Từ Đại hội Đảng XII đến Đại hội Đảng XIII: LÀM GÌ ĐỂ VAI TRÒ KINH TẾ TƯ NHÂN THỰC SỰ TRỞ THÀNH ĐỘNG LỰC QUAN TRỌNG CỦA NỀN KINH TẾ ?

Thứ ba - 19/01/2021 21:49
(TVLMP) – Những đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế trong 5 năm qua là không thể phủ nhận. Mặc dù vậy, nhận xét và đánh giá về KTTN hiện nay, Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII cho rằng chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng. Làm gì để KTTN thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, đó là nỗi trăn trở của mỗi người mang trong mình dòng máu “Lạc Hồng” trước vận mệnh quốc gia ?
Chưa lúc nào như thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến phong trào khởi nghiệp diễn ra mạnh mẽ như vậy, mỗi năm ước có khoảng 130.000 doanh nghiệp được thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 1,3-1,5 triệu tỷ đồng và tạo khoảng 1,1 triệu việc làm mới.
Chưa lúc nào như thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến phong trào khởi nghiệp diễn ra mạnh mẽ như vậy, mỗi năm ước có khoảng 130.000 doanh nghiệp được thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 1,3-1,5 triệu tỷ đồng và tạo khoảng 1,1 triệu việc làm mới.
KTTN dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế

Cách đây gần 5 năm, trong Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII, vai trò của KTTN, khẳng định: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng được khuyến khích phát triển”.

Từ đó cho đến nay, những thay đổi mang tính đột phá về thể chế (nổi bật là Luật Doanh nghiệp sửa đổi 2014, Luật Đầu tư sửa đổi 2014) và chính sách (trong đó dấu ấn đậm nét là Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”), đã giúp cho khu vực KTTN trỗi dậy mạnh mẽ, bất chấp sự kỳ thị của khu vực kinh tế khác và còn nhiều rào cản, thách thức, đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Chưa lúc nào như thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến phong trào khởi nghiệp diễn ra mạnh mẽ như vậy, mỗi năm ước có khoảng 130.000 doanh nghiệp được thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 1,3-1,5 triệu tỷ đồng và tạo khoảng 1,1 triệu việc làm mới. Tại diễn đàn kinh tế tư nhân tổ chức hồi tháng 5/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: “Khu vực KTTN nổi lên như một trong những động lực quan trọng, dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế”. Nhiều chuyên gia nhận định khối KTTN đã có sự phát triển ngày càng mạnh mẽ. DNTN đang đóng vai trò quan trọng để tạo ra việc làm, thu ngân sách, củng cố nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Các tập đoàn KTTN ngày càng khẳng định vai trò và đóng góp to lớn cho nền kinh tế, trở thành mũi nhọn tại một số lĩnh vực đầu tư như du lịch, chế biến thực phẩm, công nghệ viễn thông... Điển hình trong đó là: Sun Group, Vingroup, Thaco, Masan, FPT… Các tập đoàn này không chỉ dẫn đầu ở các lĩnh vực hoạt động trong nước, mà đã và đang xây dựng, phát triển thành công những sản phẩm, công trình mang tầm vóc khu vực và thế giới, giúp thăng hạng vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

TS Nguyễn Thị Luyến - Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), các DNTN đã đóng góp quan trọng trong những giai đoạn có tính bất định như dịch bệnh COVID-19. Nhiều DNTN đã chung tay cùng Chính phủ chống dịch hiệu quả.


Dự thảo tổng kết chiến lược phát triển KT- XH 10 năm (2011 – 2020) trình Đại hội XIII, ghi nhận: “Khu vực KTTN đóng góp ngày càng lớn và trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước”; “khu vực kinh tế ngoài nhà nước trong nước (bao gồm doanh nghiệp tư nhân và kinh tế hộ gia đình) đạt tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng 43% GDP, thu hút khoảng 85% lao động đang làm việc của nền kinh tế. DNTN thành lập mới tăng nhanh cả về số lượng và vốn đăng ký; tinh thần khởi nghiệp lan toả rộng rãi”. Trong khi đó đóng góp của khu vực kinh tế nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong cùng giai đoạn chiếm tỷ trọng tương ứng lần lượt là từ 27,7% - 29,4% và từ 15,15% - 20,3%.

Những đóng góp trên đã góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh du lịch, khu đô thị, sản xuất ôtô, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại, dịch vụ; góp phần thúc đẩy nền kinh tế chuyển mình theo hướng hội nhập, hiện đại hóa… Sự trỗi dậy mạnh mẽ của khu vực KTTN càng chứng tỏ tính đúng đắn của đường lối phát triển kinh tế thị trường trên cơ sở nhiều thành phần kinh tế, trong đó KTTN là một bộ phận quan trọng.

Mặc dù vậy nhìn thẳng vào sự thật, đóng góp của khu vực KTTN vào tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng. Tỷ trọng của KTTN trong GDP ít thay đổi trong 10 năm qua. Quy mô bình quân các đơn vị KTTN trong nước còn nhỏ, chủ yếu là kinh tế cá thể đóng góp tới 30% GDP, các DNTN chỉ đóng góp khoảng 9% GDP; khả năng tham gia chuỗi giá trị và mạng sản xuất khu vực và toàn cầu còn hạn chế, chủ yếu tập trung ở các công đoạn có giá trị gia tăng thấp.. .Theo đại diện của VCCI, trong số các DNTN đang hoạt động thì doanh nghiệp lớn chỉ chiếm chưa đầy 2%, doanh nghiệp loại vừa chiếm 2%, còn lại 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược 10 năm (2011 – 2020) cũng chỉ ra những thực tế: “KTTN chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Số lượng DNTN còn ít, quy mô chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, trình độ quản trị và công nghệ lạc hậu; khả năng cạnh tranh và hiệu quả hoạt động thấp; mức độ sẵn sàng cho hội nhập và liên kết với khu vực đầu tư nước ngoài còn hạn chế. Đội ngũ doanh nhân phát triển chưa tương xứng với yêu cầu phát triển”


Không thể phủ nhận, khu vực KTTN ngày càng có vai trò lớn trong công cuộc phát triển đất nước và đã trở thành một trong những trụ cột chính của nền kinh tế. Việc được trao trọng trách giải bài toán nguồn lực đầu tư công mới đây chính là một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho thấy vai trò của KTTN ngày càng được công nhận rõ nét. Nhưng vai trò ấy chưa được phát huy thật sự đầy đủ do còn tồn tại những khó khăn, cản trở từ chính bản thân KTTN và từ bất cập trong công tác quản lý nhà nước rào cản về thể chế với KTTN. Sự bất bình đẳng giữa DNTN và DNNN hoặc doanh nghiệp FDI vẫn còn.

Chính phủ cũng chưa có những giải pháp cụ thể để tạo hành lang phát triển cho những DNTN lớn, đặc biệt là doanh nghiệp trong các lĩnh vực mũi nhọn, có thể đóng góp tối đa vào sự đi lên bền vững của nền kinh tế. Hệ thống pháp luật cũng còn nhiều quy định chưa rõ ràng, thiếu nhất quán, chứa đựng mâu thuẫn giữa quy định của pháp luật với những văn bản dưới luật. Từ đó, cả cơ quan Nhà nước và chính quyền địa phương đều gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong việc hướng dẫn nhà đầu tư triển khai dự án…
                 
DN
Bức tranh kinh tế - xã hội của Việt Nam không ngừng được cải thiện, đặc biệt là năm 2019, khép lại với những thành tựu rất ấn tượng, trong đó có vai trò đóng góp quan trọng của khu vực KTTN.


Để KTTN thực sự phát huy vai trò động lực của nền kinh tế

Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới, trình Đại hội XIII của Đảng xác định mục tiêu: Đến năm 2030, là nước đang phát triển có thu nhập trung bình cao, có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để đạt được mục tiêu trên, Đảng và Nhà nước tiếp tục định hướng: “Phát triển mạnh khu vực KTTN của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế”. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng của KTTN cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Cụ thể, đến năm 2025, có ít nhất 1,5 triệu doanh nghiệp, tỷ trọng đóng góp của khu vực KTTN vào GDP khoảng 55%; đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỉ trọng đóng góp của khu vực KTTN vào GDP đạt 60 - 65%.

Đến năm 2030, trình độ công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực, năng lực cạnh tranh của DNTN và tỷ lệ tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu được nâng lên ngang bằng với các nước dẫn đầu trong khối ASEAN (ASEAN-4). Trong giai đoạn 2021- 2030, DNTN có mức tăng trưởng bình quân số lao động khoảng 6- 8%; tăng trưởng bình quân thu nhập của người lao động đạt khoảng 25 - 30% và tăng trưởng bình quân mức đóng góp vào NSNN đạt khoảng 25%/năm…

Với định hướng trên, một lần nữa chứng tỏ Đảng và Nhà nước tiếp tục đánh giá cao và đặt nhiều kỳ vọng vào vai trò của khu vực KTTN. Dự thảo văn kiện đã chỉ rõ và xác định 3 giải pháp cần tập trung tháo gỡ, đó là: Xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển KTTN. Hỗ trợ KTTN đổi mới sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn KTTN lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế… Có thể cụ thể hóa bằng các giải pháp sau:

Một là, cần phân định rõ và quán triệt sâu sắc chức năng, vai trò của khu vực KTNN và khu vực KTTN. Xác định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”, Đảng và Nhà nước không hàm ý có sự phân biệt đối xử “vai trò chủ đạo” so với “động lực quan trọng”, mà với ý nghĩa là tùy thuộc vào chức năng của mỗi khu vực kinh tế để xác định vị trí, chỗ đứng của chúng. Nếu vai trò của khu vực KTNN không làm tốt chức năng đầu tàu, dẫn dắt thì khu vực KTTN khó phát huy hết vai trò động lực thúc đẩy nền kinh tế và ngược lại. Như vậy, KTTN cũng là trụ cột chính chính của nền kinh tế, đóng góp lớn cho GDP của quốc gia.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam cho rằng, phải thay đổi mạnh từ tư duy, từ quan điểm đâu là trụ cột đâu là lực lượng chủ đạo của nền kinh tế.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “KTTN đang phát triển rất tốt, phải công bằng, phải xoá bỏ mọi kỳ thị, định kiến với KTTN, phong tặng danh hiệu anh hùng cho DNTN làm ăn giỏi”


Việc xác định đúng đắn vai trò quan trọng của khu vực KTTN có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bỡi đó chính là cơ sở để tạo ra sự thống nhất cao về nhận thức, về sự phát triển, về môi trường kinh doanh đối với các thành phần kinh tế; sẽ không còn rào cản và định kiến đối với KTTN, không còn sự bất bình đẳng giữa các khu vực kinh tế. Để theo đó, có chính sách ưu tiên phát triển một cách thực chất hơn đối với khu vực KTTN và giao cho KTTN những nguồn lực tích cực. Nói nôm na, khu vực KTTN và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài được ưu tiên những gì thì khu vực KTTN cũng được hưởng sự ưu đãi đó…

Hai là, tiếp tục mạnh dạn giao cho khu vực KTTN tham gia vào những lĩnh vực mà Nhà nước đang nắm giữ độc quyền. Những gì DNTN làm được thì DNNN nên nhường lại để DNTN làm. Thực tế thời gian qua, một số lĩnh vực như bán lẻ, ngân hàng, vận tải, điện ảnh, công chứng, thể thao… có sự tham gia của KTTN đã tạo nên một sự cạnh tranh tích cực, theo hướng có lợi cho nền kinh tế và người tiêu dùng. Các siêu thị, chợ, cửa hàng, trung tâm thương mại đã thay thế các cửa hàng mậu dịch; hàng nghìn doanh nghiệp (DN) taxi, xe khách, xe tải… phục vụ hầu hết nhu cầu vận tải của xã hội thay vì chỉ có một DN vận tải quốc doanh như trước kia. DNTN còn xuất hiện trong rất nhiều các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, kể cả những lĩnh vực vốn được xem là “sân chơi” riêng của các DNNN hoặc các đơn vị sự nghiệp như: sân bay, cảng biển, hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục...

Vậy tại sao không, nếu để DNTN tham gia vào lĩnh vực bảo hiểm phòng cháy, chữa cháy; điện, nước; tìm kiếm, cứu nạn; phát hành xổ số kiến thiết… Lấy ví dụ, nếu DNTN tham gia vào lĩnh vực bảo hiểm PCCC, thì chắc chắn sẽ giảm thiểu thiệt hại cho xã hội. Bỡi nếu không làm tốt công tác phòng chống cháy nổ; hoặc khi xảy ra cháy nổ mà không tích cực chữa cháy, thì DNTN sẽ gánh lấy thiệt hại cho chính mình.

Vấn đề là trên “sân chơi” cung cấp dịch vụ công, Nhà nước đóng vai trò như “người nhạc trưởng”, phải luôn nâng cao trách nhiệm về mặt quản lý; tạo hành lang pháp lý chặt chẽ hơn nữa về vấn đề này. Những hành lang pháp lý ấy vừa có “sức hấp dẫn” nhằm thu hút DNTN tham gia nhưng cũng cần xây dựng chế tài mạnh mẽ mới đủ sức phòng ngừa, răn đe và xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Ba là, từ thực tế cho thấy tiềm năng lớn của khu vực KTTN được khai thác có hiệu quả khi có hệ sinh thái thuận lợi với hành lang pháp lý thông thoáng. Hay nói cách khác, các DNTN hoàn toàn có thể đóng góp hơn nữa cho GDP và tạo ra nhiều việc làm, nếu sẵn sàng đổi mới, sáng tạo và được hỗ trợ về cơ chế, chính sách để đầu tư vào những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, mức độ lan tỏa lớn và áp dụng phương thức sản xuất hiện đại.

Mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã có những cải cách tích cực về thể chế, cởi trói quyền tự do kinh doanh (Luật DN sửa đổi 2014 và 2020, Luật Đầu tư sửa đổi 2014 và 2020…); nhưng nhìn từ thực tế cho thấy, vẫn còn khoảng cách lớn giữa quy định và thực thi. Khu vực KTTN còn đối mặt nhiều rủi ro, bên cạnh các rủi ro thông thường, phải đối mặt rủi ro pháp lý. Điều này chỉ có thể đến từ hệ thống pháp luật không cụ thể, không minh bạch, không hiệu lực, không hiệu quả. Có nghĩa, khu vực KTTN vẫn chưa thực sự được hưởng lợi từ sự đổi mới thể chế mang lại.

Do đó cần phải tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp về phát triển KTTN đã đặt ra tại Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển KTTN trở thành một động lực của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và các văn bản chính sách cụ thể hóa Nghị quyết này. Theo đó Chính phủ và các bộ, ngành có chức năng cần khẩn trương ban hành các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành để đảm bảo tính đồng bộ, cụ thể và minh bạch; có tính khả thi cao và dễ thực hiện.

Những văn bản đó, cần hướng đến thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo; cải thiện môi trường kinh doanh để DNTN có điều kiện phát triển, tiếp tục xóa bỏ các điều kiện kinh doanh gây khó khăn cho doanh nghiệp; hỗ trợ KTTN một cách thiết thực, hiệu quả theo cơ chế thị trường, vừa chú trọng các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ vừa tập trung xây dựng các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của tư nhân. Khuyến khích các cơ sở kinh doanh cá thể chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Hỗ trợ KTTN đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế, tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động…

Bốn là, cần khơi dậy và nuôi dưỡng khát vọng phát triển đất nước và vươn tầm quốc tế, ý chí tự cường trong mỗi doanh nhân. Thực tế cho thấy, một rào cản ngay ở chính các DNTN khiến khu vực kinh tế này chưa lớn được, đó là bản thân nhiều DNTN chưa đáp ứng được năm yếu tố quyết định, bao gồm: chiến lược kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý lao động và đào tạo nguồn nhân lực. Do đó để khu vực KTTN lớn không chỉ cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mà rất cần sự nỗ lực của chính DNTN.

Có nghĩa DNTN phải có tư duy đột phá để vừa thực hiện tốt việc phát triển kinh tế, bảo đảm lợi nhuận cho đồng vốn đầu tư, nhưng đồng thời cũng phải thực hiện trách nhiệm xã hội để đất nước có thể phát triển bền vững. Những thay đổi đó chỉ có thể làm được khi mỗi doanh nhân thực sự có khát vọng vươn lên, không bằng lòng với thực tại.

Thể chế chính sách, tinh thần khởi nghiệp, lòng yêu nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam sẽ là những nền tảng để hình thành nên khu vực KTTN với các tập đoàn kinh tế mang thương hiệu quốc gia nhưng đạt tới tầm vóc quốc tế, đủ sức cạnh tranh toàn cầu.
                                                                                                           
                                                                                                 
 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc  nhắn nhủ các nhà doanh nghiệp không bằng lòng với hoàn cảnh đang có mà cần xông xáo tìm kiếm và nắm bắt cho bằng được các cơ hội do công nghệ và thị trường mang lại. Nỗ lực tìm kiếm công nghệ mới, thị trường mới, nguyên liệu mới, đổi mới tổ chức, đổi mới quản lý.

 TS Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng CIEM - Thường trực Tổ Biên tập của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội, cũng cho rằng: Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 10 năm (2021-2030), phát triển KTTN thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Theo đó, cần tập trung vào các vấn đề cốt lõi: Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh;

Tác giả bài viết: Luật gia, Nhà báo Minh Trung (thực hiện)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây