Chùa có phải là pháp nhân trong vụ án dân sự?

Thứ năm - 27/02/2020 02:33
ThS. BÙI AI GIÔN ( TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) - Xác định đúng tư cách đương sự trong vụ án dân sự có ý nghĩa quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Trong đó, tranh chấp có một bên đương sự cơ sở tôn giáo như Chùa thì việc xác định đúng tư cách của Chùa có tư cách pháp nhân hay không, có ý nghĩa quan trọng để áp dụng pháp luật cho đúng và thống nhất.
Chùa Nam Sơn (Đà Nẵng) ảnh minh họa của Quốc Cường
Chùa Nam Sơn (Đà Nẵng) ảnh minh họa của Quốc Cường

Chùa có phải là pháp nhân trong vụ án dân sự?

Một vụ án cụ thể

Thông qua, thực tiễn xét xử vụ án dân sự, tác giả đưa ra một vụ án dân sự có một bên đương sự cơ sở tôn giáo cụ thể là Chùa để cùng trao đổi.

Nguyên đơn ông Trần Văn Minh trình bày: Nguồn gốc diện tích 5000m2 đất là do mẹ ông Minh (Bà Lê Thị Anh) (pháp danh TB) nhận chuyển nhượng từ ông Tính vào năm 1977, khi nhận chuyển nhượng hai bên có lập giấy tay. Đến năm 1978, mẹ ông Minh đã cất chùa lấy tên TK, đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 2002 mẹ ông Minh chết không để lại di chúc, ông Minh người thừa kế duy nhất của bà Anh.

Ngày 06/11/2002, ông Minh đã làm văn bản khai nhận di sản thừa kế đã được UBND huyện H xác nhận con duy nhất của bà Anh nhưng chưa kê khai thửa đất trên. Đến năm 2010, ông Minh làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất trên thì được biết đã cấp cho chùa TK. Ông Minh đã khiếu nại UBND huyện H nhưng đã được UBND huyện H trả lời hết thời hiệu khiếu nại và hướng dẫn khởi kiện ra Tòa án.

Ngày 06/10/2014, ông Minh đã làm đơn khởi kiện ra Tòa án yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND tỉnh N cấp cho chùa TK và công nhận thửa đất trên thuộc quyền sử dụng cho ông Minh.

Bị đơn bà Mai Thị Bạch trình bày: Nguồn gốc diện tích 5000m2 đất là do ông Tính khai hoang và lập chùa năm 1964. Đến năm 1977, ông Tính bán cho bà Anh, mẹ của ông Minh. Năm 1987, chùa xuống cấp nên bà Anh đã sửa chữa lại ngôi chùa khang trang hơn. Năm 2002, bà Anh mất, ông Minh tiếp tục ở trên đất và trông coi chùa.

Ngày 01/6/2010, ông Minh có đơn thỉnh nguyện bà Bạch về sinh sống, đơn có xác nhận của ban đại diện Phật giáo xã Z. Đến ngày 12/7/2010, ông Minh lập ủy quyền cho bà Bạch quản lý Chùa và được toàn quyền đứng tên đăng ký xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chùa TK. Giấy ủy quyền trên được lập tại UBND xã Z. Ngày 26/7/2011, bà Bạch được bổ nhiệm trụ trì chùa TK. Đến ngày 18/10/2012, UBND tỉnh N cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên chùa TK. Giữa năm 2012, phần nhà phía sau Chùa bị sụt lún nên bà Bạch đổ móng nâng mặt bằng thì ông Minh đã đập hết.

Bà Bạch khẳng định chùa TK là tài sản của giáo hội Phật giáo tỉnh N vì trước kia bà Anh tu đã là sư Bà và xây dựng Chùa để tu. Nếu là cơ sở tư nhân thì không gọi là chùa mà cốc, am và người tu chỉ được gọi cư sĩ. Điều này được thể hiện tại hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nay, bà Bạch khởi kiện yêu cầu ông Minh phải trả lại diện tích đất cho chùa TK; còn 100m2 phía sau Chùa, bà Bạch đồng ý cho ông Minh ở.

Tại phiên tòa bà Võ Thị Mai Bạch rút lại đơn khởi kiện.

Giáo hội phật giáo tỉnh N trình bày: Chùa TK cơ sở tôn giáo do bà Anh thành lập năm 1978. Tháng 6 năm 2010, ông Minh con bà Anh là người trông coi chùa đã làm đơn thỉnh nguyện mời bà Bạch về làm trụ trì để chăm lo ngôi tam bảo và hướng dẫn tu tập. Bà Bạch quản lý, lập thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tôn giáo và giải quyết mọi hoạt động Phật sự tại chùa TK. Căn cứ nội quy, quy định của Giáo hội và pháp luật nhà nước về Luật Đất đai đối với cơ sở tôn giáo, diện tích đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc tôn giáo quản lý, không thuộc diện đất do cá nhân, tổ chức chuyển nhượng, tặng cho, hiến cúng.

Bản án của Tòa án nhân dân tỉnh N nhận định bà Bạch là trụ trì chùa TK, chùa TK không phải là pháp nhân, nên bà Bạch đại diện Chùa khởi kiện không đúng, không có quyền khởi kiện. Tại phiên tòa bà Bạch rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện nên căn cứ khoản 2 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự, đình chỉ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Ông Minh có yêu cầu phản tố hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho chùa TK và công nhận thửa đất trên thuộc quyền sử dụng của cho ông Minh. Do đó, Tòa án xác định ông Trần Văn Minh nguyên đơn, bà Mai Thị Bạch bị đơn. Trong quá trình xét xử, Tòa án đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Minh và tuyên hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho chùa TK.

Người đại diện cơ sở tín ngưỡng

Vấn đề đặt ra, cơ sở tôn giáo cụ thể Chùa TK có tư cách pháp nhân hay không? Và Tòa án xác định bà Mai Thị Bạch bị đơn có đúng hay không?

Tòa án cho rằng chùa TK không có tư cách pháp nhân nên bà Bạch đại diện Chùa khởi kiện không đúng, không có quyền khởi kiện. Tại phiên tòa bà Bạch rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện nên Tòa án đình chỉ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Ông Minh có yêu cầu phản tố hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho chùa TK và công nhận thửa đất trên thuộc quyền sử dụng của cho ông Minh. Do đó, ông Trần Văn Minh nguyên đơn, bà Mai Thị Bạch bị đơn. Tuy nhiên, căn cứ theo Điều 11, Điều 13 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 quy định:

“ Điều 11. Người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng

1. Cơ sở tín ngưỡng phải có người đại diện hoặc ban quản lý để chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động diễn ra tại cơ sở tín ngưỡng.

2. Người đại diện hoặc thành viên ban quản lý cơ sở tín ngưỡng phải là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có uy tín trong cộng đồng dân cư”.

“ Điều 30. Tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc

1. Tổ chức tôn giáo là pháp nhân phi thương mại kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.

2. Tổ chức tôn giáo đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 29 của Luật này cấp đăng ký pháp nhân phi thương mại cho tổ chức tôn giáo trực thuộc khi đáp ứng các điều kiện quy định tại các khoản 5 và 6 Điều 21 của Luật này.

3. Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục cấp đăng ký pháp nhân đối với tổ chức tôn giáo trực thuộc”.

Do đó, tác giả cho rằng, trong vụ án này chùa TK là pháp nhân phi thương mại kể từ ngày UBND tỉnh N cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong vụ án này thì chùa TK là bị đơn, bà Mai Thị Bạch là người đại diện theo pháp luật của chùa TK. Do đó, Tòa án xác định bà Mai Thị Bạch là bị đơn và tuyên hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho chùa TK đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của chùa TK.

Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của quý độc giả.

Theo: https://tapchitoaan.vn/bai-viet/xet-xu/chua-co-phai-la-phap-nhan-trong-vu-an-dan-su

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây