ nền tảng đó, thị trường BĐS những năm tiếp theo tiếp tục chuyển dịch theo hướng bền vững từ phân khúc bình dân đến phân khúc cao cấp và hạng sang, trong đó dự án BĐS có pháp lý hoàn thiện ngày càng lên ngôi, thu hút nhiều đối tượng là Việt kiều và các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ...
Trước những quan ngại (từ cuối năm 2019 đến nửa đầu năm 2020), thị trường BĐS bị sụt giảm mạnh cả về nguồn cung và cầu do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid 19; các chuyên gia kinh tế cho rằng không đáng quan ngại vì giá sản phẩm không giảm sâu như các giai đoạn suy thoái trước đó, thậm chí đây là khoảng lặng cần thiết để có một thị trường BĐS ổn định và tạo đà bứt phá trong thời gian tới. Thị trường BĐS chuyển từ trạng thái tĩnh sang động
Chuyển từ tư duy quản lý hành chính sang phục vụ doanh nghiệp
Đổi mới tư duy mà trước hết là tư duy kinh tế, coi phát triển kinh tế là một trong những trụ cột trọng tâm để đất nước phát triển, đòi hỏi lãnh đạo các cấp trước hết cần phải lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, lấy phục vụ người dân và doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu. Trong sự thay đổi đó, có thể nói việc thay đổi tư duy, từ quản lý hành chính doanh nghiệp sang tư duy phục vụ doanh nghiệp là thay đổi mang tính đột phá chiến lược, được ví như một cuộc cách mạng về tiếp cận doanh nghiệp có ý nghĩa vô cùng to lớn.
Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 – 2020) trình Đại hội Đảng XIII đánh giá: Vai trò của Nhà nước được điều chỉnh phù hợp hơn với cơ chế thị trường, về cơ bản, đã thiết lập được khung pháp luật và bộ máy thực thi hiệu quả hơn. Cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương thường xuyên đối thoại, lắng nghe ý kiến cộng đồng doanh nghiệp và người dân để có phản ứng chính sách kịp thời, giải quyết ngay và dứt điểm những vướng mắc, bất cập của môi trường đầu tư, kinh doanh, các chính sách an sinh xã hội…
Chưa có lúc nào như những năm gần đây, báo chí liên tục nhắc đến những cụm từ đối thoại giữa chính quyền địa phương với DN, đặc biệt là người đứng đầu Chính phủ với DN, như: Hội nghị “Diên hồng” Thủ tướng đối thoại với 2000 DN (5/2017); Thủ tướng lần thứ ba trực tiếp đối thoại cùng nông dân (7/2020); Thủ tướng đối thoại cùng thanh niên (11/2020)… Đã xuất hiện những lãnh đạo thực sự là “công bộc” không ngồi ở trụ sở để chờ DN đến mà tích cực chủ động đến với DN để hiểu hơn về DN và hỗ trợ cho DN.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Chính quyền Singapore và các công chức Singapore vẫn thường xuyên đến thăm các doanh nghiệp nhưng không phải để “hạch sách” “vòi vĩnh” doanh nghiệp mà để tìm hiểu xem doanh nghiệp cần những gì ? mà hơn thế, còn được các doanh nhân, doanh nghiệp tư vấn về mặt chính sách, chia sẻ về những kiến thức, kinh nghiệm thị trường.
Trong gần 4 năm qua (2016 – 2019) các bộ, ngành đã trình ban hành 29 văn bản quy phạm pháp luật để chính thức cắt giảm 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh (đạt 110,6%, vượt 10,6% so với yêu cầu); 6.776/9.926 danh mục mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành cùng 30/120 thủ tục hành chính liên quan kiểm tra chuyên ngành… Môi trường kinh doanh nhờ đó ngày càng thông thoáng, thuận lợi, rào cản gia nhập thi trường được dỡ bỏ, củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào nỗ lực cải cách của Chính phủ.
Cùng với đó là hàng loạt các chính sách cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn cho DN được Chính phủ ban hành (Nghị quyết số 35/NQ-CP ban hành 2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo…) được triển khai và áp dụng đã tạo lập niềm tin cho người dân, DN vào sự chuyên nghiệp hoá của các cơ quan công quyền, hành chính.
Hành lang pháp lý cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng được quyết liệt xây dựng, ban hành: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi năm 2017, cùng các nghị định, thông tư dưới luật đã thể hiện quyết tâm của các cơ quan chức năng trong đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Tinh thần khởi nghiệp vì thế lan toả rộng rãi, xu hướng phát triển các mô hình kinh doanh dựa trên đổi mới, sáng tạo diễn ra sôi động.
Gặt hái quả ngọt từ kết quả cải cách thể chế
Khu vực DN ngày càng khẳng định vị trí quan trọng của mình khi đóng góp cho ngân sách Nhà nước tăng 12,4%/năm (2010 – 2017), tương đương trên 60% trong GDP của toàn bộ nền kinh tế và là khu vực quan trọng nhất đóng góp vào quy mô và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước. Tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực DN năm 2017 đạt 876,7 nghìn tỷ đồng, tăng 23,1% so với năm 2016; đóng góp vào NSNN đạt 954,1 nghìn tỷ đồng.
Năm 2019, toàn ngành Thuế đã thực hiện tổng thu ngân sách đạt 1.276.400 tỷ đồng, vượt 9,3% dự toán. Trong đó, riêng tổng số thuế TNDN đã nộp của các DN trong danh sách V.1000 năm 2019 đã đóng góp 61,5% tổng thu ngân sách nhà nước về thuế TNDN, bằng 118,1% so với số đã nộp của các DN trong danh sách V.1000 năm 2018…
Bức tranh kinh tế - xã hội của Việt Nam không ngừng được cải thiện. Đặc biệt là năm 2019, khép lại với những thành tựu rất ấn tượng: Tăng trưởng kinh tế đạt 7,02%, đây là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7% kể từ năm 2011. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát thấp nhất trong 3 năm qua. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vượt mốc 500 tỷ USD. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm dần, thu nhập của người lao động tăng lên. An sinh xã hội được quan tâm thực hiện.
Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ 5 năm qua trình Đại hội Đảng XIII nhận xét: Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát luôn được kiểm soát ở mức thấp, mặc dù năm cuối nhiệm kỳ bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 vẫn đạt khoảng 5,9%/năm. Quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người tăng lên (năm 2020, GDP ước đạt 268,4 tỉ USD và thu nhập bình quân đầu người ước đạt 2.750 USD/người/năm). Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động tăng từ 4,3%/năm giai đoạn 2011 - 2015 lên 5,8%/năm giai đoạn 2016 - 2020. Tọa đàm trực tuyến Đưa Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị vào cuộc sống với chủ đề “Kinh tế tư nhân đầu tư hạ tầng, phát triển năng lượng sạch” do báo Nhân Dân điện tử tổ chức
Vĩ thanh
Với thành tựu kinh tế đất nước gặt hái được trong 5 năm qua, có thể nói vai trò đóng góp của khu vực DN là vô cùng to lớn. Sự lớn mạnh của khu vực DN, càng chứng tỏ đường lối đổi mới của Đảng trong thời kỳ mới và chính sách pháp luật của Nhà nước cải cách theo hướng hiện đại, đồng bộ và hội nhập là đúng đắn, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng.
Đấy chính là cơ sở vững chắc là tiền đề để chúng ta phát huy tiếp tục thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới (2021 – 2025), như mục tiêu trong văn kiện trình Đại hội Đảng XIII, xác định: “Bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016 - 2020, đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp…”
5 năm tới nền kinh tế phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Song chúng ta đang có nhiều cơ hội, đó là thế và lực của đất nước sau gần 35 năm đổi mới đã lớn mạnh hơn nhiều cả về quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tình hình chính trị - xã hội; kinh tế vĩ mô ổn định, niềm tin của cộng đồng DN và xã hội tăng lên. Uy tín, vị thế đất nước ngày càng được củng cố trên trường quốc tế…
Tuy nhiên để tận dụng cơ hội và lợi thế đó, đòi hỏi phải cải cách thể chế kinh tế mạnh mẽ hơn nữa, tạo cơ hội mở rộng thị trường, đầu tư cho phát triển công nghiệp và thực hiện công nghiệp hoá; xây dựng, thử nghiệm, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các mô hình kinh doanh mới ứng dụng công nghệ cao, mô hình kinh tế chia sẻ, giao dịch, quản lý các tài sản kỹ thuật số, đầu tư mạo hiểm, các phương thức thanh toán mới, hệ thống xác thực và định danh điện tử.
Đặc biệt là hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số. Đẩy nhanh xây dựng khung chính sách, pháp luật đối với xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số.