Cần tăng cường tính phản biện và giám sát trong các DNNN để hạn chế đầu tư trái ngành
Thứ tư - 14/10/2020 22:28
(TVLMP) - Hàng loạt tập đoàn kinh tế (DNNN) bị Thanh tra Chính phủ và cơ quan có chức năng“sờ gáy”, hết thảy đều có sai phạm trong việc đầu tư, góp vốn ra ngoài doanh nghiệp và đầu tư trái ngành, gây thiệt hại nghiêm trọng nguồn vốn của Nhà nước. Điều đáng quan ngại là, hệ thống pháp luật đã và đang từng bước được hoàn thiện, nhưng thực trạng này không có dấu hiệu dừng lại. Vì sao ?
Bài viết thể hiện quan điểm của Luật gia Vũ Lê Minh
Đầu tư trái ngành: Từ lỗ… đến lỗ Tháng 3/2018, Kiểm toán nhà nước có văn bản gửi Bộ Công thương về kết luận báo cáo kiểm toán báo cáo tình hình tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đến năm 2016 của Tổng công ty Bia, Rượu, Nước giải khát Sài Gòn (SABECO). Văn bản cho biết, SABECO đầu tư ngoài ngành vào 10 công ty gây thua lỗ chủ yếu vào lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, quỹ đầu tư tài chính. Để cứu vãn, công ty mẹ phải trích lập dự phòng tổn thất đầu tư tài chính đối với 10 khoản đầu tư dài hạn khi có vốn góp dưới 20% vốn điều lệ với số tiền là 444,7 tỉ đồng, bằng 77,8% giá trị đầu tư.
Cũng trong năm 2018, tại Thông báo số 27/TB-TTCP ngày 05/01/2018 về kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (SASCO), Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết, SASCO đã đầu tư vốn thành lập công ty liên doanh Nhà Viethaus tại Đức (2005 – 2015), bị lỗ lũy kế đến cuối 2015 là 13.408.166 euro, khó có khả năng thu hồi vốn đầu tư và các khoản nợ 9.617.077,96 euro, tương đương 61.963 triệu đồng.
SABECO, SASCO chỉ là “giọt nước làm tràn ly”, hàng loạt các DNNN khác trước đó cũng “mắc kẹt” vì đầu tư ngoài ngành, nếu có rút được vốn cũng bị lỗ nặng. Ngày 01/9/2016, theo kết luận của TTCP, PETROLIMEX đã tăng vốn đầu tư trái quy định vào PGBank 400 tỷ đồng (chiếm 40% vốn điều lệ của đơn vị nhận vốn góp). Tương tự, Kết luận số 2341/KL-TTCP.V.I ngày 02/10/2014, TTCP đã phát hiện Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), đầu tư ra bên ngoài doanh nghiệp vượt so với vốn điều lệ theo quy định là 2.591.010 triệu đồng. Kết quả đầu tư có tỷ suất lợi nhuận đạt được rất thấp, lỗ, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ mất vốn, với giá trị lớn.
Trước đó, tại Thông báo số 1639/TB-TTCP ngày 19/7/2013, TTCP cho biết, đến 31/12/2011, VNPT đã đầu tư góp vốn vào 86 doanh nghiệp với tổng giá trị 3.273,23 tỷ đồng, trong đó: 38 doanh nghiệp thu được 322 tỷ đồng lợi nhuận với tỷ suất bình quân 15,64%; 28 doanh nghiệp với giá trị đầu tư 196 tỷ đồng nhưng lợi nhuận thu được thấp (tỷ suất bình quân chỉ đạt 3,16%) và 20 doanh nghiệp khác và quỹ với giá trị đầu tư 723,8 tỷ đồng trong thời gian dài (từ 3 đến 5 năm) không thu được lợi nhuận, gây lãng phí vốn đầu tư.
Tại Tập đoàn Xi măng Việt Nam, ngày 05/6/2015, Tổng TTCP ban hành Kết luận số 1571/KL- TTCP về việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý vốn, tài sản cho biết, Công ty mẹ - Tập đoàn này đã đầu tư tài chính ngoài ngành nghề kinh doanh chính (ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản) với số tiền 2.255.618 triệu đồng. Trong đó đầu tư với giá trị lớn không đúng quy định: Tăng vốn vào PG Bank 400.000 triệu đồng; Công ty CP Bảo hiểm PETROLIMEX 171.360 triệu đồng không có sự chấp thuận của Bộ Công thương và Thủ tướng Chính phủ; sử dụng vốn kinh doanh 231.898 triệu đồng để đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản…
Dư luận đang “sốt” xung quanh việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ban hành khung giá điện bất hợp lý. Liên quan đến vấn đề này, có không ít ý kiến cho rằng, giá điện tăng vì phải “gánh” quá nhiều chi phí khác từ EVN như lỗ tỷ giá và cả hậu quả của việc EVN đầu tư ngoài ngành dàn trải. Nghi ngờ này không phải không có cơ sở. Bởi trong nhiều lần tăng giá điện 10 năm qua, một trong những lý do thường xuyên được EVN đưa ra là “đang lỗ”, mặc dù nhiều thời điểm, “ông lớn” này vẫn đang “tích cực” đầu tư ngoài ngành.
Kết luận thanh tra số 2181/KL-TTCP ngày 02/10/2013 của Thanh tra Chính phủ cho biết: Đến cuối năm 2011, Công ty mẹ EVN đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp với số tiền 121.790.229.190.506 đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ có 76.742.000.000.000 đồng, vượt 45.048.229.190.506 đồng; đầu tư vào lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán số tiền 1.997.356.371.000 đồng, vượt tỉ lệ cho phép. Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, EVN đã làm trái quy định Thông tư số 117/2010/TT-BTC ngày 24/5/2010, Quyết định số 1876/QĐ-BTC ngày 05/8/2010 của Bộ Tài chính và Quyết định số 854/QĐ-TTg ngày 10/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Đáng chú ý, mặc dù đầu tư ra ngoài cả trăm ngàn tỉ đồng nhưng EVN không thu được đồng lãi nào mà lỗ đến 2.195 tỉ đồng.
Cùng với đó, EVN thực hiện đầu tư vào những lĩnh vực nhiều rủi ro như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán hơn 1.900 tỷ đồng, vượt tỷ lệ cho phép của Chính phủ và Bộ Tài chính.Việc kinh doanh thua lỗ này còn tập trung tại 07 công ty 100% vốn của EVN với số tiền lỗ hơn 3.648 tỉ đồng. Đối với các đơn vị thành viên của EVN, Thanh tra Chính phủ đã kiểm tra, xác định vi phạm không kém gì công ty mẹ khi đầu tư tràn lan ra ngoài và thua lỗ nghiêm trọng. Đối với việc đầu tư vào EVN Telecom, đến thời điểm bàn giao tài sản cho Viettel, EVN đã đầu tư vào công ty này hơn 2.425 tỉ đồng và EVN Telecom đã lỗ đến gần 3.000 tỉ đồng dẫn đến việc mất vốn nhà nước toàn bộ số tiền đã đầu tư. Kết luận của TTCP cho biết, mặc dù đã được cơ quan chức năng cảnh báo nhưng EVN vẫn đầu tư vào EVN Telecom dẫn đến kinh doanh không hiệu quả, mất vốn nhà nước gần 3.000 tỷ đồng
Trong một thông báo từng được phát đi, EVN cho rằng, ngay cả năm lãi hàng nghìn tỉ đồng, nhưng năm sau đó, giá điện cũng phải tăng với lý do… bù lỗ cho các khoản lỗ cũ và tỷ giá chênh lệch. Năm 2017, EVN báo lãi 2.799,08 tỉ đồng, nhưng với khoản chi phí chưa được tính đủ trong giá thành điện của các năm trước, giá điện từ năm 2019 phải được “tính toán lại” và một trong những cách giảm khoản lỗ, chênh lệch tỷ giá đang treo của mấy năm trước đó là tăng giá bán điện vào tháng 3 vừa qua. Chính thực tế này đã khiến không ít người đặt câu hỏi: Liệu có phải việc tăng giá điện để bù lỗ thực chất là EVN đang bắt người tiêu dùng điện phải “chịu trách nhiệm” trước những rủi ro và khoản thua lỗ trong kinh doanh của tập đoàn, trong đó có việc đầu tư ngoài ngành ồ ạt từ những năm trước ?
Như vậy, hầu hết các dự án đầu tư ngoài DN, đặc biệt là đầu tư trái ngành nghề do các DNNN thực hiện trong thời gian qua đều thua lỗ nặng nề, gây thất thoát nguồn vốn nhà nước rất nghiêm trọng. Các kết luận của TTCP và cơ quan kiểm toán cũng chỉ rõ, để xảy ra những sai phạm, các tập đoàn kinh tế chưa chấp hành đúng các quy định về quản lý, sử dụng vốn tài sản, đầu tư tràn lan, bất chấp cảnh báo của cơ quan có chức năng (điển hình nhất là EVN chưa thực hiện đúng quy định về đầu tư xây dựng đối với các dự án nguồn điện, còn để xảy ra các tồn tại, vi phạm làm tăng chi phí sản xuất điện.
Kết luận của TTCP cho biết, mặc dù đã được cơ quan chức năng cảnh báo nhưng EVN vẫn đầu tư vào EVN Telecom dẫn đến kinh doanh không hiệu quả, mất vốn nhà nước gần 3.000 tỷ đồng); không thực hiện bước thẩm định, đánh giá để ra quyết định đầu tư; làm trái thẩm quyền; đầu tư dàn trải, thiếu sự tính toán và nghiên cứu kỹ càng từ khâu khảo sát, lập, trình, duyệt dự án; đầu tư vào quá nhiều ngành, nghề, lĩnh vực không liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính, dẫn đến khó khăn, không quản lý được… Truy nguyên nhân và đề xuất giải pháp tháo gỡ… Hệ quả của việc đầu tư ngoài ngành của không ít DNNN để lại hậu quả thiệt hại vô cùng lớn, gây thất thoát cho ngân sách những khoản không nhỏ và khó xử lý. Để xảy ra các sai phạm đó, ngoài ý chí chủ quan của những người đứng đầu tại DNNN (như TTCP đã chỉ ra tại các Kết luận), có thể nói hệ thống pháp luật tại thời điểm còn nhiều “kẽ hở” ?
Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội: “Nguyên nhân của những yếu kém trên, là do công tác tổ chức cán bộ chưa tốt, năng lực quản lý còn bất cập. Tại cơ quan chủ quản chưa có đơn vị đủ mạnh. Một số cán bộ sa sút trách nhiệm, vi phạm pháp luật, tham nhũng, đã làm thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước. Cơ chế theo dõi, đánh giá, kiểm tra cán bộ chưa thực sự được chú trọng. Có trường hợp có biểu hiện cục bộ, lợi ích nhóm khi nhận xét, đánh giá người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý DN”
Mặc dù tại khoản 3 Điều 12 Nghị định này có ràng buộc, điều kiện khi đầu tư ra ngoài công ty, các công ty nhà nước phải đảm bảo sử dụng tối thiểu 70% tổng nguồn vốn đầu tư vào các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực thuộc ngành nghề kinh doanh chính của công ty; tổng mức đầu tư ra ngoài công ty nhà nước không vượt quá mức vốn Điều lệ của công ty nhà nước (riêng đối với hoạt động đầu tư góp vốn vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, công ty nhà nước chỉ được đầu tư vào mỗi lĩnh vực một doanh nghiệp; mức vốn đầu tư không vượt quá 20% vốn Điều lệ của tổ chức nhận góp vốn, nhưng phải đảm bảo mức vốn góp của công ty mẹ và các công ty con trong tổng công ty, tập đoàn không vượt quá mức 30% vốn Điều lệ của tổ chức nhận vốn góp)… DNNN đau đầu với thoái vốn ngoài ngành
Theo các chuyên gia luật, quy định trên không đủ “lực” để buộc các công ty nhà nước đi đúng “đường ray”, khi mà “hội chứng” đầu tư ngoài ngành đang trở thành trào lưu khó cưỡng và không loại trừ có động cơ lợi ích nhóm. Trái lại, với Nghị định 09 được ban hành vào thời điểm đó vô hình trung đã “bật đèn xanh” cho các DNNN “vượt rào” mà không sợ bị quy kết làm trái pháp luật.
Có thể giai đoạn đầu đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp, các DNNN khống chế tỷ lệ vốn góp đảm bảo đúng quy định, nhưng sau đó vì nhiều lý do khác nhau, càng đầu tư càng thua lỗ nên dẫn tới càng lún sâu hơn… Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quý Thọ (Học viện Chính sách và Phát triển), nhận định: “Lợi dụng vào việc đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực nhằm thúc đẩy tăng trưởng thì những cá nhân, lãnh đạo doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở này đã cố ý làm trái quy định Nhà nước nhằm trục lợi cá nhân”.
Trong bối cảnh đó, việc ra đời Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 và Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp là cần thiết, đáp ứng được yêu cầu về quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn nhà nước được giao cho các DNNN quản lý, đang bị thất thoát nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận.
Theo đó, tại Điều 21, Nghị định 91 quy định, các công ty nhà nước: “Đầu tư ra ngoài doanh nghiệp phải tuân thủ quy định của pháp luật và phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước đảm bảo có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn đầu tư”; và nghiêm cấm: “DNNN không được góp vốn hoặc đầu tư và lĩnh vực bất động sản (trừ DNNN có ngành nghề kinh doanh chính là các loại bất động sản theo quy định của Luật Kinh doanh BĐS), không được góp vốn, mua cổ phần tại ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ”.
Có thể nói Nghị định 91/2015 là bước đột phá đáng kể về tư duy của Chính phủ. Nó thể hiện quan điểm cầu thị của Chính phủ dám nhìn thẳng vào sự thật, không sợ khuyết điểm, quyết tâm sửa sai để nguồn vốn của Nhà nước được bảo tồn, phát triển và sử dụng có hiệu quả.
Từ đây, các DNNN muốn đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp phải phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính; đồng thời không được góp vốn hoặc đầu tư vào các lĩnh vực “nhạy cảm”. Cùng thời gian, ngày 06/10/2015, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 87/2015/NĐ-CP về giám sát đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai tài chính của DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Hai văn bản dưới luật được ban hành cùng một thời điểm, đều có nội dung hướng đến tăng cường kiểm soát, quản lý chặt chẽ nguồn vốn nhà nước và sử dụng có hiệu quả, thể hiện sự quyết tâm lập lại trật tự trong lĩnh vực này của Chính phủ.
Tiến sĩ Lưu Bích Hồ - Nguyên Viện trưởng Viện chiến lược (Bộ Kế hoạch & Đầu tư): “Phải xác định dứt khoát thể chế quản lý doanh nghiệp Nhà nước, từ đó đào tạo ra những người quản lý giỏi, hoặc chấp nhận thuê những cá nhân có năng lực ở khu vực tư. Song hành với đó, Nhà nước cũng phải tăng cường giám sát người đại diện vốn, vì đây chính là những cá nhân nắm rõ tiền đầu tư đi đâu, đầu tư như thế nào”
Thế nhưng, theo báo cáo của Đoàn Giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011- 2016, do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày trước Quốc hội (28/5/2018) cho biết, hiệu quả hoạt động của DNNN giai đoạn 2011-2016 chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ, tổng tài sản và vốn tăng nhưng doanh thu, lợi nhuận trước thuế và nộp ngân sách nhà nước có tốc độ tăng chậm (bình quân 3%/năm), tổng số nợ phải trả cao, tăng 26% so với năm 2011; chưa thực sự phát huy được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế.
Hoạt động đầu tư ra ngoài DN còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Lũy kế tính đến 31/12/2016 đã đầu tư ra nước ngoài trên 7 tỷ USD, có 25,5% dự án báo lỗ, 29% dự án lỗ lũy kế. Hiệu quả đầu tư vào công ty con, công ty liên kết còn hạn chế, ảnh hưởng không tốt đến năng lực tài chính và hiệu quả sử dụng vốn tạiDN.Hầu hết các DN qua thanh tra, kiểm toán đều vi phạm pháp luật ở các mức độ khác nhau.
Một số DNNN huy động, quản lý, sử dụng vốn đầu tư dàn trải, tùy tiện, đầu tư ngoài ngành, ngoài DN không đúng quy định, góp vốn dàn trải dẫn đến lãng phí, thiếu hiệu quả. Một số dự án đầu tư ngoài ngành tỷ suất lợi nhuận thấp, khả năng mất vốn cao; hoạt động đầu tư tài chính vi phạm nghiêm trọng gây mất vốn hoặc thiệt hại lớn…
Báo cáo của Đoàn Giám sát của Quốc hội cũng chỉ rõ: Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với DN có vốn đầu tư của Nhà nước tuy có sự phân công, phân cấp nhưng hiệu quả chưa cao. Công tác tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ không tốt, có tình trạng hệ thống kiểm soát nội bộ bị tê liệt không có phản ứng trước vi phạm của một số cá nhân, vi phạm điều lệ DN, quy chế làm việc của HĐQT, Ban giám đốc; chưa đủ nhạy bén để giám sát và cảnh báo kịp thời cho người đại diện chủ sở hữu các sai phạm.
Như vậy “điểm nghẽn” nằm ở chỗ công tác kiểm tra, giám sát và nội lực bên trong các DNNN đang có vấn đề bất ổn, không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ bảo tồn và phát triển nguồn vốn được Nhà nước giao làm đại diện chủ sở hữu. SASCO đã đầu tư vốn thành lập công ty liên doanh Nhà Viethaus tại Đức (2005 – 2015), bị lỗ lũy kế đến cuối 2015 là 13.408.166 euro…
Lật lại Luật Doanh nghiệp 2014 (tại Điều 91 và 98) cho thấy, Hội đồng thành viên (HĐVT) và Chủ tịch công ty đồng có quyền quyết định bổ nhiệm hoặc thuê Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty theo phương án nhân sự đã được cơ quan đại diện chủ sở hữu chấp thuận;quyết định kế hoạch sản xuất kinh doanh hằng năm, chủ trương phát triển thị trường, tiếp thị và công nghệ của công ty; tổ chức hoạt động kiểm toán nội bộ và quyết định thành lập đơn vị kiểm toán nội bộ của công ty…Điều 28 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 quy định, HĐTV hoặc Chủ tịch công ty có thẩm quyền quyết định đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp với giá trị không quá 50% vốn chủ sở hữu được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp tại thời điểm gần nhất với thời điểm quyết định dự án.
Hai chức danh khác nhau nhưng lại được trao quyền lực ngang bằng nhau, vô hình trung tạo ra tình trạng “cha chung không ai khóc”, đùn đẩy trách nhiệm, cạnh tranh quyền lực và quyền lợi lẫn nhau. Từ nhận định đó, Luật gia Lê Công Tâm (Hội Luật gia Bình Định) đặt vần đề: “Tại sao không phải là duy nhất HĐTV mà cả Chủ tịch công ty vẫn được trao quyền quá lớn như vậy ?
Quy định theo kiểu “ai cũng có quyền” chính là “mảnh đất màu mỡ” làm nảy sinh sự xung đột quyền lực, dẫn tới kìm hãm sự phát triển; hoặc làm nảy sinh sự độc đoán, mất dân chủ, coi thường pháp luật của những Chủ tịch công ty thiếu năng lực nhưng thừa “quan hệ”, giỏi phung phí nguồn vốn nhà nước
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành phân tích: “Doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nhà nước đem hàng trăm tỷ đồng đi đầu tư không đúng ngành, không đúng chức năng, không đúng chuyên ngành, thậm chí thiếu hiểu biết, năng lực hạn chế về lĩnh vực đầu tư nên thua lỗ là khó tránh”. Ông nhấn mạnh: “Phải truy cứu trách nhiệm cá nhân, tập thể của các doanh nghiệp, tập đoàn Nhà nước vì những hậu quả đầu tư ngoài ngành gây thua lỗ…".
Quyền lực được giao quá lớn, trong khi đó tại Điều 93, Luật Doanh nghiệp 2014 và các Điều 40, 41 Nghị định số 97/2015/NĐ-CP ngày 19/10/2015 quy định về quản lý người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty TNHH một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ quy định: Chủ tịch và HĐTV chỉ bị miễn nhiệm và bị cách chức khi không còn đủ tiêu chuẩn; có đơn xin từ chức; không đủ năng lực, trình độ; không đủ sức khỏe hoặc không còn uy tín; khi Công ty không hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch hằng năm, không bảo toàn và phát triển vốn đầu tư theo yêu cầu của cơ quan đại diện chủ sở hữu mà không giải trình được nguyên nhân khách quan hoặc giải trình nguyên nhân không được cơ quan đại diện chủ sở hữu chấp thuận; người quản lý doanh nghiệp được có đơn xin từ chức khi không còn đủ uy tín để thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao…
Bình luận về điều luật trên, Luật sư Bùi Phú Tuyên (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, rất khó khả thi vì mang tính kêu gọi hơn là chế tài, hoàn toàn có thể “mua” được khi HĐTV và Chủ tịch công ty không muốn rời khỏi “ghế” quyền lực. Trong khi đó vai trò kiểm tra, giám sát toàn bộ hoạt động kinh doanh của công ty được trao quyền cho Ban kiểm soát có từ 03 – 05 người (nhưng chỉ 01 Trưởng ban là chuyên trách), thậm chí được trao cho 01 kiểm soát viên tùy theo quy mô DN (Điều 102).
“Điều đó góp phần lý giải vì sao hệ thống kiểm soát nội bộ bị tê liệt, không có phản ứng trước vi phạm của một số cá nhân, vi phạm điều lệ DN như báo cáo của Đoàn Giám sát của Quốc hội”, LS Tuyên nêu quan điểm.
Từ một cách tiếp cận khác, Luật sư Lê Hoài Sơn (Đoàn Luật sư Bình Định) cho rằng, việc đầu tư ra ngoài ngành dẫn tới thua lỗ, thất thoát nguồn vốn nhà nước, trong đó có sự yếu kém về quản lý con người, công tác cán bộ tại các doanh nghiệp, tập đoàn Nhà nước có vấn đề bất cập. Thực tế cho thấy, pháp luật dù có chặt chẽ, kín kẽ đến đâu cũng không thể ngăn chặn triệt để những tiêu cực, hạn chế sự thất thoát, lãng phí nguồn vốn nhà nước nếu như không có cán bộ quản lý tốt, đặc biệt là người đứng đầu trong công ty có trách nhiệm cao, giàu nhiệt huyết, có năng lực quản trị giỏi.
Trong khi đó soi từ các quy định hiện hành (Nghị định số 97/2015/NĐ-CP ngày 19/10/2015 quy định về quản lý người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ), muốn trở thành HĐTV hoặc Chủ tịch công ty của các DNNN trước hết phải là người của công ty; hoặc phải là cán bộ, công chức, viên chức, nếu không phải là người của công ty đó (khoản 1 Điều 8) và phải nằm trong quy hoạch nguồn 5 năm một lần, trải qua rất nhiều công đoạn hiệp thương giới thiệu, lấy phiếu quy hoạch… Rõ ràng là người tài rất khó “chen chân”.
Để nguồn vốn nhà nước được giao cho các DNNN được bảo tồn và sinh sôi nảy nở, tạo ra đòn bẩy để thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển thì việc sửa đổi bổ sung những quy định để tăng cường tính phản biện và giám sát trong các DNNN là vô cùng quan trọng.
Song chưa đủ mà cần sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan đến việc kiện toàn nhân lực, nhất là những người đứng đầu trong công ty, tập đoàn kinh tế theo hướng trọng dụng người tài thật sự để đảm bảo có đủ năng lực hoàn thành trọng trách. Tại sao không phải là người ngoài biên chế nhà nước, không tổ chức thi tuyển để tìm kiếm hoặc thuê người tài vào các chức danh quản lý trong các DNNN (?)