Cơ quan chức năng địa phương ở đâu lúc dân cần?
Theo nhiều nhân chứng, khi cha con ông Tâm phá dỡ nhà, người dân đều biết. Công an cũng biết. Đáng lẽ sự việc không bị đẩy đến mức nghiêm trọng như hiện nay nếu các cơ quan chức năng có can thiệp kịp thời, đúng trách nhiệm.
Hồ sơ vụ án cho thấy: Khi phát hiện bà Hựu chuyển đồ vào ở nhà trên mảnh đất đã chuyển nhượng cho mình, ông Tâm đã làm đơn gửi chính quyền yêu cầu bà dọn đi.
Trước khi phá dỡ nhà, phía ông Tâm cũng thông báo cho công an.
Khi chuyển đồ đạc của bà Hựu đi, ông Tâm có làm thủ tục bàn giao tài sản cho Công an phường Quỳnh Xuân nhưng không được tiếp nhận nên phải gửi nhờ hàng xóm.
Chính quyền nhận đơn, nói đã chuyển công an. Công an thì nói việc “dân sự”.
Ông nông dân Nguyễn Cảnh Tâm thấy vô lý khi đất mình đã mua, nhà mình đã khóa, đột nhiên chủ cũ lại chuyển đồ vào ở, gọi thợ sửa chữa, trang trí “dàn dựng”... Ông chọn ngày quyết định phá dỡ nhà để lấy mặt bằng, đồng thời báo cho công an vì tin rằng việc làm của mình là đúng. Thời điểm ông Tâm dỡ nhà, công an địa phương cũng có mặt.
Không ngờ sau đó công an khởi tố, bắt tạm giam cả 2 cha con về 2 tội “Cố ý làm hư hỏng tài sản” và “Hủy hoại tài sản”. Tòa sơ thẩm tuyên ông Tâm và con trai đều có tội, buộc bồi thường cho bà Hựu.
Trong suốt quá trình từ khi bị khởi tố, bắt giam đến nay, cha con bị cáo đều kêu oan vì cho rằng nhà đất trên thuộc quyền sử dụng của mình, đã được bà Hựu chuyển nhượng từ 9 năm trước, trả tiền đầy đủ, có người làm chứng, có chính quyền xác nhận. Nhiều năm sau khi chuyển nhượng, Nhà nước đã công nhận quyền sử dụng của ông Tâm tại phần đất trên thể hiện qua nhiều căn cứ.
Nhiều người dân thương cảm cha con ông Tâm “người thật, việc thật mà bị đi tù” nên đã ký tên kêu oan thay cho hai bị cáo.
Nhiều mâu thuẫn trong lời khai “bị hại”
Trong lúc đó, phía “bị hại” không đồng ý với án sơ thẩm, cũng kháng cáo. Trao đổi với PV, bà Hựu phản bác lời bị cáo Tâm. Bà khẳng định gia đình bà ở ngôi nhà trên suốt từ năm 2010, cho đến năm 2018 bà đi nước ngoài về. Không phải bà đến gặp vợ chồng ông Tâm đề nghị mua lại mảnh đất đã chuyển nhượng như ông Tâm nói, mà để “trả tiền nợ đánh đề”.
Bà nói: “Không phải tôi đề nghị mua lại đất. Tôi đến gặp để hỏi tiền nợ đánh đề hết bao nhiêu để tôi gửi. Ông ấy đòi 1 tỷ. Rồi sau đó ông ấy phá nhà không thông báo gì cho tôi”.
Hỏi về giấy chuyển nhượng đất ở năm 2010 có chữ ký “Nguyễn Thị Hựu”, bà đáp: “Ông Dào (cán bộ địa chính giúp hai bên viết giấy chuyển nhượng-NV) làm giấy tờ không có mặt tôi. Chữ ký của tôi là ký vào tờ nào tôi không biết. Bà Loan lôi tôi vào ký trong buồng, không biết giấy gì”.
Giấy ứng tiền của bà Hựu |
Bà Hựu nói thời điểm ký giấy lúc đó bà “không biết đọc”. PV hỏi bây giờ bà đã biết đọc chưa, bà Hựu nói: “Tôi không nhớ tôi biết chữ từ khi nào. Bây giờ con tôi mua điện thoại, con tôi bày cho nên tôi biết đọc”.
PV đề nghị làm rõ một số vấn đề liên quan để có thông tin đa chiều phản ánh tới dư luận, nhưng bà Hựu trả lời: “Tôi không nói nhiều”.
Ông Lê Tiến Dào, người giúp hai bên viết giấy chuyển nhượng năm 2010 cho biết: “Bà Hựu bây giờ lại vu khống tôi. Lúc đó tôi hỏi bà Hựu có cơ sở gì mà bán đất. Bà Hựu mới đi lấy giấy chuyển nhượng của ông bác đến. Tôi là cán bộ địa chính, là người thi hành Luật Đất đai, chẳng lẽ lại vô cớ viết ra cái giấy như vậy. Khi tôi viết có mặt cả 2 phía. Viết xong tôi còn đọc cho hai bên nghe, bảo 2 bên ký vào. Không thể lý giải được vì sao giờ bà Hựu nói thế”.
Những bút lục trong hồ sơ vụ án cũng thể hiện lời khai thống nhất như trên của ông Dào.
Trong khi đó, quá trình điều tra lời khai của bà Hựu về các tình tiết liên quan đến vụ án có dấu hiệu mâu thuẫn.
Về việc chuyển nhượng đất ở, lúc bà Hựu khai vì nợ tiền nên cầm cố mảnh đất, lúc thì gán nợ, lúc thì chuyển nhượng để gán nợ tiền lô đề.
Đối với số tiền 260 triệu đồng, bà Hựu lúc khai “chưa lấy một đồng nào”, chỉ trừ nợ, gán nợ thua lô đề; lúc thì khai có ứng tiền, có vay...
Đối với việc được người bác chuyển nhượng đất, bà Hựu nhiều lần trình bày nguồn gốc đất là của bác trai cho mượn. Nhưng lúc khác lại khai được chuyển nhượng lại để ở.
Trên thực tế văn bản chuyển nhượng đất giữa vợ chồng người bác và bà Hựu có ghi rõ là “Giấy chuyển nhượng đất ở”. Chỉ vài ngày sau đó, bà Hựu đã chuyển nhượng một phần đất trên cho người khác.
Tại tòa sơ thẩm, khi LS hỏi, bà Hựu cũng không yêu cầu giám định chữ ký của mình trong giấy chuyển nhượng.
Vợ chồng “bị hại” trong phiên sơ thẩm |
Từ hồ sơ vụ án, LS cho rằng công tác điều tra, đánh giá chứng cứ “có vấn đề”: Một số nội dung bị cáo trình bày kèm theo nhiều tài liệu chứng minh nhưng cơ quan điều tra bác bỏ. Có văn bản còn ghi ông Tâm “khai báo quanh co về hành vi phạm tội của mình”. Trong khi đó, nhiều lời khai phía “bị hại” có dấu hiệu mâu thuẫn, không có tài liệu chứng minh, nhưng được CQĐT ghi nhận đưa vào hồ sơ vụ án.
Theo LS phía bị cáo, tại phiên sơ thẩm và tài liệu điều tra, bà Hựu cũng không trình bày việc bán đất hay bán nhà, bán hết hay bán một phần. Ý chí của bà là tranh chấp toàn bộ thửa đất.
Bà chỉ cho rằng trước đây bị gia đình ông Tâm “ép chuyển nhượng đất để gán nợ”. Nay bà muốn trả thêm tiền, đòi lại đất. Khi ông Tâm từ chối cho “chuộc” lại thì bà tự chuyển đồ vào ở.
Còn qua quá trình điều tra, CQĐT đã “mổ xẻ” lại quá trình chuyển nhượng đất, tính toán diện tích, từ đó xác định “phần lớn” ngôi nhà không nằm trong diện tích chuyển nhượng. Đây được xem là một trong những căn cứ buộc tội cha con ông Tâm.
“Tôi đau lắm”
Việc khởi tố, tuyên án tù cha con ông Tâm trong vụ án đã dấy lên nhiều tranh cãi tại địa phương. Ngoài lật lại câu chuyện pháp lý từ hàng chục năm trước, người dân địa phương cũng không khỏi xót xa cho mối quan hệ một thời thân thiết giữa gia đình bị cáo và “bị hại”. Mối quan hệ này có thể thấy được ngay trong giấy ứng tiền với xưng hô gần gũi “anh chị” Tâm và “em” Hựu.
Ông Tâm giãi bày: “Tôi đau lắm. Tôi mua bán thật mà vướng vòng lao lý. Thời gian đầu bị giam tôi không thể ngủ. Tôi không hiểu vì sao tôi bị tội. Đến giờ tôi vẫn không hiểu. Có lúc tôi quỳ ở công an kêu oan nhưng không được. Đau xót nhất là làm con cái bị ảnh hưởng. Con trai tôi mới tốt nghiệp đại học. Người nông thôn chúng tôi có một người học đại học là mừng cả họ. Đùng một cái bị bắt đi tù. Thế là đứt luôn”.
Phiên tòa thu hút số lượng kỷ lục người xem tại Hoàng Mai. Riêng bãi xe đã có đến hàng trăm chiếc |
Ông Tâm kể: “Có một ngày CQĐT chuyển vào trại tạm giam một văn bản để tôi ký. Tôi không biết chữ nên lúc đầu sợ, không dám. Sau “anh em bạn tù” khuyên nên ký để biết đến ngày này tôi vẫn đang bị tạm giam. Ký xong đêm ấy tôi không ngủ được. Tôi không được học nhiều nhưng lương tâm tôi cho biết là tôi đúng. Tôi không có trình độ nhưng tôi vẫn thấy được là tôi oan”.
Nhớ lại ngày bị bắt, ông thốt lên: “Xấu hổ chết luôn. Tôi lại sợ bà con láng giềng nghĩ sai về cha con tôi. Ngày nghe tin được ra, tôi mừng, mà lại lo. Lo vì không biết đối diện với mọi người như nào. Nhưng may nhiều người thương tôi, còn ký đơn kêu oan cho tôi. Tôi rất xúc động, xin được cảm ơn mọi người”.
Ý kiến các chuyên gia pháp lý đánh giá về kỳ án này ra sao, PLVN sẽ tiếp tục chuyển tải trong các số báo sau.
Năm 2010, bà Hựu chuyển nhượng cho vợ chồng ông Tâm một mảnh đất mặt đường QL1A (trong giấy chuyển nhượng có ghi rõ giáp ranh tứ cận và trừ mốc lộ giới từ tim đường vào). Trên đất có một ngôi nhà cấp bốn xây từ năm 2003, không ghi thỏa thuận trên giấy. Ông Tâm khẳng định ngôi nhà thuộc quyền sở hữu của mình, chỉ cho gia đình bà Hựu ở nhờ một thời gian ngắn. Năm 2011, bà Hựu đi xuất khẩu lao động, chồng con đi nơi khác.
Năm 2018, bà Hựu đi nước ngoài về đã tự chuyển đồ vào ở. Ông Tâm yêu cầu bà Hựu chuyển đi không được, tranh chấp nảy sinh.
Sau phiên tòa sơ thẩm, cả hai đều kháng cáo.
Theo https://baophapluat.vn/dieu-tra-bd/ky-an-ban-dat-khong-kem-nha-bai-3-den-gio-toi-van-khong-hieu-vi-sao-toi-bi-toi-509928.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn