Vì sao tài xế gây TNGT nghiêm trọng bị tâm thần vẫn bị Công an thị xã An Nhơn khởi tố ?

Chủ nhật - 02/01/2022 21:15
(Phản biện) - Cơ quan CSĐT Công an thị xã An Nhơn vừa quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Thâu (sinh năm 1985, trú tại xã Nhơn Phức, TX An Nhơn) là tài xế xe đầu kéo gây ra vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng vào ngày 31/12 trên tuyến tỉnh lộ qua địa bàn TX An Nhơn, làm 2 người chết và 17 người bị thương. Điều đáng nói là qua kiểm tra, Công an đã phát hiện tài xế có sổ bệnh tâm thần. Như vậy theo quy định pháp luật, tài xế Thâu sẽ được miễn trách nhiệm hình sự, thế nhưng vì sao Công an TX An Nhơn vẫn khởi tố vụ án, khởi tố bị can ???
Luật sư Lê Hoài Sơn
Luật sư Lê Hoài Sơn

1. Với trường hợp người mắc bệnh tâm thần phạm tội, Luật sư Lê Hoài Sơn, Văn phòng luật sư Trung Sơn (Đoàn luật sư Bình Định) phân tích:

Thứ nhất, người tâm thần có những hành vi vi phạm pháp luật gây tổn hại đến tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác là một hiện tượng hết sức nguy hiểm cho xã hội. Pháp luật hiện hành có quy định tình trạng không có năng lực, trách nhiệm hình sự là người thực hiện hành vi thực sự nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tại khoản 2, Điều 49 của Bộ Luật Hình sự (BLHS) 2015 cũng quy định người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 thì trước khi bị kết án cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh và sau khi khỏi bệnh, người đó phải chịu trách nhiệm hình sự.

Để xử lý trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, cơ quan tố tụng cần phải xác định được năng lực trách nhiệm hình sự của người đó. Trường hợp tại thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, người thực hiện hành vi không có năng lực trách nhiệm hình sự thì không phải chịu trách nhiệm hình sự: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”. (Điều 21 BLHS 2015).

Như vậy, căn cứ vào các quy định trên của pháp luật, căn cứ vào vụ việc, Cơ quan Công an TX An Nhơn cần phải khởi tố vụ án và khởi tố bị can để tiến hành các thủ tục để giám định tâm thần đối với người thực hiện hành vi giết người. Căn cứ vào kết luận giám định, Cơ quan tố tụng sẽ áp dụng hình phạt hoặc biện pháp khác đối với người thực hiện hành vi đặc biệt nghiêm trọng của bị can Thâu.

Thứ hai, theo quy định của pháp luật hiện hành, đối với những người tâm thần phạm tội họ có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp có kết luận của Hội đồng giám định y khoa kết luận chỉ bị hạn chế năng lực hành vi thì vẫn có thể bị truy cứu.

Trong trường hợp Hội đồng y khoa cấp có thẩm quyền kết luận giám định họ bị mất năng lực hành vi thì họ sẽ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, về trách nhiệm dân sự, người tâm thần (thông qua người đại diện hợp pháp) vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự cho gia đình các nạn nhân.

“…Hiện chưa có quy định về việc yêu cầu chữa bệnh bắt buộc đối với người bị bệnh tâm thần trong trường hợp chưa có hành vi nguy hiểm cho xã hội. Vì vậy, phần lớn bệnh nhân có dấu hiệu bị bệnh tâm thần thì thường vẫn đang sinh hoạt tự do, không có người quản lý, ngoại trừ gia đình. Nếu trong trường hợp gia đình không phát hiện hoặc ngăn chặn kịp thời trường hợp người tâm thần phát bệnh và có những hành vi vi phạm pháp luật, từ đó rất dễ dẫn đến những vụ việc đau lòng - Đây cũng chính là mối tiềm ẩn gây ra nguy hiểm cao độ cho xã hội” – Luật sư Sơn nhấn mạnh.

Để khắc phục một số bất cập này, Luật sư Sơn đề xuất: Những gia đình có người bị bệnh tâm thần cần chủ động đưa người bệnh đi khám, chữa bệnh. Chúng ta cũng không nên quá trông chờ vào những cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương mà trách nhiệm chính vẫn là từ các gia đình của người có dấu hiệu tâm thần, cần giám sát và tận tâm, chia sẻ, phải đưa người tâm thần đi chữa bệnh kịp thời để phòng những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

                    

hiện trường

                            Hiện trường vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng

2. Việc pháp luật hiện hành quy định tình trạng không có năng lực, trách nhiệm hình sự là người thực hiện hành vi thực sự nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Đây được xem như là “lỗ hổng” để cho những kẻ phạm tội bằng một cách nào đó tạo ra các giấy tờ giả nhằm hợp thức hóa việc “giả tâm thần” hòng thoát vòng lao lý.

BLHS 2015 cũng đã quy định rõ về việc xử lý đối với những người làm công tác giám định làm giả hồ sơ tâm thần. Điều 382 quy định, người làm công tác giám định tâm thần nếu cố tình cung cấp sai sự thật tài liệu, khai báo gian dối dẫn đến việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm thì có thể bị phạt tù từ 3-7 năm, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm. 

Với loại hồ sơ do giám định viên, bác sĩ được phân công kiểm tra, xác nhận thì hành vi của người làm giả sẽ thuộc vào trường hợp thi hành công vụ, nhiệm vụ. Lúc này, họ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi trái pháp luật, trái công vụ được giao. Điều 359 BLHS 2015 quy định, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi: Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; Làm, cấp giấy tờ giả; Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn thì bị phạt tù từ 1-5 năm... Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 11 giấy tờ giả trở lên thì bị phạt tù từ 12- 20 năm.

Nếu người này đã nhận hoặc có hứa hẹn sẽ nhận được lợi ích vật chất hoặc phi vật chất để làm giả hồ sơ bệnh án, thì việc làm giả của họ có dấu hiệu của tội Nhận hối lộ (Điều 354 BLHS 2015), người đưa tiền có dấu hiệu của tội Đưa hối lộ (Điều 364 BLHS 2015)". Còn nếu không chứng minh được tình tiết đã hoặc sẽ nhận lợi ích thì người phạm tội có thể bị xem xét về tội danh Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356 BLHS 2015);

Trong trường hợp người làm giả là những cá nhân không được phân công công việc đó, xác định họ không có chức vụ, quyền hạn đối với việc làm giả. Do đó, họ sẽ không bị định tội danh đối với nhóm về chức vụ, mà có thể xem xét theo tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức (Điều 341 BLHS 2015)./.

Tác giả bài viết: Luật gia Vũ Lê Minh biên tập

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây