Việt Nam đã trúng cử vị trí Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu cao kỷ lục. Không chỉ góp những tiếng nói chủ động và tích cực vào các diễn đàn của Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã tham gia mạnh mẽ hơn vào thúc đẩy hòa bình quốc tế, độc lập, chủ quyền và tiến bộ xã hội, đảm bảo quyền con người – Đó là những lĩnh vực mà Liên Hợp Quốc luôn đề cao.
Các nhân viên gìn giữ hòa bình của Việt Nam và Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan. Nguồn: Peacekeeping.un.org. |
192 trên tổng số 193 phiếu – Một con số cao trúng cử cao kỷ lục trong lịch sử bầu các thành viên của Liên Hợp Quốc. Ngày 7/6/2019 đã đánh dấu sự trở lại đầy thuyết phục của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Kết quả này phản ánh sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam và ngược lại cũng là thành quả xứng đáng của Việt Nam sau quá trình dài vận động và đóng góp vào hòa bình, an ninh thế giới - những nhiệm vụ cốt lõi của Hội đồng Bảo an.
Tổng thống Estonia Kersti Kaljulaid cho rằng: “Tôi rất vui mừng khi thấy Việt Nam đã được bầu vào vị trí Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an với số phiếu rất cao. Điều đó cũng đồng nghĩa với trách nhiệm, một trách nhiệm rất lớn của Việt nam ở vị trí này trong nhiệm kỳ tới. Chúng tôi chờ đợi sự đóng góp của Việt Nam trong tương lai gần, trong các vấn đề mà thế giới đang quan tâm)
Cùng chung quan điểm với bà Kersti, bà Caitlin Wiesen – Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam bày tỏ tin tưởng, Việt Nam có thể đóng góp trên 3 khía cạnh ở vị trí này: “Thứ nhất là ổn định hòa bình thế giới, ví dụ cụ thể là Việt Nam đã tham gia bệnh viện dã chiến cấp 2 và tôi biết VN đang nỗ lực muốn tham gia vào các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình khác ví dụ như các vấn đề về bom mìn. Khía cạnh thứ 2 là biến đổi khí hậu. Các bạn cũng là thành viên sáng lập của nhóm V20 của 20 nước chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và cuối cùng Việt Nam là cầu nối giữa Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc với ASEAN”.
Để có được sự tin tưởng này, Việt Nam đã có những đóng góp không mệt mỏi trong quá trình hơn 40 năm tham gia vào Liên Hợp Quốc. Việt Nam đã đảm nhận vị trí Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009 với những dấu ấn đáng kể. Ngay cả khi đã kết thúc nhiệm kỳ, Việt Nam cũng tiếp tục cống hiến không ngừng nghỉ với các vai trò như thành viên Hội đồng nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016, Hội đồng kinh tế và xã hội LHQ (2015-2019) và Hội đồng chấp hành UNESCO (2017-2021). Dấu ấn rõ nét gần nhất của Việt Nam trong công tác thúc đẩy giải pháp hòa bình là việc tổ chức thành công Thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội, một sự kiện cầu nối để Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đối thoại và tiến gần hơn tới các vấn đề xung quanh tình hình hạt nhân Triều Tiên.
Theo Tiến sỹ Lê Đình Tĩnh, thuộc Học viên ngoại giao Việt Nam xứng đáng nhận được sự tín nhiệm của quốc tế. Bởi, đây là mức độ tự tin mới tâm thế mới ở mức cao hơn của Việt Nam trong ngoại giao đa phương: “Tôi nghĩ sự tự tin đó có ít nhất 3 cơ sở: Cơ sở thứ nhất chính là nền tảng thảnh công của ngoại giao VN, trong đó có ngoại giao đa phương trong thời gian vừa qua. Cơ sở thứ 2 chính là những kinh nghiệm cụ thể của VN tại Liên Hợp quốc và đặc biệt trong Hội đồng Bảo an. Cơ sở thứ 3 là sự ủng hộ của các nước trong khu vực và các quốc gia ở ngoài khu vực.”
Năm 2019, Việt Nam cũng tiếp tục tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc khi đưa Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 sang Nam Sudan - một trong những địa bàn nóng nhất trên thế giới hiện nay. Đây là đợt triển khai lực lượng tham gia phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc lớn nhất mà Việt Nam tham gia từ năm 2013. Trong năm 2020, gần 300 binh sỹ công binh của Việt Nam cũng đã sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ quốc tế của Liên Hợp Quốc. Đây là một trong những cam kết lớn của Việt Nam đối với các vấn đề gìn giữ hòa bình thế giới.
Việt Nam đã tổ chức nhiều hội thảo để tham vấn về việc ứng cử vị trí Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Nguồn: VOV |
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh – thứ trưởng Bộ quốc phòng Việt Nam khẳng định, có 2 căn cứ để chúng ta tham gia. Trước hết đó là nhu cầu của cộng đồng quốc tế, mà cụ thể là Liên hợp quốc. Thứ 2 là khả năng của chúng ta. Chúng tôi đã từng nói với Liên hợp quốc rằng, chúng tôi sẽ cử lực lượng đi khi nào các lực lượng của Việt Nam có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Liên Hợp Quốc.
Liên Hợp Quốc tiếp tục trở thành một diễn đàn để Việt Nam triển khai các yêu cầu của chính sách đối ngoại phục vụ cho quá trình hội nhập và phát triển. Việt Nam sẽ chọn con đường tiếp tục tham gia sâu hơn, rộng hơn vào các cơ chế hợp tác của Liên Hợp quốc. Khởi đầu cho chặng đường mới 2020, với việc đảm nhận vị trí chủ tịch Hội đồng Bảo An, Việt Nam sẽ có cơ hội đóng góp lớn hơn vào hoạt động của cơ chế lớn nhất hành tinh này.
Đề cập đến những nhiệm vụ quan trọng của Việt Nam trong hoạt động của Liên Hợp quốc, đặc biệt là tại Hội đồng Bảo an trong năm 2020, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh: “Ưu tiên của chúng ta là tăng cường vai trò của chỉ nghĩa đa phương, tôn trọng luật pháp quốc tế. Với kinh nghiệm của mình, chúng ta muốn đóng góp vào các vấn đề của LHQ như giải quyết sau xung đột, vấn đề phụ nữ trẻ em trong xung đột, xử lý bom mìn sau xung đột. Khi tham gia HĐBA LHQ thì mục đích của chúng ta là xây dựng môi trường ổn định trên thế giới và khu vực”.
Trên cương vị của mình, Việt Nam cam kết sẽ theo đuổi những giá trị mục tiêu và nguyên tắc trong Hiến chương LHQ. Đồng thời mở rộng hơn sự hợp tác và sẵn sàng làm việc với tất cả các quốc gia thành viên để giải quyết tất cả những thách thức mang tính truyền thống và phi truyền thống đối với toàn cầu./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn