Gia đình bị hại đề nghị không xử lý hình sự, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình có bị khởi tố?

Thứ ba - 02/06/2020 23:00
Trong trường hợp gia đình người bị hại có đơn đề nghị miễn trách nhiệm hình sự thì cơ quan chức năng chắc chắn vẫn sẽ khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Văn Điều theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Theo quy định của pháp luật, thì việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, người bị hại có đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chỉ là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chứ không phải là cơ sở để miễn trách nhiệm hình sự.
Theo quy định của pháp luật, thì việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, người bị hại có đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chỉ là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chứ không phải là cơ sở để miễn trách nhiệm hình sự.

Liên quan đến vụ án ông Nguyễn Văn Điều, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình lái xe gây tai nạn giao thông khiến 3 người thương vong rồi bỏ chạy, ngày 26/5, Công an TP. Thái Bình đã khởi tố vụ án.

Được biết, ngày 02/6, gia đình các bị hại đều có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Nguyễn Văn Điều. 

 
ông Điều
Hình ảnh ông Nguyễn Văn Điều lái xe gây tai nạn vào tối 08/5.



Vậy, trong trường hợp này ông Nguyễn Văn Điều có bị khởi tố theo quy định của pháp luật? Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, trong trường hợp gia đình người bị hại có đơn đề nghị miễn trách nhiệm hình sự thì cơ quan chức năng vẫn sẽ khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Văn Điều theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Sau khi lái xe gây tai nạn khiến một người chết, hai người bị thương, ông Nguyễn Văn Điều đã điều khiển xe bỏ chạy vào khu công nghiệp Phúc Khánh và bị người dân chặn cổng. Nhiều người dân phản ánh, ông Điều được cho là lái xe trong tình trạng say rượu.

Luật sư Cường cho rằng, đối với hành vi gây tai nạn rồi bỏ chạy, không cứu giúp người bị nạn và lái xe trong tình trạng có sử dụng rượu bia thì người điều khiển phương tiện sẽ phải đối mặt với mức hình phạt từ 03 năm đến 10 năm tù theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ
1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;
b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;
c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Làm chết 02 người;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”.

Theo quy định của pháp luật, thì việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, người bị hại có đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chỉ là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chứ không phải là cơ sở để miễn trách nhiệm hình sự.

“Vụ án này đang trong giai đoạn điều tra, bởi vậy để có căn cứ khởi tố bị can đối với cá nhân nào thì cơ quan điều tra cần phải thu thập đầy đủ các tài liệu chứng cứ để chứng minh cá nhân đó chính là người điều khiển chiếc xe này và có lỗi trong vụ tai nạn giao thông này. Việc quyết định hình phạt sẽ do tòa án quyết định trên cơ sở kết quả tranh tụng công khai tại phiên tòa. Mức hình phạt cụ thể sẽ căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự”, Luật sư Cường nói.

Tại thời điểm gây tai nạn, ông Điều là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình. Việc ông Điều đảm nhận trọng trách quan trọng như vậy có được xem là tình tiết tăng nặng khi xét xử vụ án? Luật sư Nguyễn Duy Bình, Đoàn Luật sư TP. HCM cho biết, Bộ luật Hình sự 2015 không quy định tình tiết có chức vụ, quyền hạn là tình tiết tăng nặng định khung hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, khi định lượng, xác định mức án cần xem xét về thái độ bất tuân pháp luật của người phạm tội vì đây là trường hợp hiểu biết pháp luật, nắm vị trí chủ chốt trong hệ thống lãnh đạo địa phương nhưng lại có dấu hiệu say xỉn khi tham gia giao thông, và bỏ chạy khi gây tai nạn nhằm che dấu hành vi phạm tội gây mất niềm tin nghiêm trọng nơi quần chúng nhân dân nên cần xử lý nghiêm.

Luật sư Bình đánh giá, cơ quan điều tra phải có nghĩa vụ điều tra, xác minh làm rõ dấu hiệu sử dụng bia rượu, dấu hiệu say xỉn khi tham gia giao thông như người dân phản ánh để làm rõ và áp dụng tình tiết tăng nặng định khung. Trường hợp này cần xử lý nghiêm minh, công bằng để làm gương và đảm bảo tính dân chủ, khách quan trong áp dụng pháp luật.

Đối với việc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự theo yêu cầu bị hại hiện nay pháp luật quy định như thế nào? Luật sư Lê Quang Y, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai cho biết, các trường hợp chỉ được khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu bị hại được quy định rất rõ tại Điều 155, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

      Theo: //lsvn.vn/gia-dinh-bi-hai-de-nghi-khong-xu-ly-hinh-su-truong-ban-noi-chinh-tinh-uy-thai-binh-co-bi-khoi-to.html

Điều 155. Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại
Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật Hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.
Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án.
Bị hại hoặc người đại diện của bị hại đã rút yêu cầu khởi tố thì không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức.

Chiều 02/6, Ban thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình triệu tập Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để xem xét, đề nghị kỷ luật đối với ông Nguyễn Văn Điều, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình, liên quan đến vụ tai nạn giao thông làm 1 người chết, 2 người bị thương xảy ra ngày 08/5.
Tại hội nghị, Ban thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh kết quả xem xét thi hành kỷ luật đối với hành vi vi phạm Luật giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng của ông Nguyễn Văn Điều.
Theo đó, Ban thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình thống nhất đánh giá hành vi của ông Điều là nghiêm trọng, gây dư luận xấu trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Đối chiếu với các quy định của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, căn cứ nội dung, tính chất mức độ vi phạm, tình tiết giảm nhẹ và điều kiện, hoàn cảnh lịch sử nhân thân, Ban thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình cùng Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thảo luận, bỏ phiếu biểu quyết thống nhất cao việc đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Văn Điều bằng hình thức cách tất cả các chức vụ hiện tại trong Đảng.
Trước đó, tối 08/5, ông Nguyễn Văn Điều điều khiển xe ô tô biển số 29A-995.83 trên đường Trần Thủ Độ đã va chạm với một người đi xe đạp. Vụ tai nạn khiến 1 người tử vong, 2 người bị thương.
Theo người dân, sau khi gây tai nạn, người điều khiển ô tô 29A-995.83 tiếp tục bỏ chạy hơn 3km. Khi đến Khu công nghiệp Phúc Khách (phường Phú Khánh, TP. Thái Bình), xe ô tô đâm vào 1 cổng sắt mới dừng lại.
Thời điểm đó, người dân đã quây rất đông xung quanh xe gây tai nạn. Tuy nhiên, ông Điều ngồi trong xe cho đến khi có công an đến đưa đi. Người dân còn phản ánh ông Điều có biểu hiện say xỉn.
Được biết, ông Nguyễn Văn Điều từng là Giám đốc Sở Lao động, Thương binh – Xã hội tỉnh Thái Bình; Bí thư Huyện ủy Quỳnh Phụ.
Năm 2019, ông Điều được bổ nhiệm là Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình.

Tác giả bài viết: Lê Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây