Biển Đông: Nhật điều tàu sân bay, Trung Quốc đe “mạnh tay” nếu can thiệp

Thứ sáu - 17/03/2017 19:20
(PL News) - Chuyến đi được xem là cuộc biểu dương lực lượng hải quân lớn nhất của Nhật Bản trong khu vực kể từ Thế chiến thứ hai.
Biển Đông: Nhật điều tàu sân bay, Trung Quốc đe “mạnh tay” nếu can thiệp

 

Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố: “Nếu Nhật vẫn tiếp tục hành động sai trái và thậm chí nghĩ đến chuyện can thiệp quân sự, đe doạ chủ quyền và an ninh của Trung Quốc... thì Trung Quốc chắc chắn sẽ có những biện pháp đáp trả mạnh”.
 
Tàu sân bay trực thăng Izumo của hải quân Nhật Bản
Tàu sân bay trực thăng Izumo của hải quân Nhật Bản

Trung Quốc thề sẽ phản ứng mạnh nếu Nhật Bản cố tình gây rắc rối ở Biển Đông, sau khi Reuters đưa tin về kế hoạch của Nhật Bản đưa chiến hạm uy lực nhất Izumo tới Biển Đông.

Theo Reuters, tàu sân bay trực thăng Izumo mới được trang bị cho Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản cách đây hai năm, sẽ dừng tại Singapore, Indonesia, Philippines và Sri Lanka trước khi tham gia cuộc tập trận hải quân chung Malabar với các tàu hải quân Ấn Độ và Mỹ ở Ấn Độ Dương vào tháng 7 tới.

Nhiều chuyên gia cho rằng động thái này là một thách thức với tiềm năng ngày càng tăng của hải quân Trung Quốc. Theo kế hoạch của Nhật Bản, sau khi Izumo đến vịnh Subic, tổng thống Philippines Duterte sẽ được mời lên tàu, việc này sẽ giúp làm phai nhạt các mối quan hệ của ông với phía Trung Quốc.

Theo hãng thông tấn Nga Sputnik, kết quả mà Tokyo có thể đạt được là cộng đồng quốc tế sẽ ngầm thừa nhận Nhật Bản có quyền sử dụng sức mạnh quân sự ở ngoài phạm vi biên giới của nước mình. Và Mỹ sẽ ủng hộ Nhật Bản trong vấn đề này. Tân tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi Tokyo đóng góp nhiều hơn để thực hiện đầy đủ các cam kết trong hiệp định về hợp tác quốc phòng.

 

Chiến hạm hải quân Nhật Bản dàn đội hình trên biển

Trung Quốc đã ngay lập tức có phản ứng trước động thái của Nhật Bản. Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố: “Nếu Nhật vẫn tiếp tục hành động sai trái và thậm chí nghĩ đến chuyện can thiệp quân sự, đe doạ chủ quyền và an ninh của Trung Quốc... thì Trung Quốc chắc chắn sẽ có những biện pháp đáp trả mạnh”.

Ngày 14/3, Trung Quốc nói nước này đang chờ tuyên bố chính thức giải thích lý do tại sao Nhật có ý định đưa tàu chiến tham gia chuyến đi ngang qua Biển Đông. Bắc Kinh nói họ hy vọng Nhật Bản sẽ tỏ ra có trách nhiệm trong việc này.

Hôm 16/3, bà Hoa không cho biết liệu Trung Quốc đã được xác nhận về kế hoạch của Nhật Bản hay chưa, nhưng bà nói vấn đề Biển Đông không liên quan gì tới Nhật Bản.

Nhật Bản không tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc ở Biển Hoa Đông. Trung Quốc cho rằng tranh chấp nên được giải quyết mà không có sự can thiệp từ các bên không liên quan.

Phát biểu tại cuộc họp báo vào cuối buổi họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc hôm 15/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói Trung Quốc hy vọng sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử nhằm duy trì sự ổn định.

Việc tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ các vùng biển tranh chấp và sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc đã gây ra mối quan ngại ở Nhật Bản và phương Tây. Mỹ thường xuyên tổ chức các cuộc tuần tra trên biển và trên không trong khu vực nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải.

Nguồn tin: VietTmes:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây