Những câu hỏi về tài sản quan chức

Thứ năm - 16/03/2017 20:17
(PL News) - Chính phủ liêm chính chỉ có thể xây dựng trên nền tảng công khai, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình. Dân chúng phải có quyền giám sát. Muốn vậy, cần phải xem xét lại những luật lệ liên quan.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

“Nếu là bộ trưởng, bí thư tỉnh ủy hoặc chủ tịch tỉnh, tôi không dại gì để tài sản đứng tên tôi” - TS Nguyễn Đình Quyền, viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, không ít lần nói câu này tại các hội thảo về thể chế chống tham nhũng.

TS Quyền giải thích rằng với cơ chế, pháp luật hiện nay thì không thể kiểm soát được các khối tài sản cá nhân và “đường đi” của các khối tài sản ấy. Thế nên lựa chọn khôn ngoan nhất của nhiều quan chức là để vợ, con, người thân đứng tên các tài sản lớn, thậm chí mua vàng, kim cương về cất trong nhà nhằm tránh những dị nghị, phiền phức.

Thế nên mới có những chuyện như chồng làm quan chức kê khai tài sản không có gì, nhưng vợ đi chơi nước ngoài như đi chợ, con ở biệt thự, đi xe tiền tỉ...

Thực tế cũng có không ít quan chức vẫn để tài sản đứng tên mình, trong khi dư luận luôn nghi vấn, ngờ vực.

Và thi thoảng các khối tài sản của vị nào đó xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội với những nghi ngờ thì dư luận cũng lập tức xì xào “chắc là do... đánh nhau nên mới bị khui ra như thế”. Và sau đó không ít người bị “bêu” tên phải khổ sở tìm cách dập tắt tin đồn.

Vấn đề đặt ra là tại sao luôn có nhiều câu hỏi, nghi vấn như vậy về các khối tài sản của quan chức?

Trước hết, là xuất phát từ thực tế như các văn bản của Đảng và Nhà nước đã nhận định có “một bộ phận không nhỏ” tiêu cực, tham nhũng, trục lợi. Những tài sản có được từ “nguồn” này luôn được họ đem cất giấu hoặc tìm cách “rửa”.

Nhưng không phải lúc nào họ cũng che mắt được dư luận, đặc biệt là những người sống gần gũi như bạn bè, cơ quan, đơn vị, hàng xóm. Thế nên sự dị nghị, hoài nghi, thậm chí tung tin cũng từ đấy mà ra.

Thứ hai, là tồn tại trong các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch tài sản. “Kê khai tài sản mà chỉ công khai nội bộ rồi đóng dấu mật thì làm gì có minh bạch” - đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương bình luận.

Luật phòng chống tham nhũng và các quy định hiện hành không buộc cán bộ, công chức, đặc biệt là những người giữ vị trí lãnh đạo, phải công khai rộng rãi các bản kê khai tài sản.

Thế nên VN là một trong số ít các quốc gia có số lượng cán bộ, công chức buộc phải kê khai tài sản lớn nhất (trên 1 triệu người), nhưng lại rất khó đánh giá sự minh bạch trong các bản kê khai và người dân bình thường không thể tiếp cận các bản kê khai này.

“Kê khai mà không công khai rộng rãi, công khai mà không gắn với trách nhiệm giải trình thì không thể minh bạch được” - TS Trần Đức Lượng, nguyên phó tổng Thanh tra Chính phủ, phát biểu tại một hội thảo gần đây về sửa đổi Luật phòng chống tham nhũng.

Đây cũng là một trong các lý do khiến chuyên gia quốc tế ví luật của VN như “cọp không răng”.

Ở nhiều quốc gia, trách nhiệm minh bạch và giải trình nguồn gốc tài sản để công chúng giám sát là bắt buộc đối với công chức nhà nước, đặc biệt là với những vị trí lãnh đạo. Mọi nghi vấn về tài sản đều được cơ quan có trách nhiệm và người bị nghi vấn trả lời.

Chính phủ liêm chính chỉ có thể xây dựng trên nền tảng công khai, minh bạch gắn với trách nhiệm giải trình. Dân chúng phải có quyền giám sát. Muốn vậy, cần phải xem xét lại những luật lệ liên quan.

Tác giả bài viết: LÊ KIÊN

Nguồn tin: TTO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây