Giải mã mỏ cát An Giang có giá khởi điểm từ 7,2 tỷ doanh nghiệp đấu giá lên tới 2.811 tỷ (?!)

Thứ năm - 15/04/2021 02:56
(TVLMP) - Từ giá khởi điểm 7,2 tỷ đồng, một doanh nghiệp ở TP. HCM đã vượt qua 19 DN khác trong phiên đấu giá để giành quyền khai thác mỏ cát trên sông Tiền với giá trúng đấu giá là 2.811 tỷ đồng. Vụ việc gây chấn động dư luận vì ngay cả DN cùng ngành nghề khai thác cát cũng không hiểu nổi mục tiêu và động cơ mà DN trúng đấu giá hướng tới là gì. Bài viết sau đây của Luật gia, Nhà báo Minh Trung đăng trên Tạp chí Pháp lý (15.4.2021) sẽ giải mã được sự thật, dưới góc nhìn pháp luật ?!
Từ 7,2 tỷ đồng mỏ cát trên sông Tiền được một DN ở TP.HCM đấu giá trúng 2.811 tỷ, làm choáng váng giới đầu tư và dư luận.
Từ 7,2 tỷ đồng mỏ cát trên sông Tiền được một DN ở TP.HCM đấu giá trúng 2.811 tỷ, làm choáng váng giới đầu tư và dư luận.
Bài 1.  Góc khuất nhìn từ quy định nộp tiền lần đầu và nộp thành nhiều lần

Trước những thông tin trái chiều, cho đến thời điểm này, phía Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ T-S.HOME (TP.HCM) - doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ cát trên sông Tiền tại địa phận xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang (theo Thông báo đấu giá tài sản số 08/TB.ĐGTS ngày 22-1-2021 của Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh An Giang) với giá khủng, vẫn còn giữ thái độ im lặng.

Nguồn tin cho hay, tại địa chỉ: Số 14 đường số 11, khu dân cư ven sông, phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM - nơi Công ty T- S.HOME đặt trụ sở làm việc vẫn cửa đóng then gài. Đáng chú ý, ngành nghề ĐKKD kinh doanh chính của Công ty không phải là khai thác cát mà là giặt là, làm sạch các sản phẩm dệt và lông thú, bên cạnh đó là vệ sinh nhà cửa và các công trình khác... Trong khi đó thông tin từ phía Sở TN&MT tỉnh An Giang cho biết, đại diện phía DN đã liên hệ với cơ quan có chức năng để được hướng dẫn thủ tục pháp lý tiếp theo nhằm hoàn tất thủ tục khai thác mỏ cát như mức giá đã đấu giá trúng.

Với trữ lượng của mỏ cát Bình Phước Xuân, tạm tính gần 2,5 triệu m3 và với giá cát trên thị trường tại thời điểm, các DN không trúng đấu giá tại phiên đấu giá cho rằng DN trúng đấu giá sẽ lỗ đậm. Bỡi ngoài khoản tiền phải nộp đấu giá trúng, DN còn phải đầu tư phương tiện và nhân lực để khai thác; đến khi khai thác, DN còn sẽ phải nộp các loại thuế như: Thuế tài nguyên 15% giá trị cát; thuế GTGT 10%; phí bảo vệ môi trường 4.000 đồng/m3. Do đó chính các DN kinh doanh cùng ngành nghề cũng hoài nghi động cơ của DN trúng đấu giá ?

Có ý kiến cho rằng, DN quyết đấu giành quyền khai thác mỏ cát là động tác giả, mục đích chính là để nhường quyền đấu giá trúng cho DN đấu giá có mức giá cao liền kề. Tuy nhiên khả năng này là không thể xảy ra vì nếu có sẽ trái với quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Đấu giá tài sản 2016. Theo đó, điều kiện để đấu giá viên công bố người có mức trả giá liền kề trúng đấu giá chỉ xảy ra khi tại cuộc đấu giá mà người trúng đấu giá từ chối kết quả trúng đấu giá; và người trả giá liền kề chấp nhận mua tài sản đấu giá có mức giá trả cộng với khoản tiền đặt trước ít nhất bằng giá đã trả của người từ chối kết quả trúng đấu giá (có nghĩa số tiền chấp nhận nộp thấp hơn không đáng kể chỉ là 1,4 tỷ đồng).

Khoản 1 Điều 51 Luật ĐGTS 2016: Trường hợp đấu giá theo phương thức trả giá lên, sau khi đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá đã công bố người trúng đấu giá mà tại cuộc đấu giá người này từ chối kết quả trúng đấu giá thì người trả giá liền kề là người trúng đấu giá, nếu giá liền kề đó cộng với khoản tiền đặt trước ít nhất bằng giá đã trả của người từ chối kết quả trúng đấu giá và người trả giá liền kề chấp nhận mua tài sản đấu giá.


Trong khi đó theo ông Nguyễn Việt Trí, GĐ Sở TN&MT tỉnh An Giang, nếu Công ty T-S.HOME bỏ cuộc thì không những mất khoản tiền đặt trước 1,4 tỷ đồng mà còn mất quyền tham gia đấu giá các mỏ cát khác. Chắc chắn Công ty T-S.HOME  sẽ không lựa chọn giải pháp mất “cả chì lẫn chài”, càng không có lý do bỏ ra chừng ấy khoản tiền để chỉ đánh bóng thương hiệu. Vậy động cơ chính thức của DN là gì ?

Tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 67/2019/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, quy định về phương thức thu nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, có nội dung điều chỉnh như sau: “Thu nhiều lần đối với các trường hợp không thuộc trường hợp (Giấy phép khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh có thời gian khai thác đến 03 năm hoặc tổng giá trị tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đến 500 triệu đồng).

Cách thu được quy định như sau: Lần đầu thu với số tiền được tính bằng 30% tổng số tiền chia cho nửa thời hạn khai thác. Từ lần thứ hai thu bằng tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản trừ (-) đi số tiền thu lần đầu và chia đều cho số năm phải nộp còn lại và hoàn thành việc thu vào nửa đầu thời hạn cấp phép”.

Đối chiếu với quy định trên, sau 90 ngày kể từ ngày nhận được Thông báo trúng đấu giá của cơ quan có thẩm quyền, Công ty T-S.HOME chỉ cần nộp lần đầu với số tiền khoảng 140 tỷ đồng (trong tổng số tiền khủng 2.811 tỷ) là đủ điều kiện để được cấp quyền khai thác khoáng sản. Số tiền còn lại, Công ty được quyền nộp thành nhiều lần trong khoảng thời gian không quá 6 năm (tức nửa đầu thời hạn cấp phép đối với mỏ cát là 12 năm). Như vậy áp lực về nghĩa vụ tài chính phải nộp không còn quá lớn đối với DN. Trong khi đó số tiền còn lại phải nộp nhiều lần trong thời hạn 6 năm, nếu chậm nộp (theo khoản 3 Điều 14 Nghị định 67/2019 và Thông tư 130/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính), Công ty sẽ chỉ phải chịu chế tài với mức phạt 0,05%/ngày trên số tiền thuế kê khai trong thời gian nộp chậm.

Ngoài ra, các DN khai thác mỏ cát còn được quyền điều chỉnh, hoàn trả tiền cấp quyền khai thác (theo quy định tại Điều 10 Nghị đinh 67/CP), nếu như sau khi trúng đấu giá thực hiện việc tái thăm dò địa chất, trữ lượng chính thức có trữ lượng tăng thêm so với thiết kế trong Giấy phép khai thác; hoặc xin trả lại một phần diện tích khu vực khai thác khoáng sản.

Vì vậy không loại trừ khả năng từ kẽ hở trên của pháp luật mà các DN đấu giá mỏ cát nói chung nhắm đến. Nếu chọn lựa theo giải pháp này, thì nửa thời hạn cấp phép là khoảng thời gian mà các DN khai thác mỏ cát sẽ tập trung huy động mọi nguồn lực và phương thức khai thác có thể (thay vì khai thác ở độ sâu cho phép, DN lén lút khoét sâu hơn nhiều lần để vừa tăng sản lượng, vừa tận dụng được nguồn cát hạt to có giá trị gấp 3-5 lần cát thường), để tăng tốc cường độ khai thác nhằm gia tăng lợi nhuận. Số tiền phải nộp tiếp theo trong khoảng thời gian này, DN sẽ thực hiện theo phương thức nộp nhỏ giọt và chấp nhận chế tài phạt chậm. Đến khi quá thời hạn, không thể trì hoãn thời gian nộp tiền trúng đấu giá thì DN sẽ lựa chọn giải pháp “cao chạy, xa bay”… để lại hậu quả không thể đo đếm (?!)

                                                                                                                        (Còn nữa)
Theo https://phaply.net.vn/tu-vu-dn-trung-dau-gia-mo-cat-cao-hon-gia-khoi-diem-gan-400-lan-kien-nghi-bit-lo-hong-phap-luat-dau-gia-so-tien-trung-dau-gia-phai-nop-lan-dau-it-nhat-la-50/

 

Tác giả bài viết: Luật gia, Nhà báo Minh Trung 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây