1.1. Các thông tin chung về Án lệ số 71/2024/AL
- Án lệ số 71/2024/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 20, 21, 23 tháng 02 năm 2024 và được công bố theo Quyết định 119A/QĐ-CA ngày 15 tháng 5 năm 2024 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
- Quyết định giám đốc thẩm số 14/2022/DS-GĐT ngày 28/4/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy quyết định giải quyết khiếu nại của UBND” giữa nguyên đơn là bà Đặng Thị Thu H với bị đơn là bà Nguyễn Thị C; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm 04 người.
1.2. Khái quát nội dung của án lệ
- Tình huống án lệ:
Tranh chấp quyền sử dụng đất đã được giải quyết bằng quyết định có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nguyên đơn tiếp tục khởi kiện vụ án dân sự tranh chấp quyền sử dụng đất đó và yêu cầu hủy quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nguyên đơn không đứng tên trên GCNQSDĐ có tranh chấp.
- Giải pháp pháp lý:
Trường hợp này, Tòa án phải đình chỉ giải quyết vụ án với lý do sự việc đã được giải quyết bằng quyết định có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
- Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ:
Khoản 1, 2 Điều 34 và điểm c, d khoản 1 Điều 192, điểm g khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 38 Luật Đất đai năm 1993 (tương ứng với Điều 136 Luật Đất đai năm 2003; Điều 203 Luật Đất đai năm 2013).
1.3. Tóm tắt nội dung vụ án[1]
[1] Diện tích 1.962m2 các đương sự có tranh chấp là thửa đất số 72, tờ bản đồ số 17 (thửa cũ 56, tờ bản đồ số 12), tờ bản đồ số 17, tại xã Q, huyện N, tỉnh Đồng Nai.
[2] Năm 1995, thửa đất nêu trên chưa được cấp GCNQSDĐ, ông Nguyễn Tấn T (là chồng bà H) đã tranh chấp quyền sử dụng thửa đất với bà C nên thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai thuộc UBND huyện N, theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật Đất đai năm 1993.
[3] Ngày 21/11/2000, UBND huyện N có Quyết định giải quyết khiếu nại số 1627/QĐ.CT.UBH, bác đơn khiếu nại của ông T về việc đòi lại diện tích đất 2.152,15m2 mà ông T đã viết giấy cho bà C ngày 08/12/1987. Không đồng ý với Quyết định này, ông T tiếp tục khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh Đ. Ngày 19/12/2001, Chủ tịch UBND tỉnh Đ có Quyết định giải quyết khiếu nại số 4835/QĐ.CT.UBT, với nội dung: Công nhận quyết định số 1627/QĐ.CT.UBH ngày 21/11/2000 của Chủ tịch UBND huyện N về việc giải quyết khiếu nại của ông T và bà C là đúng với quy định của pháp luật; bác đơn khiếu nại của ông T.
[4] Như vậy, diện tích đất bà H tranh chấp với bà C đã được giải quyết tại Quyết định số 4835/QĐ.CT.UBT ngày 19/12/2001 của Chủ tịch UBND tỉnh Đ có hiệu lực thi hành.
[5] Ngày 04/8/2002, bà C được cấp GCNQSDĐ. Ngày 21/12/2006, bà C được cấp đổi lại GCNQSDĐ.
[6] Do đó, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 và điểm g khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là đúng, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh hủy Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số 55/2018/QĐST-DS ngày 31/10/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai tiếp tục giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật là không có cơ sở.
1.4. Nội dung của án lệ
“[3] Ngày 21/11/2000, UBND huyện N có Quyết định giải quyết khiếu nại số 1627/QĐ.CT.UBH, bác đơn khiếu nại của ông T về việc đòi lại diện tích đất 2.152,15m mà ông T đã viết giấy cho bà C ngày 08/12/1987. Không đồng ý với Quyết định này, ông T tiếp tục khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh Đ. Ngày 19/12/2001, Chủ tịch UBND tỉnh Đ có Quyết định giải quyết khiếu nại số 4835/QĐ.CT.UBT, với nội dung: Công nhận quyết định số 1627/QĐ.CT.UBH ngày 21/11/2000 của Chủ tịch UBND huyện N về việc giải quyết khiếu nại của ông T và bà C là đúng với quy định của pháp luật; bác đơn khiếu nại của ông T.
[4] Như vậy, diện tích đất bà H tranh chấp với bà C đã được giải quyết tại Quyết định số 4835/QĐ.CT.UBT ngày 19/12/2001 của Chủ tịch UBND tỉnh Đ có hiệu lực thi hành.
[6] Do đó, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 và điểm g khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là đúng, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh hủy Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số 55/2018/QĐST-DS ngày 31/10/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai tiếp tục giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật là không có cơ sở.”
2. Bình luận một số vấn đề của Án lệ
2.1. Quy định của pháp luật có liên quan đến Án lệ
Quyền khởi kiện vụ án dân sự là một trong những quyền cơ bản của con người, được pháp luật thừa nhận, bảo đảm thực hiện, theo đó các chủ thể được gửi đơn khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết với tư cách là cơ quan tài phán, nhân danh quyền lực nhà nước bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động trong trường hợp cho rằng bị vi phạm hay có tranh chấp[2].
Tại điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 2015 quy định về việc: “Trả lại đơn khởi kiện, hậu quả của việc trả lại đơn khởi kiện” thì Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện trong các trường hợp sau đây: “Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp vụ án mà Tòa án bác đơn yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu và theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại”.
Tại điểm g khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015 quy định về việc: “Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự” thì sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong trường hợp: “Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 192 của Bộ luật này mà Tòa án đã thụ lý”.
Đồng thời, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 218 BLTTDS năm 2015 về: “Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự” thì: “Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”.
Do đó, đối với sự việc đã được giải quyết bằng một quyết định đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì Thẩm phán sẽ trả lại đơn khởi kiện, trong trường hợp sau khi thụ lý vụ án mà Toà án mới phát hiện sự việc này đã được giải quyết bằng một quyết định đã có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì Toà án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Trong trường hợp Toà án đã ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vì căn cứ nêu trên thì đương sự không có quyền khởi kiện lại đối với vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp (trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật).
Như vậy, Án lệ số 71 đã đề cập đến nội dung tranh chấp trước đây đã được giải quyết tại Quyết định giải quyết khiếu nại số 4835/QĐ.CT.UBT ngày 19/12/2001 của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, với nội dung công nhận quyết định số 1627/QĐ.CT.UBH ngày 21/11/2000 của Chủ tịch UBND huyện N về việc giải quyết khiếu nại của ông T và bà C là đúng với quy định của pháp luật; bác đơn khiếu nại của ông T. Diện tích đất bà H tranh chấp với bà C đã được giải quyết tại Quyết định số 4835/QĐ.CT.UBT ngày 19/12/2001 của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã có hiệu lực thi hành. Do đó, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 và điểm g khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015 là phù hợp. Điều đó có thể hiểu, với những nhận định của Án lệ số 71 việc tranh chấp của nguyên đơn bà H thuộc trường hợp: “Sự việc đã được giải quyết bằng quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS.
2.2. Xác định “Sự việc đã được giải quyết bằng quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”
Thông qua tình huống Án lệ số 71 có thể thấy, về mặt ngôn ngữ, “sự việc là cái xảy ra được nhận thức có ranh giới rõ ràng, phân biệt với những cái xảy ra khác”[3] và “giải quyết là làm cho không còn là vấn đề nữa”[4]. Dưới góc độ pháp luật tố tụng dân sự, “sự việc” được hiểu là yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập của các bên trong vụ án dân sự. Trừ một số trường hợp ngoại lệ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS (dù trước đó đã bị Tòa án bác đơn hoặc chưa chấp nhận yêu cầu và theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại) thì các trường hợp còn lại, nếu Tòa án xác định sự việc đã được giải quyết bằng quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì tùy từng trường hợp, Tòa án sẽ có hướng giải quyết khác nhau, cụ thể như sau:
Trường hợp 1: Vào thời điểm nộp đơn khởi kiện đến trước thời điểm Tòa án thụ lý vụ án, nếu xác định vụ việc thuộc trường hợp trên thì Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện, tức không thụ lý vụ án dân sự để giải quyết[5].
Trường hợp 2: Nếu Tòa án đã thụ lý vụ án dân sự thuộc thẩm quyền của mình nhưng sau đó mới phát hiện thuộc trường hợp này thì Tòa án phải ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự[6].
Như vậy, trừ các trường hợp ngoại lệ tại điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS, hậu quả pháp lý cuối cùng của trường hợp trên là Tòa án không giải quyết yêu cầu của đương sự và người khởi kiện không có quyền khởi kiện lại nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp[7]. Thực tiễn xét xử cho thấy, việc xác định sự việc đã được giải quyết bằng quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền gặp không ít khó khăn. Bởi lẽ, việc xác định “cơ quan Nhà nước có thẩm quyền” trong hệ thống cơ quan Nhà nước là việc không hề đơn giản, do gồm nhiều cơ quan khác nhau. Đồng thời, vấn đề đặt ra là quyết định nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được xác định là quyết định đã giải quyết sự việc? Mặt khác, tại Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án nhưng lại không có hướng dẫn việc áp dụng điểm c khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015, nên thực tiễn xét xử vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc về vấn đề này.
Dưới góc độ nghiên cứu và thực tiễn xét xử các vụ án dân sự, có một số vấn đề cần được trao đổi như sau:
Thứ nhất, việc xác định “quyết định nào” của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là quyết định giải quyết sự việc đã có hiệu lực pháp luật trên thực tế là khó khăn. Tác giả cho rằng, chỉ khi quyết định trên được ban hành bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết sự việc “về quan hệ dân sự” theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đó thì mới thuộc trường hợp: “Sự việc đã được giải quyết bằng quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Do đó, để tránh các tình huống pháp lý phức tạp phát sinh, ngay từ thời điểm bắt đầu xem xét đơn khởi kiện (đơn phản tố, đơn yêu cầu độc lập), Tòa án cần nghiên cứu trường hợp này dựa trên các quy định của các Luật chuyên ngành[8] để xem việc Cơ quan Nhà nước ban hành quyết định có đúng với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đó hay không?
Thứ hai, trong trường hợp “Sự việc đã được giải quyết bằng quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, Tòa án cần nghiên cứu xem trong quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có đối tượng, sự việc và nội dung liên quan đến tranh chấp mà đương sự yêu cầu hay không? Bởi lẽ, không phải tất cả các yêu cầu nào của đương sự cũng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết triệt để. Chẳng hạn như ngoài vấn đề về quyền sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết trong quyết định hành chính, người khởi kiện còn có thể tranh chấp những vấn đề khác như công trình xây dựng, cây cối trên đất hoặc liên quan đến số tiền bồi thường đền bù đất… Do đó, trong những tình huống này, Toà án cần xem xét, đối chiếu đầy đủ các yêu cầu của đương sự và những nội dung mà quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã giải quyết; để có thể nhận định, đánh giá một cách khách quan, toàn diện được những yêu cầu nào của đương sự đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết trước đó; tránh trường hợp Toà án ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự khi chưa xem xét đầy đủ, đối chiếu toàn diện các yêu cầu của người khởi kiện trong quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thứ ba, Tòa án cũng cần nghiên cứu thêm là quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có bị sửa đổi, bổ sung, thay thế bằng quyết định khác hay không? Bởi lẽ, trong thực tiễn xét xử cho thấy, có những chứng cứ bất lợi cho đương sự nên đương sự cố tình không cung cấp cho Toà án trong quá trình giải quyết vụ án hoặc những chứng cứ này đương sự không biết được khi họ chưa nhận được quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do đó, trong trường hợp này, trước khi ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, Toà án cần yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành quyết định cung cấp các tài liệu, chứng cứ liên quan đến sự việc đã giải quyết, để từ đó Toà án có thể đưa ra các đánh giá yêu cầu của đương sự đã được giải quyết bằng quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay chưa, trước khi ban hành quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.
3. Kết luận
Án lệ số 71 được tạo lập nhằm hướng dẫn cho các Tòa án giải quyết về việc đình chỉ giải quyết vụ án với lý do sự việc đã được giải quyết bằng quyết định có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Theo đó, tranh chấp quyền sử dụng đất đã được giải quyết bằng quyết định có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp này, Tòa án căn cứ quy định tại khoản 1, 2 Điều 34 và điểm c, d khoản 1 Điều 192, điểm g khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015 để đình chỉ giải quyết vụ án với lý do sự việc đã được giải quyết bằng quyết định có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Tuy nhiên, dưới góc độ của Tòa án, khi xem xét nội dung tranh chấp có thuộc trường hợp: “Sự việc đã được giải quyết bằng quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”; thì Tòa án cần lưu ý nghiên cứu về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành quyết định. Đồng thời, xem xét các nội dung mà quyết định đó đã ban hành có liên quan đến nội dung tranh chấp hay không? Hoặc quyết định đó có bị sửa đổi, bổ sung, thay thế bằng quyết định khác hay không?
BÙI AI GIÔN (TAND huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
Nguồn: https://tapchitoaan.vn/binh-luan-an-le-so-712024al-ve-viec-dinh-chi-giai-quyet-vu-an-voi-ly-do-su-viec-da-duoc-giai-quyet-bang-quyet-dinh-co-hieu-luc-cua-co-quan-nha-nuoc-co-tham-quyen-va-khong-thuoc-tham-quyen-giai-quyet-cua-toa-an12463.html
Những tin cũ hơn