'Đơn thư nặc danh có bằng chứng cụ thể cần phải được xem xét'

Thứ sáu - 17/03/2017 05:33
Đơn tố cáo nặc danh có căn cứ, bằng chứng cũng phải được xem xét. 'Đơn nặc danh mà vào vứt vào sọt rác là chưa hết trách nhiệm', Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Phiên họp sáng 14.3 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố cáo -   ẢNH TR.S
Phiên họp sáng 14.3 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố cáo -   ẢNH TR.S

 

Quan điểm trên được Chủ tịch Quốc hội nêu ra tại phiên họp sáng nay (14.3) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tố cáo.

Trước đó, trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án luật này, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết, hiện có 2 loại ý kiến khác nhau liên quan đến tố cáo nặc danh.

Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, quy định của Đảng và luật Tố cáo hiện hành chưa chấp nhận xem xét, giải quyết đơn tố cáo không rõ, họ tên địa người tố cáo.

Báo cáo của Chính phủ cho biết những năm qua các cơ quan nhà nước mới chỉ giải quyết được 87,4% tổng số đơn tố cáo có danh. Trong số này tố cáo sai chiếm 59,3%, còn lại 28,3% có đúng, có sai.

“Vì vậy, nếu luật quy định việc giải quyết tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình xem xét, giải quyết”, ông Phan Văn Sáu cảnh báo.

Loại ý kiến thứ 2 cho rằng, thực tế không ít trường hợp người tố cáo còn bị trả thù, bị trù dập, do đó nhiều người không dám tố cáo hành vi vi phạm pháp luật. Để kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm, cần quy định về việc giải quyết tố cáo đối với trường hợp người tố cáo không ghi họ tên, địa chỉ của mình.

Theo ông Phan Văn Sáu, Chính phủ cho rằng loại ý kiến thứ nhất là phù hợp nên đã thể hiện nội dung này vào dự thảo Luật.

Đại diện cơ quan thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho hay ủy ban này có 2 loại ý kiến tương tự. Trong đó có ý kiến cho rằng cần xem xét đơn tố cáo nặc danh vì mục đích của việc giải quyết tố cáo là nhằm bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Nhóm ý kiến này cho rằng, thực tế nhiều trường hợp tuy là đơn tố cáo nặc danh nhưng có gửi kèm các bằng chứng rõ ràng, có căn cứ về việc vi phạm pháp luật (tài liệu, vật chứng, ảnh, băng ghi hình, ghi âm…) thì các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng cần xác minh, xem xét, xử lý tránh bỏ lọt các hành vi vi phạm pháp luật…

Không ủng hộ việc xem xét tố cáo nặc danh, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng “tố cáo nặc danh sẽ làm xã hội sai lệch”. “Còn bây giờ người tố cáo họ cũng hay lắm, họ thấy không tin tưởng thì họ gửi hẳn đơn tới lãnh đạo cấp cao, ví dụ gửi đồng chí A, đồng chí B thì chắc chắn được xử lý nên không sợ đe doạ”, ông Giàu nói.

Liên quan đến quy định về quyền rút đơn tố cáo, ông Giàu lo lắng quy định “dễ dãi” này có thể bị lợi dụng gây ảnh hưởng lớn. “Cần nghiên cứu kỹ thậm chí tổ chức hẳn hội thảo riêng về quy định rút đơn tố cáo. Phải nhìn cả hai mặt của vấn đề nhưng cá nhân tôi thấy nếu quy định thế này thì thấy mặt tiêu cực là nhiều”, ông Giàu nêu chính kiến.
 
 
'Đơn thư nặc danh có bằng chứng cụ thể cần phải được xem xét' - ảnh 1
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt phát biểu tại phiên họp ẢNH TR.SƠN


"Cán bộ bây giờ tiêu cực tinh vi trên tài cả thanh tra, kiểm tra"

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt, vấn đề tố cáo nặc danh có cả hai mặt ưu điểm và nhược điểm. Ông Việt cho rằng, “cán bộ bây giờ tiêu cực tinh vi trên tài cả thanh tra, kiểm tra. Đội ngũ cán bộ mình sáng kiến phát triển đất nước tuy có, song chưa nhiều. Nhưng sáng kế đối phó với chủ trương Đảng, Nhà nước còn giỏi hơn. Luật kiểu gì cũng lách được, vận dụng được…”.

Bên cạnh đó theo ông Việt, do cơ chế kiểm soát quyền lực chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao, quy định trách nhiệm người đứng đầu không rõ nên nếu không xem xét, xử lý đơn thư nặc danh thì “càng thuận lợi cho đội ngũ ít nhưng nguy hiểm này”. Trong khi đó cơ chế đảm bảo, bảo vệ cho người tố cáo chưa rõ ràng nên nhiều vụ thuê đối tượng giang hồ khống chế, cán bộ công chức thì không dám tố cáo thủ trưởng vì sợ bị trù dập.

Tuy nhiên, quan điểm chốt của ông Việt lại là không nên xem xét giải quyết tố cáo nặc danh vì trong bối cảnh hiện nay sẽ làm “loạn cả đất nước”. Do vậy, ông Việt ủng hộ phương án luật chỉ quy định giải quyết đơn thư chính thống.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, do luật chưa có cơ chế bảo vệ người tố cáo chưa có nên dẫn đến việc e ngại, sợ tố cáo có danh. “Tố cáo nặc danh đúng là có khả năng gây tình hình phức tạp nhưng cần phải có cơ phải có cơ chế bảo vệ người tố cáo”, ông Thanh bày tỏ quan điểm.
 
'Đơn thư nặc danh có bằng chứng cụ thể cần phải được xem xét' - ảnh 2

Tại hội thảo “Bước đầu tiếp cận kết quả 10 năm thực hiện luật Phòng chống tham nhũng qua một số lĩnh vực”, do Viện Chính sách công và pháp luật phối hợp với Tổ chức Hướng tới minh bạch tổ chức ngày 28.6 tại Hà Nội.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, nếu không xem xét, xử lý tố cáo nặc danh sẽ dẫn đến bỏ qua nhiều vụ việc. “Những vụ việc gần đây cho thấy, có trường hợp chỉ là một hiệu trưởng có vấn đề nhưng giáo viên đã không dám nói khác, chưa nói đến chuyện tố cáo”, ông Bình dẫn chứng. Tuy nhiên ông Bình cũng cho rằng cần xem xét cụ thể chứ hệ thống quản lý nhà nước không thể thông tin nào cũng xử lý.

Phát biểu về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, về nguyên tắc không xem xét các đơn nặc danh. Tuy nhiên nếu các đơn thư có nội dung, bằng chứng cụ thể, rõ ràng thì cần phải được xem xét. Theo Chủ tịch Quốc hội, việc xem xét này để phục vụ công tác, quản lý lãnh đạo ở đơn vị có đơn thư tố cáo, trong trường hợp cần thiết sẽ có kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất .

Nhấn mạnh “đơn nặc danh mà vào vứt vào sọt rác là chưa hết trách nhiệm”, Chủ tịch Quốc hội cho rằng việc xử lý đơn tố cáo nặc danh có thông tin, cơ sở là thuộc về người lãnh đạo đơn vị. “Đã có nguồn thông tin thì thủ trưởng phải có trách nhiệm xem xét, kể cả đơn đó tố cáo mình thì cũng phải soi xét lại”, Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
 

Ủng hộ việc gửi tố cáo qua các phương tiện điện tử

Liên quan đến các quy định về hình thức tố cáo, ông Phan Văn Sáu cho biết có ý kiến ngoài hai hình thức tố cáo là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp, dự thảo Luật cần quy định bổ sung các hình thức tố cáo khác như tố cáo bằng bản fax, email, điện thoại… để tạo điều kiện cho người tố cáo thực hiện quyền tố cáo, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý đối với các hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, quan điểm này theo Chính phủ là chưa phù hợp nên trong dự luật chỉ quy định hai hình thức tố cáo (như quy định của luật Tố cáo năm 2011): tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. 
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh luật Phòng, chống tham nhũng đã quy định cho phép các cơ quan tổ chức… có trách nhiệm tạo điều kiện để công dân khiếu nại tố cáo bằng cách gửi đơn hoặc qua các phương tiện khác.
Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện Việt Nam đang hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, sử dụng công nghệ thông tin trong điều hành, quản lý nhà nước. Do vậy nếu luật này không mở ra thì coi như chưa đồng bộ luật Phòng, chống tham nhũng.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý để tránh tình trạng lộn xộn, thiếu kiểm soát cần quy định chặt chẽ việc gửi tố cáo qua các phương tiện khác cần đúng người, đúng cơ quan có thẩm quyền.

Tác giả bài viết: Trường Sơn

Nguồn tin: TNO

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây