Khởi tố bắt giam doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Nhàn và GĐ Sở Y tế Đồng Nai: Cuộc chiến chống tiêu cực của Đảng và Nhà nước không có “vùng cấm” thời gian (!)

Thứ năm - 12/05/2022 06:39
(Phản biện) – Vụ án “Vi phạm quy định về đầu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, vừa bị C03 Bộ Công an khởi tố cách đây mấy hôm, đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Bỡi, không chỉ mức độ nghiêm trọng về hậu quả mà các bị can gây ra mà còn cho thấy, cuộc chiến chống tham nhũng và tiêu cực của Đảng và Nhà nước không có ngoại lệ và “vùng cấm” về thời gian. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thạc sĩ, Luật sư Lưu Bá Khiết – Đoàn Luật sư TPHCM để làm sáng tỏ thêm…
Thạc sĩ, Luật sư Lưu Bá Khiết
Thạc sĩ, Luật sư Lưu Bá Khiết

Cùng với khởi tố bị can và thực hiện các lệnh khám xét, lệnh bắt bị can đối với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty AIC và ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai; Cơ quan điều tra Bộ Công an còn khởi tố, lệnh bắt giam đối với bà Hoàng Thị Thúy Nga (nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty AIC), ông Nguyễn Quang Minh, Nguyễn Tiến Thu, Hoàng Thế Quỳnh (nhân viên Cty AIC); ông Nguyễn Công Tiến (Tổng giám đốc Công ty Thẩm định giá Thế hệ mới), Ninh Văn Sinh (nguyên chuyên viên thẩm định giá), Vũ Quang Ngọc (Phó giám đốc Công ty liên doanh TNHH tư vấn y tế Medicosult Việt Nam). Như vậy liên quan đến vụ án này, đến nay đã có tổng cộng 8 bị can bị khởi tố, bắt giam.


PV: Theo Luật sư những thủ đoạn mà các bị cáo gây ra trong vụ án này có gì khác biệt so với các vụ án đã xảy ra trong ngành Y tế trong thời gian vừa qua ?

Luật sư Lưu Bá Khiết: Kết quả điều tra của CO3 Bộ Công an đã xác định trong vụ án này, hành vi mà các bên thông thầu gây ra gây thiệt hại tài sản Nhà nước có số tiền lên tới 152 tỉ đồng, trong tổng giá trị 476,87 tỉ đồng của 12 gói thầu mà AIC trúng thầu. Nếu nhìn từ thủ đoạn mà các bị cáo gây ra hậu quả không có gì mới so với các vụ sai phạm xảy ra tại BV Bạch Mai, CDC Hà Nội…Tuy nhiên nên nhớ là vào thời điểm đó (2013 - 2015), hành vi vi phạm của các bị cáo chịu sự điều chỉnh bỡi Luật Đầu thầu 2005 (tức chưa có Luật Đấu thầu sửa đổi 2013) nên cũng có thể coi đây là vụ án điển hình về lách luật.

Để gây thiệt hại tài sản của Nhà nước 152 tỷ đồng (chiếm gần 32% giá trị của 12 gói thầu), không loại trừ khả năng các bị cáo đã thông đồng “nhắm” vào các khoảng trống của Luật Đấu thầu và Luật Giá. Đó là sự độc lập của vai trò thẩm định giá (theo quy định tại Điều 29 và Điều 42 Luật Giá 2012), để xây dựng giá gói thầu vượt quá giá trị thực, thay vì đúng giá là 324,87 tỷ đồng, họ đã đôn lên 476,87 tỷ đồng. Thứ hai là các bị can đã “nhắm” vào kẽ hở quy định tại Điều 19 Luật Đấu thầu 2003, cho phép đấu thầu trong trường hợp đấu thầu hạn chế trong trường hợp gói thầu có yêu cầu cao về kỷ thuật. Bỡi vào thời điểm đó, đây là cơ sở y tế được xây dựng trên tiêu chuẩn cao cấp nhất; các trang thiết bị được đầu tư thuộc hàng hiện đại nhất cả nước và ngang tầm khu vực, trên nóc bệnh viện có sân đáp trực thăng…

Từ đó cho đến nay nếu như Luật Giá vẫn “dẫm chân tại chỗ”, thì Luật Đấu thầu đã được sửa đổi bổ sung, trong đó liên quan đến lĩnh vực mua sắm tập trung, mua sắm thường xuyên, mua thuốc, vật tư y tế, Luật Dấu thầu 2013 đã dành hẳn 5 điều luật (từ Điều 48 đến Điều 52) để điều chỉnh. Rất tiếc là những khoảng trống trong Luật Đấu thầu 2005 vẫn chưa được hoàn thiện kín kẽ. Đặc biệt là quy định tại Điều 43 và điểm a, khoản 4 Điều 22 Luật Đấu thầu 2013 cho phép chủ đầu tư được chỉ định thầu trong trường hợp chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện…

 
Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và ông Phan Huy Anh Vũ lúc chưa bị khởi tố


PV: Hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu của các bị can xảy ra từ năm 2013 – 2015, nhưng mãi đến cuối tháng 4/2022, tức sau gần 10 năm, CO3 mới khởi tố vụ án và khởi tố hàng loạt các bị can. Điều đó chứng tỏ các bị can đã giấu mình rất kỹ suốt thời gian dài. Luật sư có bình luận gì dưới góc độ này ?

Luật sư Lưu Bá Khiết: Theo quy định tại khoản 3 Điều 222 BLHS 2015, hành vi sai phạm của bị can Phan Huy Anh Vũ và Phan Thị Thanh Nhàn sẽ chịu trừng phạt của pháp luật, với khung hình phạt tù tối đa lên tới 20 năm. Như vậy căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 9 BLHS 2015: “Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy từ trên 15 năm đến 20 năm tù, tù chung thân hoạc tử hình”, thì hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án này được xác định là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Đối với loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, theo quy định tại điểm d, khoản 2 Điều 27 BLHS 2015, thì thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự lên đến 20 năm. Điều đó có nghĩa, việc khởi tố bắt giam các bị can trong vụ án này là phù hợp với quy định của BLHS hiện hành.

PV:  Với việc khởi tố vụ án và khởi tố các bị can trong vụ án này cho thấy sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong cuộc chiến chống tham nhũng và tiêu cực không có khái niệm về thời gian. Nghĩa là hành vi sai phạm do các bị can gây ra dù có xảy ra hàng chục năm, thậm chí nhiều hơn về thời gian và dù có được che chắn dưới vỏ bọc dày đến cỡ nào vẫn có thể bị lật tung hay bị xới lại bất cứ lúc nào. Tuy nhiên dưới góc độ tố tụng, Luật sư có điều gì trăn trở ?

Luật sư Lưu Bá Khiết: Tại khoản 3 và 4 Điều 222 BLHS 2015 quy định phạm tội gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Rõ ràng, so với số tiền của Nhà nước bị thiệt hại 152 tỷ đồng thì biện pháp chế tài mà pháp luật điều chỉnh đối với hành vi phạm tội của các bị can gây ra trong vụ án này là không tương xứng, hay nói cách khác chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa tội phạm…

Vì vậy qua vụ án này, là thành viên của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, tôi kiến nghị Quốc hội không chỉ sửa đổi bổ sung hoàn thiện những kẽ hở của Luật Giá 2012 và Luật Đấu thầu 2013; mà đối với loại tội phạm này cần phải áp dụng biện pháp chế tài giống như tội Tham ô tài sản (theo quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 353 BLHS 2015). Nghĩa là phải tăng nặng khung hình phạt lên tương xứng với hành vi và hậu quả mà người phạm tội gây ra. Cụ thể là, nếu phạm tội gây thiệt hại về tài sản từ 5 tỷ đồng trở lên sẽ bị phạt tù chung thân hoặc tử hình.

PV: Cảm ơn Luật sư !

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết, dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt điều chỉnh đầu tư tại Quyết định số 1872/QĐ-UBND ngày 21/7/2010 với tổng mức đầu tư 1.904 tỉ đồng, giao Bệnh viện đa khoa Đồng Nai làm chủ đầu tư.

Tác giả bài viết: Minh Trung (thực hiện)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây