Nhận diện và đề xuất giải pháp ngăn chặn các thủ đoạn chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT ?!

Thứ sáu - 05/03/2021 02:13
(TVLMP) – Thực trạng doanh nghiệp (DN) trục lợi từ hoàn thuế VAT gây thiệt hại ngân sách nhà nước đang ở mức báo động. Mới đây Tổng cục Thuế đã phát đi văn bản yêu cầu các Cục thuế các tỉnh, thành phố chủ động rà soát và thanh kiểm tra các doanh nghiệp (DN) kinh doanh hàng hóa (linh kiện, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, hàng nông lâm thủy hải sản…) để có biện pháp ngăn chặn hành vi tương tự. Vì sao cho đến nay thực trạng này vẫn chưa được ngăn chặn ? Luật gia Vũ Lê Minh sẽ “mổ xẻ” sâu hơn những thủ đoạn hoàn thuế VAT mà tội phạm đang sử dụng...
Bịt kẽ hở VAT
Bịt kẽ hở VAT
Nghìn lẻ một” thủ đoạn… chiếm đoạt tiền hoàn thuế

1. Trước đó ngày 30/12/2020, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) và C03 - Bộ Công an đã họp và thống nhất với Viện KSNDTC khởi tố vụ án có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật về hoàn thuế GTGT về các tội danh: Buôn lậu (Điều 188); Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới (Điều 189); Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (Điều 341) – BLHS 2015.
 
Các cơ quan có chức năng nhận định, đây là vụ án chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp. Vụ án lôi kéo nhiều đối tượng tham gia, có sự chỉ đạo chặt chẽ giữa đối tượng chủ mưu cầm đầu và các đối tượng giúp sức; phạm vi hoạt động rộng và thời gian kéo dài từ 2017 đến nay. Căn cứ vào tài liệu thu giữ được, đến thời điểm này Tổng cục Thuế xác định đã có hơn 70 DN liên quan… Bước đầu, Tổng cục Hải quan đã làm rõ được 2 DN chiếm 336,5 tỷ đồng tiền hoàn thuế VAT. Trong đó, Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức (có trụ sở tại Q1, TP.HCM) chiếm đoạt 261 tỉ đồng/sau 17 lần hoàn thuế VAT (2/2018 – 8/2019); Công ty CP thương mại Sài Gòn Tây Nam (có trụ sở tại huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh) chiếm đoạt số tiền 75,5 tỷ đồng (3/2018 – 5/2020).

Thủ đoạn phạm tội chủ yếu của các đối tượng: Thành lập công ty con trong nước, mua bán hàng hóa nhập khẩu khai báo có giá trị rất thấp, sau đó mua bán với DN khác nâng khống giá lên hàng trăm lần (có những lô hàng lô hàng chỉ có trọng lượng vài ký đến vài chục ký nhưng trị giá khai báo lên đến vài tỉ đến vài chục tỉ đồng), làm giả hồ sơ để xuất khẩu, làm thủ tục hoàn thuế để chiếm đoạt số tiền hàng trăm tỉ đồng, gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước.

Tổng cục Thuế cảnh báo, với thủ đoạn trên đang tiềm ẩn nguy cơ mua hóa đơn, kê khống giá trị hóa đơn trong nội địa để nâng khống giá trị hàng hóa xuất khẩu nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT. Để đối phó với lực lượng có chức năng, các đối tượng (các DN vi phạm) thành lập DN “ảo” (còn gọi là DN ma), không đăng ký địa chỉ kinh doanh ổn định và liên tục thay đổi người đại diện pháp luật; hợp thức hóa dòng tiền giao dịch bằng động tác chuyển lòng vòng (từ DN F1 sang DN F2. Cá nhân của DN F2 rút tiền mặt hoặc chuyển khoản cho cá nhân khác không phải là DN mua hàng của DN F2 để nộp tiền vào tài khoản của DN F2 hoặc DN F1).

2. Tuy nhiên thủ đoạn trên chỉ là phần nổi của tảng băng. Theo quy định tại Thông tư 219/2013/TT-BTC: “Thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; hoạt động xây dựng, lắp đặt công trình ở nước ngoài và ở trong khu phi thuế quan; vận tải quốc tế; hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế GTGT khi xuất khẩu”.

Từ quy định trên, các đối tượng phạm tội tìm mọi cách lập hồ sơ hàng hóa xuất khẩu nằm trong diện có số thuế GTGT bằng 0% để được hoàn thuế 100% (như mặt hàng: Phụ tùng, vật tư thay thế để sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, máy móc thiết bị cho bên nước ngoài và tiêu dùng ở ngoài Việt Nam... ). Ngoài áp dụng thuế suất bằng 0%, lợi dụng chính sách kích cầu, giảm khó khăn cho các DN của Chính phủ, DN còn kê khai sai thuế suất của một số mặt hàng được giảm thuế suất 50% xác định không đúng đối tượng hoặc trên cùng hoá đơn có mặt hàng được giảm và không được giảm nhưng không tách riêng.

Việc cố tình kê nhầm thuế suất thuế đầu ra kê khai thuế GTGT mặt hàng chịu thuế suất 10% thành mặt hàng chịu thuế suất thấp hơn là 5%, hoặc đưa mặt hàng thuộc diện chịu thuế sang mặt hàng không chịu thuế; cố tình “khai man” thuế đầu vào khai thuế suất 5% (vận chuyển, hàng nông sản, đất, đá, cát sỏi) thành 10% để được tăng khấu trừ hoặc hoàn thuế cũng diễn ra phổ biến ở các DN kinh doanh các mặt hàng được ưu đãi thuế suất.

3. Ngoài các thủ đoạn hoàn thuế trên, theo Ths. Luật sư Lưu Bá Khiết (Đoàn Luật sư TP.HCM) có thể nhận diện các thủ đoạn gian lận thuế VAT như: Bán hàng không xuất hoá đơn để che dấu doanh thu đầu ra, nhằm chiếm đoạt tiền thuế GTGT người mua đã nộp cho người bán, đồng thời tránh tối đa nghĩa vụ thuế phải nộp. Một số DN không kê khai hoặc kê khai thiếu doanh thu tính thuế GTGT của hoạt động xây dựng, kinh doanh bất động sản (xây nhà để bán). Phần lớn DN gian lận bằng cách xuất hoá đơn chưa kịp thời hoặc hàng hoá, dịch vụ đã hoàn thành bàn giao nhưng chưa thu được tiền của khách hàng nên chưa ghi nhận doanh thu và xuất hoá đơn.

Hoặc để né doanh thu, DN chỉ kê khai doanh thu và thuế GTGT theo giá trị đã thanh toán tiền mà không kê khai doanh thu theo biên bản nghiệm thu công trình bàn giao; hoặc thu tiền của khách hàng theo tiến độ hợp đồng nhưng lờ đi việc kê khai thuế GTGT theo quy địnhh. Hoặc sử dụng “chiêu” điều chuyển số thuế GTGT hàng tháng, tránh bật dương thuế quá lớn, ảnh hưởng đến dòng tiền và nghĩa vụ phải nộp.

Một thủ đoạn khác, theo một cán bộ thuế tiết lộ, cũng đang được các DN sử dụng để chiếm đoạt thuế VAT. Viện lý do đối với hàng hoá tiêu dùng nội bộ, không phát sinh doanh thu, lợi nhuận và cơ quan thuế cũng ít để ý đến, nên rất nhiều các DN chủ động kê khai thiếu thuế GTGT đầu ra để giảm nghĩa vụ phải nộp thuế; hoặc không kê khai thuế GTGT.

Nhiều DN còn lợi dụng kẽ hở cán bộ thanh tra chỉ kiểm tra tính hợp lý của bảng kê (chấm hóa đơn) mà không để ý đến các khoản điều chỉnh tăng, giảm thuế GTGT của kỳ trước nên DN đã cố tình điều chỉnh giảm doanh thu và thuế GTGT đầu ra (giảm) và điều chỉnh tăng thuế GTGT đầu vào của kỳ trước (tăng) không đủ cơ sở, các khoản điều chỉnh không có hóa đơn, chứng từ kèm theo chứng minh, dẫn đến giảm thuế GTGT phải nộp kỳ này hoặc tăng thuế GTGT được khấu trừ chuyển sang kỳ sau nhằm gian lận thuế.

Kiến nghị giải pháp ngăn chặn các thủ đoạn chiếm đoạt thuế VAT

1. Từ các chiêu thức chiếm đoạt tiền thuế VAT như đã phân tích ở trên, việc Tổng cục Thuế ban hành Văn bản yêu cầu các Cục thuế rà soát các DN kinh doanh hàng hóa có rủi ro cao (như linh kiện, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, hàng nông lâm thủy hải sản… dễ có hành vi tương tự về hoàn thuế GTGT) để thực hiện thanh, kiểm tra theo quy định, kịp thời phát hiện và có biện pháp ngăn chặn, chỉ là xử lý phần ngọn.

Muốn xử lý tận gốc vấn nạn, trước hết cần phải có biện pháp ngăn chặn và triệt tiêu DN “ma”. Nan giải là hiện nay với quy định “thông thoáng” của Luật Doanh nghiệp 2020, bất cứ ai (miễn không phải tội phạm, bị tâm thần…) thì cũng đều đăng ký thành lập DN; dễ đến mức không cần đi lại mà ngồi tại chỗ qua mạng điện tử cũng vẫn có thể hoàn thành thủ tục thành lập DN. Thậm chí bọn tội phạm tội phạm còn sử dụng giấy tờ giả, mua hộ khẩu, lấy CMND của người khác... để thành lập DN. Sau khi thành lập, chỉ cần mượn một nhà quen gắn biển DN lên là xong, còn hoạt động như thế nào là chuyện nội bộ.

Hoặc sử dụng “chiêu” đăng ký kinh doanh với rất nhiều ngành nghề, nhưng thực tế không có trụ sở kinh doanh, kho hàng, thành lập ra DN là để bán hóa đơn GTGT cho các cá nhân và tổ chức hoạt động kinh doanh khác sử dụng vào việc hợp thức hàng hóa buôn lậu trốn thuế hoặc chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT của Nhà nước. Vậy nên mới có chuyện Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hào Hùng (vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” bị Công an Hà Tĩnh khởi tố cuối năm 2019), đặt trụ sở tại địa bàn khối 10, thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, chỉ là một ki-ốt nhỏ, nhưng có hành vi chiếm đoạt tiền thuế VAT gần 60 tỷ đồng. Mặc dù Lê Khánh Hào làm giám đốc nhưng mọi hoạt động của DN này đều do bị can Hoàng Thị Hậu điều hành…

Như vậy, để ngăn chặn DN “ma” nhưng đảm bảo tinh thần của Hiến pháp và sự thông thoáng của Luật DN (mọi người đều có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm), pháp luật cần bổ sung quy định về hậu kiểm sau đăng ký thành lập DN và xử lý thật nặng đối với những trường hợp “treo đầu dê…”. Đồng thời các cơ quan có chức năng cần phát hiện và sớm ngăn chặn những DN có dấu hiệu thành lập ra chỉ để mua bán và cung cấp hóa đơn nhằm hợp pháp hóa đầu vào cho DN khác. Nếu như hành vi này bị phát hiện khi mới ở mức vài công ty thì mức độ thất thu NSNN chắc chắn sẽ giảm rất nhiều.

2. Cần phải sửa đổi Luật Thuế GTGT theo hướng triệt tiêu dần những ưu đãi không còn phù hợp với hội nhập, để không còn “mảnh đất màu mỡ” cho bọn tội phạm lợi dụng. Trong đó trước hết cần bổ sung đối tượng chịu thuế VAT. Hay nói cách khác cần sửa đổi Luật GTGT theo hướng giảm dần số lượng đối tượng được miễn, giảm thuế suất VAT.

Theo quy định của Luật Thuế GTGT, hiện nay đối với hàng hóa là nông, lâm, thủy, hải sản chưa qua chế biến không phân biệt trực tiếp sản xuất hay kinh doanh thương mại là đối tượng không chịu thuế GTGT. Điều này có tác dụng bảo hộ sản xuất kinh doanh trong nước đối với những mặt hàng này nhưng ở chiều ngược lại sẽ khiến cho các mặt hàng này giảm bớt khả năng cạnh tranh và trở thành nguyên cớ để các quốc gia dựng rào cản thương mại.

Lấy ví dụ từ mặt hàng phân bón. Do thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nên mặt hàng phân bón không được khấu trừ thuế GTGT của nguyên vật liệu, dịch vụ dùng trong sản xuất. Từ đó, chi phí sản xuất phân bón tăng lên, DN buộc phải tính phần thuế GTGT không được khấu trừ này vào chi phí giá thành sản phẩm, khiến người nông dân vẫn phải mua phân bón nội địa với giá cao. Hệ quả là mặt hàng phân bón nội địa bị người nông dân “quay lưng” để tìm đến phân bón ngoại nhập.

Với xu hướng hội nhập, khuyến khích nông dân tích cực thực hiện liên kết với DN, góp đất hoặc cho DN thuê đất để đầu tư sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, sản xuất sạch thì việc quay trở lại áp thuế GTGT đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy, hải sản cũng là việc mở rộng cơ sở thuế, bảo đảm tính liên hoàn của thuế GTGT.

Tương tự như vậy đối với các loại thiết bị, máy móc chuyên dùng thuộc dây chuyền công nghệ, vật tư xây dựng trong nước chưa sản xuất được, cần nhập khẩu không phải chịu thuế GTGT là chính sách khuyến khích cần thiết nhằm giúp các nhà đầu tư không phải ứng vốn để trả trước tiền thuế. Tuy nhiên qua thời gian thực hiện, ngành Thuế rất khó xác định hết danh mục các đối tượng diện này. Và, khi không quản lý hết được thì vô tình sắc thuế này đang tạo ra một cuộc cạnh tranh không cân sức đối với các loại thiết bị, máy móc chuyên dùng thuộc dây chuyền công nghệ, vật tư xây dựng trong nước có thể sản xuất được.

Vụ trưởng Vụ chính sách Thuế (Bộ Tài chính) Phạm Đình Thi cho biết, Bộ Tài chính đã nghiên cứu kiến nghị của doanh nghiệp và đưa vào nội dung sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng; trong đó, có nội dung chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 5%. 

Theo tờ Đầu tư Online (cập nhật 01/3/2021): “Nếu sớm nhất thì đến tháng 7/2021, diễn ra kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, những khó khăn liên quan đến thuế GTGT của các DN sản xuất phân bón trong nước mới có thể được xem xét”

      
3. Tại khoản 10, Điều 1, Thông tư số 26/2015/TT-BTC, Bộ Tài chính quy định: “Chỉ áp dụng khấu trừ thuế GTGT đầu vào khi các hóa đơn có trị giá trên 20 triệu đồng trở lên có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt”. Được hiểu là điều kiện để được khấu trừ thuế VAT đầu vào khi các hóa đơn có giá trị trên 20 triệu đồng phải được thanh toán qua ngân hàng; trừ trường hợp tổng giá trị thanh toán đã có thuế từng lần theo hóa đơn dưới 20 triệu đồng. Việc phân biệt giao dịch có giá trị dưới 20 triệu đồng không cần phải thanh toán qua ngân hàng vẫn được khấu trừ thuế VAT vô hình trung trở thành kẽ hở để các DN gian lận thuế, bằng cách tách hóa đơn có giá trị giao dịch lớn thành nhiều hóa đơn có giá trị giao dịch nhỏ, cơ quan thuế rất khó kiểm soát được hiện tượng này.

Do đó, giải pháp đưa ra là Bộ Tài chính cần sửa đổi Thông tư 26 có quy định bắt buộc mọi nghiệp vụ kinh tế của DN dù lớn hay nhỏ đều phải thanh toán qua ngân hàng nhằm giảm thiểu sự khai khống, khai sai số thuế GTGT đầu vào, giảm thất thu NSNN. Đồng thời, cũng cần quy định thời gian khấu trừ và hoàn thuế nên cùng tháng kê khai thuế. Buộc DN tuân thủ các điều kiện và thủ tục theo quy định về khấu trừ, hoàn thuế, nộp thuế cần khấu trừ, hoàn thuế và thu thuế ngay trong tháng nhằm bảo đảm lợi ích từ hai phía Nhà nước và DN.

4. Hoạt động thương mại điện tử tăng nhanh nhưng việc quản lý các giao dịch điện tử, trong đó có vấn đề quản lý và thu thuế phát sinh từ các giao dịch này vẫn là một vấn đề còn khá mới mẻ đối với các cơ quan Nhà nước. Trên thực tế các cơ quan có thẩm quyền còn tỏ ra lúng túng trong việc quản lý, hướng dẫn kê khai và nộp thuế đối với các đối tượng có liên quan, dẫn đến phát sinh những kẽ hở để các DN, cá nhân kinh doanh qua internet lợi dụng, gây thất thoát nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Vì vậy để sắc thuế GTGT thực sự đi vào cuộc sống và phát huy tối đa tác dụng của một công cụ quản lý, điều tiết vĩ mô nền kinh tế, ngoài những quy định cụ thể, chặt chẽ, nghiêm minh và phù hợp với thực tế trong các văn bản pháp quy thì việc tăng cường nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ công chức Thuế và Hải quan cả về năng lực và phẩm chất đạo đức là vô cùng cần thiết.

Tác giả bài viết: VŨ LÊ MINH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây