Năm 2008, lần đầu tiên Việt Nam vô địch bóng đá Đông Nam Á và giành AFF Cup. Cú đánh đầu tuyệt đẹp của Công Vinh đúng vào phút đá bù giờ cuối cùng của trận chung kết lượt về trên sân Mỹ Đình đã mang lại cho Việt Nam tỷ số hòa 1-1 cùng kết quả chung cuộc thắng 3-2 trước Thái Lan.
Cả nước đã vỡ òa vì sung sướng và hạnh phúc: Việt Nam vô địch! Tuy nhiên, trong thâm tâm, tôi cũng như nhiều người đều nhận thấy, trên sân Mỹ Đình hôm đó, thần may mắn đã mỉm cười với chúng ta.
Chào mừng Đại hội Đảng XIII thành công tốt đẹp
Cảm giác tương tự đã không xuất hiện khi hơn 10 năm sau, năm 2019, cả hai đội bóng đá nam và nữ đều trở thành nhà vô địch SEA Games. Nhìn cách các tuyển thủ nước mình, đặc biệt là cầu thủ nam, chơi bóng, ai ai cũng nhận thấy rằng ta đã thắng vì đẳng cấp hơn. Mà ta đẳng cấp hơn là vì đã chuyên nghiệp hơn. Từ việc tổ chức các trường đào tạo bóng đá trẻ đến thuê huấn luyện viên giỏi, tuyển chọn và ký hợp đồng với các cầu thủ, tất cả đều được chuyên nghiệp hóa.
Chuyên nghiệp hóa xảy ra không chỉ với bóng đá mà còn với rất nhiều thiết chế khác của nước ta. Lấy Ngân hàng Nhà nước làm ví dụ, các chức năng của một ngân hàng trung ương đã được thực hiện ngày một chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Nhờ đó, lạm phát của Việt Nam luôn được kiềm chế ở mức thấp, giá trị VNĐ được giữ ở mức phù hợp trong hàng chục năm trời. Điều tương tự chúng ta cũng có thể nói về quản trị doanh nghiệp, quản lý thị trường chứng khoán, các quản trị thiết chế công khác... Sự chuyên nghiệp hóa tuy đang xảy ra không đồng đều giữa các ngành, các cấp và thiết chế khác nhau, nhưng vẫn là một xu thế ngày càng rõ, khi đất nước hội nhập càng sâu với thế giới.
Xét về bản chất, nếu những đổi mới được chúng ta tiến hành trong hơn 30 năm qua chủ yếu theo hướng tự do hóa, thì những đổi mới ngày hôm nay đang theo hướng chuyên nghiệp hóa. Phải chăng, chuyên nghiệp hóa chính là nội dung cơ bản, linh hồn của Đổi mới?
Những đổi mới theo hướng tự do hóa đã mang lại sự phát triển khá ngoạn mục cho đất nước. Từ một quốc gia thiếu đói, Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo và nông sản hàng đầu thế giới. Từ một nước nghèo, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình với tỷ lệ người nghèo theo chuẩn quốc tế năm 2019 chỉ còn khoảng 4%. Trong hàng chục năm, GDP luôn ở mức trên dưới 7%, cao nhất nhì khu vực.
Tuy nhiên, tự do hóa chỉ tạo ra khuyến khích như khuyến khích làm giàu, khuyến khích làm việc nhiều hơn, chăm chỉ hơn để trở nên giàu có. Và các khuyến khích này có vẻ cũng đã được khai thác cơ bản đến giới hạn của chúng. Chuyên nghiệp hóa mới tạo ra đẳng cấp và hiệu quả cao.
Cải cách theo hướng tự do hóa không dễ khi di sản chúng ta thừa kế là một nền quản trị tập trung, quan liêu, bao cấp. Tuy nhiên, cải cách theo hướng chuyên nghiệp hóa sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Tự do hóa đơn giản là trước đây chưa "cho phép" thì sau này "cho phép"; trước đây "cho phép" ít hơn, sau này "cho phép" nhiều hơn. Trước đây ta không cho phép bán nông sản dư thừa ra thị trường thì sau này có; trước không cho phép thành lập doanh nghiệp, sau này cấp phép; trước đây chưa cho hoạt động ngoại thương, sau này đồng ý... Còn chuyên nghiệp hóa phải có sự hiểu biết, có kỹ năng và phẩm chất.
Chuyên nghiệp hóa bắt đầu từ sự phân công lao động rạch ròi, hợp lý và khoa học giữa các thiết chế tạo nên hệ thống chính trị của chúng ta. Quan trọng là phải xóa bỏ được sự chồng chéo, trùng lắp giữa các thiết chế với nhau và giữa Trung ương với địa phương.
Chuyên nghiệp hóa còn bắt đầu từ việc minh định rạch ròi các loại hình lao động trong hệ thống. Làm chính khách không lẫn lộn với làm quan chức điều hành. Làm công chức không lẫn lộn với làm chính trị. Một công chức giỏi không nhất thiết phải trở thành chính khách giỏi. Đây là hai loại hình lao động khác nhau, đòi hỏi những năng lực khác nhau. Việc luân chuyển cán bộ là cần thiết, nhưng chỉ phù hợp cho các quan chức chính trị. Các nhà chuyên môn phải ngày càng chuyên sâu nên rất khó có thể luân chuyển. Sự lẫn lộn giữa hành pháp chính trị và hành chính công vụ, giữa các tổ chức xã hội và các tổ chức hành chính có thể làm cho hệ thống của chúng ta ít có thiết chế nào hoạt động thật sự chuyên nghiệp và hiệu quả.
Chuyên nghiệp hóa còn thể hiện ở kỹ năng nghề nghiệp. Ai làm nghề gì phải giỏi nghề đó. Làm chính khách phải giỏi hoạch định và thúc đẩy chính sách; làm công chức phải giỏi thực thi chính sách và pháp luật; làm viên chức phải giỏi chuyên môn, nghiệp vụ; làm doanh nhân tất nhiên phải giỏi kinh doanh...
Phẩm hạnh và giá trị của con người phải được đánh giá trước hết bằng phẩm chất và năng lực nghề nghiệp của họ. Không nên coi việc làm quan to hơn mới là "thành đạt" hơn. Đề cao việc phấn đấu từ viên chức lên công chức, từ công chức lên chính khách sẽ tạo ra sự khuyến khích không hợp lý, làm cho trong lĩnh vực công rất ít ai có thể thạo nghề.
Chuyên nghiệp hóa cũng thể hiện ở thái độ đối với nghề nghiệp. Làm nghề gì yêu nghề đó. Mỗi người, mỗi ngày đều phấn đấu liên tục để không ngừng hoàn thiện kỹ năng nghề nghiệp của mình, từ việc nấu ăn, lái xe, đến cả quản lý doanh nghiệp, tổ chức, điều hành đất nước.
Tất cả mọi việc đều có thể ngày hôm sau làm tốt hơn hôm trước, đều có thể nâng từ kỹ thuật lên thành nghệ thuật. Đây chính là cách cư xử của người Nhật, cũng chính là chìa khóa thành công của đất nước Nhật Bản.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nếu được coi là Đại hội của Đổi mới với tư duy chuyên nghiệp hóa mạnh mẽ hơn nữa, sẽ tạo nên sự phát triển đột phá cho đất nước.
Nguồn https://vnexpress.net/linh-hon-cua-doi-moi-4226410.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn