Án lệ 34: Về quyền lập di chúc định đoạt giá trị bồi thường về đất trong trường hợp đất bị Nhà nước thu hồi có bồi thường

Thứ tư - 16/10/2024 04:22
(TVLMP) - Án lệ số 34/2020/AL được Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thông qua ngày 25/02/2020 và được công bố theo Quyết định số Quyết định 50/QĐ-CA ngày 25/02/2020 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử vẫn còn một số trường hợp tương tự khác khi xảy ra trên thực tế.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

1. Án lệ số 34/2020/AL

1.1. Các thông tin chung về Án lệ số 34/2020/AL

Án lệ số 34/2020/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 25/02/2020 và được công bố theo Quyết định số 50/QĐ-CA ngày 25/02/2020 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Nguồn án lệ là Quyết định giám đốc thẩm số 58/2018/DS-GĐT ngày 27-9-2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội về vụ án dân sự “Tranh chấp yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu” tại tỉnh Vĩnh Phúc giữa nguyên đơn là ông Trần Văn Y với bị đơn là Phòng công chứng M; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Nguyên Văn D1.

1.2. Khái quát nội dung của án lệ

- Tình huống án lệ: Quyền sử dụng đất do cá nhân tạo lập hợp pháp mà khi người đó còn sống, Nhà nước đã có quyết định thu hồi đất và việc thu hồi đất đó thuộc trường hợp được bồi thường.

- Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, phải xác định giá trị quyền sử dụng đất bị thu hồi được bảo đảm bằng giá trị bồi thường nên người có đất bị thu hồi có quyền lập di chúc định đoạt giá trị bồi thường đó.

- Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ: Các điều 163, 181, 634, 646, 648 BLDS năm 2005 (tương ứng với khoản 1 Điều 105, các điều 115, 612, 624, 626 BLDS năm 2015); Điều 42 Luật Đất đai năm 2003 (tương ứng với Điều 74 Luật Đất đai năm 2013).

1.3. Tóm tắt nội dung vụ án1

- Cụ Nguyễn Văn D và cụ Nguyễn Thị C (tên gọi khác là T, T1) chung sống với nhau từ năm 1957 nhưng không đăng ký kết hôn. Năm 1959, cụ D mua thửa đất ở xứ M của ông Nguyễn Văn Đ, sau đó đổi cho Hợp tác xã N lấy thửa ruộng ở đồng M, nay là thửa đất số 38, tờ bản đồ số 13. Khoảng năm 1969-1970 cụ D chung sống với cụ H và sinh ra ông Nguyễn Văn D1.

- Năm 1987, nguyên đơn ông Trần Văn Y cho rằng thửa đất số 38, Tờ bản đồ số 13 khu M nêu trên cụ C đã chuyển nhượng cho ông Y, đến năm 1998 thì hai bên lập Giấy bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất và Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, việc Phòng công chứng M công chứng di chúc của cụ D, Văn bản công bố di chúc của hai cụ làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của gia đình ông Y nên ông Y khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố các văn bản công chứng trên vô hiệu. Để chứng minh mình có quyền, lợi ích liên quan đến văn bản công chứng, quyền khởi kiện, ông Y xuất trình: Giấy ủy nhiệm chi ngày 20-5-2005, số tiền 100.000.000 đồng, Hợp đồng ủy quyền ngày 23-7-2009 của cụ C cho ông, Giấy bán nhà và chuyển nhượng quyền sử dụng đất thổ cư ngày 08-02-1998, Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 08-02-1998 giữa cụ C và ông... Tuy nhiên, thửa đất tại xứ M là tài sản chung của cụ C và cụ D nhưng các tài liệu do ông Y xuất trình thể hiện chỉ có cụ C chuyển nhượng cho ông Y mà chưa có ý kiến của cụ D.

- Ngày 16-12-2009, cụ C lập di chúc với nội dung để lại một phần tài sản là bất động sản tại thửa đất số 38, tờ bản đồ số 13 nêu trên cho con trai (ông Nguyễn Văn D1). Ngày 07-9-2010, cụ C chết .

- Ngày 21-7-2010, Ủy ban nhân dân thành phố V ban hành Quyết định số 1208/QĐ-UBND về việc thu hồi quyền sử dụng đất tại thửa đất số 38, Tờ bản đồ số 13 nêu trên.

- Ngày 15-01-2011, cụ D lập di chúc tại Phòng công chứng M, tỉnh Vĩnh Phúc với nội dung để lại phần tài sản của mình tại thửa đất nêu trên cho ông D1, Khi Nhà nước thu hồi, bồi thường bằng tái định cư (hoặc nhận tiền) và bồi thường tài sản trên đất thì ông D1 được đứng tên và nhận tiền. Ngày 21-01-2011, cụ D chết. Sau Khi cụ D và cụ C chết, ngày 26-01-2011, Phòng công chứng M tỉnh Vĩnh Phúc (sau đây viết tắt là Phòng công chứng M) có Văn bản công bố Di chúc ngày 16-12-2009 của cụ T1 và Di chúc ngày 15-01-2011 của cụ D đối với di sản của hai cụ là thửa số 38, Tờ bản đồ số 13 khu M, phường N, thành phố V, tỉnh Vĩnh Phúc.

1.4. Nội dung của án lệ

“[5]... di sản của cụ D và cụ C để lại là quyền sử dụng đất tại thửa đất số 38, Tờ bản đồ số 13 đã bị thu hồi theo Quyết định số 1208/QĐ-UBND ngày 21-7-2010 của Ủy ban nhân dân thành phố V nhưng giá trị quyền sử dụng đất của người có đất bị thu hồi vẫn được pháp luật bảo đảm theo quy định của Luật Đất đai nên hai cụ có quyền lập di chúc định đoạt tài sản trên cho ông D1...”

2. Bình luận một số vấn đề của Án lệ

Thực tiễn xét xử cho thấy, việc Tòa án thu thập các tài liệu, chứng cứ  trong các vụ án tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất của cá nhân bị Nhà nước thu hồi và việc thu hồi đất đó thuộc trường hợp được bồi thường thì cá nhân đó có được quyền lập di chúc để định đoạt giá trị bồi thường khi đất bị thu hồi thường rất khó khăn, phức tạp; không ít các vụ án dân sự liên quan đến tranh chấp này bị Tòa án cấp trên hủy, sửa án do vi phạm nghiêm trọng thủ tụng tố tụng như việc Tòa án thu thập, đánh giá chứng cứ chưa đầy đủ, khách quan; Tòa án đưa tham gia tố tụng thiếu người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan... Bởi lẽ, tại thời điểm cá nhân lập di chúc thì quyền sử dụng đất đó đã bị Nhà nước thu hồi nên vấn đề đặt ra là cá nhân đó có được quyền lập di chúc để định đoạt giá trị bồi thường khi đất bị thu hồi hay không?

Trong vụ án trên, di sản mà cụ D và cụ C để lại là quyền sử dụng đất tại thửa đất số 38 đã bị Ủy ban nhân dân thành phố V thu hồi theo Quyết định số 1208/QĐ-UBND ngày 21-7-2010. Mặc dù, quyền sử dụng thửa đất số 38 của cụ D và cụ C để lại không còn, nhưng giá trị quyền sử dụng đất của cụ D và cụ C để lại vẫn được pháp luật bảo đảm nên hai cụ có quyền lập di chúc định đoạt tài sản trên cho ông D1. Bởi lẽ, tại Điều 105 BLDS năm 2015[1] quy định về tài sản gồm:

“1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”.

 Tại Điều 115 BLDS năm 2015[2] quy định về quyền tài sản gồm: Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”.

Tại Điều 609 BLDS năm 2015[3] quy định về quyền thừa kế như sau: Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”.

Vấn đề đặt ra là tại thời điểm cụ D và cụ C lập di chúc thì phần giá trị bồi thường chưa thuộc quyền sở hữu của cụ D và cụ C, thậm chí cụ D và cụ C cũng chưa biết được Nhà nước sẽ bồi thường bằng hình thức như thế nào, giá trị bồi thường mà cụ D và cụ C được nhận là bao nhiêu. Nếu đối chiếu với quy định tại Điều 115 BLDS năm 2015 thì di sản mà cụ D và cụ C lập di chúc có được xem là quyền tài sản thuộc sở hữu của cụ D và cụ C hay không? Án lệ số 34 đã căn cứ vào Quyết định giám đốc thẩm số 58/2018/DS-GĐT ngày 27-9-2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội để xác định giá trị quyền sử dụng đất của cụ D và cụ C được pháp luật bảo đảm theo quy định của Luật Đất đai nên cụ D và cụ C có quyền lập di chúc để định đoạt giá trị bồi thường đó. Án lệ số 34 đã xác định phần di chúc mà cụ D và cụ C để lại là quyền sử dụng thửa đất số 38 đã bị Ủy ban nhân dân thành phố V thu hồi là “Quyền tài sản” theo Điều 115 BLDS năm 2015. Bởi lẽ, mặc dù quyền sử dụng đất bị thu hồi là của cụ D và cụ C tại thời điểm lập di chúc, cụ D và cụ C không còn quyền sở hữu đối với phần quyền sử dụng đất đó nữa nhưng cụ D và cụ C sẽ nhận được khoản bồi thường (bằng đất tái định cư hoặc nhận tiền) đối với phần giá trị quyền sử dụng đất bị thu hồi đó. Việc cụ D và cụ C sẽ được nhận giá trị bồi thường đối với phần giá trị quyền sử dụng đất bị thu hồi đã được pháp luật bảo đảm theo quy định tại Điều 42 Luật Đất đai năm 2003. Do đó, cần phải coi phần giá trị bồi thường quyền sử dụng đất bị thu hồi đó là một dạng quyền tài sản được quy định tại Điều 181 BLDS năm 2005 và vợ chồng cụ D có quyền lập di chúc để định đoạt phần giá trị bồi thường quyền sử dụng đất bị thu hồi này.

Tuy nhiên, dưới góc độ thực tiễn xét xử cho thấy, ngoài vấn đề mà Án lệ số 34 đề cập nêu trên, vẫn còn một số trường hợp khác phát sinh trong thực tiễn xét xử mà Án lệ số 34 vẫn chưa đề cập, cụ thể như sau:

Một là, giả thiết trường hợp quyền sử dụng thửa đất số 38 mà cụ D và cụ C để lại là quyền sử dụng đất được cấp cho hộ gia đình cụ D thì sẽ giải quyết như thế nào? Đồng thời, quyền sử dụng đất của cụ D và cụ C bị Nhà nước thu hồi và việc thu hồi đất đó thuộc trường hợp được bồi thường thì cụ D và cụ C có được quyền lập di chúc để định đoạt toàn bộ giá trị bồi thường khi đất bị thu hồi hay không?

Tại Mục 3 Phần III Công văn 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của Tòa án nhân dân tối cao giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ, hướng dẫn: 

“Khoản 29 Điều 3 Luật đất đai năm 2013 quy định: “Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất”. Như vậy, khi giải quyết vụ án dân sự mà cần xác định thành viên của hộ gia đình có quyền sử dụng đất cần lưu ý:

- Thời điểm để xác định hộ gia đình có bao nhiêu thành viên có quyền sử dụng đất là thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.

- Việc xác định ai là thành viên hộ gia đình phải căn cứ vào hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp cần thiết, Tòa án có thể yêu cầu Ủy ban nhân dân có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xác định thành viên hộ gia đình tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm căn cứ giải quyết vụ án và đưa họ tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

- Khi giải quyết vụ án dân sự, ngoài những người là thành viên hộ gia đình có quyền sử dụng đất, Tòa án phải đưa người đang trực tiếp quản lý, sử dụng đất của hộ gia đình, người có công sức đóng góp làm tăng giá trị quyền sử dụng đất hoặc tài sản trên đất tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”.

Do đó, việc cụ D và cụ C định đoạt luôn phần của các thành viên khác trong hộ gia đình cụ D sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các thành viên trong hộ gia đình cụ D. Trong trường hợp này, Tòa án cần xác định hộ gia đình cụ D có bao nhiêu thành viên có quyền sử dụng đất tại thời điểm được Nhà nước công nhận quyền sử dụng thửa đất số 38. Việc xác định ai là thành viên hộ gia đình cụ D phải căn cứ vào hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tòa án có thể yêu cầu Ủy ban nhân dân có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất xác định thành viên hộ gia đình cụ D tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm căn cứ giải quyết vụ án và đưa họ tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Mặt khác, ngoài những người là thành viên hộ gia đình cụ D, Tòa án phải đưa người đang trực tiếp quản lý, sử dụng đất của hộ gia đình, người có công sức đóng góp làm tăng giá trị quyền sử dụng đất hoặc tài sản trên đất tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Bởi lẽ, theo quy định của pháp luật thì hộ gia đình cụ D cũng là một chủ thể được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất. Mặc dù, quyền sử dụng đất của hộ gia đình cụ D đã bị Nhà nước ra quyết định thu hồi và việc thu hồi đất đó thuộc trường hợp được Nhà nước bồi thường nhưng mỗi thành viên trong hộ gia đình cũng có quyền lập di chúc định đoạt phần giá trị bồi thường của mình trong tổng giá trị bồi thường cho hộ gia đình.

Như vậy, khi đất được cấp cho hộ gia đình cụ D thì Tòa án cần xem xét đến quyền lợi của các thành viên trong hộ gia đình cụ D tại thời điểm được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng thời, xem xét đến việc các thành viên đang quản lý, sử dụng đất của hộ gia đình cụ D, người có công sức đóng góp làm tăng giá trị quyền sử dụng đất hoặc tài sản trên đất. Mặc dù, nội dung của Án lệ số 34 xác định di sản của cụ D và cụ C để lại là quyền sử dụng thửa đất số 38 đã bị thu hồi nhưng giá trị quyền sử dụng đất của người có đất bị thu hồi vẫn được pháp luật bảo đảm theo quy định của Luật Đất đai nên hai cụ có quyền lập di chúc định đoạt tài sản trên cho ông D1. Tuy nhiên, khi xem xét dưới góc độ đất cấp cho hộ gia đình và thực tiễn xét xử từng vụ án cụ thể, Tòa án cần đánh giá một cách khách quan, toàn diện và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của những thành viên khác trong hộ gia đình tại thời điểm được Cơ quan Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều đó có nghĩa là, tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất, các thành viên trong hộ gia đình có quyền lập di chúc định đoạt giá trị bồi thường đó.

Hai là, ngoài đối tượng được bồi thường là quyền sử dụng đất của cụ D và cụ C, thì đối tượng được bồi thường có thể là tài sản trên đất như nhà, cây, công trình khác… khi đất bị Nhà nước thu hồi. Vấn đề đặt ra là ngoài quyền sử dụng đất đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp cho vợ chồng cụ D và cụ C thì tài sản trên đất có hoàn toàn thuộc về cụ D và cụ C hay không? Bởi lẽ, giả sử trong quá trình sử dụng đất vợ chồng anh D1 bỏ tiền ra xây toàn bộ hoặc 1 phần công trình trên đất hoặc có công sức chăm sóc trồng cây trên đất… Nếu cụ D và cụ C lập di chúc định đoạt toàn bộ giá trị bồi thường đó thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của vợ chồng anh D1 (trong trường hợp vợ chồng anh D1 ly hôn và chia tài sản chung của vợ chồng thì việc cụ D và cụ C lập di chúc định đoạt toàn bộ giá trị bồi thường đó cho anh D1 sẽ ảnh hưởng đến công sức đóng góp của vợ anh D1). Do đó, khi vận dụng Án lệ số 34 giải quyết liên quan đến các trường hợp thuộc đối tượng được bồi thường có thể là tài sản trên đất như nhà, cây, công trình khác… Tòa án cần làm rõ các tình tiết khách quan của vụ án như xác minh làm rõ tài sản trên đất hoàn toàn có phải di sản của người lập di chúc hay có công sức đóng góp của người khác, để đưa những người này vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án? Đồng thời, Tòa án cần làm rõ chi phí mà người lập di chúc là cụ D và cụ C đã bỏ ra xây dựng tài sản trên đất, chi phí mà vợ chồng anh D1 đã bỏ ra xây dựng tài sản trên đất (nếu có). Từ đó, đánh giá toàn diện, khách quan được vụ án khi xem xét đến việc lập di chúc của cụ D và cụ C có định đoạt luôn phần công sức (chi phí) mà vợ chồng anh D1 đã bỏ ra để xây dựng tài sản trên đất (nếu có).

3. Kết luận

Án lệ số 34 đã hướng dẫn các Tòa án xác định quyền lập di chúc định đoạt giá trị bồi thường về đất trong trường hợp đất bị Nhà nước thu hồi có bồi thường. Án lệ này có thể được áp dụng khi có đầy đủ các tình huống sau: Quyền sử dụng đất do cá nhân tạo lập hợp pháp; Khi cá nhân đó còn sống, Nhà nước đã có quyết định thu hồi đất; Việc thu hồi đất đó thuộc trường hợp được Nhà nước bồi thường. Khi có đủ các tình huống pháp lý nêu trên thì Tòa án phải xác định giá trị quyền sử dụng đất bị thu hồi được bảo đảm bằng giá trị bồi thường nên người có đất bị thu hồi có quyền lập di chúc định đoạt giá trị bồi thường đó. Án lệ số 34/2020/AL kể từ ngày có hiệu lực pháp luật, đã giúp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho công tác xét xử các vụ án dân sự liên quan đến quyền lập di chúc định đoạt giá trị bồi thường về đất trong trường hợp đất bị Nhà nước thu hồi có bồi thường. Án lệ đã gián tiếp khẳng định giá trị bồi thường khi đất bị thu hồi là tài sản (quyền tài sản được pháp luật ghi nhận), điều này chưa được thể hiện rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng Án lệ số 34, Tòa án cần lưu ý xác minh, làm rõ những tình tiết, chứng cứ liên quan đến đất cấp cho hộ gia đình tại thời điểm được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng thời, Tòa án cần xác minh, làm rõ tài sản trên đất có được người khác bỏ công sức, chi phí ra xây dựng hay không, để từ đó đánh giá khách quan, toàn diện nội dung tranh chấp.

Theo https://tapchitoaan.vn/binh-luan-an-le-so-342020al-ve-quyen-lap-di-chuc-dinh-doat-gia-tri-boi-thuong-ve-dat-trong-truong-hop-dat-bi-nha-nuoc-thu-hoi-co-boi-thuong12045.html

 

Tác giả bài viết:   BÙI AI GIÔN (NCS Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây