Nền kinh tế Việt Nam năm 2021 cần tranh thủ những yếu tố ngoại lực nào để đạt mục tiêu tăng trưởng dương?

Thứ ba - 09/03/2021 04:55
(TVLMP) – Mặc dù năm 2020 nền kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng dương 2,4% trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lan rộng, trở thành một trong 4 nền kinh tế trên thế giới có được sự tăng trưởng về GDP bình quân đầu người. Thế nhưng bước sang năm 2021, ngay từ đầu năm, nền kinh tế nước ta đối mặt với nhiều thách thức hoàn toàn khác, đặc biệt là chịu sự tác động trực tiếp từ đại dịch COVID-19 hoành hành. Vì vậy để đạt được mục tiêu tăng trưởng dương năm 2021, theo các chuyên gia, bên cạnh yếu tố nội lực, Việt Nam cần phải “tranh thủ” có hiệu quả các yếu tố ngoại lực ?
Chúng ta hoàn toàn có quyền trông đợi Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được kí kết từ 4 năm trước sẽ phát huy vào năm 2021
Chúng ta hoàn toàn có quyền trông đợi Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được kí kết từ 4 năm trước sẽ phát huy vào năm 2021

* Bài viết của Luật gia Vũ Lê Minh

Mục tiêu phấn đấu năm 2021 của Chính phủ:“1. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP): Khoảng 6,5% (kế hoạch năm 2021 Quốc hội giao là khoảng 6%); 2. GDP bình quân đầu người: Khoảng 3.700 USD; 3. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân: Khoảng 4%…” (Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021)


Tác động từ các FTA đã ký kết trong năm 2020 và trước đó

1. Đến thời điểm này, mặc dù số người mắc Covid 19 đợt 3 tăng hơn 2 đợt trước nhưng chúng ta có niềm tin đại dịch sẽ được khống chế và Việt Nam sẽ tiếp tục lập được kỳ tích trong đẩy lùi đại dịch như đã từng làm trong năm 2020. Điều đó có nghĩa các lợi thế và thách thức từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết trong năm 2020 và trước đó sẽ không có thay đổi đáng kể về lộ trình tác động đến nền kinh tế Việt Nam như đã xác định trong đàm phán

Đến nay, Việt Nam tham gia 16 FTA, trong đó có 13 FTA đã có hiệu lực. Năm 2020 cũng là năm Việt Nam có thêm nhiều FTA có hiệu lực và được ký kết mới, trong đó nổi bật là RCEP và UKVFTA. Với những nội dung cam kết toàn diện và ở mức cao, các FTA này đã tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam trong năm 2021 và các năm tới.

Sau gần 10 năm đàm phán, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ 01/8/2020, được ví như “đường cao tốc” nối Việt Nam với Liên minh Châu Âu (EU), thị trường quy mô GDP 15.000 tỷ USD, giúp phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19. Đây là cơ hội để Việt Nam đa dạng hoá các mặt hàng nông sản, thuỷ sản hay dệt may, da giày… vào thị trường 27 nước Châu Âu, hay thu hút nhiều hơn dòng vốn ngoại từ các doanh nghiệp khu vực này thời gian tới.

Là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai (sau Mỹ) với kim ngạch hai chiều tăng gần 14 lần, EU hiện là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng gần 15 lần từ 2,8 tỷ USD lên 41,54 tỷ USD. Theo Bộ Công Thương, sau khi Hiệp định có hiệu lực gần như 100% các dòng thuế theo lộ trình 7-10 năm, số ít dòng thuế còn lại cũng được hưởng hạn ngạch với thuế suất 0%.

EVFTA sẽ giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm hai bên có thế mạnh như nông sản nhiệt đới, thủy sản, giày dép, dệt may, đồ gỗ… của Việt Nam và những mặt hàng ô tô, dược phẩm, hóa chất từ EU. Rõ ràng là trong bối cảnh dịch bệnh và biến động thị trường phức tạp, khó lường, EVFTA được kỳ vọng mang lại nhiều cơ hội to lớn, tạo động lực mới vực dậy xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế.

2. Trong khi đó, sau 8 năm đàm phán, ngày 15/11/2020, tại Hà Nội, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức ký kết, bỡi 15 nước thành viên, gồm: Brunei, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Nhật Bản, New Zealand, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc.

RCEP được coi là FTA có quy mô lớn nhất thế giới và mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp các nước thành viên. 15 nước với 2,2 tỷ người, quy mô GDP 26.200 tỷ USD, tạo nên khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, sẽ là cơ hội để nền kinh tế nước ta định vị lại các chuỗi cung ứng và phát triển các chuỗi cung ứng mới trên phạm vi toàn cầu.

Hiệp định cũng thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN trong bối cảnh các chuỗi cung ứng bất ổn gần đây. Việc thực thi RCEP cũng tạo nên khuôn khổ pháp lý ràng buộc trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử… và tạo ra sân chơi công bằng trong khu vực. PGS.TS Ngô Trí Long đánh giá: “RCEP hứa hẹn giúp kinh tế Việt Nam tăng tốc kinh sau đại dịch COVID-19”.

3. Ngày 11/12/2020, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Elizabeth Truss đã ký Biên bản Kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Vương quốc Anh (UKVFTA). Đây là FTA tiếp nối quan hệ thương mại Việt – Anh khi EVFTA không còn áp dụng với Anh sau 31/12/2020 vì Brexit.

Theo Bộ Công thương, với UKVFTA, Việt Nam sẽ có thêm cơ hội hợp tác, đầu tư, chuyển giao công nghệ, thu hút khách du lịch Anh sau khi Covid-19 kết thúc. Đặc biệt là có thêm lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ mạnh đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia… là những nước không có triển vọng ký kết FTA với Anh trong nhiều năm tới.

Chien tranh thuong mai
Xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn khiến cho các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế có nhu cầu dịch chuyển địa điểm sản xuất để tránh mức thuế cao. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với Việt Nam.

Được biết theo cam kết, sau 6 năm UKVFTA có hiệu lực, Anh sẽ xoá bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định đi vào hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu.

Sau 6 năm số dòng thuế được xoá bỏ nâng lên 91,8%, tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu và sau 9 năm sẽ là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch). Theo tính toán thì giá trị thuế nhập khẩu mà hàng hóa Việt Nam tiết kiệm được khi vào Anh ước đạt 3.500 tỷ đồng/năm, có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh đại dịch.

Anh hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam tại châu Âu (sau Đức và Hà Lan). Về đầu tư, đến hết tháng 8/2020, Anh có 400 dự án còn hiệu lực đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt 3,6 tỷ USD, đứng thứ 16 trong số các nước và vũng lãnh thổ đang có dự án đầu tư tại Việt Nam.

Tại báo cáo Vietnam at a glance – Tỏa sáng trong một năm thật đặc biệt, khối Nghiên cứu Kinh tế toàn cầu của HSBC cho rằng, trong năm 2021 Việt Nam sẽ hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ổn định và công nghệ sẽ dẫn đầu quá trình phục hồi.


Trông đợi Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương kiểu mới tái lập

Ngoài những FTA đã ký kết trong năm 2020 và trước đó, chúng ta hoàn toàn có quyền trông đợi một FTA thế hệ mới lớn nhất sẽ tái lập, đó là Hiệp định kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) – một tổ chức thương mại đã từng được manh nha từ 4 năm trước.

Cho đến thời điểm này, trong chính sách 100 ngày đầu mặc dù chưa hé lộ nhưng nhiều khả năng tân Tổng thống Mỹ Biden sẽ đưa nước Mỹ tái gia nhập (TPP) dưới một số hình thức mới. Trước đó trong quá trình tranh cử, theo CNBC, ông Biden đã để ngỏ khả năng này nếu đắc cử. “Không phải là một thỏa thuận hoàn hảo, nhưng đó là một cách tốt để các nước xích lại gần nhau “nhằm kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc”, ông Biden nói.

Hiệp định TPP được ký kết vào tháng 2/2016 bởi 12 quốc gia bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Canada, Úc và Việt Nam nhưng rất tiếc là chưa được Quốc hội Mỹ thông qua. Đến năm 2017, Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ ra khỏi TPP. Theo đó Hiệp định mới có tên là CPTPP (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership) ra đời vào tháng 3/2018, bởi 11 nước còn lại.

Như vậy nếu nước Mỹ tái gia nhập TPP, đây sẽ là một lợi thế lớn đối với các nước thành viên trong đó có Việt Nam. Bởi 12 nước thành viên chiếm khoảng 40% GDP nền kinh tế thế giới; trong khi Trung Quốc, nước không gia nhập chỉ chiếm 18-20% toàn cầu.

Việt Nam là quốc gia nằm ở cửa ngõ đi vào Châu Á từ Thái Bình Dương và gần đây trở thành tâm điểm chú ý trong chính sách của các nước, trong đó có Mỹ. Với lợi thế đó, nhiều chuyên gia kỳ vọng, dưới thời Joe Biden, Mỹ quay lại TPP và các chính sách thương mại với Việt Nam sẽ phù hợp hơn.

Theo nghiên cứu của VEPR, Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất về kinh tế trong số 12 nước tham gia TPP. Cụ thể GDP có thể tăng từ 1,03% đến 2,11%, tương đương với giá trị tuyệt đối là 1,4 tỷ USD đến 2,9 tỷ USD, chủ yếu là nhờ vào tăng đầu tư và tiêu dùng. Còn thu nhập của người dân có thể tăng thêm 13% và kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng tới 37% vào năm 2025. Với những ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam như dệt may, da giày có thể được hưởng mức thuế suất bằng 0 hoặc thấp như vậy khi tiếp cận các thị trường lớn như Mỹ. Còn đối với ngành thủy sản, TPP có thể sẽ giúp Việt Nam dỡ bỏ được loại thuế chống bán phá giá, trong khi đó, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam sẽ không bị ảnh hưởng bởi chi phí sản xuất thấp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận hành cảng và logistics sẽ được hưởng lợi gián tiếp, khi dòng chảy thương mại mạnh sẽ kéo theo nhu cầu vận tải và dịch vụ logistics tăng. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển các khu công nghiệp cũng sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn do làn sóng doanh nghiệp sản xuất của nước ngoài sẽ đổ bộ vào Việt Nam trước và sau Hiệp định, và kéo theo đó là nhu cầu xây dựng nhà máy và cơ sở hạ tầng tăng lên, giúp cho ngành xây dựng cũng được cải thiện vượt bậc.

Hiệp định
Sau gần 10 năm đàm phán, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết vào ngày 306/2019 (có hiệu lực từ 01/8/2020), được ví như “đường cao tốc” nối Việt Nam với Liên minh Châu Âu (EU),


Tận dụng các lợi thế khác

Với quan hệ Trung Quốc, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đã khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại nặng nề. Dù đã đạt được thỏa thuận Giai đoạn Một, thuế suất Mỹ áp lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn ở mức trung bình 19,3%, cao gấp 6 lần so với trước khi xung đột bắt đầu vào năm 2018. Trong khi đó, thuế suất trung bình Trung Quốc áp lên hàng nhập khẩu Mỹ là 20,3%.

Mặc dù nước Mỹ được dẫn dắt bởi Tổng thống Biden nhưng theo giới quan sát, quan hệ Trung – Mỹ sẽ khó quay trở lại tình trạng như trước năm 2016. Lý do quan hệ hai nước đã vượt qua ngưỡng quay đầu, không còn tùy thuộc vào quyết định của mỗi cá nhân nữa. Mặt khác trong quá trình tranh cử, lập trường của ông Biden về Trung Quốc được cho rất gần giống với ông Trump. Vì vậy cơ sở để chúng ta tin rằng cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc sẽ được nối tiếp trong nhiệm kỳ của Tổng thống thuộc Đảng Dân chủ.

Điều đó cho thấy, kinh tế thế giới 2021 còn nhiều bất định, rủi ro, thách thức từ bên ngoài vẫn đang hiện hữu. Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục các biện pháp để kiềm chế Trung Quốc về kinh tế – thương mại – công nghệ và có thể củng cố được liên minh với một số nước đối tác để thực hiện các biện pháp này. Rất có thể, ông Biden cũng sẽ sử dụng một số chiến thuật tương tự như của chính quyền cựu Tổng thống Trump đối với các ông lớn công nghệ Trung Quốc (như Huawei và TikTok), như kiểm soát xuất khẩu và hạn chế đầu tư, nhưng cách thực hiện sẽ rất khác.

Xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn khiến cho các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế có nhu cầu dịch chuyển địa điểm sản xuất để tránh mức thuế cao. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với Việt Nam.

Mặt khác, chính sách thương mại và đối ngoại của Đảng Dân chủ có sự mềm mỏng và ôn hoà hơn so với chính sách “American first” (Nước Mỹ trên hết) của Trump. Do đó, theo các chuyên gia, quan hệ thương mại giữa chính quyền Biden và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, nhiều khả năng không chỉ dựa trên yếu tố hai bên cùng có lợi mà còn có thể có những ưu đãi nhất định. Mỹ cần một đồng minh với lợi thế địa chính trị như Việt Nam. Như vậy, Việt Nam vẫn có nhiều điều kiện để có thể thu hút được dòng vốn FDI chất lượng cao.

Vấn đề đặt ra là, Việt Nam không phải là điểm đến duy nhất của dòng chuyển dịch. Thương chiến và Covid-19 vẫn là rủi ro tiềm ẩn. Sự kết hợp của hai yếu tố này cũng góp phần thúc đẩy các doanh nghiệp toàn cầu đầu tư ngược trở lại nước sở tại, bao gồm các doanh nghiệp Bắc Mỹ và Châu Âu. Vì vậy VN cần phải chuẩn bị hành trang tốt nhất để tận dụng các lợi thế.

Bên cạnh sự dịch chuyển của dòng vốn FDI, dòng chảy của vốn đầu tư gián tiếp (FII) vào Việt Nam cũng được giới chuyên gia đặt nhiều kỳ vọng khi nền kinh tế lớn nhất thế giới dưới thời tân Tổng thống Mỹ.

Thay lời kết

Cơ hội từ các hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam ký kết mở ra những cánh cửa lớn cho Việt Nam đi vào thị trường thế giới. Tuy nhiên, để tận dụng được các yếu tố ngoại lực góp phần đảm bảo đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đặt ra năm 2021, trước hết vẫn phải tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, không để lan ra cộng đồng.

Nếu đại dịch Covid-19 được kiểm soát không những “giúp nâng cao vị thế của Việt Nam như một đối tác thương mại lớn” và các mối quan hệ thương mại của Việt Nam với các quốc gia khác được “tiếp thêm động lực” (như tờ Proactiveinvestors.co.uk (Anh) nhận định); mà sẽ tạo điều kiện để cả nước tập trung phục hồi và phát triển các hoạt động kinh tế – xã hội, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả.

Cùng với đó là, ưu tiên đẩy mạnh cải cách thể chế theo hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế, phù hợp thông lệ quốc tế và tiến trình hội nhập mà Việt Nam cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do. Coi đó là điều kiện tiên quyết để tận dụng có hiệu quả các yếu tố ngoại lực. Qua đó bảo đảm tính minh bạch, công khai, không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước; tạo môi trường thật sư thông thoáng, để thu hút được nhiều nguồn lực FDI dịch chuyển vào Việt Nam.

Cần phải thấy rằng, thông qua những cam kết từ các Hiệp định, Việt Nam sẽ có cơ hội cải thiện các vấn đề liên quan đến biện pháp phòng vệ thương mại, cơ hội tốt để chuyển từ nền kinh tế phi thị trường sang nền kinh tế thị trường trong tương lai. Tuy nhiên bên cạnh đó, các FTA thế hệ mới cũng tiềm ẩn những rủi ro, nhất là đối với Hiệp định TPP nếu được tái lập. Khi TPP được ký kết và thực thi, những ngành kém lợi thế, sức cạnh tranh yếu sẽ bị thiệt hại ở nhiều mức độ khác nhau. Điều đó có nghĩa trong cải cách thể chế không chỉ chú trọng các điều kiện thông thoáng, chúng ta cũng có những hệ thống chính sách hạn chế tác động ngược mà đầu tư nước ngoài mang lại ví dụ như chuyển giá, gian lận thuế, những rủi ro từ các vụ kiện do xung đột thương mại…

Nguồn https://phaply.net.vn/nen-kinh-te-viet-nam-nam-2021-can-tranh-thu-nhung-yeu-to-ngoai-luc-nao-de-dat-muc-tieu-tang-truong-duong/

Các chuyên gia phân tích của Ngân hàng UOB dự báo: “Năm 2021, chúng tôi tiếp tục dự đoán tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 7,1%, nhờ mức tăng trưởng thấp năm 2020 cũng như những yếu tố thuận lợi như các thỏa thuận tự do thương mại đã ký kết thời gian gần đây. Mức này cao hơn nhiều so với chỉ tiêu chính thức của Việt Nam đang đặt ra là 6% cho năm 2021”.

Ngân hàng HSBC cho rằng, năm 2021, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi do công nghệ dẫn đầu và dòng vốn FDI rất kiên định. Do vậy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 được kỳ vọng sẽ đạt mức 8,1% (dự báo trước đây là 8,5%).

 

Tác giả bài viết: Luật gia Vũ Lê Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây