Kỳ án “bán đất không kèm nhà” (Bài 2): Dấu hiệu oan sai đến lãnh đạo địa phương phải thốt lên “ân hận”

Thứ hai - 04/05/2020 22:41
Nói về vụ án, ông Cao Xuân Thắng, Bí thư phường Quỳnh Xuân trả lời: “Tôi đã trao đổi với điều tra viên với tư cách là lãnh đạo địa phương. Tôi nói các anh làm rất cứng nhắc. Tôi ân hận tại sao việc này không giải quyết bằng hòa giải? Tại sao không đưa ra tòa dân sự? Sao lại đưa vào hình sự?”.
Ông Tâm hiện được tại ngoại chờ phúc thẩm, lại lên trang trại trồng cây, nuôi lợn.
Ông Tâm hiện được tại ngoại chờ phúc thẩm, lại lên trang trại trồng cây, nuôi lợn.

 

Như PLVN đã phản ánh trong số báo trước, vụ án “Cố ý làm hư hỏng tài sản” và “Hủy hoại tài sản” với hai cha con ông Nguyễn Cảnh Tâm (SN 1972) và Nguyễn Cảnh Thực (SN 1994, ngụ khối 10, phường Quỳnh Xuân, TX Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) lâu nay là điểm nóng tại địa phương với tranh cãi nảy lửa trái chiều.

Từ khi sự việc xảy ra vào cuối năm 2018 đến nay, gần 18 tháng điều tra, xét xử sơ thẩm, vấn đề pháp lý mấu chốt dẫn đến việc “phá dỡ nhà” của cha con ông Tâm vẫn chưa được các cơ quan tố tụng làm rõ thỏa đáng: Hợp đồng chuyển nhượng đất của “bị hại” là bà Nguyễn Thị Hựu (SN 1977, ngụ khối 12) cho bị cáo có hiệu lực pháp luật không? Ngôi nhà trên đất thuộc quyền sở hữu của ai?

Chính quyền phường: “Hai bên giao dịch hoàn toàn đúng quy định”

Hồ sơ vụ án xác định phần lớn ngôi nhà bị tháo dỡ không nằm trong diện tích đất bà Hựu chuyển nhượng cho bị cáo: “Quá trình điều tra theo sơ đồ thửa đất của UBND phường xác định ngôi nhà của gia đình chị Hựu có diện tích 44,5m2 thì phần lớn diện tích ngôi nhà gồm 32m2 (phần phía trước) bị Tâm và Thực hủy hoại nằm ngoài diện tích đất theo giấy chuyển nhượng giữa chị Hựu và vợ chồng Tâm vào ngày 28/3/2010”.

Cũng theo tài liệu điều tra: “Hiện nay bác bà Hựu chỉ đồng ý cho bà này làm nhà trên đất mà không đồng ý cho chuyển nhượng. Chồng bà Hựu không được vợ bàn bạc và không đồng ý chuyển nhượng”.

Quan điểm này bị chỉ ra mâu thuẫn: Thực tế ngôi nhà nằm ở phía Tây mảnh đất mặt đường quốc lộ 1A. Trong khi giấy chuyển nhượng đất của bà Hựu cho ông Tâm ghi rõ: phía Tây mảnh đất giáp Quốc lộ 1A, ba phía còn lại giáp nhà dân và đất ủy ban xã. Nếu phần lớn ngôi nhà “nằm ngoài diện tích chuyển nhượng” như hồ sơ vụ án xác định, thì ngôi nhà cũng không thể nằm trên đất của bà Hựu, vì bà đã bán hết diện tích đất theo quy định. Nếu bà bán đất không bán nhà thì chắc phải “nhảy dù” mới vào được nhà?

Ông Lê Tiến Dào, người giúp hai bên viết giấy chuyển nhượng năm 2010 khai với CQĐT: Năm 2010 ông đang là cán bộ địa chính xã (sau này là phường Quỳnh Xuân) và được hai bên nhờ viết giấy vào ngày 28/3/2010. Khi ấy bà Hựu trình bày được vợ chồng bác ruột chuyển nhượng cho mảnh đất 203m2, có giấy viết tay và ký tên.

 
 Giấy chuyển nhượng năm 2010.


Thấy đủ căn cứ, ông mới viết dựa trên ý chí, nguyện vọng của bà Hựu và ông Tâm. Hai bên thỏa thuận chuyển nhượng 70m2 tách từ mảnh đất trên, có tứ cận, phía Tây giáp QL1A dài 5m, đã trừ vào mốc lộ giới từ tim đường.  Diện tích còn lại bà Hựu đã chuyển nhượng trước đó cho người khác và trừ vào mốc lộ giới. Hỏi đến ngôi nhà, ông Tâm nói cho gia đình bà Hựu ở nhờ vài tháng, nhưng trong giấy không đề cập đến. Viết xong, ông Dào đã đọc lại cho hai bên nghe và hướng dẫn làm thủ tục chuyển nhượng. 

Nhân chứng Dào khẳng định: “Trong ý chí của hai bên lúc đó là mua bán toàn bộ miếng đất, giáp QL1A, đã trừ mốc lộ giới từ tim đường vào”.

Về phía đại diện chính quyền ký tên, đóng dấu trên giấy chuyển nhượng, Chủ tịch UBND xã lúc đó là ông Cao Xuân Thắng, nay là Bí thư phường Quỳnh Xuân, cho biết: 

Khi công an mời làm việc, ông đã xác nhận chữ ký của ông và khẳng định hoàn toàn đúng theo quy định tại thời điểm đó. Giấy chuyển nhượng đầy đủ các điều kiện để chứng thực. Hàng chục năm trước, có biết bao giao dịch tương tự như vậy đã có hiệu lực. Thực tế ngay sau khi được bác cho đất, bà Hựu cũng đã chuyển nhượng một phần và người mua đã được cấp “sổ đỏ”, không tranh chấp.

Đại diện chính quyền khẳng định liên tiếp nhiều năm nay, phía ông Tâm đều nộp các loại thuế phí liên quan đến mảnh đất, có chứng từ. Toàn bộ sổ địa chính cũng không có tên bà Hựu mà là tên phía những người mua. Trong phạm vi giải phóng mặt bằng tại mảnh đất cũng không có đất bà Hựu.

Trong quá trình làm việc với CQĐT và tại phiên sơ thẩm, những nhân chứng và người liên quan trên vẫn thống nhất lời khai. 

Dấu hiệu hình sự hóa quan hệ dân sự?

Phiên tòa cũng chứng kiến cuộc tranh luận quyết liệt của luật sư phía bị cáo về quan điểm buộc tội của các cơ quan tố tụng. LS Nguyễn Vinh Diện, Trưởng Văn phòng LS Vinh Diện và cộng sự cho rằng: Việc khởi tố, truy tố cha con ông Tâm là chưa thỏa đáng.

Lật lại nguồn gốc từ việc bà Hựu được người bác chuyển nhượng năm 2003: Việc chuyển nhượng được thể hiện tại Giấy chuyển nhượng đất ở có chữ ký của vợ chồng người bác, không có xác nhận của cơ quan chức năng. Dù thủ tục chưa đảm bảo về hình thức nhưng hoàn toàn tự nguyện. 

Sau đó bà Hựu đã làm nhà kiên cố, người bác không phản đối nên việc chuyển nhượng này được pháp luật thừa nhận, theo điểm b.3 tiểu mục 2.3 mục 2 Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC.

Về việc chồng bà Hựu không biết và không đồng ý bán cho ông Tâm như hồ sơ vụ án, LS phản bác: Đây không phải tài sản chung của vợ chồng. Giấy chứng nhận kết hôn (Đăng ký lại) năm 2008 của bà Hựu có nội dung “Quan hệ hôn nhân được công nhận kể từ ngày 4/11/1996” nhưng không có tài liệu nào chứng minh hai người kết hôn với nhau năm 1996.

Vì thế, hai người chỉ được pháp luật công nhận là vợ chồng từ năm 2008. Nhà đất trên vì vậy được xác định là tài sản riêng của bà Hựu trước thời kỳ hôn nhân. 

Theo LS, việc bà Hựu chuyển nhượng nhà đất cho vợ chồng ông Tâm là có thật, được pháp luật thừa nhận và nhà đất thuộc quyền sử dụng, sở hữu của vợ chồng ông Tâm. Việc này được thể hiện bằng văn bản, có chữ ký các bên và có xác nhận của chính quyền. 

Số tiền các bên thỏa thuận 260 triệu đồng, bà Hựu đã nhận đủ, có viết xác nhận trong giấy. Dù ban đầu bà Hựu khai “việc ký giấy là để gán nợ tiền đánh đề và gán nợ vay”, nhưng quá trình điều tra không chứng minh được việc này. 

Các giấy tờ nhận tiền do bà Hựu ký đều thể hiện bà nhận tiền mua bán đất. Nhiều lời khai của bà trong hồ sơ vụ án cũng thừa nhận.

Đến thời điểm xử sơ thẩm và đến tận bây giờ, Giấy chuyển nhượng đất ở ngày 28/3/2010 vẫn còn giá trị pháp lý, chưa bị Tòa án tuyên vô hiệu. Trong khi Tòa là cơ quan duy nhất có quyền xác định mua bán nhà đất có vô hiệu hay không.

Với ngôi nhà cấp 4, LS cũng khẳng định: Không thể có việc bán đất mà không bán nhà vì ngôi nhà được xây dựng gắn liền với đất, không phải bằng vật liệu khác có thể di dời được. 

 Sơ đồ thửa đất năm 2004


Việc các bên xác lập Giấy chuyển nhượng ngày 28/3/2010 đều có chung ý chí là “mua đứt, bán đoạn” cả nhà và đất, không phải ý chí các bên là chỉ bán đất mà không bán nhà. Vậy tại thời điểm chuyển nhượng thửa đất trên, ông Tâm có quyền sở hữu, sử dụng, định đoạt ngôi nhà.

Trên thực tế, ông Tâm nói đã cho gia đình bà Hựu ở nhờ một thời gian. Sau đó bà Hựu đi nước ngoài, chồng con bà chuyển đi nơi khác. Khi cần ông cho người thân sử dụng. Một thời gian nhà để không. Đến khi ông cần mặt bằng thì bà Hựu đã phá khóa chuyển đồ và thuê thợ sửa nhà ở, dẫn đến tranh chấp. 

Bí thư phường: “Sao lại đưa vào hình sự?”

Đại diện chính quyền địa phương, đông đảo người dân và LS đều cho rằng: Việc khởi tố và phê chuẩn khởi tố bị can trong trường hợp này là quá vội vàng, đã hình sự hóa quan hệ dân sự. Đáng ra, Cơ quan CSĐT và VKSND TX Hoàng Mai nên để Tòa án giải quyết tranh chấp, khi có quyết định của Tòa về việc giải quyết giao dịch dân sự vô hiệu hay không rồi hãy khởi tố thì mới khách quan, thỏa đáng. Tuy vậy, tòa sơ thẩm vẫn tuyên các bị cáo có tội và buộc bồi thường cho phía bị hại.

Ông Cao Xuân Thắng, Bí thư phường Quỳnh Xuân, nói: “Sau khi xác nhận về chữ ký trong giấy chuyển nhượng của bà Hựu cho ông Tâm, tôi đã trao đổi với điều tra viên với tư cách là lãnh đạo địa phương. Tôi nói các anh làm rất cứng nhắc.

Sự việc này đáng lẽ ra cần hòa giải trước. Bây giờ giải quyết không thỏa đáng thuyết phục thì hậu quả về an ninh chính trị còn nguy hại hơn. Dư luận thì tranh cãi. Hai dòng họ thì dễ mâu thuẫn. Ông Tâm bị bắt, cả trang trại bò me (bò và bê – NV) tan hoang, thiệt hại cả tỷ bạc. Gia đình cực kỳ khổ. Tôi nghĩ mà cám cảnh.

Tôi trình bày với điều tra viên là nhân thân cha con ông Tâm tốt, gia đình tốt. Cần tìm hiểu vì sao người ta lại tháo dỡ nhà? Nếu thực sự làm thế không đúng thì phải hướng dẫn cho địa phương hòa giải, nghe các bên để giải quyết? Sao đã bắt người ta rồi? 

Ông Tâm làm trang trại cũng lương thiện, về cư trú không vấn đề gì. Đến nỗi nào mà bắt tạm giam, còn hạn chế thăm gặp? Tôi chỉ ân hận tại sao việc này không giải quyết bằng hòa giải? Tại sao không đưa ra tòa dân sự? Sao lại đưa vào hình sự? Quá đau cho gia đình ông Tâm”.

Ngày 20/4 sắp tới, TAND tỉnh Nghệ An dự kiến đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Dư luận một lần nữa lại dấy lên tranh cãi dữ dội về rắc rối pháp lý liên quan đến vụ án. Vai trò của các cơ quan chức năng từ khi sự việc bắt đầu xảy ra lại một lần nữa được đề cập. 

PLVN sẽ phản ánh trong bài tiếp theo. 

 

Tác giả bài viết: Báo phapluat.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây