Qui định chỉ có giá trị “ tham khảo” đối với tư nhân và những hệ lụy…
Ngoài phạm vi áp dụng đối với việc mua sắm trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập, tại khoản 3 Điều 2 Thông tư này quy định: “Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân tham gia khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) có thể tham khảo áp dụng các quy định tại Thông tư này trong đấu thầu trang thiết bị y tế”.
Qui định như trên có thể được hiểu là các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân tham gia khám bệnh, chữa bệnh BHYT có quyền không áp dụng các quy định tại Thông tư này trong đấu thầu trang thiết bị y tế. Quy định như vậy, rất có thể Bộ Y tế cho rằng, nguồn kinh phí đầu tư trang thiết bị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân là do tư nhân bỏ ra nên không ai dại gì tự “móc túi mình” hay “lấy đá ghè chân mình”… Song thực tế cho thấy không hẳn như vậy, các cơ sở tư nhân khám, chữa bệnh BHYT vẫn “thổi giá” khống thiết bị y tế đầu tư.
Vấn đề đặt ra, họ làm như vậy để làm gì ? Theo Th.s, Luật sư Lưu Bá Khiết, Văn phòng Luật sư Hồng Nguyên & Associates (Đoàn Luật sư TP.HCM), việc mua vào giá thấp nhưng lại viết trong hoá đơn giá cao hơn chính là phương thức hay còn gọi là “lỗ hổng” giúp DN lách luật và nâng giá thành dễ nhất. Việc chi phí tăng, không những giúp DN giảm được khoản thuế TNDN phải nộp, mà còn giúp DN giảm được thuế GTGT phải nộp, bằng cách tăng thuế GTGT đầu vào khấu trừ. Với các phòng khám tư có vốn đầu tư nước ngoài, việc khai tăng trị giá tính thuế so với giá trị thực tế của hàng hóa nhập khẩu còn nhằm để tăng vốn đầu tư và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài….
Còn nhớ năm 2016, xảy ra vụ sai phạm tại Cty TNHH gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Cục Hải quan địa phương này đã giải thích, không loại trừ nghi vấn việc DN khai nâng giá trị máy móc thiết bị nhập khẩu cao hơn nhiều so với giá trị thực tế, nhằm để hướng đến mục đích giảm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và nâng giá tài sản cố định lên cao để thuận lợi trong thế chấp khi vay ngân hàng với số tiền lớn. Tương tự như vậy, việc BMS nâng khống giá trị đối với 2 loại robot tại BV Bạch Mai cũng không loại trừ có thêm động cơ này.
Nghiêm trọng hơn, việc Bộ Y tế cho phép các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân “….có thể tham khảo áp dụng các quy định tại Thông tư này trong đấu thầu trang thiết bị y tế”, nghĩa là có thể tham khảo, chứ không nhất thiết phải áp dụng, phải thực hiện, nghĩa là có thể hiểu các cơ sở này “ được đứng ngoài hành lang pháp lý” trong việc mua sắm trang thiết bị y tế. Như vậy sẽ dẫn đến những hệ lụy như đã phân tích ở trên và hệ lụy như đã xảy ra ở BV Bạch Mai. Một khi giá trị tài sản thiết bị y tế được nâng cao so với giá thực, các cơ sở y tế tư nhân tham gia khám, chữa bệnh BHYT cũng sẽ tận dụng triệt để lý do này để hợp thức hóa việc đẩy chi phí giá thành dịch vụ lên cao, nhằm để “rút ruột” quỹ BHYT và túi tiền người bệnh một cách hợp lý.
Có “vấn đề” trong qui định: “trường hợp giá cao hơn phải giải trình, thuyết minh cụ thể….” ?
Tại khoản 3 Điều 8 Thông tư 14, Bộ Y tế quy định: “Khi lập dự toán giá gói thầu, cơ sở y tế phải tham khảo giá trang thiết bị y tế trúng thầu trong vòng 12 tháng trước đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và Bộ Y tế để làm cơ sở xây dựng đơn giá của từng trang thiết bị y tế”.
Như vậy so với Thông tư 15/2007, Bộ Y tế đã có sự điều chỉnh gấp 2 lần về thời gian tham khảo giá trang thiết bị y tế trúng thầu khi xây dựng dự toán giá gói thầu. Đây là sự điều chỉnh cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở y tế có thêm thời gian trong việc tìm nguồn tương đồng để tham khảo. Cùng với quy định: “Giá kế hoạch của trang thiết bị y tế không được cao hơn giá trúng thầu của trang thiết bị y tế đó đã thực hiện hoặc giá trúng thầu đã công bố”, ít ra còn khống chế được việc “thổi giá” ngay từ khâu lập dự toán gói thầu.
Thế nhưng cũng tại điều khoản trên, ở vế sau của điều khoản lại quy định: “Trường hợp giá cao hơn phải giải trình, thuyết minh cụ thể”. Điều đó có nghĩa, các các cơ sở khám, chữa bệnh vẫn được quyền lập dự toán giá gói thầu thiết bị cao hơn giá trúng thầu của trang thiết bị y tế đó đã thực hiện hoặc giá trúng thầu đã công bố trước đó 12 tháng, với điều kiện có giải trình, thuyết minh hợp lý.
Bình luận về điều khoản trên, Luật gia Bùi Quang Quý (Hội Luật gia tỉnh Gia Lai) cho rằng, quy định trên của Thông tư rất dễ bị lách. Trong xây dựng thì việc điều chỉnh phát sinh giá trị hợp đồng là chuyện như “cơm bữa” và cũng là cứu cánh để cho các nhà thầu xây dựng chấp nhận bỏ thầu với giá thấp, rồi sau đó tìm cách điều chỉnh giá. Cũng như vậy đối với lĩnh vực mua sắm trang thiết bị y tế, để có được bộ hồ sơ chứng từ “đẹp” cho giải trình và thuyết minh hợp lý về việc tăng giá thiết bị không phải là quá khó.
Theo ông Quý, chỉ cần chứng minh được phiên bản mới, đời sản xuất, nước sản xuất… cũng đã thấy có sự vênh nhau về giá hợp lý. Trong khi đó phần lớn các loại trang thiết bị y tế đều được nhập khẩu từ các nước Châu Âu xa xôi, rất khó có cơ hội để người đứng đầu các cơ sở y tế tiếp cận trực tiếp và rất khó để kiểm chứng được giá trị thật…
Vai trò thẩm định giá bị đẩy ra ngoài: trái Luật Đấu thầu và Luật Giá ?
Khoản 1, Điều 35 Nghị định 63/2014 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu 2013 quy định: “Hồ sơ mời thầu phải được thẩm định theo quy định tại Điều 105 của Nghị định này trước khi phê duyệt”.
Thế nhưng điều khó hiểu là đến Thông tư 14/2020, Bộ Y tế không thấy có qui định vai trò của tổ chức thẩm định trong xây dựng giá gói thầu, đối với gói thầu có giá trúng thầu được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và Bộ Y tế trong vòng 12 tháng.
Trước đó trong Thông tư 15/2007 về hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn liên doanh để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ của các cơ sở y tế công lập (điểm a, khoản 4, mục III), Bộ Y tế xác định thông báo của thẩm định giá của cơ quan quản lý giá theo quy định của Nhà nước là 2 trong điều kiện bắt buộc để làm căn cứ xác định giá trị của tài sản sử dụng liên doanh, liên kết.
Vì sao trong vụ án tại CDC Hà Nội cũng như vụ nâng khống giá TBYT tại BV Bạch Mai, việc “thổi giá” có thể dễ dàng được thực hiện? Câu trả lời một phần là do những quy định về thẩm định giá còn nhiều bất cập. Thẩm định viên của các công ty thẩm định giá vì trục lợi đã bất chấp tất cả, “nhắm mắt” ký liều để nâng khống giá thiết bị, máy móc. Một lãnh đạo BV ở Hà Nội cho rằng, việc quản lý, cấp phép các chứng chỉ cho các thẩm định viên quá lỏng lẻo, dễ dãi.
Trao đổi với PV, Luật sư Lê Hoài Sơn, Trưởng VP Luật sư Trung Sơn (Đoàn Luật sư Bình Định) thẳng thắn cho rằng, việc Thông tư 14/2020, loại bỏ vai trò thẩm định giá ra khỏi quy trình xây dựng giá gói thầu, không khác gì buông lỏng công tác quản lý giám sát, để các cơ sở khám chữa bệnh tự xác định giá trên trời, rồi “móc túi” bệnh nhân ?
Mặc dù kết quả thẩm định giá được sử dụng làm một trong những căn cứ để cơ quan, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc có quyền sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật và các bên liên quan xem xét, quyết định hoặc phê duyệt giá đối với tài sản (khoản 1 Điều 42 Luật Giá 2012). Có nghĩa vai trò của thẩm định giá không phải là quyết định. Tuy nhiên, đó là cơ sở pháp lý để các cơ sở y tế xây dựng giá gói thầu phù hợp theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, trong trường hợp gói thầu bị chủ đầu tư “lách” theo hướng chỉ định thầu (vì lý do chỉ có 01 nhà thầu cung cấp duy nhất trên địa bàn có khả năng thực hiện và đáp ứng được yêu cầu của gói thầu – khoản 1 Điều 83 Nghị định 63/CP) thì kết quả thẩm định giá trung thực, khách quan của đơn vị thẩm định giá công bố là cơ sở để khống chế giá trị của những gói thầu bị đẩy giá vô tội vạ.
Hay nói cách khác, nếu vai trò của thẩm định giá được xác định là điều kiện bắt buộc khi xây dựng giá gói thầu trong Thông tư, sẽ góp phần hạn chế được sự bốc hơi nguồn vốn nhà nước trong việc mua sắm trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập nói riêng.
Thay lời kết
Như vậy với việc ban hành Thông tư 14, Bộ Y tế vẫn chưa giải quyết được triệt để sự bất cập về hành lang pháp lý trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở công lập, hay nói cách khác vẫn chưa lấp được hết khoảng trống trong Thông tư 15/2007. Bởi trong đó không chỉ còn tồn tại mà còn “cấy” thêm các quy định mới “ hở sườn” dễ bị “lách” theo hướng tiêu cực, thậm chí trái với quy định của pháp luật về Đấu thầu, về Giá.
Tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ tối 4/9, sau khi nghe Thiếu tướng Xô báo cáo về kết quả điều tra bước đầu về vụ nâng khống thiết bị robot Rosa tại BV Bạch Mai, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, trong tuần tới, Bộ Y tế sẽ ban hành chỉ thị về liên doanh, liên kết xã hội hóa. Điều đó có thể được hiểu, đại diện lãnh đạo Bộ Y tế gián tiếp thừa nhận Thông tư 14/2020 vừa mới ban hành chưa đủ lực để ngăn chặn hành vi “thổi giá” thiết bị y tế trong đấu thầu mua sắm tại các cơ sở y tế khám chữa bệnh công lập ?
Từ kẽ hở trong Thông tư 15/2007 đến Thông tư 14/2020 không chỉ là câu chuyện thiết lập hành lang pháp lý trong đấu thầu trang thiết bị y tế mà còn phản ánh một thực trạng “không mới”, đó chính là quy trình xây dựng và ban hành văn bản dưới luật của các bộ, ngành còn lỏng lẻo, thiếu chặt chẽ, dễ bị lợi dụng. Và dư luận có thể đặt nghi vấn có hay không dấu hiệu lợi ích nhóm trong soạn thảo chính sách để trục lợi ?
Theo: https://phaply.net.vn/chinh-sach-quan-ly-hoat-dong-kinh-doanh-thiet-bi-y-te-mot-so-qui-dinh-trong-thong-tu-14-2020-cua-bo-y-te-trai-voi-luat-dau-thau-va-luat-gia/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn