Nhìn lại sự tác động của chính sách pháp luật về đầu tư và dự báo kinh tế Việt Nam năm 2020

Thứ ba - 25/02/2020 02:31
Bất chấp những khó khăn, thách thức, năm 2019, nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, năng suất nâng cao, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế đã được khẳng định. Theo các chuyên gia kinh tế, đó là nhờ trong thời gian qua, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong cải cách về thể chế và môi trường kinh doanh…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

                    Bài viết của Luật gia Lê Văn Trung
         (Đã đăng tải trên Pháp lý điện tử số Xuân Canh Tý 2020)

 
Một phiên họp Chính phủ

Tác động từ 2 đạo luật

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 10/2019, cả nước có 114.400 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 1.434,4 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4% về số lượng và tăng 28,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018 (trong đó vốn đăng ký bình quân 1 DN thành lập mới đạt 12,6 tỷ, tăng 23,1%), nâng tổng số DN hiện có lên tới 829.400 DN và khoảng 5,5 triệu hộ kinh doanh. Cũng theo Tổng cục Thống kê, nếu tính cả 1.730,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các DN thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 9 tháng là 3.021,2 nghìn tỷ đồng.

Trong khi đó, theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố về tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 10 tháng đầu năm 2019, cả nước có 3.094 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 25,9% số dự án so với cùng kỳ năm 2018. Số lượng các đoàn sang làm việc, tìm hiểu cơ hội đầu tư tăng khá mạnh, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu cũng ghi nhận lượng góp vốn, mua cổ phần tăng rất mạnh trong 10 tháng đầu năm 2019. Cụ thể trên cả nước có 7.509 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 10,81 tỷ USD, tăng 70,5% so với cùng kỳ 2018 và chiếm 37,1% tổng vốn đăng ký. Lý giải về việc lượng góp vốn mua cổ phần tăng sôi động như hiện nay, theo các chuyên gia, thủ tục đơn giản, thuận tiện chính là điều kiện khiến ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn đầu tư vào Việt Nam theo hình thức góp vốn, mua cổ phần…

Riêng trong tháng 10/2019, cả nước có 7.247 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 109,9% so với cùng kỳ năm trước (ảnh minh họa)

Theo các chuyên gia kinh tế, kết quả trên là hệ quả của chính sách pháp luật ngày càng được hoàn thiện và tương thích với xu thế hội nhập. Trong đó tác động trực tiếp và rõ nét nhất từ 2 đạo luật: Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Đây là những đạo luật đánh dấu sự quyết tâm cải cách pháp luật đối với doanh nghiệp của Nhà nước ta, bằng sự thay đổi mang tính đột phá là thể chế hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo Hiến pháp năm 2013. Từ triết lý bao trùm “đã kinh doanh, phải xin phép” và “có phép mới được quyền kinh doanh”, thậm chí không chỉ là giấy phép mà còn phải được sự đồng ý của công chức nhà nước có thẩm quyền (Luật DN tư nhân và Luật Công ty ban hành năm 1991 – những luật đầu tiên của kinh tế thị trường Việt Nam), đến Luật DN 1999 đã thay đổi toàn bộ, căn bản triết lý và khung tư duy. Trong đó, những thay đổi điển hình là bỏ giai đoạn xin phép thành lập, chỉ đăng ký kinh doanh với thủ tục đơn giản, bỏ quy định “làm gì cũng phải xin phép”, theo đó hàng nghìn “giấy phép không tên” và cả những giấy phép “có tên” không cần thiết được bãi bỏ.

Đến Luật DN 2015, gần như mọi rào cản đã được gỡ bỏ, với quy định: Danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định cụ thể và chỉ Quốc hội mới có quyền quy định ngành nghề kinh doanh có điều kiện…

Đồng hành với Luật DN là Luật Đầu tư 2014, với các quy định được cho là tạo thêm hành lang pháp lý thông thoáng hấp dẫn cho DN, như: Thời gian cấp Giấy chứng nhận đầu tư rút ngắn còn 15 ngày; bãi bỏ quy định cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư trong nước và thời hạn hoạt động của dự án đầu tư được nâng lên tối đa 70 năm… Hệ quả từ sự gia tăng số lượng DN được thành lập mới cùng với kết quả thu hút các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đã góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam. Theo số liệu mới nhất của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam, GDP năm 2019 có thể đạt 7,02% (vượt so với dự báo của ADB trước đó).

Đặc biệt trên lĩnh vực thương mại điện tử, Statista dự đoán, giá trị thương mại điện tử Việt Nam 2019 sẽ đạt hơn 2,8 tỉ đô la Mỹ trong năm 2019, tăng 25,5% so với năm ngoái. Tốc độ tăng trưởng lũy kế hàng năm, giai đoạn 2019 – 2023 ước đạt 12% và doanh thu thị trường sẽ chạm mức hơn 4,4 tỉ đô vào năm 2023…

Chính sách điều hành linh hoạt

Sẽ là phiến diện nếu cho rằng nền kinh tế tăng trưởng trông cậy tất cả vào hệ thống pháp luật nói chung và 2 đạo luật “mở” nói trên, nếu như không nhìn thấy được vai trò điều hành của Chính phủ. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chỉ ra một nguyên nhân khác, đạt được kết quả đó là nhờ tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ mở rộng quyền tự do kinh doanh, đồng thời đổi mới chức năng quản lý Nhà nước, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh phù hợp với các nguyên tắc quốc tế và cam kết hội nhập của Chính phủ Việt Nam.

Bước vào thực hiện nhiệm vụ 2019, trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động, thách thức, Chính phủ đã ban hành đồng thời (cùng ngày 01/01/2019) 02 Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP, trong đó ưu tiên nhấn mạnh những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đến ngày 01/4/2019, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị 09/CT-TTg để “hâm nóng” các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đặt ra trong năm 2019 bằng các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019…

Có thể thấy tinh thần xuyên suốt các Nghị quyết, Chỉ thị và các văn bản ban hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong năm qua là: Nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế. Thứ hai, xây dựng bộ máy liêm chính, hành động phục vụ, tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Mọi cấp, mọi ngành, nhất là cấp trung gian, cấp cơ sở liên quan trực tiếp đến người dân phải làm tốt khâu này, chấm dứt tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.

Nhà máy sản xuất ô tô và xe máy điện VinFast tại khu công nghiệp Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng)

Cùng với đó, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phải quán triệt sâu sắc phương châm: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”; tập trung rà soát, xây dựng, sửa đổi các chính sách, thủ tục hành chính làm cản trở sản xuất kinh doanh như cắt giảm các thủ tục kinh doanh không cần thiết, không để xảy ra chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra; đáp ứng nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro… Đồng hành là vai trò của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia và Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia thường xuyên nghiên cứu, đánh giá, phân tích tình hình biến động trong nước và thế giới để tư vấn cho Chính phủ và các Bộ, ngành đối sách phù hợp. Ban Chỉ đạo điều hành giá phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương phân tích, có phương án điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình, mức độ phù hợp, tránh dồn vào một thời điểm để bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát; tăng cường thông tin truyền thông về điều hành giá khách quan, minh bạch.

Tại Diễn đàn kinh tế 2020 do VCCI tổ chức ngày 5/12/2019, với chủ đề “Tích luỹ động năng cho chu kỳ tăng trưởng mới”, dẫn báo cáo của U.S. News & World Report, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), TS. Vũ Tiến Lộc phấn khởi cho biết: Việt Nam đã nhảy vọt từ vị trí 23 năm 2018 lên vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cũng thuộc mức cao so với các nước ở trong châu Á. Các chỉ tiêu về lạm phát, thâm hụt ngân sách hay quy mô dự trữ ngoại hối đều được cải thiện… Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động thì đây là những con số hết sức có ý nghĩa, góp phần tăng cường sức chống chịu với những cú sốc có thể diễn ra trong tương lai của nền kinh tế Việt Nam.

Đánh giá kết quả điều hành của Chính phủ trong năm 2019, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ đã giữ ổn định kinh tế vĩ mô tương đối tốt, thể hiện tăng trưởng kinh tế tương đối cao trong điều kiện lạm phát thấp, giảm được thâm hụt ngân sách, cũng như nợ công, tăng dự trữ ngoại hối kỷ lục.

Dự báo năm 2020: Cơ hội và thách thức

Chủ tịch VCCI nhấn mạnh tại Diễn đàn Kinh tế năm 2020: “Chúng ta có một hệ số tương đối yên lòng để có thể phát triển trong thời gian tới. Nhưng chúng ta mong muốn có sự phát triển hơn nữa thì cần phải nỗ lực hơn nữa”. Ông Lộc cảnh báo, nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam sẽ phải dè chừng nguy cơ từ xu thế tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế thế giới trong thập niên tới. Đó còn là chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, mâu thuẫn địa chính trị, chính sách tiền tệ khó dự đoán của các nước, nợ công cao… sẽ mang đến những thách thức lớn khó lường.

Mặc dù tăng trưởng kinh tế tương đối cao so với các nước trong khu vực, song theo các chuyên gia kinh tế, tăng trưởng GDP tiềm năng vẫn giữ xu hướng giảm. Điều này đặt ra những cảnh báo về vấn đề cần củng cố chất lượng tăng trưởng.

Trong khi đó, Ngân hàng ADB nhận định, những nỗ lực không ngừng của Chính phủ Việt Nam nhằm cải thiện môi trường kinh doanh cùng với xếp hạng tín nhiệm quốc gia gần đây được cải thiện sẽ kích thích đầu tư tư nhân. Nếu căng thẳng thương mại Mỹ – Trung tiếp tục leo thang, nhiều doanh nghiệp sản xuất có thể cân nhắc chọn Việt Nam như một cơ sở sản xuất thay thế, tạo thêm động lực mới cho luồng vốn đầu tư FDI. Việc ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu gần đây và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương hứa hẹn sẽ mở ra khả năng tiếp cận thị trường cho các hoạt động thương mại và đầu tư.

Công ty Samsung điện tử Việt Nam tại KCN Yên Phong, Bắc Ninh

Năm 2020, ADB khuyến cáo, nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với một số rủi ro, trong đó, nếu tình trạng căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ khiến thương mại toàn cầu tiếp tục sụt giảm, tạo ra nhiều biến động đối với thị trường tài chính quốc tế. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động thương mại và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Trong khi đó nhìn từ chính sách pháp luật vẫn còn nhiều bất cập, việc xây dựng và ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật còn chậm. Còn có sự nhận thức, hiểu và hành xử khác nhau, thiếu sự phối hợp trong thực hiện Luật DN giữa các cơ quan, địa phương. Cùng với đó, nhiều vấn đề liên quan đến các văn bản pháp luật khác chưa được điều chỉnh tương thích, thậm chí việc đưa thêm các điều kiện kinh doanh còn làm khó cho DN.

Tại Diễn đàn Kinh tế năm 2020, Phó Viện tưởng CIEM, Phan Đức Hiếu đã chỉ ra 5 loại chi phí mà DN đang phải gánh hiện nay, đó là: Chi phí về thủ tục hành chính, chi phí phí và lệ phí, chi phí đầu tư, chi phí cơ hội và chi phí phi chính thức. Chưa kể những chi phí này đang làm “méo mó” thị trường như chi phí không chính thức. “Kết thúc tháng 6/2018 là thời hạn các Bộ, ngành phải cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh, nhưng ai dám đảm bảo từ đó đến nay, những điều kiện kinh doanh mới được các Bộ, ngành ban hành ít hơn cái cắt giảm?” – ông Hiếu hoài nghi.

Như vậy cho đến thời điểm này, quyền tự do kinh doanh ít nhiều vẫn bị hạn chế bởi một số quy định bất hợp lý, một số ngành nghề vẫn áp dụng nguyên tắc để kiểm soát. Hay nói cách khác, đầu tư kinh doanh chưa an toàn, rủi ro chính sách, pháp luật và thực thi còn cao và phức tạp. Điều này khiến cho DN khó tiên liệu trước được trong tuân thủ pháp luật. Trong đó, một trong những bất cập lớn nhất của Luật DN hiện hành là “hậu kiểm” chưa rõ ràng, khiến cho DN thiếu công cụ đáng tin cậy để bảo vệ lợi ích của mình…

Từ thực tế trên, có thể thấy động lực cải cách hiện nay đang có vấn đề, nếu không cẩn trọng sẽ biến thành “cải cách ngược”. Các chuyên gia kinh tế chỉ ra nguyên nhân chính là Việt Nam đang thiếu một cơ quan điều phối giám sát và thực thi cải cách. Chúng tôi đồng tình với đề xuất của Phó Viện tưởng CIEM Phan Đức Hiếu, trong điều kiện hiện nay, việc Chính phủ cần cân nhắc thành lập mô hình cơ quan giám sát ban hành và thực thi pháp luật như các nước đang làm là cần thiết.

Năm 2020 cũng là năm Quốc hội sẽ thông qua Luật DN (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật về PPP. Kỳ vọng những quy định bất cập, là rào cản cho đầu tư kinh doanh củ DN thời gian qua sẽ được sửa đổi, góp phần tạo đà cho kinh tế VN “cất cánh”.

Chủ tịch VCCI, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: “Chủ nghĩa bảo hộ và sự bế tắc của chủ nghĩa đa phương, sự biến đổi khí hậu và sự già hoá dân số… là những nhân tố tác động cản trợ tới sự tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới. Niềm tin và sự đầu tư của cộng đồng DN sẽ quyết định sự tăng trưởng của nền kinh tế. Và muốn bứt phá hơn, động lực cải cách chính là thể chế mà trước hết là thể chế đối với DN…”

Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng Chính phủ đã nỗ lực thì cần phải nỗ lực hơn nữa. “Vấn đề thực thi rất bất cập, có những Nghị định, Thông tư biết chắc chắn chưa tốt cho DN nhưng 1 năm mới sửa đổi, ví dụ Nghị định 20 về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết…” – TS Lực dẫn chứng.


Nguồn:https://phaply.net.vn/kinh-te-viet-nam-nam-2019-tang-toc-nhin-lai-su-tac-dong-cua-chinh-sach-phap-luat-dau-tu-va-du-bao-nam-2020/ 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

TƯƠNG TÁC NHIỀU

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây